Cứ nghĩ mình là đứa trẻ chưa lớn cho đến khi làm người khác thật sự tổn thương
Một câu chuyện cũ đã nhiều năm
Tôi có nền tảng là một học sinh giỏi văn khi còn đi học ở trường, kể cả ở cấp một, cấp hai, hay cấp ba. Đối với tôi, bài tập làm văn là một bài kiểm tra mà tôi tận hưởng nó thay vì bị cảm thấy áp lực bởi nó (dù thật sự có một chút áp lực về câu chữ và việc giành giật hạng nhất trong lớp). Và cũng không ngẫu nhiên mà bài tập làm văn của tôi không bao giờ dưới tám điểm, và trong mục bình luận của giáo viên chưa bao giờ thiếu những lời khen dành cho câu chữ, ngôn từ, cách trình bày, nét chữ cái của tôi. Đó cũng là những yếu tố mà một người giáo viên dạy văn mong muốn học trò của mình hiểu và áp dụng, bởi cách con người ta học sẽ là cách con người ta sống, con người ta làm, mà, giáo viên dạy văn thì không chỉ dạy về câu chữ, về văn từ, mà thông qua đó, gửi gắm những bài học cho cuộc sống, uốn nắn con người.
Nếu một lớp học có những đứa học cực kỳ giỏi, hoặc cực kỳ chăm ngoan (đó là những gì mà giáo viên hay phê vào sổ liên lạc của tôi về cho phụ huynh), thì cũng không thể thiếu những thành phần bất hảo, báo đời, chống đối nhà trường và xã hội. Hơn thế nữa, nó chống đối văn học. Nếu các cụ ta xưa có sống lại thì cũng phải chào thua trước những áng văn đi vào lòng đất của những thành phần bất hảo. Đơn cử như việc viết về tà áo dài và cảm nghĩ của em về chiếc áo dài trắng thời học sinh. Bao nhiêu ý tứ lãng mạn, đẹp đẽ được mở ra (trong tôi), thì bấy nhiêu sự thô kệch trong bài tập làm văn của phe bất mãn với văn học. Bời vì thay vì nói "áo dài nhớ áo dài mong thời học sinh thân thương biết mấy" thì nó lại chân thực đến "vì tà áo dài làm vướng víu nên em phải giắt nó vào lưng quần". Văn này thì giáo viên cũng phải chịu.
Trình độ viết văn đến thế thì năm điểm thật sự là một điều tuyệt vời. Nhưng sự thật không tuyệt vời đến vậy, và rõ ràng là bài văn này xứng đáng với số điểm nó được nhận. Hai điểm.
Tiết mục nóng nhất trong tiết văn nếu không là đọc to cho cả lớp cùng nghe bài văn hay nhất thì thật sự không còn tiết mục nào có thể hấp dẫn hơn. Nó được đọc bởi cô giáo, cả bài hay nhất từ trên xuống và từ dưới lên.
Thành phần bất hảo cảm thấy mình bị đem ra làm trò cười cho cả lớp, sau khi nhận lại bài tạp làm văn của mình và sau một trận cười bò của cả lớp, nó xé toạc bài tập làm văn của chính mình, trước mặt cô giáo, trước mặt bài văn hay nhất từ trên đếm xuống, và trước ánh mắt không mấy gì là ngạc nhiên với những trò cá biệt trước giờ của nó, nhưng hốt hoảng, và thậm chí lo rằng, lớp này sẽ lại có thêm một đứa bị hạ hạnh kiểm vào loại thấp nhất.
Đã mười hai năm vì vậy mà tôi không thật sự nhớ hết tất cả những gì mình có thể nghe cô giáo nói với thành phần bất hảo lúc đấy, trước mặt bài văn hay nhất từ trên đếm xuống và trước ánh mắt không mấy gì là ngạc nhiên nhưng hốt hoảng đó. Duy nhất một câu cô giáo nói, khắc sâu trong đầu tôi từ khoảnh khắc đó cho đến bây giờ. Vì vậy, tôi phải trích nguyên văn câu nói đó rằng:
"- Cho dù em có dùng keo để dán lại bài tập làm văn đó, thì em cũng không thể nào dán lại được vết nứt trong lòng tôi."
Nhưng tôi nhớ thì cũng không có ích gì, vì người cần nhớ phải là thành phần bất hảo kia.
Sau đó, không thấy nó xe bất kỳ bài tập làm văn nào nữa, vì nếu nó lại làm thế, thì chưa chắc nó đã học cùng cấp với tôi từ năm tiếp theo và được ngồi chung một lớp chỉ có ba mươi học sinh và một giáo viên. Trong trường hợp đặc biệt, có thể sẽ phải học bằng cách đứng trước cả nghìn người và sau lưng có khoảng năm giáo viên giám thị từ các phòng ban đặc biệt.
Nhưng tôi nhớ thì cũng không có ích gì, vì tôi đã làm trong lòng ai đó, có một vết nứt không thể dán lại được.
Và không phải bỗng dưng mà hôm nay tôi nhớ lại câu nói ấy:
"- Cho dù em có dùng keo để dán lại bài tập làm văn đó, thì em cũng không thể nào dán lại được vết nứt trong lòng tôi."
Hy vọng tôi sẽ nhớ ngày hôm nay, với những gì mình đã làm.
Tôi vẫn cứ ngỡ mình là trẻ con mãi cho đến khi làm ai đó thật sự tổn thương.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất