Đúng như tiêu đề, bài viết này sinh ra khá nhảm nhí theo kiểu “cái sảy nảy cái ung”, nguyên do bắt đầu từ việc mấy hôm trước mình đọc cuốn Lịch sử giao thương của Alphabook, vừa đọc vừa ăn… khoai lang.
Trong sách tác giả có một số đoạn nhắc tới việc khi người Châu Âu đến Châu Mỹ và mở giao thương, đã khiến một số loại thực phẩm bản địa được phát tán ra khắp thế giới, như bí ngòi, bí ngô, đu đủ, bơ, dứa, cà phê, ca cao…
Mình nhìn vào củ khoai lang đang ăn và thắc mắc là khoai lang có nằm trong số các loại cây “nhập khẩu” đó không và lịch sử của loại cây này ở nước ta như thế nào? Nên mình quyết định tự tìm hiểu một chút.
*************************************************************************



Đầu tiên, chúng tôi định nghĩa cơ bản, khoai lang là loài thực vật, có danh pháp khoa học là Batatas, danh pháp khoa học đầy đủ Ipomoea batatas, thuộc liên bộ Cà (Solananae), bộ khoai lang (Convolvulales), họ khoai lang (Convolvulaceae). ([53]tr 40, 309) Là loài cây nông nghiệp với các rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, được dùng là nguồn cung cấp thực phẩm.

1) Nguồn gốc.
Trong bộ bách khoa The Cambridge history of food, nhóm tác giả đưa ra thông tin là cây khoai lang (yams, sweet potato) có nguồn gốc ở Châu Mỹ, nhưng từ thời kỳ tiền Columbus (trước năm 1492), đã xuất hiện tại các vùng thuộc châu Đại Dương như Đa Đảo (Polynesia), Micronesia, Malaysia. Đến thời hậu Columbus cây khoai lang được phát tán rộng rãi ra các khu vực khác nhau trên thế giới. ([21]tr 207 – 216)

Cụ thể hơn, về nguồn gốc cây khoai lang từ Châu Mỹ. Thì các dấu tích cổ nhất đến từ Nam Mỹ, trong hệ thống hang đá Tres Ventanas tại thung lũng Chilca Canyon thuộc Peru, đã có dấu vết gieo trồng, tích trữ và sử dụng của các loại củ đậu, khoai lang và khoai tây, kể cả ở những di tích có độ tuổi hơn 8000 năm TCN ([9]tr 56)  

Các dấu vết tương tự của khoai tây và khoai lang cũng được tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ thời Tiền gốm sứ (khoảng 2000 TCN), ở Huaynuma, và các di chỉ thời kỳ Sơ khởi (Initial Period,1800 – 1500 năm TCN), tại Pampa de las Llamas-Moxeque ([51]tr 401 – 415), hay của thời Đầu gốm sứ Tortugas (Early Ceramic Tortugas) ([52]tr 5), đều nằm trong thung lũng sông Casma, Peru.
Ngoài ra các di chỉ tương tự khác tại Peru còn được thấy ở Ventanilla, thuộc thành phố Callao (2000 – 1200 năm TCN), tại thung lũng sông Chillon. ([41]tr 114)

Hoặc tại khu di chỉ khảo cổ ở Ancon, quận Ancon, tỉnh Lima, miền trung Peru, trong lớp địa tầng văn hóa thứ 3 thuộc khu vực Las Colinas với niên địa trong khoảng 1400 – 1175 năm TCN. ([42] tr 120, 121)
Như vậy, các chứng tích khảo cổ đã cho thấy cây khoai lang xuất hiện ít nhất 8000 năm TCN và xuất hiện với tư cách cây trồng được thuần hóa ít nhất 2000 năm TCN ở Nam Mỹ.

2) Phát tán
Quá trình khoai lang phát tán ra phạm vi toàn cầu chia làm 2 mốc như đã nói ở trên là tiền và hậu Columbus. Lưu ý, nói tiền và hậu Columbus ở đây là đề cập tới mốc khi người châu Âu lần đầu xuất hiện tại các khu vực và có khả năng phát tán các giống cây trồng từ châu Mỹ, chứ không phải nói tới mốc cố định là trước và sau năm 1492.
Ba vùng  Polynesia (Đa đảo) -  Melanesia - Micronesia


*) Thời kỳ Tiền Columbus:
- Tại vùng Đa Đảo (Polynesia), chứng tích về lịch sử ngôn ngữ học cho thấy cư dân thời kỳ Tiền – Đa Đảo đã dùng một cụm từ cổ là kumala để gọi khoai lang ([31] tr 349, 350). 
- Kết hợp giữa các chứng tích lịch sử ngôn ngữ học với khảo cổ học, một số tác giả đưa ra thông tin về dấu vết của cây khoai lang ở quần đảo Marquesas vào khoảng những năm 300, trong khi đó ở hai quần đảo Tonga và Samoa thì dấu vết xuất hiện lâu hơn trong khoảng 1100 – 1000 năm TCN ([19]tr 3). Nguyên nhân là do ở 2 quần đảo này có sự xâm nhập sớm của văn hóa Lapita từ Melanesia vào khoảng 1500 năm TCN ([34]tr 53)  
- Bằng chứng quan trọng nhất về sự xuất hiện của khoai lang tại Đa Đảo là việc tìm thấy khoai lang trong di chỉ khai quật kí hiệu MAN – 44, tại đảo Margaia nằm trong quần đảo Cook, niên đại trong năm 1000. ([10]tr 887 – 893)

- Tại New Zealand, các bằng chứng khảo cổ học sớm nhất về sự xuất hiện của khoai lang, có thể tồn tại trong các kho chứa cổ đại, có niên đại khoảng thế kỷ 13 - 14 thuộc khu vực Sarahs Gully ([18]tr 45), khu vực Kaupokonui, Moturua, Skipper Ridge ([39]tr 245)

- Vào những năm 80 - 90 tại New Zealand, các dấu vết của các kho chứa thực phẩm tại di chỉ khai quật mã số N15/44 tại đảo Bay, đã tìm thấy khoai lang được chôn trong đó ([12]tr 85), đất cánh tác cổ đại có dấu vết của khoai lang cũng được phát hiện ([13]tr 241 – 248). Các kho chứa này được dân địa phương gọi là “Haratua’s pa”, niên đại thuộc thời Tiền sử. ([4]tr 33 – 35).

- Tại đảo Hawaii, các nhà khảo cổ học tìm thấy dấu vết của các mẩu tro than từ khoai lang trong tàn tích các đống lửa, tro bếp, bếp lò với niên đại dao động từ những năm 1400 tới 1765 ([32]tr 381 – 383), Jame Cooks và những người Châu Âu đầu tiên đến Hawaii năm 1778.

- Tại đảo Phục Sinh, khi Jacob Roggeveen đến đảo năm 1722, đã ghi nhận khoai lang là cây trồng chính của đảo, các dấu vết khảo cổ thuộc số hiệu E – 2, cho thấy khoai lang trong các bếp lửa, và dụng cụ nấu nướng có niên đại vào khoảng năm 1500 – 1600 ([2]tr 297, 303)

- Ở Micronesia, tại quần đảo Caroline, việc phân tích quang phổ hồng ngoại các chất cặn hữu cơ đọng lại trong đồ gốm sứ tại di chỉ Rungruw, đã xác nhận sự có mặt của khoai lang và khoai môn vào niên đại năm 50 SCN ([14]tr 419 – 425)

Như vậy, thời kỳ Tiền Columbus, cây khoai lang từ quê hương Châu Mỹ phát tán chủ yếu tới các đảo thuộc Trung Thái Bình Dương, và Châu Đại Dương.

*) Hậu Columbus
- Với sự gia tăng của thương mại và giao lưu quốc tế, khoai lang xuất hiện nhanh và phát tán rộng hơn
- Tại châu Âu sau những chuyến thám hiểm của mình Christopher Columbus và Gonzolo Fernandez de Oviedo đã giới thiệu giống khoai lang  với người Châu Âu, ban đầu dưới ảnh hưởng của ngôn ngữ Tây Ba Nha – Bồ Đào Nha, chúng được gọi bằng tên batata và padada. ([1]tr 55)

- Tại Trung Quốc, có nhiều giả thuyết về sự du nhập của cây khoai lang. Đầu tiên là giống khoai lang do các thương gia Trung Quốc mua từ đảo Luzou, Philippines, sau đó đến tỉnh Phúc Kiến, được tổng đốc tỉnh Phúc Kiến cho nhân giống để chống nạn đói vào năm 1594. Giả thuyết thứ 2 là giống khoai lang đã theo các cảng biển phía Đông Nam của Chương Châu mà du nhập vào, nhưng thời gian ục thể chưa rõ. Cuối cùng, có thể giống khoai lang đã có mặt tại Trung Hoa trước năm 1594, vào năm 1563 khoai lang được ghi nhận là xuất hiện tại quận Tali gần Burma (Myanmar) khi đó thuộc lãnh thổ Trung Quốc, có thể khoai lang đã xâm nhập thông qua cả đường bộ lẫn đường biển, quan Ấn Độ và Burma, trước khi được nhân giống rộng rãi năm 1594. ([37]tr 193, 194)  

- Tại Nhật Bản, vào năm 1615, khoai lang lần đầu được một nhà máy của Anh tại thành phố Hirado, tỉnh Nagasaki giới thiệu cho cư dân địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lệnh từ Mạc Phủ Tokugawa ban hành năm 1616 cấm ngoại thương đến Nagasaki và Hirado. Các nhà máy và cơ sở nước ngoài phải đóng cửa về nước, giống khoai lang cũng không được người Nhật chú ý, và phải tới năm 1674, mới một lần nữa mới được du nhập từ Trung Quốc để giải quyết nạn đói. ([7]tr 716- 723, 724) (chúng tôi sẽ nói cụ thể hơn một chút về Trung Quốc ở phần sau)

- Tại Ấn Độ và Đông Nam Á, giống khoai lang được người Bồ Đào Nha mang tới Ấn Độ ([40]tr 217),  cũng người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16 đã mang khoai lang từ Brazil tới các khu vực Đông Nam Á như Macao, Ambon, Timor, quần đảo Maluku, Malaysia  ([11]tr 132), đến Philippines, Cebu, đảo  Guam….( [8]tr 161–384).

- Tại Châu Phi, cây khoai lang du nhập vào đồng thời với thời kỳ đẩy mạnh buôn bán nô lệ châu Phi của thực dân Tây Ba Nha và Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16. ([11] 129–136)

3) Cây khoai lang ở Việt Nam

Tìm kiếm thông tin về việc khoai lang xuất hiện ở nước ta khi nào là cả một thách thức, vì gần như không có tư liệu cụ thể đề cập tới và các nghiên cứu cũng không nhiều.

Trong khả năng của mình, chúng tôi tìm được nghiên cứu của PGS. TS Vũ Đình Hòa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trong đó khẳng định cây khoai lang du nhập vào Việt Nam cuối thế kỷ 16 từ đảo Luzon, Philippines hoặc có thể từ vùng Phúc Kiến ([15]tr 189)

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Trung Quốc là Đàm Chí Từ, thì khoai lang trong niên hiệu Vạn Lịch nhà Minh, được Trần Ích người Quảng Đông lấy giống từ Việt Nam và Trần Chấn Long, người Phúc Kiến lấy giống về từ Philippines, sau đó cây được trồng rộng rãi ở 2 tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến. ([6]tr 26)

Như vậy, 2 nguồn tài liệu cho chúng tôi 2 thông tin có phần khác nhau. Để đảm bảo chắc chắn, chúng tôi đã tiến hành khảo cứu sâu hơn trên các sử liệu gốc của Việt Nam lấy mốc là từ thời điểm thế kỷ 16 trở về trước.

Có được các kết quả như sau:
- Trong tập thơ Nôm Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi, soạn sau khi về hưu trí ở Côn Sơn năm 1438. Ở bài Mạn thuật số 1, có câu “Ngày tháng kê khoai những sản hằng” ([29]tr 403)

- Trong tập thơ Nôm Hồng Đức quốc âm thi tập sáng tác trong thời kỳ trị vì của mình (1460 – 1497), Lê Thánh Tông có bài thơ vịnh Khoai (Vu) ([23]tr 169):
Nảy nảy khoai, chỉn giống lành
Vun trồng đã cậy có xanh xanh
Cha con đã chổng đoàn dù tán
Cháu chắt càng nhiều nhựa vuốt nanh
Khảm kể ruộng nương danh trửng giả
Bữa ăn chuông vạc lộc công khanh
Nẻo ra (nếu là) thì phá lấy ngôi trước
Một đám nhà ta ai dám tranh.


- Trong Đại Việt sử ký toàn thư, thời Lê Chiêu Tông (1516 – 1522), nhà Lê Sơ đã sắp đến hồi cáo chung, cảnh khủng hoảng và loạn lạc diễn ra khắp cả nước. Tháng 7 năm 1518, xảy ra loạn Nguyễn Kính, quân nổi loạn tấn công cả vào kinh thành Thăng Long, khiến Chiêu Tông phải chạy loạn sang dinh Bồ Đề ở Gia Lâm. “...đến quá trưa chưa ăn cơm, dân gian có người đem bánh khoai dâng lên.” ([27]tr 805)

Trong khả năng khảo cứu của chúng tôi, đây là các tư liệu duy nhất của nước ta trước thế kỷ 16 có nhắc tới khoai.

Vấn đề đặt ra ở đây là từ “khoai” nhắc tới trong 3 tài liệu này là khoai gì? Thì cần phải tiếp cận với văn bản Hán Nôm gốc.

Nguyên văn chữ Nôm trong Quốc âm thi tập "𣈜𣎃稽芌仍産恒" ([30]tr b23)
Phần giải nghĩa liên quan của nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương trong Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển cho hay.
"Khoai: 魁, Nôm 芌. Chuyên trỏ các loại khoai nói chung, nhưng thường là trỏ khoai lang... Xét 'khoai' là từ gốc Việt, nhưng đã được dịch sang tiếng Hán."([45]tr 176)

Nguyên văn chữ Nôm ([24]tr 49a) trong Hồng Đức Quốc âm thi tập
乃乃𧃷㐱種𡅐
捹𢲣㐌𢚁固𣛟𣛟
吒𡥵㐌董團𢂎伞
𡥙𡦫強𡗉預𤔯𤘓
坎𠸥𤲌埌名長者
𩛷咹終鑊祿公卿
𡀮罗時𢯏𥙩𡾵𠓀
沒盎茹些埃噉爭

Phần chú giải của sách Thơ văn Lê Thánh Tông và hội Tao Đàn cho rằng trong bài thơ này, câu “cha con đã chổng đoàn dù tán” miêu tả dọc khoai hướng lên trời, lá khoai tròn trông như cá í tán. Câu “Cháu chắt càng nhiều nhựa vuốt nanh”, miêu tả hình ảnh củ khoai cái sinh ra nhiều mầm khoai, trông như móng vuốt, các mầm này có nhiều nhựa. Các đặc điểm sinh học trên không thể là của cây khoai lang, vì đó là loại cây thân thảo dạng dây leo, bò trên mặt đất, củ là phần rễ phình to ra, không có củ cái hay dọc khoai. Mà chỉ có thể là của giống khoai sọ (Colocasia antiquorum), khoai môn (Colocasia esculenta), hoặc các loại khoai thuộc họ Ráy (Araceae). ([53]tr 45, 177)


Nguyên văn chữ Hán trong Toàn thư là “民間有以芋頭糕者” (Dân gian hữu dĩ vu đầu cao giả) ([28]tr 480),“bánh khoai” trong bản gốc chữ Hán là “vu đầu cao” (芋頭糕). 
Tra cứu thêm một số từ điển cổ, chúng tôi có các kết quả như sau.
Trong từ điển Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ có chú.
Vu là khoai ([46]tr 333), (nguyên văn: 芋芌 ) ([35]tr 27a)
Tôn si: như trên (tức là khoai) ([46]tr 333), (nguyên văn: 蹲鴟同上 ) ([35]tr 27a).
Tử vu: khoai môn ([46]tr 333),( nguyên văn: 紫芋罗門芌) ([35]tr 27a)
Thủy vu: khoai nước ([46]tr 333), (nguyên văn: 水芋罗渃芌) ([35]tr 27a)
Điền vu: khoai sọ ([46]tr 333), (nguyên văn: 田芋罗壽芌) ([35]tr 27a)

Trong một tác phẩm khác của Phạm Đình Hổ là Quần thư tham khảo:
"Vu tục gọi là khoai. Củ to là khôi, tục gọi là khoai nạ, củ nhỏ là nãi, tục gọi là nàng ả, nàng hai. Nãi nghĩa là vú. Củ nãi bám trên dưới bốn bên củ khôi, lớn nhỏ như những cái vú, nên mới gọi là nãi. Có loại hoàng vu, tục gọi là khoai hương. "([36]tr 113)

Tổng kết lại, các tài liệu Việt Nam cho khá ít thông tin về cây khoai lang, trong 3 dẫn chứng trên 1 dẫn chứng rõ ràng nói về khoai sọ, khoai môn, còn lại không thể xác định rõ.

Chúng tôi tiếp tục tiến hành tìm kiếm trong các tư liệu của Trung Quốc và rút ra được một số thông tin như sau:
- Các loại khoai đã được người Trung Quốc biết đến rất sớm, nhưng chủ yếu là các giống khoai thuộc họ Ráy (Araceae) hay Taro.

- Khác với giống khoai lang có nguồn gốc Châu Mỹ, các loại khoai họ Ráy có nguồn gốc châu Á, cụ thể hơn là tại Ấn Độ hoặc Myanmar ([26]), được thuần hóa vào khoảng 8000 – 10000 năm TCN, là một trong những cây trồng được thuần hóa sớm nhất trong lịch sử. ([20]tr 169 – 201) ([33]tr 57 – 74), vì thế không có gì lạ khi các loại khoai họ Ráy xuất hiện và được trồng rất lâu đời ở Trung Quốc lẫn Nhật Bản ([17]tr 177).

- Sử liệu Trung Quốc ghi nhận sự xuất hiện của khoai họ Ráy từ rất sớm:
+) Trong Sử ký phần Hạng Vũ bản kỷ ghi lại lời của Hạng Vũ trước trận Cự Lộc (năm 207 TCN), “Kim tuế cơ dân bần, sĩ tốt thực dụ thục” (Nguyên văn: 今歲饑民貧, 士卒食芋菽) ([47]tr 83)
Các bản dịch ra tiếng Việt đều khá nhất quán khi dịch là “Nay năm đói, dân nghèo, sĩ tốt ăn rau ăn khoai” ([48]tr 65) hoặc “ăn khoai đậu” ([49]tr 188)

- Từ điển Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (khoảng thế kỷ thứ 2) dưới thời Hán có chú về cây khoai: lá to rễ lớn kinh người, xưa gọi là khoai (nguyên văn: 大叶实根骇人者, 故谓之芋) ([16]tr 209)

- Trong cuốn thực vật học y học của Trung Quốc Thần Nông bản thảo kinh, (thời Tam Quốc), khi viết về vị thuốc Trạch Tả, có chú thêm: “còn có tên là Thủy tả, tên khác là Mang vu (khoai gai), tên khác nữa là Cốc tả.” (nguyên văn: 一名水泻, 一名芒芋, 一名鹄泻) ([22]tr 57)

- Sách Dị vật chí của Dương Phụ thời Đông Hán (25 – 220), khi miêu tả cây chuối ở nước ta (Giao Châu) viết “cây chuối, lá to tựa cái chiếu, thân như thân khoai” (nguyên văn: 芭蕉, 葉大如筵席。其莖如芋) ([5]tr 50)

- Quảng Chí của Quách Nghĩa Cung thời Tấn ghi nhận 14 hạng khoai các loại.([38])

- Phong thổ kí của Chu Xứ thời Tây Tấn có viết về cây khoai: sinh lan, phần rễ như quả trứng ngỗng, trứng vịt. (nguyên văn: 蔓生, 根如鵝, 鴨卵) ([3]tr 122)

- Bộ từ điển Quảng Vận thời Tống có hoàn thành những năm 1007 – 1008 của Trần Bành Niên viết: “ Khoai: còn có tên là Tồn si, Quảng Nhã nói là dân Thục Hán lấy khoai làm lương tiền, thường có 14 hạng khác nhau. Củ to như cái đấu” (nguyên văn: 一名蹲鴟廣雅云蜀漢以芋爲資凡十四等大如斗魁) ( [44]tr 28)

Tổng kết lại, cây khoai mà tư liệu Trung Quốc trước thế kỷ 16 miêu tả lại cũng vẫn là các giống khoai thuộc họ Ráy, khá phù hợp với thông tin trong nguồn của phương Tây chúng tôi đã dẫn.
Tranh minh họa các loại khoai Taro phổ biến từ trái qua phải: Cyrtosperma chamissonis - Colocasia esculenta - Xanthosoma sagittifolium - Alocasia macrorrhizos. Minh họa bởi Tim Galloway ([21] tr 220)

Tuy nhiên, khá bất ngờ là trong chính các tư liệu này chúng tôi lại tìm thấy thông tin ngoài dự kiến về giống khoai lang.
- Theo Dị vật chí của Dương Phụ ghi lại các loại sản vật của Giao Châu có viết: “Khoai lang tựa như khoai, cũng có củ to, bóc vỏ ra thì thịt củ trắng như mỡ đông, người phương Nam chuyên ăn coi ngang lúa gạo. Củ này hấp hay nướng lên thì đều có vị thơm ngon, đem ra mời khách cũng bày ra giống như mời trái cây vậy .” (nguyên văn: 甘藷似芋, 亦有巨魁。剝去皮,肌肉正白如脂肪。南人專食, 以當米穀。蒸, 炙皆香美。賓客酒食亦施設, 有如果實也.) ([5]tr 28, 29)

- Nam phương thảo vật trạng của Từ Trung viết vào thế kỷ 5 SCN, có ghi chép: “Khoai lang gieo vào tháng 2, đến tháng 10 là thành củ, to thì như trứng ngỗng, nhỏ thì như trứng vịt, đào lên rồi hấp chín mà ăn có vị ngọt bùi; để nhiễm gió lâu ngày thì củ bèn nhạt dần. Xuất xứ từ Giao Chỉ, Vũ Bình, Cửu Chân, Hưng Cổ”.  (nguyên văn:甘藷, 二月种, 至十月乃成卵。大如鵝卵, 小者如鴨卵。掘食, 蒸食, 其味甘甜。經久得风, 乃淡泊出交趾, 武平, 九真, 興古也) ([50]tr 28)

Cây khoai lang trong các tư liệu trên được gọi bằng cụm từ Cam thự (甘藷 - khoai ngọt). Tra cứu các từ điển trước thế kỷ 16 của Trung Quốc thì cụm từ này không thấy xuất hiện. Chữ Thự (藷) thường được dùng để gắn với cây mía. Ví dụ từ điển Thuyết văn giải tự chú  “Thự: chỉ cây mía” (nguyên văn: 藷 - 藷蔗也) ([16]tr 88), Từ điển Quảng vận cũng định nghĩa gần tương tự ([43]tr 70)
Chỉ khoảng sau thế kỷ 16 từ Cam thự mới xuất hiện trong tư liệu, ví dụ năm 1752 dưới thời Càn Long nhà Thanh có Lục Diệu, từng làm Bố Chính sứ ở tỉnh Sơn Đông, đã viết ra Cam thự lục (甘藷录), một tác phẩm chỉ nói về các kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây khoai lang.([25])

Như vậy, ở đây đã xuất hiện một sự “vênh” và mâu thuẫn về mặt tư liệu lịch sử.
Các tư liệu đều có xu hướng khẳng định cây khoai lang phải đến thế kỷ thứ 16 mới có mặt ở khu vực Đông Nam Á, nhưng ghi chép trong tư liệu cổ thì lại cho thấy từ cuối thời Đông Hán nước ta đã có giống khoai lang. Nếu ghi nhận này của Dị vật chí và Nam phương thảo mộc trạng chính xác thì tại sao phải mất tới hơn 13 thế kỷ cây khoai lang mới đến được Trung Quốc? Không chỉ Trung Quốc mà cũng không có bất cứ sự ghi nhận nào về việc cây khoai lang từ nước ta du nhập vào các quốc gia khác như Chiêm Thành, Ai Lao...hoặc ngược lại?
Và ngần đó thời gian tung tích của cây khoai lang gần như mất tích trong các dòng sử liệu Việt Nam?

Bản thân miêu tả trong Nam phương thảo mộc trạng lẫn Dị vật chí đều chưa rõ ràng, không nêu được đặc điểm hình dáng sinh học thường thấy của khoai lang, nếu như không được ghi rõ bằng từ Cam thự thì người viết dựa vào miêu tả cũng khó luận nổi là viết về khoai lang.
Trong điều kiện tư liệu hiện có, chúng tôi tạm thời không thể đưa ra kết luận nào về ghi chép của Dị vật chí và Nam phương thảo mộc trạng, chỉ có thể xếp nó vào dạng nghi vấn.
Tổng kết lại, chúng tôi cho rằng cây khoai lang ở Việt Nam, đã xuất hiện trước so với ở Trung Quốc, và du nhập vào Trung Quốc. Thời điểm có mặt của giống khoai lang ở nước ta chưa rõ ràng, nhưng khả năng cao nhất là từ đầu thế kỷ 16. Một nghi vấn khác là cây khoai lang đã có ở nước ta từ ít nhất cách đó hơn 1000 năm, tuy nhiên chưa có bằng chứng thuyết phục hơn cho nghi vấn này ngoài các ghi chép ngắn ngủi của nước ngoài.


Tài liệu tham khảo.
1) Alphonse de Candolle, The origin of cultivated plants (1959), New York.
2) Arne Skjolsvold, Archaeology of  Easter Island (1961), Santa Fe, N.Mex, Vol.1, Site E-2, a circular dwelling, Anakena, tr 295 – 303.
3) Chu Xứ (周處), Phong Thổ kí (風土記), dẫn theo Tề dân yếu thuật (齊民要術), Cổ Tư Hiệp (賈思勰), trích từ bản in trong Càn Long ngự lãm Tứ Khố Toàn Thư hội yếu (乾隆御覽四庫全 書薈要), Chiết Giang đại học đồ thư quán (浙江大学图书馆), Quyển 1, Chủng vu đệ thập lục (種芋第十六) (ctext.org)
4) Douglas Sutton, The Pouerua project: Phase II, an interim report (1981), đăng trong tạp chí New Zealand Archaeological Association Newsletter, Vol.27, tr 30 - 38.
5) Dương Phụ (楊阜), Dị vật chí (異物志), dẫn theo Tề dân yếu thuật (齊民要術), Cổ Tư Hiệp (賈思勰), trích từ bản in trong Càn Long ngự lãm Tứ Khố Toàn Thư hội yếu (乾隆御覽四庫全 書薈要), Chiết Giang đại học đồ thư quán (浙江大学图书馆), Quyển 10.
6) Đàm Chí Từ, Tìm hiểu những cống hiến của người Việt và văn hóa Việt Nam đối với văn hóa Hán qua tư liệu Hán Nôm và sử liệu Trung Quốc (2004), đăng trong tạp chí Hán Nôm, số 01/2004
7) Edmund Simon, The introduction of the sweet potato into the Far East (1914), đăng trong tạp chí Transactions on the Asiatic Society of Japan, Vol. 42, tr 711 – 724.
8) Elmer D. Merrill,  The botany of Cook’s voyages (1954) đăng trong tạp chí Chronica Botanica, Vol. 1, tr 161 - 384.
9) Frederic Engel, "Exploration of the Chilca Canyon, Peru," (Feb - 1970), đăng trong tạp chí Current Anthropology, Vol. 11, no.1, tr 55 – 58.
10) Hather, Jon, and Patrick V. Kirch, Prehistoric sweet potato (Ipomoea batatas) from Mangaia Island, central Polynesia (1991), đăng trong tạp chí Antiquity, Vol. 65, tr 887–893.
11) Harold C. Conklin,  The Oceanian-African hypotheses and the sweet potato (1963) đăng trong Plants and the migrations of Pacific peoples,  J. Barrau, Honolulu, tr 129 – 136
12) Helen Leach,  B. Foss Leach, Prehistoric man in Palliser Bay (1979), Wellington, The significance of early horticulture in Palliser Bay for New Zealand prehistory, tr 241 – 248.
13) Helen Leach, J. Wilson, From the beginning, (1987), Wellington; The land, the provider: Gathering and gardening, tr 85 – 94.
14) Hill, H. Edward & John Evans, Crops of the Pacific: New evidence from the chemical analysis of organic residues in pottery (1989), đăng trong Foraging and Farming, D. R. Harris and G. C. Hillman, Londom, tr 418 - 425.
15) Hoa, Vu Dinh (Vũ Đình Hòa), Sweetpotato Production and Research in Vietnam (1998), đăng trong Proceedings of the International Workshop on Sweetpotato Production System: Toward the Twenty-first Century, Kyushu National Agricultural Experiment Station (KNAES),  Miyazaki, Japan.
16) Hứa Thận (許慎), Thuyết văn giải tự (說文解字), (1985), Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục (中華書局).
17) Janet H. Petterson, Dissemination and use of the edible aroids with particular reference to Colocasia (Asian Taro) and Xanthosoma (American Taro) (1977), luận án (Ph.D – thesis), University of Florida.
18) Jack Golson, Culture change in prehistoric New Zealand, (1959), đăng trong Anthropology in the South Seas, Freeman J. D – Geddes W. R, New Plymouth, New Zealand, tr 29 – 74.
19) Jesse D. Jennings, The prehistory of Polynesia (1979), ed. J. D. Jennings, 1–5, Cambridge, Mass.
20) Karl Hutterer, The natural and cultural history of South East Asian agriculture (1983),.  trong tạp chí Anthropos, Vol 78, tr 169–201.
21) Kenneth F. Kiple, Kriemhild Conee Ornelas, The Cambridge history of food, (2000), Cambridge, Cambridge University Press, Volume one
22) Khuyết danh, Thần Nông bản thảo kinh (神農本草經), (1959),  Bắc Kinh, Thương vụ ấn thư quán (商務印書館)
23) Lê Thánh Tông, Thi ca Việt Nam tuyển chọn - Thơ Nôm Lê Thánh Tông và hội Tao Đàn (2000), Kiều Văn (Tuyển chọn), NXB Đồng Nai.
24) Lê Thánh Tông ( 黎聖宗), Hồng Đức quốc âm thi tập (洪 德國音詩集), (1946 – 1956), Maurice Durand, bản chép tay lấy nguồn từ Maurice Durand Papers: Series II: Han Nom texts with Vietnamese, Yale Collection Manuscripts and Archives, Yale University Library, (library.yale.edu)
25) Lục Diệu (陆耀), Cam tự lục (甘藷录), bản in của Chiêu đại tùng thư (昭代叢書)  (ctext.org)
26) Massal Emile, Jacques Barrau, Food plants of the South Sea Islands (1956), Noumea, New Caledonia.
27) Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (2009), Cao Huy Giu dịch, Hà Nội, NXB Văn học.
28) Ngô Sỹ Liên (吳士連), Đại Việt sử ký toàn thư (大越史記全), 1884, Nhật Bản, Tokyo, Thực Sơn Đường (埴山堂), tập 2, Chinese Text Project - 中國哲學書電子化計劃 (ctext.org)
29) Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi toàn tập, (1976), Hà Nội, NXB Khoa học xã hội.
30) Nguyễn Trãi (阮廌), Quốc âm thi tập (國音詩集), (1868), Phúc Khê nguyên bản.
31) O’Brien, Patricia J, The sweet potato: Its origin and dispersal (1972), đăng trong tạp chí American Anthropologist, Vol 74, tr 342–65.
32) Paul Rosendahl and D. E. Yen, Fossil sweet potato remains from Hawaii, (1971), đăng trong tạp chí Journal of the Polynesian Society, Vol 80, tr 379 – 385
33) P. Bellwood, Plants, climate and people (1980). Đăng trong Indonesia, Australia perspectives, J. J. Fox, Canberra, Australia, tr 57 – 74.
34) Peter S. Bellwood, The Polynesians: Prehistory of an Island People (1978), Thames and Hudson.
35) Phạm Đình Hổ, Nhật Dụng thường đàm, (1851) Tự Đức thứ 4, Đồng Văn Trai tàng bản; Bản R. 1726 Thư viện Quốc gia Việt Nam; Bản Scan của Vietnamese Nom Preservation Foundation (VNPF, USA)
36) Phạm Đình Hổ, Tuyển tập thơ văn (1998), Trần Anh Kim dịch, Hà Nội, NXB Khoa học xã hội.
37) Ping-ti Ho (何炳棣 - Hà Bỉnh Lệ), The introduction of American food plants into China (1955), đăng trên tạp chí American Anthropologist, Vol.57, tr 191 - 201.
38) Quách Nghĩa Cung(郭義恭) , Quảng Chí (广志), baike.baidu.com
39) R. Garry  Law, Pits and kumara agriculture in the South Island (1969), đăng trong tạp chí Journal of the Polynesian Society, Vol 78, tr 223 - 251.
40) Silvio Zavala, New world contacts with Asia (1964), đăng trên tạp chí Asian Studies, Vol. 2, tr 213 - 222.
41) Thomas C. Patterson, Edward P. Lanning, Changing settlement patterns on the central Peruvian coast, (1964), đăng trên tạp chí Nawpa Pacha, No.2, tr 113 – 123.
42) Thomas C. Patterson, M. Edward Moseley, Late preceramic and early ceramic cultures of the central coast of  Peru, (1968), đăng trên tạp chí Nawpa Pacha, No.6, tr 115 – 133.
43) Trần Bành Niên (陳彭年), Đại Tống trùng tu quảng vận (大宋重修廣韻), trích từ bản in trong Khâm Định tứ khố toàn thư (欽定四庫全書), quyển 3. (ctext.org)
44) Trần Bành Niên (陳彭年), Đại Tống trùng tu quảng vận (大宋重修廣韻), trích từ bản in trong Khâm Định tứ khố toàn thư (欽定四庫全書), quyển 4. (ctext.org)
45) Trần Trọng Dương, Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển (A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese), (2014), Hà Nội, NXB Từ điển Bách khoa.
46) Trần Trọng Dương, Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt Nhật Dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ, (2016), Hà Nội, NXB Văn học, Thực phẩm môn đệ thập nhất.
47) Tư Mã Thiên, Sử Ký (2015), Phan Ngọc dịch, Hà Nội, NXB Văn học.
48)Tư Mã Thiên, Sử Ký (2014), Trần Quang Đức dịch, Hà Nội, NXB Văn học, Bản kỷ.
49) Tư Mã Thiên (司馬遷), Sử ký (史记), trích từ bản in trong Khâm Định tứ khố toàn thư (欽定四庫全書), quyển 4. (ctext.org)
50) Từ Trung (徐衷), Nam phương thảo vật trạng (南方草物状), dẫn theo Tề dân yếu thuật (齊民要術), Cổ Tư Hiệp (賈思勰), trích từ bản in trong Càn Long ngự lãm Tứ Khố Toàn Thư hội yếu (乾隆御覽四庫全 書薈要), Chiết Giang đại học đồ thư quán (浙江大学图书馆), Quyển 10. (ctext.org)
51) Ugent, Donald, Shelia Pozorski, Thomas Pozorski, Prehistoric remains of the sweet potato from the Casma valley of Peru, (1981), đăng trong tạp chí Phytologia, Vol 49, tr 401 – 415.
52) Ugent, Donald, Linda W. Peterson, Archaeological remains of potato and sweet potato in Peru, (September, 1988), đăng trong Thông tư của trung tâm khoai tây quốc tế (International Potato Center Circular), vol. 16, no 3, tr 1–10.
53) Võ Văn Chi, Sách tra cứu tên cây cỏ Việt Nam (2007), Tp Hồ Chí Minh, NXB Giáo dục.