Hình ảnh hoàng hôn đẹp và yên bình sẽ khiến bạn cảm thấy sự thanh thản trong tâm hồn 5

Ừ đấy, mà không phải mỗi mình bạn hay tôi đâu. Làm gì có chuyện tự nhiên lại có hàng ngàn câu ca dao về nỗi buồn hay bao nhiêu bài thơ khai thác cái khung cảnh này được. Nhưng tại sao cơ chứ? Sao không lấy buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối ấy? Cứ phải chọn buổi chiều để buồn mới được là sao?
Kết quả hình ảnh cho ảnh cô gái tựa cửa
Không phải chiều nhưng nó buồn nên lấy tạm.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
Hay là hàng tá những câu tương tự
Chiều chiều xách giỏ hái rau...
Chiều chiều ra đứng bờ sông...

Tuổi thơ của ai cũng phải gắn liền với một hai câu. Dù là từ bà, từ mẹ hay từ cái ghế nhà trường, mấy câu ca dao này cứ quấn lấy ta, không dứt ra được.




Về mặt sinh học, nếu không ngủ trưa thì cơ thể sẽ làm việc từ 6 giờ sáng đến tận 3, 4, 5 giờ chiều tức là trung bình 11 tiếng cơ thế làm việc liên tục. Dĩ nhiên là bộ não của bạn sẽ bị suy nhược và "biểu tình" đòi nghỉ ngơi. Thường thì ta sẽ chỉ gà gật một chút thôi, sau đó sẽ tỉnh lại ngay ấy mà. Nhưng khi buồn ngủ mà lại không có "ngủ", thứ còn sót lại chỉ là buồn thôi. (Đây là một bài tâm trạng chứ không phải phân tích phản ứng cơ thể, lol).

Kết quả hình ảnh cho chiều vàng

Chiều xuống, cái hình ảnh mà có lẽ ai cũng có vinh dự chiêm ngưỡng không chỉ một lần. Lúc đó vàng lắm. Vàng hoe, vàng xuộm, vàng lịm, vàng ối, vàng sáng, vàng xọng, vàng giòn, vàng mượt, chả giống cái nào cả. Cái vàng của buổi chiều nó không gắt như những trưa hè, nó tối tối, mờ mờ, và làm ta buồn da diết.
Hồi còn bé, vì là con giáo viên nên nó phải ở trường chờ mẹ họp xong để đưa nó về. Ngồi trên bậc thang nhìn chúng bạn về hết, ngáp ngắn ngáp dài mà thời gian cứ như trêu ngươi. Lúc đó, với trí óc của một thằng nhóc thì chỉ thấy sân trường nó thật im, tưởng chừng như nghe được tiếng lá bàng cọ xát vào đất bởi gió. Nắng phủ xuống, êm dịu. Nó vô tình ngủ lúc nào không biết. Đến lúc mẹ gọi dậy thì đã tối tự lúc nào.
Còn nhỏ thì không lo xa, nhưng cứ đến chiều là lại buồn. Chả biết buồn vì cái gì. Vẩn vơ nghĩ sau này mình chết rồi sẽ thế nào? Kiếp sau mình sẽ ra sao? Bực quá lắc lắc đầu vài cái rồi cứ kệ xác mớ suy nghĩ đấy. Để rồi nó lại ghé thăm vào những chiều hôm sau.

Đến khi lớn lên một chút, khi mạng xã hội dần phổ biến ở Việt Nam, và cái sự "cô đơn" với những ly cà phê vào buổi chiều tà dần dần được tôn lên như một thứ gì đấy thần thánh lắm, nó mới bắt đầu để ý kỹ đến buổi chiều. Khi lũ bạn ào vào quán net hay phi thẳng về nhà, nó cố gắng đạp xe thật chậm. Nó nhìn kỹ mọi cảnh vật bên đường, nhìn từng giọt nắng chảy nhẹ trên cánh đồng lúa đang làm đòng, nhìn những cái bóng người lưa thưa dưới nắng chiều tà. Và rồi nó lại buồn. Đi học hàng ngày vì cái gì? Cứ sáng đi tối về để làm cái gì? Sao lại buồn chảy nước ra thế này? Thôi cứ kệ nó, ngắm tiếp đã.

Ảnh nhà nó
Rồi đến một buổi chiều, nó nhìn thấy màu vàng. Tràn qua khắp các khe cửa, mái nhà, tán cây, nó phủ xuống khắp làng khắp xóm. Đẹp, nó chỉ nghĩ vậy. Cái đầu óc của một thằng nhỏ dốt văn khó mà có thể tìm được những cảm xúc và ngôn từ phù hợp để lột trần vẻ lộng lẫy của buổi chiều lúc đó. Có một chút... xúc động. Một chút... ngỡ ngàng. Một chút... lạ lẫm mà thân quen. Một chút... buồn.
Buồn vì cô bạn trên lớp từ chối nó. Buồn vì bài kiểm tra điểm kém mà vẫn ngồi ngắm buổi chiều. Buồn vì vẫn chưa làm được gì cho thế giới. Buồn vì vẫn chưa tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình. Buồn vì nhìn vào cảnh vật xung quanh. 
Ta thường thấy mấy ông nhà văn nhà thơ thần thánh nỗi buồn quá. Chủ yếu là để sách bán chạy hay theo thuật ngữ ngày nay thì gọi là "câu view" cũng chẳng sai. Buồn chỉ là một cảm xúc nhất thời mà ta cần dùng nó để cân bằng cuộc sống. Để làm cho sợi dây cảm xúc đang căng được chùng xuống. Để ta tiếp tục mỉm cười và đứng lên. Chỉ vậy thôi.
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.