Cứ Sợ Đi, Nhưng Cứ Làm Đi!
10 năm trước, 2013, mình bắt đầu từ Sing sang Úc để học chuyển tiếp từ bậc cao đẳng....
Sợ 1
10 năm trước, 2013, mình bắt đầu từ Sing sang Úc để học chuyển tiếp từ bậc cao đẳng.
Khi ấy, mình cũng chẳng biết gì về Úc. Lý do duy nhất mình nghĩ tới việc đi Úc là vì một, Sing chán quá, và hai, Úc gần VN và nghe có vẻ ...tây hơn. Vì vậy, ngay từ bước chọn ngành học ở Úc, mình đã chọn với tâm thế là mình kiểu gì cũng sẽ về VN. Cuối cùng, mình đã chọn học Marketing vì nghĩ rằng, Marketing sẽ liên quan nhiều tới Sales (ngớ ngẩn, mình biết), tức là sẽ phải nói nhiều, và như vậy thì sẽ giúp cho mình cải thiện được tiếng và hỗ trợ việc về VN dạy tiếng Anh sau này.
Một kì đầu của bậc ĐH là chuỗi ngày mà bố mẹ ở nhà thường xuyên gọi điện sang khuyên bảo, động viên để mình nghĩ lại và chọn con đường định cư. Họ gọi cả cho mấy người bạn cùng nhà - những người đều đang phấn đấu để định cư - để nhờ họ giúp mình thay đổi quyết định. Nhưng mình vẫn cương quyết, bởi gia đình mình ở VN, bạn bè ở VN, tại sao lại phải ở đây? Rồi mấy người bạn cùng nhà, mỗi khi nói về việc định cư là lại tối sầm mặt lại ca thán là khó lắm, vất vả lắm, kể về bao câu chuyện của những người đã hy sinh bao nhiêu năm mà vẫn chưa đạt được nó. Thế là càng không dám đi con đường đó.
Đó là chưa kể, bố mẹ đặt việc định cư lên vai mình với trọng trách là "vẽ đường cho con cháu sau này". Sợ không? Sợ chứ! Với thằng con trai mới 20-21 tuổi đầu, ăn chơi bay nhảy còn chưa thấy đủ, tự dưng bị gánh cái trọng trách đấy, nặng nề vậy ai muốn làm? Vậy nên nhất quyết vẫn không muốn.
Rồi sau 1 kì ở Úc, mình thấy cuộc sống cũng không tới nỗi nào. Nhớ nhà nhớ bạn thì đã có video call, có facebook. Cũng vơi đi được nhiều. Vậy nên mình thay đổi suy nghĩ "Thôi thì, đằng nào cũng ở đây rồi. Cứ kiếm được cái định cư. Còn định cư rồi mà vẫn muốn về thì cứ về. Chí ít là mình vẫn có 2 nơi để qua lại thay vì một".
Vấn đề là, con đường định cư là một canh bạc quá lớn. Nó sẽ là một con đường dài hạn ít nhất là 5 năm, với rất nhiều tiền bạc, và rất nhiều yếu tố khác không phụ thuộc vào mình (ví dụ như yêu cầu của chính phủ về tiêu chí định cư). Đó là chưa kể, nếu chỉ cần một sai lầm nhỏ, nó có thể khiến mọi thứ đổ bể hết và phải làm lại từ đầu. Sợ không? Sợ quá đi chứ!!! Thử tưởng tượng bạn đi tới 4/5 con đường, tức là tốn mất 4 năm, để rồi mắc sai lầm gì đó, khiến bạn phải làm lại từ đầu và tốn thêm 5 năm nữa, mà vẫn còn chưa chắc là sẽ đạt được điều bạn mong muốn.
Cuối cùng mình tặc lưỡi, bảo, đằng nào cũng chẳng biết tương lai sẽ thế nào, cứ đi đi đã, kết quả (hay hậu quả?) ra sao thì xử lý sau.
Và cứ thế, mình trải qua 3 năm học ĐH, sau đó mất thêm 2 năm học này học kia, thi chứng chỉ này chứng chỉ kia để cộng điểm định cư. Suốt quá trình 5 năm ấy, stress nhiều, vì thi thì vừa khó vừa đắt. Vừa muốn có thời gian ôn luyện cho kĩ mới thi, lại vừa muốn thi mau mau để kịp tăng điểm định cư trước khi chính phủ thay đổi yêu cầu. Riêng khả năng chính phủ loại bỏ ngành nghề mình học ra khỏi danh sách định cư đã khiến cho mình (và tất cả những bạn cũng muốn xin định cư) sống trong nơm nớp lo sợ suốt tưng ấy năm.
"Liệu mình học xong những cái này, thi những cái này thì chính phủ thay đổi thì làm sao? Mọi thứ thành công cốc à? Liệu những cố gắng của mình có ý nghĩa gì nữa không? Hay là thôi bỏ hết, chứ thế này mệt quá?". Ngày nào cũng như ngày nào, ý nghĩ đấy vẫn cứ luôn lởn vởn trong đầu mình, và mình cũng lại vẫn tặc lưỡi và cắm đầu vào làm. Đằng nào cũng chẳng biết thế nào, cứ làm đi đã, tính sau.
Và cuối cùng, mình xin được định cư, đúng như lộ trình mà 5 năm trước mình đã vạch ra.
Sợ 2
Trong suốt những năm mình ở bên Úc, mình đã cải tổ lại bản thân thành một người hoàn toàn khác. Bắt nguồn từ việc mẹ mình bị trầm cảm. Bà vẫn hay than phiền rằng bà ước bà có con gái vì con gái kết nối với mẹ nhiều hơn so với con trai. Vì nhu cầu được kết nối đó của bà, mình đã chăm chỉ đọc sách và thực hành những kiến thức về sự khác biệt về đàn ông và phụ nữ để hiểu hơn về cách hai giới thực sự muốn được kết nối. Đồng thời, mạng lưới quan hệ của mình ở Úc khi đó bằng 0. Nghĩ rằng tính hướng nội của mình, nếu cứ chiều theo nó, thì sẽ không phải là một lợi thế cho công việc cũng như cuộc sống sau này. Thế là mình lại đọc sách, xem video về các kĩ năng giao tiếp, cách đọc ngôn ngữ cơ thể, và lại ứng dụng, thử và sai.
Mình vẫn nhớ lần đầu tiên mình quyết định thử một kĩ năng giao tiếp mình học được ở sách, bởi nó tạo cho mình một nỗi sợ vô cùng to lớn. Công việc part-time của mình lúc đó không yêu cầu mình phải nói quá nhiều với các đồng nghiệp, bởi bộ phận mình làm tách biệt hẳn với các bộ phận còn lại. Vì vậy, việc giao tiếp với một người-mình-không-buộc-phải-giao-tiếp không những là ngược với bản tính hướng nội của mình, mà nó còn là không cần thiết với yêu cầu công việc. "Không nói chuyện với họ thì mình vẫn làm tốt, vẫn nhận lương đầy đủ cơ mà?".
Sáng hôm đó, khi đứng trước cửa văn phòng mà mình buộc phải đi qua mỗi khi vào quét vân tay chấm công, mình vẫn còn nghĩ "Hay là thôi đi? Cứ cư xử như mọi ngày là được?". Nhưng rồi mình lại tặc lưỡi, lại cứ nhắm mắt, hít sâu, rồi cắm đầu vào làm. Mình bước vào, thấy nhân viên bảo vệ, thay vì chỉ nói "hello!" rồi bước vội đi như mọi khi, mình đã dừng lại 2 giây để lấy lại dũng khí, và nói tiếp "is it busy today?" (ngày hôm nay bận không?). Trái với suy nghĩ trước đó của mình "Mình và anh ta chả nói chuyện với nhau bao giờ dù gặp nhau suốt. Chắc người ta nghĩ mình chảnh, không thích mình đâu", anh ta vui vẻ kể về ngày hôm đó bận thế nào, anh ta đã gặp những vị khách hàng khó chịu ra sao. Lúc đó mình đã bừng tỉnh ra và nghĩ "Ô? Giao tiếp với người khác dễ vậy ư?". Và rồi lại vận dụng những kĩ năng giao tiếp khác mà mình đã từng chia sẻ khá nhiều trên Spiderum, cuộc trò chuyện hôm đó đã thay từ "hello" thành một đoạn hội thoại kéo dài gần 5'.
Kể từ đó, mình trở thành một ambivert (mix giữa hướng nội và hướng ngoại). Bản chất mình vẫn hướng nội nhiều hơn ^^, nhưng mình đã tự trang bị được đủ những kĩ năng giao tiếp và lắng nghe và có thể tự tin mà nói rằng, hầu như ai từng nói chuyện với mình cũng thích nói chuyện với mình, già trẻ gái trai không ngoại lệ.
Sợ 3
Với rất nhiều thay đổi mà tự mình đã phải tìm tòi, tự thử và sai, mình nhận ra rằng đây là vấn đề chung của rất nhiều thanh niên VN. Rằng họ không được ai dạy về những kiến thức vô cùng cần thiết về kĩ năng mềm, hoặc tâm lý học của hai giới. Những người chủ động tìm hiểu về nó rất ít, những người thực sự thử thực hành nó và linh hoạt thay đổi nó tùy vào tình huống còn ít hơn. Đa số những người được mình giới thiệu những cuốn sách hay về tâm lý học hay kĩ năng giao tiếp đều cười khẩy và nói "Mày ơi, sách vở chỉ là lý thuyết thôi, thực tế nó khác lắm". Để rồi tới khi, mình đạt được những thành công trong giao tiếp, trong tình cảm thì họ khen là mình tinh tế, sâu sắc, biết cách nói chuyện, nhưng tới khi mình gặp thất bại thì họ lại đổ là "Đấy, mày cứ sách vở quá, lý thuyết quá nó thế đấy".
Vấn đề là, mình cũng từ những lý thuyết đó, tự thực hành và điều chỉnh để trở thành con người mà mình rất hài lòng như bây giờ. Vậy nên mình vẫn luôn muốn chia sẻ những gì mình học được, tự rút ra được với những bạn trẻ VN.
Đó là lý do mình nghĩ tới việc lên Spiderum, trở thành Limitless, và sau đó là lập kênh youtube và podcast (cả Spotify và Apple Podcast) Đàn Ông Học.
Sợ không? Sợ chứ!! Biết đâu những chia sẻ của mình là sai? Biết đâu ai đó làm theo lời khuyên của mình và họ gặp thất bại, và họ đổ hết lỗi cho mình? Và quan trọng hơn, biết đâu mình làm theo những gì mình chia sẻ, và chính mình lại gặp thất bại? Liệu khi đó, những gì mình chia sẻ trở thành những lời sáo rỗng theo kiểu "những người nói đạo lý" không?
Nhưng rồi mình vẫn cứ tặc lưỡi làm, vì mình tin vào những gì mình học được, và mình tin là nếu các bạn trẻ biết nó từ sớm, nó sẽ giúp các bạn tránh được nhiều sai lầm sau này. Nếu các bạn theo dõi kênh Đàn Ông Học trên Youtube từ những ngày đầu, có lẽ các bạn sẽ để ý sự thay đổi dần dần trong chất lượng video, chất lượng âm thanh theo năm tháng :D
Cho tới hôm nay, dù đã không còn active tạo content vài tháng do lý do cá nhân, kênh youtube Đàn Ông Học vẫn có gần 4.500 subscribers với gần 100 Vlogs, Đàn Ông Học trên Spotify và Apple Podcast vẫn thường được mời hợp tác bởi các nền tảng podcast của VN về mảng Phát Triển Cá Nhân.
Sợ 4
Các bạn còn nhớ lý do cá nhân của việc mình không active mình nói bên trên không? Nó tổng hợp rất nhiều lý do.
Một là, cuộc hôn nhân ở Úc mình từng rất tự hào đã tan vỡ. Lỗi không ở mình, lỗi không ở cô ấy, đơn giản là do hai người không còn cảm thấy hợp ở với nhau nữa. Trước khi chính thức nói ra điều này, mình cũng đã rất sợ rằng các bạn đã yêu mến và tin tưởng vào những lời khuyên của mình sẽ nghĩ rằng "Ôi ông này nói thì hay mà đời sống tình cảm như thế, hẳn là lời khuyên cũng chẳng ra gì", từ đó mà các bạn gạt đi hết những gì mình từng chia sẻ. Nhưng mình vẫn quyết định nói ra. Phần vì những những bài học mình từng chia sẻ thực sự sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn trong các mối quan hệ, dù là với đồng nghiệp hay với người yêu. Chúng vẫn đúng và nên được ứng dụng. Phần vì điều này càng chứng nhận một điều mà mình vẫn luôn hay nhắc đi nhắc lại trong các bài viết của mình, rằng Tương lai là điều không thể biết trước. Mình tin mình từng nói trong các bài viết của mình rằng, chuyện tình cảm của chính mình vẫn có thể đổ bể bất cứ lúc nào ngay cả khi mình đã cố làm những điều tốt nhất có thể. Cái quan trọng là khi chẳng may phải kết thúc, mình không có điều gì để hối tiếc, vì mình đã đối xử với người ấy theo cách tốt nhất mình biết. Và thực sự, tại thời điểm này, mình không có gì để hối tiếc hết :D
Nói tiếp với nỗi sợ này, là nỗi sợ khi tiến tới một mối quan hệ khác. Mặc dù mình biết việc gì cũng có thể xảy ra, rằng chuyện tình cảm không chỉ do mình mà còn phải do cả đối phương nữa, nhưng mình đã từng rất tự tin vào cuộc hôn nhân như trong mơ mà bao người phải ghen tị đó. Mình cũng rất tự tin vào những kinh nghiệm, những lời khuyên mình chia sẻ với các bạn, bởi mình thấy kết quả tốt đẹp từ chúng. Mình cũng đã biết cô ấy và gia đình cô ấy từ rất lâu rồi trước khi tiến tới hôn nhân. Ấy vậy mà vẫn đổ vỡ. Vậy thì làm sao mà dám tiến tới với ai nữa đây? Phải tìm hiểu người ta bao lâu thì mới dám tiến tới hôn nhân nữa? Lỡ rằng, cảm thấy tìm hiểu đủ lâu rồi, tự tin hơn trước rồi, nhưng rồi lại đột ngột tan vỡ như trước thì sao? Liệu cô gái sau này có giống với cô trước không? Liệu với nỗi sợ ấy, mình có dám yêu hết mình như trước không? Nếu không thì lỡ lại làm khổ cô gái tới với mình và hết lòng với mình thì sao? Biết đâu người ta thấy mình qua một đời vợ thì lại không thích nữa? Thế rồi, sau khoảng gần 1 năm tự hàn gắn lại những tổn thương, sắp xếp lại những mớ hỗn độn trong tâm hồn, mình thông suốt mọi việc: đằng nào thì cũng chẳng chắc chắn được điều gì. Hôn nhân, với cả đàn ông và phụ nữ, đều là một canh bạc. Mình quyết định, nếu có tình cảm với ai, mình vẫn sẽ lại sống hết mình, yêu hết mình với người ấy. Đương nhiên mình đã rút ra được nhiều bài học về việc nhìn người sau chuyện cũ, và chắc chắn vẫn sẽ tìm hiểu một cách cẩn thận hơn trước khi tính tới chuyện lâu dài, nhưng cẩn thận mấy thì cũng chỉ được tới thế. Phần còn lại là do duyên số, do người kia. Mình vẫn sẽ ứng dụng những bài học mình thấy đúng vào mối quan hệ này, học hỏi thêm những bài học mới, và lại tiếp tục thử-và-sai trong suốt phần đời còn lại.
Và, mình vẫn sẽ không ngần ngại tiếp tục chia sẻ những bài học mình thấy đúng và bổ ích cho các bạn trẻ khác :D
Sợ 5
Lý do cá nhân thứ hai khiến mình không active trong vài tháng qua là vì mình bận rộn chuẩn bị cho việc về VN. Thực ra trước khi biến cố về hôn nhân xảy ra, mình đã có suy nghĩ về VN làm việc. Công việc giáo viên ở bên Úc với mình là việc nhẹ lương cao, tuy nhiên mình không cảm thấy mình tạo ra được nhiều giá trị cho học sinh. Học sinh bên Úc có quá nhiều con đường để đi: nếu các em học tốt, các em sẽ có điểm cao và vào thẳng ĐH; nếu các em học không tốt lắm, các em sẽ có điểm thấp và vào cao đẳng, sau đó vẫn vào được ĐH mà thậm chí còn ra trường cùng lúc với những em vào thẳng; nếu các em học kém nữa thì có thể học trường nghề, ra trường sớm hơn các em học ĐH, kiếm tiền sớm hơn và nhiều hơn nữa; còn nếu các em chẳng thiết làm cái gì hết thì có tiền trợ cấp của chính phủ đủ để các em duy trì cuộc sống ngay cả khi các em vô gia cư và thất nghiệp. Chính vì không có đường nào là đường khiến các em "không học thì chết", nên các em học sinh ở Úc thường không có nhiều động lực để học như các em ở VN, từ đó việc thúc đẩy các em phát triển hết khả năng của bản thân gặp khá nhiều khó khăn. Cuộc sống của mình ở Úc khi đó cũng khá chán khi cứ lặp đi lặp lại một việc là tới trường, về nhà gym, rồi lại ở nhà. Dạy thêm ở Úc thì cũng chỉ dạy kiểu gia sư, mà dạy vậy thì cũng vụn vặt, lẻ tẻ. Dạy tiếng Anh thì đa phần là cho du học sinh, mà du học sinh bên Úc thường chỉ tập trung vào việc thi để có chứng chỉ xin định cư, chứ không thực sự chú trọng việc tiếng Anh chuẩn chỉnh, bài bản - cái mà mình thực sự muốn dạy. Mình lại không có máu kinh doanh nên cũng không làm gì khác bên ngoài được. Vì vậy, việc hôn nhân đổ vỡ như một giọt nước tràn ly và đi tới quyết định về VN làm việc.
Đây là một quyết định lớn, cực kỳ lớn, và mình đã sợ RẤT NHIỀU. Sợ rằng gia đình sẽ ngăn cản với lý do kinh điển là "Mày bị điên à?!?! Bao người muốn sang Úc không được, mày có nhà có xe có công việc ổn định ở bên đó rồi lại về". Sợ rằng mình về VN sẽ không kiếm được việc ngay - và đây là nỗi sợ lớn nhất, vì không có việc thì kiếm sống kiểu gì?
Và thực sự, khi mình quyết định về VN làm việc vào tháng 7/2022, mình đã chuẩn bị CV và thư giới thiệu và gửi tới hầu hết các trường quốc tế ở VN. Mãi tận giữa tháng 10, tức là chỉ còn 2 tháng nữa là mình sẽ bay về VN - 3 tháng kể từ khi bắt đầu công cuộc rải resume, mình vẫn không nhận được 1 offer nào vì tầm đó là đã qua mùa tuyển dụng của các trường quốc tế. Khi đó mình đã khá là tuyệt vọng, và đã tính tới trường hợp xấu nhất là về và đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm trong lúc tìm công việc ổn định hơn, tốt hơn. Trong lúc tuyệt vọng đó, mình cứ nhắm mắt đăng bài hỏi bừa lên các FB group, Việt có, group cho người nước ngoài ở VN cũng có, mong chờ những cơ hội việc làm mong manh. Và rồi, tình cờ có người trong group người nước ngoài ở VN mách rằng có trường R đang chuẩn bị có đợt tuyển dụng mới, phù hợp với profile của mình. Trước đó, mình hoàn toàn không hề nghĩ tới việc nộp đơn vào trường R, vì nghĩ rằng profile của mình không phù hợp với bậc ĐH.
Ai dè đâu, tới cuối tháng 10, trường đó tuyển thật: vị trí giáo viên cho bậc Dự bị Đại Học, mà vị trí đó quả thực phù hợp với kinh nghiệm và bằng cấp của mình. Thế là hiện tại mình đang có một công việc mơ ước, với mức lương mơ ước, và ở VN - nơi làm việc mơ ước của mình.
Sợ 6
Khi về tới VN, một nỗi sợ khác mà chắc nhiều người đi nước ngoài lâu năm cũng sẽ có như mình: shock văn hóa. Mặc dù vẫn hay về VN 1 năm 1 lần (trước covid), nhưng mỗi lần về thi cũng chỉ 2-3 tuần, và chủ yếu là chơi bời quanh quẩn trong thành phố, với tâm thế của một người du lịch, chứ không phải là một người sống và làm việc ở VN. Năm mình rời VN là năm 19 tuổi - tức là kinh nghiệm sống ở VN của mình gần như đóng băng ở tuổi đó. Mình chưa hề làm việc ở VN một ngày nào, và giờ về thì mình lại làm việc cho công ty nước ngoài, mang văn hóa nước ngoài. Mạng lưới xã hội của mình cũng khá hạn hẹp, chủ yếu là bạn bè và người thân, chứ mạng lưới chuyên môn thì không nhiều. Vì vậy, sinh hoạt hàng ngày thì không sao, nhưng khi có việc gì cần giúp đỡ thì gần như là móm.
Đó là chưa kể, VN phát triển quá nhanh, tới mức lần này về, mình hoàn toàn không nhận ra chính thành phố của mình nữa. Những cái cây, những cửa hàng mà mình hay dùng để làm cột mốc để định vị trong thành phố giờ đã được thay thế bằng những cửa hàng mới, những trung tâm thương mại mới, cảnh quan mới. Có quá nhiều ứng dụng mới, dịch vụ mới mà người VN ai ai cũng biết, mà mình khi mới về thì hoàn toàn không biết. Mình còn nhớ tuần đầu tiên về VN, khi ra ngân hàng để mở tài khoản, mình cứ nghĩ có CMND là được, ai dè đâu họ không chấp nhận nó và đòi CCCD. Khi mình nói mình chưa có cái đó (vì đợt VN bắt đầu có CCCD thì mình ở nước ngoài, và mỗi khi về VN chơi thì mình cũng không có nhu cầu đổi), họ đã nhìn mình một cách ngạc nhiên. Những thay đổi như vậy đã khiến mình thực sự cảm thấy lạc lõng ngay giữa quê hương của mình, được vây quanh bởi người-mình. Mình chưa bao giờ coi Úc là quê hương, nhưng giờ đây cũng không thể nhận ra quê hương của mình nữa.
Có lần mình nói cảm giác này với 1 người thân, họ nói “Ôi dời ông cứ khoe mẽ làm màu. Chứ ông là người Việt, sinh ra và lớn lên ở VN tới 19 năm thì làm sao mà shock văn hóa được. Ai phải là việt kiều sinh ra ở nước ngoài mới thế chứ”. Chính câu nói này làm mình càng cảm thấy lạc lõng hơn và càng không dám chia sẻ cảm xúc ấy của mình với người khác.
Nhưng rồi dần dần, mọi thứ lại đâu vào đấy. Mình đã có CCCD, đã có tài khoản ngân hàng VN, biết dùng QR code để thanh toán, đã có những giao dịch trên Shopee đầu tiên, đã có thể scan tích điểm ở Winmart, đã ngồi ăn đêm ở Circle K với bạn, và đã có những trải nghiệm mà phần lớn người VN cũng từng trải qua. Phần tiếp theo trong công cuộc chinh phục nỗi sợ, chỉ còn là tăng cường trải nghiệm sống sau giờ làm nữa thôi :D
Sợ đi, nhưng làm đi.
Kể qua như vậy chứ thực ra còn nhiều nỗi sợ lắm lắm. Đấy là chưa kể cả tá nỗi sợ thời còn ngồi trên ghế nhà trường mà có lẽ ai từng là học sinh cũng đều phải trải qua. Dù cho có bao nhiêu người lớn nói rằng “Nỗi sợ đó chả là gì. Sau này mày còn phải lo nhiều thứ hơn”, nhưng hỡi ôi những nỗi sợ của chúng ta lúc đó sao mà lớn thế, sao mà stress thế, đúng không?
Mà đúng thật, sau này chúng ta sẽ còn nhiều nỗi sợ, nỗi lo lắng nữa. Không phải cứ già, con cái đề huề đầy đủ thành công là hết lo đâu. Chừng nào ta còn sống, còn có những thứ để quan tâm, thì chúng ta sẽ còn sợ. Nhưng sợ đâu có nghĩa là sẽ rụt vòi vào? Nếu mà cứ sợ thì chọn cái dễ hơn, hay sợ thì không làm nữa, thì bao giờ chúng ta mới làm được việc thực sự ý nghĩa với chính chúng ta? Bao giờ chúng ta mới có thể lớn lên từ việc vượt qua được nỗi sợ đó? Bao giờ mới dám yêu người khác, khi ngoài kia nhan nhản những câu chuyện vợ/chồng bị đối xử tệ bạc, bị cắm sừng?
Minh từng nghe một câu nói mà mình khá tâm đắc “Thường những việc khiến chúng ta sợ làm, lại là việc chúng ta nên làm”. Đương nhiên, câu nói không thể nào đúng 100%, nhưng với bản thân mình, nó khá đúng. Đúng từ việc sợ phải tới phòng gym, sợ phải ngồi vào bàn học, tới việc sợ phải nói với gia đình là con muốn bỏ tất cả ở Úc để về VN, hay sợ phải tiến tới với người khác sau cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Chắc chắn sau này mình sẽ còn phải gặp nhiều tình huống, nhiều lựa chọn mà mình sẽ mãi sợ về những kết quả không-thể-chắc-chắn-được của nó. Mình tin bạn cũng thế. Khi đó, rất mong mình và bạn sẽ cùng thu thập hết mọi dũng cảm, chọn bước đi với lựa chọn khả quan nhất, và sẵn sàng đón nhận những kết quả/hậu quả nó đem lại. Chính tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm đó là cái bồi đắp nên sự trưởng thành của một người.
Một trong những rào cản lớn nhất khiến người ta khó lựa chọn và đưa ra quyết định, đôi khi không hẳn là nỗi sợ thất bại, mà lại là lòng tham. Tham vì thấy mỗi lựa chọn có cái hay, cái lợi của riêng nó, mà mình lại muốn có tất cả những cái hay đó, chứ không muốn chấp nhận từ bỏ cái nào. Thế là stress vì không tìm được lối đi hoàn hảo, đẹp đủ mọi đường cho mình. Ngoài ra, có những người ngại phải chịu trách nhiệm. Đây là những người mà từ bé tới lớn thường được bố mẹ lo hết cho từng bước đi nhỏ, chỉ việc sống theo đúng con đường đã được vạch sẵn mà không phải tự mình lo cái gì. Những người như vậy sẽ không có thói quen tự đưa ra quyết định, và rất sợ phải gánh vác trách nhiệm với quyết định của mình, vì trước giờ họ chưa từng phải làm như vậy.
Nếu bạn cảm thấy những lý do trên là điều khiến bạn đang không dám bước ra khỏi vùng an toàn, hãy tập sửa chúng dần dần nhé.
Chuẩn bị kĩ càng
Việc lựa chọn và quyết tâm bước đi phải được dựa trên sự chuẩn bị và nghiên cứu kĩ càng. Rõ ràng bạn sẽ cần phải lựa chọn con đường có khả năng thành công cao nhất, chứ không phải cứ tung đồng xu rồi chọn lựa một cách vô định, mù quáng.
Đừng nghe mấy lời động viên không đúng cách rằng "Đừng sợ, cứ làm đi". Không!!! Bạn NÊN và PHẢI biết sợ. Bạn phải sợ những hậu quả của quyết định sai, hành động sai, để từ đó bạn biết dành thời gian suy nghĩ cẩn thận, tính toán chu toàn, chuẩn bị kỹ càng cho những bước đi vững vàng nhất có thể, nhờ đó mà khả năng thành công của bạn mới cao được.
Cứ chuẩn bị hết mức có thể, và dám đưa ra quyết định, dám đón nhận trách nhiệm nhé.
Chúc các bạn sợ vui :v
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất