Vậy là năm 2022 đã sắp trôi qua, mua đông đã sắp ùa về. Chỉ một thời gian nữa thôi, ta sẽ cảm nhận được từng làn gió buốt luồn vào trong khe cửa hay cái không khí ảm đạm của bầu trời xám xịt. Ấy thế mà nhiều người lại thích cái không khí này, nhưng trong số đó, chắc chắn không có các chứng sĩ hay coin thủ.
Những ngày gần đây, tin tức kinh tế vĩ mô, rủi ro chính trị và cả tài chính toàn cầu đều đưa ra những tín hiệu không khả quan mấy cho một đợt phục hồi kinh tế sau cơ đại dịch toàn cầu vừa qua. Thị trường chứng khoán được cho rằng đã bắt đầu bước vào mùa đông, thứ không khí mà coin thủ đã cảm nhận từ đầu năm 2022.
Khi thị trường hưng phấn, người người tranh nhau cơ hội, hào hứng đem tiền đi đầu tư. Còn khi mùa đông ùa về, nhiều người xem đây là cái kết trong khi đây vốn chỉ là quãng nghỉ cho thị trường. Khoảng thời gian này có thể im ắng đấy, nhưng là cơ hội tốt để ta, những người đã tham gia thị trường, nhìn lại những gì đã xảy ra trong cả một chu kỳ vừa qua. Và cũng là sự ưu ái dành cho những người mới, có thời gian để chuẩn bị những gì tốt nhất cho một mùa bull run tiếp theo.

Bài học về niềm tin

Hãy thử nhớ lại xem, những thứ một năm trước các bạn còn đặt niềm tin vào, cho đến hiện tại có còn đúng ? Mình tin là mọi thứ đều có sự lung lay, dù ít hay nhiều. Crypto, một thị trường tài chính mới nổi, mang đúng trong mình những hơi thở của thời đại ngày nay. Nhanh hơn, điên rồ hơn, và trẻ trung hơn quý ngài chứng khoán. Vì lí do đó, một chu kỳ của thị trường tiền điện tử sẽ kết thúc trong thời gian sớm hơn (khoảng 4 năm ?). 
Không biết 1 năm trước, khi mà nhạc còn đang căng, không biết mọi người đã bàn về những gì nhỉ ? Hình như đó là những blockchain mới được xây dựng với cái tên “Ethereum killer”, đâu đó vẫn có người đặt niềm tin vào các tựa game blockchain và mang tiền đi cày, à, còn có cả cơn sốt NFT “triệu đô” nữa. 
Đúng là khi thị trường hưng phấn, nhà đầu tư nhìn vào đâu cũng thấy tiền. Tiền tự các dự án gọi vốn lên đến cả triệu hay hàng trăm triệu đô, tiền từ các quỹ đầu tư cứ rót vào thị trường, và cả tiền (ảo) từ những cây nến xanh cao chót vót. Ai cũng tin, hoặc hi vọng rằng Bitcoin sẽ có cái gọi là “siêu chu kì” để đạt $100.000 vào năm 2022.
Để rồi 2022 lại tạt cho cả thị trường một xô nước không thể nào lạnh hơn. Downtrend chính thức bắt đầu. Những dự án triệu đô chưa ra đời đã ngủm, các dự án game đau đầu với bài toán mô hình, các nền tảng blockchain mới không biết kiếm đâu ra người dùng, vân vân và mây mây.
Siêu dự án Metaverse Decentraland có những ngày chỉ có dưới 40 người dùng.
Siêu dự án Metaverse Decentraland có những ngày chỉ có dưới 40 người dùng.
Người ta nói: good things take time. Và có vẻ “bad thing” cũng thế, nó đến ngay lúc ta cho rằng không còn điều gì tệ hơn có thể xảy ra. Tháng 5 cùng năm, bong bóng kinh hoàng Terra Luna đã vỡ, vô số nhà đầu tư mất tiền, mất nhà, và các quỹ đầu tư cũng không ngoại lệ. Một hiệu ứng dây chuyền làm cho nhiều nền tảng cho vay có nguy cơ phá sản, dẫn đến có thể một lượng lớn BTC, ETH và nhiều đồng coin sẽ bán ra thị trường. Từ niềm tin vững chãi, bấy giờ thị trường chỉ còn nỗi sợ liệu “Bitcoin có về đồ đá” hay không.
May mắn thay, bản thân mình đã cơ cấu lại các khoản đầu tư một cách an toàn nhất, nên mới có cơ hội bình tĩnh quan sát các sự việc này. Cho đến khi, mình nhận ra đa số các niềm tin vào thị trường từ năm trước, đã hoàn toàn bị phá vỡ. Chẳng hạn như:
- Các nền tảng layer-1 thì khả năng cao là an toàn. Vì có đội ngũ xây dựng chỉnh chu, có đội làm giá (market maker) và có cả tiền :))
- Theo dấu “cá voi”. Thấy dự án nào được quỹ đầu tư rót tiền thì sẽ được nhân xxx lần. Hay ít nhất là không “sì cam”.
1 dự án hàng Việt với 127 quỹ đầu tư tham gia
1 dự án hàng Việt với 127 quỹ đầu tư tham gia
- Khi có biến, các ông lớn có thể sẽ cứu nhau. Không để cho thị trường quá tệ.
Nahhh. Đừng chê mình đã quá non, vì mình cũng đồng quan điểm khi nhìn lại bản thân 1 năm về trước. Có lẽ, chúng ta cần một bộ não mở rộng lơn, linh động hơn, và nhìn đa chiều hơn về mọi chủ đề trong thị trường crypto này.

Bài học về tâm lý

Tâm lý là yếu tố quan trọng trong đầu tư, dù bất kể ở thị trường hay thời điểm nào. Giữ vững được tâm lý, tách biệt được những cảm xúc trong khi ra quyết định mới có thể giúp những nhà đầu tư tránh khả năng thua lỗ. Mọi thứ nghe có vẻ dễ, cho đến khi ta thực sự bỏ tiền vào thị trường.
Nhiều sách, bài báo, bài nghiên cứu đã nói về cách làm sao để ta giữ vững được tâm lý khi đầu tư. Ví dụ như phương pháp đầu tư giá trị của Warren Buffet, cho rằng ta không cần quan tâm đến biến động ngắn hạn, chỉ cần nhắm mắt cho qua. Nhưng đến khi ta đã vào tiền, ta mới thực sự cảm nhận được tâm lý khó kiểm soát đến nhường nào.
Đôi khi, giá chỉ vừa giảm, ta lại lo sợ và nơm nớp muốn bán ra. Hay khi giá đã tăng, ta cứ hi vọng giá sẽ tăng thêm một chút, một chút nữa để có thể chốt lời nhiều hơn. Và còn nhiều trường hợp như vậy nữa, mà đa phần, đều làm cho chúng ta mất tiền. 
Điều đáng sợ ở đây, là nhiều người cứ bị tâm lý điều khiển, nhưng vẫn không hề nhận ra điều này. Chỉ khi ta đã thực sự gọi tên được nỗi sợ, ta mới có thể chống lại chúng. Và cách duy nhất để làm được điều này, là cải thiện kiến thức !
Đầu tiên, nếu đề cao việc cải thiện kiến thức liên tục, ta sẽ … không có thời gian nhiều, để ngồi suy nghĩ, lo lắng vô bổ. Ngoài ra, chăm chỉ cập nhật thông tin cũng là một cách để giữ nhịp với thị trường, không để bản thân bị lỡ các cơ hội tiềm năng.
À, thật ra ý trên chỉ là lợi ích phụ mà thôi. Lợi ích thực sự của một nền tảng kiến thức vững chắc để giúp ta hiểu những gì đã xả ra, đang xảy ra hoặc có thể xảy ra với thị trường. Hãy thử nghĩ xem, nếu như không có kiến thức, nhà đầu tư sẽ vin vào đâu để xuống tiền chuẩn xác chứ ?
Ngoài ra, khi thị trường biến động mạnh (tăng hoặc giảm mạnh), chắc chắn sẽ có nhiều bài viết, video được đăng tải ngoài kia để lan truyền những thông tin không chuẩn xác, mục đích chính nhằm câu view mà thôi. Chỉ khi thực sự có chính kiến của mình, chúng ta mới có thể phân biệt phải trái, đúng sai. 
Lý thuyết suông nghe có vẻ dễ, nhưng hãy ghi nhớ điều này. Để khi bạn có thời gian trải nhiệm, tích lũy kinh nghiệm. Tâm lý đầu tư lúc đó của bạn mới có thể vững vàng nhờ 3 cái chân đã tích lũy được.

Nhận ra tiềm năng

Nếu mọi người, anh chị chỉ xem crypto là một kênh đầu tư ngoài, có lẽ, 2 phần trên là 2 kinh nghiệm quý báu nhất của mình/em có thể gửi đến mọi người. Đến phần này, mình muốn bàn sâu hơn một chút với những người muốn dành thời gian nhiều với thị trường này.
Mình biết, vẫn còn nhiều người hoài nghi về thị trường tiền điện tử này. Những người đó, tất nhiên có lí lẽ và góc nhìn của mình, để đưa ra những kết luận họ cho là đúng. Nhưng chắc chắn, đó là những người chưa dành quá nhiều thời gian để “khô máu” với crypto.
Đã bao giờ mọi người thử tìm kiếm những tài liệu cách để bắt đầu, để nghiên cứu crypto ? Chắc chắn, mọi người sẽ tìm thấy 2 định hướng tiếp cận: là phân tích cơ bản và phân tích kĩ thuật. 2 kiểu phân tích trên đều sẽ dẫn bạn đến con đường duy nhất của tiền điện tử: đó là đầu tư.
Nhưng tiềm năng crypto không tóm gọn đơn thuần trong việc đầu tư ấy. Và chúng ta đang ở trong giai đoạn sớm để khai phá nhiều tiềm năng hơn từ lĩnh vực này. Ai da, mình không hề có ý phủ nhận tầm quan trọng của phân tích cơ bản và kỹ thuật đâu nhé. Chỉ là, khi đã nắm được cả 2, hoặc là phân tích cơ bản (cái mà mình cho là quan trọng hơn, thật ra có cả 2 vẫn tốt hì hì.), nhiều cơ hội để đến với chúng ta hơn.
Crypto, giống như một chủ đề để khai thác trên nhiều lĩnh vực, có lẽ là mọi công việc từ truyền thống đều sẽ được mang vào lĩnh vực blockchain/crypto trong tương lai gần. Vì sao ư ? Đó là vì một dòng tiền lớn đang đổ vào (và với góc nhìn của mình, đây là dòng tiền “dễ dãi”), sự chú ý đổ dồn và cả sự phát triển công nghệ ở đây.
Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng mức chấp nhận tiền điện tử toàn cầu. Và trong năm 2022 này, ta đã thấy được sự dịch chuyển, từ châu Âu sang châu Á, ở các sự kiện tiền điện tử lớn. Vài cuộc nói chuyện với các nền tảng layer-1 khác cũng khẳng định Châu Á, Đông Nam Á là mục tiêu trong năm 2023 của họ.
Còn phía phương Tây, nhiều quốc gia đã có nhiều động thái xây dựng những quy định, pháp lý để kiểm soát những đồng tiền nằm “bên ngoài” tầm với của họ từ trước cho tới nay. Sôi nổi nhất có lẽ là Hoa Kỳ, đất nước mà ai cũng tưởng là anti-fan của crypto này lại đang hoạt động cực kì tích cực.
Khoảng tháng 3 đầu năm nay, tổng thống Joe Biden đã kí điều lệnh về nghiên cứu các tài sản kĩ thuật số, trong đó có nhắc đến việc (có thể) phát hành CBDC (đồng tiền kĩ thuật số của ngân hàng trung ương). Kể từ thời điểm đó đến nay, crypto là một chủ đề được xuất hiện đều đặn trong các cuộc họp của FED (Một đoạn phát biểu ngắn của chủ tịch FED Jerome Powell).
Nên nhớ, Mỹ là quốc gia có một lịch sử tài chính phức tạp. Hệ thống ngân hàng và đồng tiền quốc gia, là 2 thứ mà họ đã mất cả trăm năm để thử và thất bại, trước khi nó trở thành một đế chế khổng lồ như ngày nay. Nếu crypto hay CBDC đang được Mỹ nghiên cứu nghiêm túc, chắc chắn lĩnh vực này đang có tiềm năng to lớn.