Cream | Haruki Murakami - dịch từ bản dịch tiếng Anh của Philip Gabriel
Thế rồi tôi kể cho một người bạn nhỏ về một sự việc lạ lùng đã xảy ra hồi tôi mười tám tuổi. Tôi không nhớ tại sao tôi lại nói đến...
Thế rồi tôi kể cho một người bạn nhỏ về một sự việc lạ lùng đã xảy ra hồi tôi mười tám tuổi. Tôi không nhớ tại sao tôi lại nói đến chuyện này. Chỉ là trong lúc nói chuyện chúng tôi đã tình cờ nhắc đến nó. Thì chuyện này xảy ra cũng lâu rồi mà. Xưa như diễm rồi. Hơn nữa, tôi chẳng bao giờ đi đến được một kết luận nào cả.
“Lúc đó tôi đã tốt nghiệp cấp ba, nhưng vẫn chưa lên đại học,” tôi giải thích. “Người ta sẽ gọi tôi là một ronin, một học sinh thi trượt kỳ thi đầu vào đại học và đang đợi để thi tiếp kỳ sau. Mọi thứ khá là lửng lơ,” tôi tiếp tục, “nhưng tôi cũng không để tâm lắm. Tôi biết tôi có thể đỗ vào một trường tư xem như tử tế nếu muốn. Nhưng bố mẹ tôi đã khăng khăng rằng tôi phải đỗ vào một trường đại học quốc gia, thế nên tôi mới đi thi, dù trong lòng biết rõ rằng mình sẽ trượt. Và, hiển nhiên rồi, tôi trượt. Kỳ thi đầu vào đại học quốc gia hồi đó nó có một bài thi toán, và tôi không hề có chút hứng thú nào với tính toán cả. Cả một năm sau về cơ bản tôi chỉ giết thời gian, như kiểu lấy cớ vắng mặt. Thay vì đến lớp luyện thi để chuẩn bị thi thì tôi lởn vởn ở thư viện trong vùng, vùi mình vào trong những cuốn tiểu thuyết dày cộp. Bố mẹ tôi hẳn cho là là tôi học ở đó. Nhưng này, cuộc đời mà. Tôi thấy đọc tất cả các tác phẩm của Balzac còn thú vị hơn nhiều so với việc ngồi nghiên cứu những kiến thức cơ bản của toán học.”
Vào đầu tháng Mười năm đó, tôi nhận được một giấy mời đến một buổi diễn piano từ một cô gái học dưới tôi một khóa, cô và tôi từng cùng học piano chung một thầy. Có lần, hai đứa tôi cùng chơi một bản song tấu của Mozart. Nhưng dù sao đến mười sáu tuổi thì tôi thôi học, từ đó không còn gặp lại cô nữa. Thế nên tôi không thể hiểu nổi tại sao cô gửi giấy mời cho tôi. Cô thích tôi à? Không đời nào. Cô rất cuốn hút, chắc chắn là như thế, nhưng dù vậy ngoại hình của cô không phải là kiểu của tôi; cô luôn luôn ăn mặc thời trang và đi theo học những trường nữ sinh tư thục đắt đỏ. Không phải là kiểu sẽ đổ loại nhạt nhẽo, như-nước-ốc dạng tôi.
Khi chơi bản nhạc đó cùng nhau, cô luôn nhìn tôi chua chát mỗi lần tôi sai nốt. Cô là người chơi giỏi hơn, và tôi lại có xu hướng căng thẳng quá đà, thế nên khi hai đứa tôi ngồi chơi bên cạnh nhau, tôi đã đánh hỏng rất nhiều nốt. Khuỷu tay tôi cũng va vào cô một vài lần. Bản nhạc đó không khó đến mức ấy, và, hơn nữa, tôi được chơi phần dễ hơn. Mỗi lần tôi chơi hỏng, cô ấy sẽ có biểu cảm ‘Tha cho tôi đi’ trên mặt. Và cô tặc lưỡi - không lớn, nhưng đủ lớn để tôi có thể nghe thấy. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn có thể nghe âm thanh tặc lưỡi đó bên tai. Thậm chí rất có thể âm thanh đó có liên quan chút ít đến quyết định bỏ piano của tôi.
Dù sao thì quan hệ giữa tôi và cô chỉ đơn thuần là chúng tôi tình cờ học chung một lớp piano. Chúng tôi sẽ chào nhau nếu có vô tình gặp, nhưng tôi không nhớ chúng tôi có bao giờ chia sẻ với nhau khoảnh khắc riêng nào cả. Thế nên đột nhiên nhận được giấy mời đến buổi biểu diễn (không phải một buổi độc tấu mà là một nhóm diễn với ba người chơi) khiến tôi vô cùng ngạc nhiên - thực tế là tôi thấy hoàn toàn không hiểu gì. Nhưng có một thứ mà tôi có dồi dào vào hồi đó chính là thời gian, thế nên tôi gửi một postcard trả lời, nói rằng tôi sẽ đến. Lý do tôi làm vậy vì tôi tò mò không biết ẩn ý sau lời mời này là gì - nếu thực sự có một động cơ. Tại sao, sau từng ấy thời gian, cô lại gửi tôi một lời mời bất ngờ như vậy? Có lẽ cô đã chơi giỏi hơn rất nhiều và muốn tôi được chứng kiến. Hoặc có lẽ có gì đó riêng tư mà cô muốn truyền đạt đến tôi. Nói cách khác, tôi vẫn đang nghĩ xem nên làm gì tốt nhất với trí tò mò của mình, trong quá trình đó những ý nghĩ kia ập đến.
Phòng hòa nhạc nơi diễn ra sự kiện nằm trên một đỉnh núi ở Kobe. Tôi lên chuyến tàu gần nhất có thể qua Hankyu, và bắt một chuyến bus đi lên một con đường dốc lộng gió. Tôi xuống ở một trạm gần đỉnh núi, và sau một đoạn ngắn đi bộ, tôi đã đến một phòng hòa nhạc kích cỡ vừa phải, thuộc sở hữu và được quản lý bởi một tập đoàn khổng lồ. Tôi đã không biết là có một phòng hòa nhạc ở đó, ở một vị trí bất tiện đến vậy, trên một đỉnh núi, ở một khu lặng lẽ, toàn nhà ở chất lượng cao. Chắc bạn cũng không ngạc nhiên, trên đời có quá nhiều việc tôi không biết đến.
Tôi đã cảm thấy mình nên đem theo gì đó để tỏ lòng cảm kích vì lời mời, thế nên ở một tiệm gần ga tàu, tôi đã chọn một chùm hoa mà tôi thấy hợp với sự kiện này, rồi gói nó lại thành một bó. Đúng lúc xe bus vừa đến và tôi nhảy lên. Đó là một chiều Chủ nhật se se lạnh. Trên trời phủ đầy mây xám, và trông như thể một cơn mưa lạnh có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Nhưng không có gió. Tôi mặc một chiếc áo len mỏng đơn giản bên dưới một chiếc áo khoác họa tiết chữ V màu xám có điểm chút màu xanh, đeo một chiếc túi vải thô đeo chéo. Chiếc áo quá mới, và chiếc túi vải thô thì quá cũ và sờn. Còn trong tay tôi là một bó hoa đỏ được bọc trong giấy bóng kính xenlôfan. Tôi lên xe bus, trông chỉn chu như vậy, các hành khách khác cứ nhìn tôi chằm chằm. Hoặc cũng có thể chỉ là có vẻ họ đang nhìn thôi. Tôi có thể cảm nhận được má mình đỏ lên. Hồi đó tôi chỉ cần chút kích thích là đỏ mặt rồi. Và mãi mới hết được.
“Mình làm cái quái gì ở đây thế này?” tôi tự hỏi trong lúc ngồi cúi người về phía trước, áp lòng bàn tay lạnh lên má đang nóng bừng. Không phải tôi đặc biệt muốn gặp cô gái đó, hay nghe buổi hòa nhạc này, vậy thì tại sao tôi lại tiêu cả khoản trợ cấp của mình vào một bó hoa và đi một quãng đường xa như vậy lên đỉnh một ngọn núi trong một chiều Chủ nhật ảm đạm tháng Mười một? Lúc bỏ cái postcard vào hòm thư hẳn là đầu óc tôi có chút vấn đề rồi.
Càng lên cao khách trên xe càng ít đi, và đến khi xe dừng lại ở điểm dừng của tôi thì chỉ còn có tôi và tài xế thôi. Tôi xuống xe và đi lên một con đường hơi nghiêng nghiêng theo hướng dẫn trên chiếc thiệp mời. Mỗi lần tôi rẽ, bến cảng sẽ xuất hiện loáng thoáng trong tầm mắt và rồi lại biến mất. Bầu trời một màu xám xịt, như bị phủ kín bằng chì. Bên dưới bến cảng có những chiếc cẩu cần trục lớn, cao kều như râu của một thứ sinh vật lóng ngóng nào đó vươn mình lên khỏi mặt biển.
Ngôi nhà gần trên đỉnh con đường dốc trông to lớn và xa xỉ, tường đá đồ sộ, cổng trước nguy nga, và hai ga-ra xe. Bờ giậu đỗ quyên được tỉa tót gọn gàng. Tôi nghe đâu đó có tiếng một con chó lớn đang sủa. Nó sủa to ba lần, và rồi, dường như đã bị ai đó trách mắng, tiếng sủa đột ngột biến mất, bốn bề rơi vào tĩnh lặng.
Trong lúc đi theo hướng dẫn trên tấm thiệp, tôi nảy sinh một linh cảm xấu mơ hồ, xáo trộn. Có gì đó sai rồi. Đầu tiên, trên đường chẳng có người. Từ lúc xuống khỏi xe bus tôi đã không thấy một người đi bộ nào. Hai chiếc xe con đi ngang, nhưng chúng đang đi xuống dốc, không phải đi lên. Nếu một buổi hòa nhạc thực sự sẽ diễn ra ở đây, tôi nghĩ sẽ phải có thêm nhiều người hơn. Nhưng cả khu phố này vẫn chìm trong yên ắng, như thể đám mây dày đặc trên đầu kia đã nuốt chửng mọi âm thanh.
Tôi đã hiểu lầm gì chăng?
Tôi lấy tấm thiệp mời ra khỏi túi áo để xem lại thông tin. Có thể tôi đã đọc nhầm. Tôi đọc lại thật cẩn thận, nhưng không nhận ra có chỗ nào sai. Tôi đã đến đúng đường, xuống đúng điểm dừng, đến đúng ngày giờ hẹn. Tôi hít sâu một hơi để tự bình tĩnh lại, và tiếp tục đi. Việc duy nhất tôi có thể làm là đi đến phòng hòa nhạc đó xem sao.
Khi cuối cùng tôi cũng đến tòa nhà đó, cánh cổng sắt đồ sộ đang đóng chặt. Một sợi dây xích tròng quanh cánh cổng, khóa lại bởi một cái khóa nặng nặng nề. Xung quanh không có ai. Nhìn qua một khe cửa hẹp, tôi thấy một bãi đỗ xe khá là lớn, nhưng không có một con xe nào đỗ trong đó. Cỏ dại đã đâm chồi ở giữa những viên đá lát, bãi đỗ xe này trông như đã lâu rồi không được sử dụng. Dù thế đi nữa, biển hiệu đá ở lối vào nói cho tôi biết đây chính xác là phòng hòa nhạc mà tôi đang tìm.
Tôi bấm chuông cửa intercom bên cạnh lối vào, nhưng không có ai trả lời. Tôi đợi một chút, rồi lại bấm chuông thêm lần nữa, vẫn không trả lời. Tôi xem đồng hồ. Buổi hòa nhạc đáng ra sẽ bắt đầu trong mười lăm phút nữa. Nhưng cánh cửa không có dấu hiệu gì là sẽ mở ra. Sơn cửa đã tróc ở vài chỗ, nó cũng bắt đầu gỉ. Tôi không thể nghĩ ra mình có thể làm gì khác, thế nên tôi lại bấm chuông cửa thêm một lần nữa, giữ tay lâu hơn, nhưng kết quả vẫn thế - hoàn toàn tịch mịch.
Không biết phải làm gì hơn, tôi tựa vào cánh cổng và đứng đó khoảng đâu mười phút. Tôi có một hy vọng lờ mờ rằng rồi cuối cùng sẽ có một ai đó xuất hiện, hoặc ở trong hoặc ở ngoài cánh cổng. Không có gió. Không tiếng chim chóc, cũng không có cả chó sủa. Vẫn như trước, một tấm màn mây xám xịt không thể phá vỡ phủ lấy bầu trời.
Cuối cùng tôi bỏ cuộc - tôi có thể làm gì khác đây? - và bước nặng nề xuống con dốc về phía trạm dừng xe bus, hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Điều duy nhất rõ ràng trong tình huống này là sẽ chẳng có buổi hòa nhạc hay bất cứ sự kiện nào diễn ra ở đây hôm nay hết. Điều duy nhất tôi có thể làm là về nhà, với bó hoa màu đỏ trên tay. Mẹ tôi chắc chắn sẽ hỏi, “Con mua hoa làm gì vậy?,” và tôi sẽ phải trả lời sao cho đáng tin. Tôi muốn quăng bó hoa vào thùng rác ở chỗ ga, nhưng nó - ít nhất đối với tôi - là một thứ khá là đắt nên không thể cứ thế vứt đi.
*
Xuống một đoạn dốc, có một công viên nhỏ trông dễ chịu, chắc bằng cỡ một khu đất xây nhà. Phía bên kia công viên, xa khỏi con đường, là góc nghiêng một bức tường xếp đá. Nó gần như chẳng thể coi là một công viên - không có đài phun nước hay các phương tiện vui chơi. Tất cả những gì có ở đó chỉ là một chiếc cổng nhỏ, đặt ngay giữa. Bức tường quanh cái cổng đó là rào sắt, phủ kín thường xuân. Xung quanh có những bụi cây, và trên nền là những viên đá lát vuông. Rất khó để xác định xem mục đích tồn tại của cái công viên này là gì, nhưng hẳn có người chăm chút cho nó thường xuyên; những chiếc cây và bụi cây được cắt xén đẹp đẽ, xung quanh không có cỏ dại hay rác rưởi. Trên đường lên, tôi đã đi qua công viên này mà không hề để ý.
Tôi vào trong công viên để suy nghĩ cho cẩn thận, và ngồi xuống một cái ghế gần chiếc cổng. Tôi có cảm giác mình nên đợi trong khu này một lúc nữa để xem mọi việc thế nào (biết đâu được đấy, người ta có thể sẽ bỗng dưng xuất hiện), và một khi ngồi xuống, tôi liền nhận ra mình mệt mỏi đến mức nào. Một kiểu rệu rã kỳ quặc, như thể tôi đã dần kiệt sức được một lúc rồi, nhưng lại không hề nhận ra, và đến lúc này tôi mới phát hiện. Từ chỗ cánh cổng này, có một góc nhìn rộng hướng xuống bến cảng. Một vài chiếc tàu công-te-nơ lớn đậu ở bến. Từ trên đỉnh núi, những chiếc công-te-nơ kim loại chồng lên nhau trông không lớn hơn chiếc hộp mà người ta để trên bàn để đựng tiền xu hoặc ghim giấy.
Một lúc sau, tôi nghe thấy giọng một người đàn ông ở phía xa xa. Không phải một giọng nói bình thường mà là một giọng nói phát qua loa. Tôi không nghe được nó nói gì, nhưng giữa mỗi câu có một quãng dừng rất rõ rệt, và giọng nói này rất cứng nhắc, không có một chút tình cảm nào, như thể nó đang cố truyền đạt một cái gì đó vô cùng quan trọng một cách khách quan nhất có thể. Tôi bỗng nghĩ rất có thể đây là một thông báo nhằm đến tôi, và chỉ tôi thôi. Một ai đó biết đâu lại bỏ công để nói cho tôi biết tôi đã sai ở đâu, và tôi đã bỏ qua điều gì. Đây không phải kiểu suy nghĩ tôi thường có, nhưng vì lý do nào đó tôi lại đột nhiên nghĩ thế. Tôi lắng nghe thật cẩn thận. Giọng nói đó dần to hơn, và dễ hiểu hơn. Hẳn nó phát ra từ một cái máy thu trên một mái nhà hoặc trên một chiếc xe nào đó đang đi chầm chậm lên dốc, dường như không hề vội vã. Cuối cùng, tôi nhận ra nó là gì: một chiếc xe đi tuyên truyền những thông điệp Cơ-đốc.
“Tất cả chúng ta đều sẽ chết,” giọng nói đều đều bình tĩnh cất lên. “Tất cả chúng ta cuối cùng đều phải đi hết cuộc đời. Không ai có thể thoát khỏi cái chết và sự phán xét sau cùng. Sau khi chết, chúng ta đều nhận sự phán xét nghiêm khắc về những tội lỗi của mình.”
Tôi ngồi đó trên ghế, lắng nghe thông điệp này. Tôi thấy lạ là có ai lại làm việc như thế ở tận cái khu dân cư hẻo lánh trên đỉnh núi này. Tất cả mọi người sống ở đây đều sở hữu cả đống xe, và giàu xụ. Tôi rất nghi ngờ việc họ sẽ muốn tìm kiếm sự cứu rỗi. Hay là có nhỉ? Có thể của cải và danh vọng không liên quan gì đến tội lỗi và cứu rỗi?
“Nhưng những ai tìm kiếm sự cứu rỗi ở Chúa Jesus và biết ăn năn sẽ được Ngài tha thứ. Họ sẽ thoát khỏi lửa địa ngục. Hãy tin vào Chúa, vì chỉ có những người tin vào Ngài mới được nhận lãnh sự cứu rỗi sau khi chết và được hưởng sự sống đời đời.”
Tôi đợi chiếc xe truyền đạo Cơ-đốc xuất hiện trên đường trước mặt mình và nói nhiều hơn về sự phán xét sau cùng. Tôi nghĩ tôi hẳn đã mong được nghe vài câu được nói bằng một giọng cương quyết, gây cảm giác an lòng, dù nội dung là gì đi nữa. Nhưng có lẽ chiếc xe đã rẽ đường khác, rời xa khỏi nơi tôi đứng. Khi chiếc xe đó biến mất, tôi thấy như cả thế giới đã bỏ rơi mình.
*
Một ý nghĩ đột ngột nảy sinh trong đầu tôi: có lẽ toàn bộ chuyện này là một vố chơi khăm do cô gái kia dàn dựng. Ý nghĩ này - hoặc nói đúng hơn là phán đoán này - đột ngột xuất hiện. Vì lý do nào đó mà tôi không cách nào hiểu nổi, cô đã cố ý đưa tôi thông tin giả, kéo tôi đến một đỉnh núi hẻo lánh vào một chiều Chủ nhật. Có lẽ tôi đã từng làm gì đó khiến cho cô căm ghét tôi trong lòng. Hoặc có thể chẳng vì lý do đặc biệt nào cả, cô chỉ thấy tôi đặc biệt không vừa mắt đến độ chịu không nổi thôi. Thế nên cô gửi tôi một giấy mời đến một buổi hòa nhạc không hề diễn ra và giờ đang hả hê - cười đến đau bụng - khi thấy (hoặc, đúng hơn là tưởng tượng) mình đã lừa tôi một vố và tình cảnh thảm hại, tức cười của tôi ra sao.
O.K., nhưng có ai lại có thể tốn công sức nghĩ ra một cái kế hoạch rõ phức tạp như thế chỉ để quấy rối một người vì ghét bỏ sao? Mỗi cái việc in thiệp ra thôi cũng mất chút công sức rồi. Có ai lại xấu tính đến độ đó sao? Tôi không nhớ nổi mình đã làm gì khiến cô ghét tôi đến thế. Nhưng có lắm lúc, không chủ tâm, chúng ta đã chà đạp lên cảm xúc của người khác, tổn thương tự tôn của họ, khiến họ cảm thấy tồi tệ. Tôi suy đoán theo hướng khả năng đây không phải một nỗi căm ghét không lý do, hẳn phải có một sự hiểu lầm lúc nào đó, nhưng không tìm thấy điều gì thuyết phục. Và trong lúc lang thang vô phương hướng trong mê cung cảm xúc, tôi có cảm giác mình đang lạc lối. Và còn chưa kịp nhận thức, tôi đã thấy khó thở rồi.
Vụ này từng xảy ra khoảng một hai lần mỗi năm. Tôi nghĩ nó là chứng khó thở khi căng thẳng. Một chuyện gì đó rối loạn xảy ra dồn dập với tôi, cổ họng tôi sẽ như thắt lại, và rồi tôi không thể hít đủ không khí vào phổi. Tôi sẽ hoảng loạn, như kiểu bị một dòng chảy ào qua nhấn chìm và tôi sắp chìm nghỉm, cả cơ thể tôi sẽ đông cứng lại. Điều duy nhất tôi có thể làm vào thời điểm như vậy là cúi người xuống, nhắm mắt lại, và kiên nhẫn đợi cơ thể mình quay lại với nhịp điệu bình thường. Khi lớn hơn, tôi không còn trải qua những triệu chứng này nữa (và, đến một thời điểm nào đó, tôi cũng không còn dễ dàng đỏ mặt nữa), nhưng vào cái hồi tuổi teen ấy, tôi vẫn còn vướng mắc bởi những vấn đề này.
Trên ghế dài gần chiếc cổng, tôi nhắm mắt lại thật chặt, cúi người về phía trước và đợi được giải thoát khỏi sự vây hãm này. Có thể nó đã kéo dài năm phút, cũng có thể là mười lăm phút. Tôi không biết bao lâu. Trong suốt thời gian đó, tôi nhìn những đốm sáng cứ xuất hiện rồi biến mất trong bóng tối, và chầm chậm đếm chúng, cố hết sức để thở bình thường trở lại. Trái tim tôi đập điên loạn trong lồng ngực, như thể có một con chuột đang chạy quanh trong đó.
*
Tôi đã quá chú tâm vào việc đếm, thế nên phải mất một lúc tôi mới nhận ra sự xuất hiện của một người khác. Tôi có cảm giác như có ai đó đang đứng trước mặt mình, quan sát. Thận trọng và chậm rãi, tôi mở mắt và ngẩng đầu lên một chút. Tim tôi vẫn đang đập rộn.
Một người đàn ông lớn tuổi đã ngồi xuống trên chiếc ghế đối diện với tôi từ lúc nào và nhìn thẳng vào tôi. Đối với một người trẻ tuổi, phán đoán tuổi của một người già là một việc khó khăn. Tôi thấy tất cả họ đều trông như người già thôi. Sáu mươi, bảy mươi - có gì khác nhau đâu? Họ không còn trẻ nữa, chỉ có thế thôi. Người đàn ông này mặc một chiếc áo khoác len xanh xám, một chiếc quần nhung nâu và một đôi giày vải màu xanh tối. Trông có vẻ như lúc mà mấy thứ đồ đó còn mới hẳn phải lâu lắc lắm rồi. Nhưng cũng không phải là trông ông ta rách rưới hay gì. Mái tóc muối tiêu của ông ta vẫn dày và trông rất cứng, và những lọn tóc bung ra trên tai ông ta như cánh chim khi chúng vừa tắm. Ông ta không đeo kính. Tôi không biết ông ta đã ngồi đó bao lâu, nhưng tôi có cảm giác rằng mình đã bị quan sát một lúc rồi.
Tôi khá chắc là ông ta sẽ nói, “Cậu ổn chứ?,” hay gì đó tương tự, vì chắc trông tôi phải giống như đang gặp khó khăn gì (và thực sự là tôi có thế thật). Đó là điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi nhìn thấy ông già này. Nhưng ông ta không nói gì cả, không hỏi gì cả, chỉ giữ thật chặt một chiếc ô đen như giữ một cây gậy. Chiếc ô đó có tay cầm bằng gỗ màu hổ phách, và trông đủ cứng cáp để làm vũ khí nếu cần. Tôi đoán là ông ta sống trong khu vực này, vì trên người ông ta không có gì cả.
Tôi ngồi đó, cố gắng thở đều trở lại, ông già thì cứ yên lặng quan sát. Ánh mắt của ông ta không hề dao động. Nó khiến tôi thấy không thoải mái - như thể tôi đã tự ý đi vào sân sau nhà ai vậy - tôi muốn đứng lên và về điểm dừng xe bus nhanh nhất có thể. Nhưng, vì một lý do nào đó, tôi không thể động nổi chân. Thời gian trôi qua, và đột nhiên ông già lên tiếng.
“Một hình tròn với rất nhiều tâm.”
Tôi nhìn lên ông ta. Mắt chúng tôi chạm nhau. Trán ông ta rất rộng, mũi thẳng dài. Thẳng sắc như mỏ chim vậy. Tôi không thể nói được gì, nên ông ta lại lặng lẽ lặp lại những lời đó: “Một hình tròn với rất nhiều tâm.”
Dĩ nhiên tôi không hiểu ông ta đang muốn nói gì. Tôi chợt nghĩ - có thể người đàn ông này chính là người lái chiếc xe loa Cơ-đốc kia. Có thể ông ta đã đỗ xe đâu đó gần đây và ngồi nghỉ một chút? Không, không thể như vậy được. Giọng của ông ta khác với giọng nói mà tôi nghe được. Giọng nói qua loa kia là của một người đàn ông trẻ hơn. Hoặc cũng có thể đó là một bản ghi âm.
“Tâm, ông nói là tâm ạ?” tôi miễn cưỡng hỏi lại. Ông ta lớn tuổi hơn tôi, và vì lễ phép tôi phải đáp lại.
“Có rất nhiều tâm - không, đôi lúc là vô số - và đó là một hình tròn mà không có đường tròn.” Ông già cau mày khi nói điều này, vết nhăn trên trán ông ta hằn sâu hơn. “Cậu có thể hình dung ra kiểu hình tròn đó trong đầu không?”
Đầu óc tôi vẫn chưa linh hoạt lắm, nhưng tôi cũng cố nghĩ một chút. Một hình tròn có nhiều tâm và không có đường tròn. Nhưng, dù có nghĩ thế nào tôi cũng không thể hình dung ra được.
“Cháu không hiểu ạ,” tôi nói.
Ông già lặng lẽ nhìn tôi chằm chằm. Ông ta có vẻ đang chờ một câu trả lời tốt hơn thế.
“Cháu nghĩ người ta không dạy về loại hình tròn đó trong tiết toán đâu,” tôi yếu ớt nói thêm.
Ông già chầm chậm lắc đầu. “Dĩ nhiên không. Ta cũng đoán thế. Bởi vì họ không dạy cậu những thứ đó ở trường. Cậu cũng biết rõ như thế.”
Tôi cũng biết rõ như thế? Sao ông già này lại đoán chắc như vậy nhỉ?
“Loại hình tròn đó thực sự có tồn tại ạ?” tôi hỏi.
“Tất nhiên là có rồi,” ông già nói, gật gù vài lần. “Hình tròn đó quả thực có tồn tại. Nhưng không phải ai cũng có thể thấy nó.”
“Ông có thấy nó không ạ?”
Ông già không đáp. Thắc mắc của tôi lửng lơ gượng gạo một lúc trong không khí, cuối cùng mờ dần đi và biến mất.
Ông già lại lên tiếng. “Nghe này, cậu phải tự mình cố tưởng tượng. Vận dụng tất cả tri thức cậu có mà tưởng tượng. Một hình tròn có rất nhiều tâm nhưng không có đường tròn. Nếu cậu thật sự cố sức đến mức như muốn đổ máu - thì dần dần cậu sẽ hiểu rõ hình tròn đó là gì.”
“Nghe có vẻ khó khăn ạ,” tôi nói.
“Tất nhiên là khó khăn rồi,” ông già nói, nghe như kiểu ông đang cố khạc ra cái gì đó. “Trên đời không có gì đáng giá mà lại có thể dễ dàng đạt được.” Và rồi, như thể bắt đầu một đoạn văn mới, ông ta khẽ hắng giọng. “Nhưng, nếu cậu dành ra từng ấy thời gian và công sức, nếu cậu thực sự đạt được mục tiêu khó khăn đó, nó sẽ trở thành thứ kem tinh túy[1] của cuộc đời cậu.”
“Kem?”
“Trong tiếng Pháp, họ có một cách nói là: crème de la crème. Cậu biết câu này không?”
“Không ạ,” tôi nói. Tôi không biết tiếng Pháp.
“Kem của kem. Nó có nghĩa là thứ tốt nhất trong những thứ tốt nhất. Điều cốt yếu nhất của cuộc đời - chính là crème de la crème. Cậu đã hiểu chưa? Những gì còn lại chỉ toàn đồ tẻ ngắt vô dụng.”
Tôi không thực sự hiểu ông già này đang cố nói gì. crème de la crème?
“Hãy nghĩ về điều đó,” ông già nói. “Hãy nhắm mắt lại một lần nữa, và nghĩ cho thông suốt. Một hình tròn có rất nhiều tâm và không có đường tròn. Não bộ của cậu được thiết kế để suy nghĩ về những thứ phức tạp. Để giúp cậu cuối cùng cũng hiểu được một điều gì đó mà trước kia cậu không hiểu được ngay. Cậu không thể lười biếng và thờ ơ được. Giờ là thời điểm rất quan trọng. Bởi vì đây lúc mà não bộ và trái tim của cậu đang thành hình và cô đặc lại.”
Tôi nhắm mắt lại một lần nữa và cố hình dung hình tròn đó. Tôi không muốn lười nhác hay thờ ơ. Nhưng, cho dù tôi có cố gắng nghĩ về những điều người đàn ông đó nói đến mức nào đi nữa, thì vào thời điểm đó tôi vẫn không cách nào hiểu được ý nghĩa. Hình tròn mà tôi biết chỉ có một tâm, và một đường tròn lượn nối các điểm cách đều tâm lại với nhau. Đó là một loại hình ảnh đơn giản mà bạn có thể vẽ ra bằng một cái com-pa. Loại hình tròn mà người đàn ông này nói chẳng phải ngược hoàn toàn với hình tròn hay sao?
Tôi không nghĩ ông già này có vấn đề gì, về tâm thần ấy. Và tôi không nghĩ là ông ta đang trêu tôi. Ông ta đang cố truyền đạt điều gì đó quan trọng. Thế nên tôi cố hiểu một lần nữa, nhưng tâm trí tôi cứ quay cuồng hết cả lên, không có tiến triển gì. Làm sao mà một hình tròn có nhiều (hoặc có thể là vô số) tâm lại có thể là một hình tròn cơ chứ? Đây là một ẩn dụ triết học cao siêu nào đó à? Tôi bỏ cuộc và mở mắt ra. Tôi cần thêm nhiều gợi ý hơn.
Nhưng ông già không còn ở đó nữa. Tôi nhìn quanh hết mọi chỗ, nhưng không hề có dấu hiệu của bất cứ ai trong công viên. Như thể ông ta chưa từng tồn tại. Tôi đã tưởng tượng ra chăng? Không, dĩ nhiên đó không phải là một ảo tưởng. Ông ta đã ở ngay đó trước mắt tôi, siết chặt chiếc ô trong tay, lặng lẽ nói chuyện, đưa ra một câu hỏi lạ lùng, và rồi ông ta biến mất.
Tôi nhận ra hơi thở của mình đã bình thường trở lại, dịu đi và ổn định. Dòng chảy ào qua đã biến mất. Ở một vài chỗ trên bầu trời dày đặc mây trên bến cảng đã bắt đầu xuất hiện những khoảng trống. Một vạt nắng xuyên qua mây, chiếu rọi xuống phần nhôm bọc trên một chiếc cẩu cần trục, như thể nó đã nhắm chính xác vị trí ấy. Tôi nhìn mất một lúc lâu, sững sờ trước cảnh tượng gần như chỉ có trong tưởng tượng này.
Bó hoa đỏ nhỏ bé được bọc trong giấy bóng kính đang đặt bên cạnh tôi. Như một bằng chứng của tất cả những điều lạ lùng đã xảy ra với tôi. Tôi cân nhắc xem nên làm gì với nó, và rốt cuộc đã bỏ nó lại trên chiếc ghế gần cổng. Đối với tôi, đó xem như là phương án tốt nhất. Tôi đứng lên và đi về phía trạm dừng xe bus mà hồi đầu mình đã xuống. Gió bắt đầu thổi loạn những đám mây nặng nề phủ trên bầu trời.
*
Sau khi tôi kể xong câu chuyện này, có một khoảng lặng, rồi người bạn nhỏ tuổi của tôi nói, “Em không hiểu lắm. Chuyện gì đã thực sự xảy ra hồi đó vậy? Có mục đích nào hay điểm cốt lõi nào không?”
Tình cảnh lạ lùng mà tôi đã trải qua trên một đỉnh núi ở Kobe vào một chiều Chủ nhật cuối thu - đi theo hướng dẫn trong một tấm thiệp mời đến nơi mà đáng ra sẽ diễn ra một buổi hòa nhạc, chỉ để cuối cùng phát hiện ra tòa nhà đó đã bị bỏ hoang - những điều này có nghĩa là gì? Và tại sao nó xảy ra? Đó là điều bạn tôi đang hỏi. Một câu hỏi hoàn toàn bình thường, nhất là bởi vì câu chuyện tôi đang kể cậu nghe chẳng đi đến một cái kết nào cả.
“Chính tôi đến giờ cũng chẳng hiểu,” tôi thừa nhận.
Nó là một vấn đề vĩnh viễn không được giải đáp, như một câu đố cổ vậy. Những điều xảy ra vào ngày hôm đó thật không thể nào hiểu nổi, không cách nào giải thích, và vào năm tôi mười tám tuổi, nó đã khiến tôi vô cùng hoang mang và bối rối. Đến mức mà, trong một khoảnh khắc, tôi đã suýt lạc lối.
“Nhưng tôi có cảm giác,” tôi nói, “cốt lõi hay mục đích của nó không thực sự là vấn đề.”
Bạn tôi trông bối rối. “Anh đang nói là không cần phải biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì sao?”
Tôi gật đầu.
“Nhưng nếu là em,” cậu nói, “em sẽ bị dằn vặt mãi mất. Em sẽ muốn biết sự thật, tại sao một chuyện như vậy lại xảy ra. Nếu em rơi vào tình cảnh của anh thì em sẽ thế.”
“Ừ, dĩ nhiên rồi. Hồi đó chuyện này cũng dằn vặt tôi. Rất nhiều. Tôi cũng tổn thương nữa. Nhưng sau đó nghĩ lại, từ một khoảng cách xa, sau thời gian trôi qua, nó bỗng trở nên không còn quan trọng, không đáng để buồn bực nữa. Tôi thấy nó không liên quan chút gì đến thứ tinh túy cuộc đời đó cả.”
“Tinh túy của cuộc đời,” cậu lặp lại.
“Đôi khi sẽ có chuyện như vậy,” tôi bảo cậu. “Những sự kiện không thể hiểu được, không hề logic xảy ra xáo trộn không tránh được. Tôi đoán là chúng ta cần phải không nghĩ về những việc đó nữa, cứ nhắm mắt lại và vượt qua thôi. Như là vượt qua một con sóng lớn vậy.”
Bạn tôi im lặng một lát, xem xét con sóng lớn đó. Cậu ta là một tay lướt sóng có kinh nghiệm, nên có rất nhiều điều, nhiều điều nghiêm túc, mà cậu phải xem xét một khi liên quan đến sóng. Cuối cùng cậu nói. “Nhưng không nghĩ về bất cứ việc gì cũng khá khó đấy.”
“Cậu nói đúng. Quả thực là khó.”
Trên đời không có gì đáng giá mà lại có thể dễ dàng đạt được, ông già đó đã nói, với một niềm tin không thể lung lay, như Pythagoras giải thích định lý của mình vậy.
“Về cái hình tròn có nhiều tâm và không có đường tròn ấy,” bạn tôi hỏi. “Anh có bao giờ tìm được câu trả lời không vậy?”
“Hỏi hay đấy,” tôi nói. Chầm chậm lắc đầu. Tôi có tìm được không?
Trong đời tôi, bất cứ khi nào có một sự kiện phi logic, không giải thích nổi, xáo trộn xảy ra (tôi không nói là nó xảy ra thường xuyên, nhưng đã có một vài lần), tôi luôn luôn nghĩ đến hình tròn đó - hình tròn có nhiều tâm nhưng không có đường tròn. Và, tôi sẽ làm như đã làm hồi mười tám tuổi trên chiếc ghế dài bên cánh cổng kia, tôi nhắm mắt lại và lắng nghe tiếng tim mình đập.
Đôi lúc tôi cảm thấy như mình có thể gần như nắm bắt được được hình tròn đó thế nào, nhưng ngưỡng thấu hiểu sâu sắc hơn né tránh tôi. Hình tròn đó, rất có thể, không phải một hình tròn cụ thể, một hình dạng thực sự, mà là một điều tồn tại chỉ trong tâm trí ta mà thôi. Khi ta thực sự yêu ai đó, hoặc thấy thương cảm sâu sắc, hoặc khi ta có một ý thức lý tưởng về một thế giới thế nào là đáng sống, hoặc khi ta tìm thấy đức tin (hoặc điều gì đó gần với đức tin) - đó là khi ta hiểu được hình tròn như một chân lý và thâm tâm chấp nhận nó. Dù vậy, tôi phải công nhận rằng, đây chẳnh qua cũng chỉ là sự cố gắng lý giải mơ hồ của tôi thôi.
Não chúng ta được thiết kế để nghĩ về những thứ phức tạp. Để giúp bạn cuối cùng sẽ hiểu được một điều mà bạn đã không hiểu được ngay. Và điều đó trở thành thứ tinh túy trong đời bạn. Những gì còn lại đều tẻ ngắt và vô dụng cả. Người đàn ông tóc muối tiêu đó đã nói với tôi như vậy. Vào một chiều chủ nhật âm u cuối thu, trên một ngọn núi ở Kobe, trong lúc tôi đang ôm chặt lấy một bó hoa đỏ nhỏ. Và ngay cả lúc này, mỗi khi có việc gì đó xáo trộn xảy ra với mình, tôi sẽ quay trở lại với hình tròn đặc biệt đó, và những thứ tẻ ngắt và vô dụng. Và thứ kem tinh túy đặc biệt nọ hẳn phải ở đâu đó trong kia, sâu trong lòng tôi./.
_________
[1] The cream of the cream: điều tốt nhất, tinh túy.
_________
Tử Dương
Dịch từ bản dịch tiếng Anh của Philip Gabriel
24/01/2019
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất