Disclaimer: Tôi không phải chuyên gia về y tế, kinh tế hay toán học nên những gì viết ở dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, cũng như không nên lấy làm lời khuyên về sức khỏe. Nhưng điều đó không có nghĩa là bài viết tôi không có cơ sở, mong bạn đọc cũng nên trang bị một số kiến thức nhất định. Bài viết khó tránh khỏi sai sót, mong các bạn có ý kiến đóng góp mang tính xây dựng.

Một số kiến thức cơ bản về virus và miễn dịch

Virus

Virus là một loại thực thể sinh học tối giản nhất trên Trái Đất. Cấu trúc thậm chí còn đơn giản hơn cả vi khuẩn, không có DNA mà chỉ có RNA. Ngoài ra, một trong những khác biệt lớn nhất giữa virus và các thực thể sống còn lại là virus không thể tự sinh sôi nếu thiếu vật chủ (host cell). Điều này có lẽ ít người để ý tới, nhất là trong khi báo đài liên tục đưa tin về độ nguy hiểm của covid-19. Bất kể loại virus nào đều phải dựa vào vật chủ để sinh sôi, và covid-19 cũng không ngoại lệ. Vì vậy, bạn có thể tạm an tâm phần nào khi ra đường vì covid-19 sẽ không thể duy trì số lượng ngoài tự nhiên trong một khoảng thời gian dài.
Ngoài ra, các quan sát sơ bộ cho thấy covid-19 có nhiệt độ tồn tại bên ngoài lý tưởng từ 0 đến 5 độ C. Bản đồ dưới đây biểu diễn nhiệt độ trung bình trong tháng 1-2 năm 2020, với các vùng dịch lớn được khoanh trắng. Covid-19 còn khá dễ chết dưới tác động của tia tử ngoại (UV).
Image may contain: text

Miễn dịch chống lại virus

Miễn dịch chống lại virus là một quá trình phức tạp nên tôi sẽ cố gắng giản lược. Bắt đầu bằng những triệu chứng thể hiện phản ứng miễn dịch như ho, hắt xì (để giảm nồng độ virus trong cơ thể), sốt (để gây khó khăn cho sự sinh sôi của virus), đau đầu (báo hiệu sự xâm nhập của tác nhân gây hại)... Đây là những phản ứng miễn dịch bình thường, vì vậy chúng ta chỉ thường uống thuốc khi những triệu chứng trên kéo dài quá lâu. Các thuốc thường dùng cũng thường chỉ giảm triệu chứng chứ không có tác dụng tiêu diệt virus, phần lớn công việc sẽ do hệ miễn dịch cơ thể đảm nhiệm
Khi một virus như covid-19 thâm nhập vào sâu bên trong và bắt đầu kí sinh vào các tế bào niêm mạc đường hô hấp, các tế bào bị virus nhiễm sẽ tiết ra một số chất hóa học để báo động hệ miễn dịch: tế bào lymphocyte B sẽ tiết ra kháng thể để vô hiệu hóa virus, còn tế bào lymphocyte T (cùng với các tế bào NK - natural killer cell) sẽ phá hủy các tế bào bị nhiễm virus để ngăn không cho chúng sinh sôi (cùng với các hoạt động khác của hệ miễn dịch).
Đối với hầu hết người khỏe mạnh và trẻ, mọi thứ sẽ dần ổn sau một thời gian. Tuy nhiên, chắc hẳn là các bạn cũng đã nghe nói một số người trẻ khỏe mạnh mắc covid-19 lại có bệnh tình trở nên xấu đi. Nguyên nhân chủ yếu thường là do hội chứng giải phóng cytokine (cytokine release syndrome - CRS). Đây là trường hợp khi mà hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh, các tế bào lymphocyte T không những phá hủy các tế bào nhiễm virus mà còn cả các tế bào khỏe mạnh khác. Các phim chụp phổi trắng xóa của những trường hợp này là do các tế bào bạch cầu tràn vào. Tổn thương phổi chủ yếu là hệ miễn dịch bản thân.
Đối với người già, covid-19 trở nên nguy hiểm do người già có hệ miễn dịch suy yếu, cũng như họ thường mắc các bệnh nền khác như béo phì, cao huyết áp, suy tim, tiểu đường, ...

Cứ nhiễm virus là sẽ gây bệnh?

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa rõ tải lượng virus để gây bệnh của covid-19 là bao nhiêu. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng phải đạt một tải lượng nhất định thì virus mới có thể gây bệnh hay gây phản ứng miễn dịch. Nhiều khả năng là nếu dưới tải lượng virus định mức đó, cơ thể của chúng ta hoàn toàn có thể tự xử lý mầm bệnh mà không cần kích hoạt các phản ứng miễn dịch biểu hiện thành triệu chứng. Mỗi người sẽ có định mức riêng.

Xét nghiệm covid-19

Các phương pháp xét nghiệm

Hiện tại có 2 phương pháp xét nghiệm chính: xét nghiệm theo phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase (polymerase chain reaction - PCR, cụ thể hơn thì xét nghiệm covid-19 dùng realtime reverse transcription PCR - rRT-PCR) và xét nghiệm tìm kháng thể (antibody). Nếu như các bạn xét nghiệm covid-19 và được yêu cầu lấy mẫu dịch từ trong họng thì đó là xét nghiệm PCR, còn được yêu cầu lấy mẫu máu thì đó là xét nghiệm tìm kháng thể.
Xét nghiệm PCR có thể hiểu là xét nghiệm để tìm mẫu RNA của virus có trong cơ thể bạn. Vì covid-19 là virus gây viêm đường hô hấp nên mẫu dịch ở họng được lấy. Ưu điểm là độ chính xác cao chỉ với một lượng mẫu nhỏ (ở Anh có công ty quảng bá là độ chính xác tới 99.9%), còn nhược điểm là khó thực hiện hơn vì RNA dễ hỏng và dễ cho kết quả sai lệch nếu bị pha tạp chất dù chỉ với một lượng rất nhỏ.
Xét nghiệm tìm kháng thể có thể hiểu là xét nghiệm để tìm các protein tiết ra bởi các tế bào lymphocyte B trong quá trình phản ứng miễn dịch. Bởi vì kháng thể chỉ được tìm thấy trong máu và mất một thời gian thì kháng thể mới được sinh ra, phương pháp xét nghiệm này thường dùng khi người nghi nhiễm không có triệu chứng hoặc khi cần điều tra dân số.

Nghịch lý dương tính giả (false positive paradox)

Một ví dụ cho các bạn dễ hình dung: giả sử chính quyền Hà Nội quyết định xét nghiệm 30,000 người liên quan tới ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai. Cũng giả sử rằng có 1% người thực sự nhiễm bệnh và xét nghiệm có độ chính xác là 99%. Vậy số người dương tính được phát hiện (cả thật lẫn giả) sau khi xét nghiệm 30,000 người kia là bao nhiêu?
- Số người dương tính thật qua xét nghiệm: 99% x 1% x 30000 = 297
- Số người dương tính giả qua xét nghiệm: 1% x 99% x 30000 = 297
=> Tổng sẽ có 594 người được xét nghiệm có kết quả dương tính, gần gấp đôi so với số người dương tính thực tế.
Trên đây là ví dụ về nghịch lý dương tính giả, khi mà số người nhiễm xét nghiệm ra sai lệch rất nhiều so với thực tế bởi vì số người nhiễm chiếm tỉ lệ thấp. Để giảm sai sót, người ta sẽ thường xét nghiệm nhiều lần và kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác nhau.

Những con số biết nói và không bao giờ lừa dối (hoặc không hẳn)

Những con số về các ca dương tính có ý nghĩa tới đâu?

Như các bạn có thể thấy ở trên, nghịch lý dương tính giả là một trong những hiện tượng rất phổ biến trong y học, nhất là khi có dịch bệnh đang hoành hành như thế này. Ngoài ra, một số báo cáo chỉ ra rằng có một bộ phận người nhiễm covid-19 không có triệu chứng bệnh bên ngoài - có thể là họ vừa mới nhiễm nên chưa có triệu chứng, cũng có thể là họ nhiễm với lượng vừa đủ để cho hệ miễn dịch tự nhiên của họ đánh bại, hoặc cũng có thể họ vừa khỏi bệnh. Vấn đề là ở chỗ, dương tính giả và dương tính thật không có triệu chứng đều giống hệt nhau khi xét nghiệm, và bạn không có bất kì cách nào để phát hiện điều đó ngoài việc tiếp tục xét nghiệm các lần sau hay các phương pháp khác. Mới đây có bệnh nhân 187 ở VN xác định dương tính vào ngày 22/3, nhập viện vào 25/3 nhưng sau đó đã âm tính vào ngay hôm đó và tiếp tục âm tính vào 28/3 rồi được cho ra viện vào 30/3. Có thể bệnh nhân đó đã rơi vào trường hợp dương tính giả như đã nói trên. Tuy nhiên, số ca dương tính vẫn được tính. Như ví dụ kể trên, nếu xét nghiệm hàng loạt 30,000 người thì rất có thể số ca dương tính được thông báo sẽ sai lệch khá nhiều so với thực tế.

Thế còn số người chết vì covid-19?

Cho đến thời điểm này, trên thế giới đã có hàng chục nghìn người chết, tập trung phần lớn ở các nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha và ở Mĩ. Nhìn vào những con số đó, nhiều người không khỏi hoảng sợ trước covid-19 và coi chúng là loại virus "nguy hiểm chết người". Trong lúc đó thì nhiều người VN tỏ ra khá an tâm khi chưa có ca tử vong nào vì covid-19. Phải chăng đây là một mâu thuẫn khó hiểu?
Đầu tiên, chúng ta cần làm rõ rằng liệu những cái chết đó có thực sự là do covid hay không? Hãy điểm qua báo cáo về các ca tử vong liên quan tới covid-19 ở New York:
Hãy để ý cột "No Underlying Conditions" kia, tổng cộng có 14 ca tử vong trên tổng số 1139 ca, chiếm trên 1% một chút. Có tới 2/3 số ca tử vong là có bệnh nền, và số còn lại chưa xác định rõ. Tương tự, có tới 2/3 số ca tử vong bao gồm những người trên 64 tuổi. Như vậy, có thể thấy rằng số liệu đang chỉ ra những người cao tuổi và/hoặc những người có bệnh nền nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Một vấn đề nữa khi xét số người chết vì covid-19 là liệu covid-19 có thực sự là nguyên nhân chính hay không? Rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn giữa "người sắp chết vì bệnh nền và dương tính với covid-19" và "người chết vì covid-19 thực sự do suy giảm chức năng phổi". Thế nhưng có lẽ nhiều nơi trên thế giới đang nhập nhằng 2 mục này khi thống kê. Và việc xác định chính xác nguyên nhân tử vong (autopsy) vào thời điểm mà các nguồn lực y tế đang chịu nhiều áp lực là việc khá phí phạm.

Liệu cái chết của những người nhiễm covid-19 có phải là "vô ích" và không mang lại giá trị gì cả?

Hãy cùng quan sát một số biểu đồ sau:
Biểu đồ thể hiện số người chết bởi tất cả các nguyên nhân theo từng năm, Mĩ
Đầu tiên là biểu đồ số người chết bởi tất cả các nguyên nhân tại Mĩ. Có thể thấy rằng so với các năm trước đó, số người chết bởi tất cả các nguyên nhân đang có xu hướng giảm mạnh mặc dù số người chết về covid-19 đang tăng lên. Có thể lý giải rằng việc lockdown đã giảm số người ra khỏi nhà, khiến số lượng người chết vì tai nạn giao thông và tai nạn nghề nghiệp giảm, cùng với đó số người chết vì phẫu thuật cũng giảm (!). Đối với Anh, nước có nhiều người chết vì các loại cúm thì dường như mọi thứ vẫn đang đi đúng chu kỳ của nó và chưa có dấu hiệu số người chết bởi tất cả các nguyên nhân tăng lên bất thường.
Song, hãy nhớ rằng Mĩ hay Anh thì cũng đang đặt trong tình trạng lockdown, khiến hầu hết mọi hoạt động kinh tế bị tê liệt. Chắc chắn sẽ có người sẽ chết đói. Chắc chắn sẽ có người chết bởi trầm cảm do mất việc hay mất tương tác xã hội. Hoặc bởi các nguyên nhân khác như bạo lực gia đình chẳng hạn. Và những con số đó có thể không phản ánh vào lúc này, nhưng sẽ phản ánh vào 1, 2 hay vài tháng sắp tới. Liệu số người được cứu khỏi covid-19 có đáng với số người sẽ chết vì các lý do kể trên không?

Covid-19 không chỉ là một cuộc chiến về y học: nó còn là cuộc chiến về kinh tế, thông tin, chính trị và tư tưởng

Kinh tế không chỉ là về tiền

Người ta thường nói "mạng người là vô giá", nhưng thực tế thì câu nói đó chưa bao giờ đúng cả. Bởi vì khi bạn mua bảo hiểm nhân thọ thì cái chết của bạn được gán một giá trị kinh tế, khi bạn đi xin việc thì năng suất lao động của bạn cũng được gán cho một giá trị kinh tế, ... Tương tự như thế, khi nền kinh tế suy sụp thì cũng kéo theo rất nhiều hệ quả - ví dụ như thất nghiệp trong thời điểm này chẳng hạn sẽ dẫn đến một số hệ quả như một bộ phận dân số trở nên nghèo đói, hoặc mắc các vấn đề tâm thần, hoặc bạo lực gia đình... Tất cả những điều đó đều có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng con người.
Những người hiểu về kinh tế đều biết rằng kinh tế học là một bộ môn khoa học về phân phối tài nguyên. Và con người cũng là một nguồn tài nguyên. Việc đánh đổi (trade-off) là chuyện cơm bữa trong bất kì quyết định hay chính sách nào. Một ví dụ là số người có thể chết vì covid-19 với số người có thể chết vì kinh tế suy sụp như đã nói ở trên.
Ngoài ra, kinh tế còn cho ta biết cách quản lý rủi ro. Hầu hết các hoạt động con người đều tiềm ẩn rủi ro. Nhưng không phải rủi ro nào cũng có xác suất như nhau, cũng như không phải rủi ro nào cũng có quy mô như nhau. Ví dụ như một thiên thạch có thể đâm vào Trái Đất và hủy diệt nền ăn minh của con người, quy mô rủi ro này rất lớn nhưng xác suất này chỉ khoảng vài phần chục nghìn đến hàng triệu; vậy nên con người sẽ không dồn hết tiềm lực kinh tế để xây dựng một hệ thống chống thiên thạch. Một ví dụ khác thực tế hơn là tôi bắt gặp một người phụ nữ vừa đi xe máy điện vừa video call với ai đó và tỏ ra sợ hãi trước covid-19; có lẽ là khả năng người phụ nữ đó gặp tai nạn hay bị công an bắt còn cao hơn khả năng người đó tiếp xúc với ai đó nhiễm covid-19.
Trong khi đó, các nhà dịch tễ học, bác sĩ hay giáo sư về y tế lại thường chú trọng về mục tiêu là tiêu diệt dịch bệnh và cứu con người hơn. Đương nhiên đó là điều đúng đắn, nhưng trên thực tế thì bất kì việc gì cũng cần tiền (hoặc tài nguyên có giá trị tương đương), kể cả là nghiên cứu hay chữa trị. Mặt khác, họ thường không ở vị trí có thể nhìn được toàn cảnh sự việc. Chúng ta sẽ cần họ để biết đâu là cách tốt nhất phòng và chữa bệnh, nhưng chúng ta không thể kì vọng rằng họ biết đâu là nơi cần dồn tài nguyên vào, bởi vì ngoài covid-19 thì chúng ta còn các bệnh dịch khác, các vấn đề xã hội khác, v.v...

Chiến tranh thông tin ở mọi ngõ ngách

Thời buổi loạn lạc do dịch bệnh như hiện tại là mảnh đất màu mỡ để truyền tải các thông tin đủ loại. Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với việc một số người đăng tin tức giả trên Facebook rồi bị phạt, nhưng đó chỉ là phần rìa của cuộc chiến này. Hầu như mọi thông tin trên internet về chủ đề này đều có độ tin cậy thấp. Đơn giản như thông tin về số người nhiễm và số người tử vong vì covid-19 như đã nói ở trên, các con số có khả năng lớn là không chính xác và khác xa thực tế - không chỉ ở Mĩ hay Trung Quốc mà bất kì đâu trên thế giới. Sẽ thật là ngây thơ nếu như chỉ căn cứ vào mấy số liệu đó mà đưa ra kết luận về độ nghiêm trọng của dịch bệnh lần này. Cùng với đó là các thông tin nhiều chiều bên lề, càng khiến cho mọi người thêm hoang mang, điển hình như vụ giấy vệ sinh.
Một trong những mảng tin mà tôi thấy khá thú vị là tin về các người nổi tiếng lần lượt dương tính với covid-19, có thể kể đến như vợ của Thủ tướng Canada, Thủ tướng và Hoàng tử Anh, một số cầu thủ bóng đá và vợ/bạn gái của họ, v.v... Một mặt, điều đó chứng tỏ rằng covid-19 có khả năng lan truyền rất mạnh. Mặt khác, những mẩu tin đó có sức sống rất thấp, thường chỉ vài ngày cho đến khoảng hơn 1 tuần. Có điều gì đó không đúng lắm ở đây.
Ngay cả giới khoa học cũng không hề tránh được tình trạng hỗn độn và mâu thuẫn này. Một số ví dụ có thể kể đến như:
- Ngày 14/1, WHO đưa ra thông tin rằng không có dấu hiệu truyền bệnh giữa người với người của ncov-2019 dựa vào nghiên cứu của Trung Quốc.

- WHO vẫn đưa ra khuyến nghị rằng người khỏe mạnh không nên đeo khẩu trang mà nên để cho các nhân viên y tế.
- Có một nghiên cứu của Trung Quốc chỉ ra một vài điểm tương đồng giữa covid-19 và HIV.
- Có một số nghiên cứu ban đầu chỉ ra tác dụng tích cực của hydroxychloroquine trong điều trị covid-19, bên cạnh đó có một vài nghiên cứu khác không chỉ ra điều này. Một số nước như Ấn Độ đã có động thái ngưng xuất khẩu các chất này.
Image
Công văn cấm xuất khẩu Hydroxychloroquine của Ấn Độ
- Một nghiên cứu của Trung Quốc chỉ ra covid-19 có thể tấn công hồng cầu.
V.v...
Tôi và phần lớn các bạn không đủ chuyên môn để đánh giá tính đúng sai của các thông tin đó. Nhưng chúng ta có thể luyện tập để đánh hơi thấy "mùi". Ví dụ như việc chưa có thuốc đặc trị hay vaccine cho covid-19, nhưng những người nổi tiếng kia chắc chắn là sẽ không đợi tới lúc có thuốc đặc trị hay vaccine. Họ thường có đội ngũ chăm sóc y tế riêng, ngoài ra thì rủi ro từ các tác dụng phụ của thuốc có vẻ như thấp hơn nhiều so với rủi ro khi chờ đợi có thuốc đặc trị hay vaccine.
Cũng còn rất nhiều thông tin khác mà chúng ta chưa nắm rõ, như thể chúng ta đang ở trong "fog of war" không chỉ đối với dịch bệnh mà còn đối với các tổ chức khác nhau. Có lẽ phải rất lâu sau thì những thông tin quan trọng mới được công khai. Điều này dường như mâu thuẫn với sự cấp bách và nguy hiểm của dịch bệnh - nếu như sự cấp bách và nguy hiểm đó thực sự tồn tại.

Những ranh giới chính trị bị xóa nhòa

Tổng thống Mĩ Donald Trump từng phát biểu trong "State of the Union" cũng như vô số lần khác rằng nước Mĩ sẽ không trở thành một "nước xã hội chủ nghĩa", thế nhưng lần này chính phủ Mĩ đang có những chính sách của một nước xã hội chủ nghĩa, ví dụ như hỗ trợ thu nhập cơ bản cho người dân trong mùa dịch, kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng để bắt một số công ty sản xuất các vật phẩm y tế đang thiếu hụt, ... Ngược lại thì những người ở phía bên kia chính trường - đảng Dân chủ - cũng nhận ra được sự cần thiết của việc kiểm soát biên giới, cũng như nhận ra rằng biến đổi khí hậu là một rủi ro còn rất xa so với dịch covid-19 lần này. Các khái niệm chính trị vốn là thứ chủ quan và nhân tạo, chịu nhiều biến đổi qua thời gian và càng chịu nhiều biến đổi hơn nữa qua những sự thay đổi tầm vĩ mô.
Dịch bệnh lần này là cũng một cơ hội hiếm hoi để nhìn nhận lại các đường lối chính trị đáng tranh cãi, nhất là giữa 2 thái cực phương Tây và phương Đông.
(Xin phép nói ngắn gọn, không đào sâu vì vấn đề nhạy cảm)

Những tư tưởng và suy nghĩ không mang lại giá trị thực tiễn - #loserthink

"Loserthink" là một từ được Scott Adams sáng tạo ra để chỉ những tư tưởng và suy nghĩ không mang lại giá trị thực tiễn (cũng là tựa sách của cùng tác giả). "Loserthink" không ám chỉ người mang suy nghĩ đó, cũng như không xúc phạm hay chỉ trích người đó; từ đó chỉ dùng để phân loại tư duy. Đợt dịch covid-19 là môi trường tuyệt vời cho đủ các thể loại thuyết âm mưu, đổ lỗi, gà gáy mà ai cũng muốn chứng minh là bản thân mình đúng và tất cả bọn còn lại đều sai.

- Loserthink #1: Việt Nam chống dịch tốt, phương Tây chống dịch không tốt => phương Tây nên áp dụng cách chống dịch của Việt Nam.

Chúng ta có thể đồng ý rằng những gì Việt Nam đang làm là rất tốt, cũng như phương Tây đang gặp khá nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là những gì thành công ở Việt Nam cũng sẽ thành công ở phương Tây (hay thậm chí bất kì quốc gia nào khác). Có rất nhiều yếu tố cấu thành khác nhau, bao gồm các yếu tố chủ quan hoặc trực tiếp (Việt Nam có kinh nghiệm hơn, đánh giá mức độ nghiêm trọng tốt hơn, mô hình chính trị của Việt Nam phù hợp hơn trong việc đưa ra quyết định tập trung hóa, văn hóa cộng đồng tốt hơn, ...) và các yếu tố khách quan hoặc gián tiếp (điều kiện địa lý, thói quen của người dân, ...). Có quá nhiều yếu tố khác nhau khiến cho việc so sánh và đánh giá tổng thể trở nên khập khiễng. Những thước đo khách quan như là số ca bệnh và số tử vong thì không đủ phản ánh mức độ ảnh hưởng.

- Loserthink #2: xét lại các quyết định trong quá khứ.

Đây là một điều cực kì phổ biến mà các phe phái dùng để công kích nhau. Ví dụ như tôi hay thấy người ta chỉ trích chính phủ Mĩ chậm chạp trong việc phản ứng với dịch bệnh. Dịch bệnh là chuyên môn của các chuyên gia y tế, khi mà chính các chuyên gia y tế đánh giá sai về dịch bệnh thì chẳng có lý do gì mà chính phủ Mĩ lại đi ngược lại các chuyên gia đấy cả, bởi vì ở thời điểm đấy, chẳng ai biết trước tương lai và chính phủ buộc phải nghe theo các chuyên gia. Và cũng vì người ta dễ dàng chỉ trích một quyết định dựa vào kết quả trong quá khứ hơn là kết quả trong tương lai. Việc sai sót là điều tất yếu của con người, và chuyên gia thì cũng là con người. Nhưng họ sai sót ở điều này không đồng nghĩa là họ sai sót ở tất cả những điều khác, cũng không đồng nghĩa rằng những người không phải chuyên gia có thể thay thế vị trí của họ. Tôi không có ý định bào chữa cho họ, vì họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho những sai sót của họ.

- Loserthink #3: lòng yêu nước, tự hào dân tộc và các tiêu chuẩn đạo đức nửa vời.

Đợt trước rộ lên một tin đồn rằng chính quyền của Trump muốn mua đứt một công ty dược của Đức để thâu tóm công nghệ sản xuất vaccine chống covid-19. Thế là đủ các thể loại chuyên gia 10 phẩy đạo đức lên mạng bêu rếu về sự "phi đạo đức" đó của Trump. Ngay mấy hôm sau thì các chuyên gia được một phen ngã ngửa vì đó là fake news. Điều này khiến tôi đặt ra câu hỏi là liệu lòng yêu nước và đạo đức có điểm chung hay không? Bởi vì kể cả khi cái tin kia không phải fake news, nghĩa là Trump đang tìm mua một công ty dược để sản xuất vaccine thì điều nào trong những điều sau là "phi đạo đức"?
1. Trump, dưới cương vị là Tổng thống Mĩ và được người dân Mĩ bầu ra và trao trách nhiệm bảo vệ họ bằng mọi giá.
2. Việc mua bán một công ty là chuyện thường ngày trên thương trường.
3. Việc mua bán áp dụng các quy định của nước sở tại cũng như các cam kết song phương và quốc tế.
4. Công ty được chào bán có quyền từ chối.
Như vậy, tôi - một người yêu nước - nếu ở vị trí của Trump thì tôi cũng sẽ làm như vậy, bởi tính mạng đồng bào của tôi là trên hết. Nếu như lãnh đạo Việt Nam làm như Trump, tôi cũng sẽ ủng hộ. Những kẻ tự nhận là YêU nƯớC nhưng lại có cái tiêu chuẩn kép kiểu "dân Việt Nam yêu nước Việt Nam" thì chấp nhận được còn "dân Mĩ yêu nước Mĩ" (hay dân nước X nào đó yêu nước X) thì không là những kẻ nửa vời. Nhân tiện là cái fake news này vẫn còn trôi nổi trên mạng mà vẫn không bị gỡ xuống hay đính chính. Gần đây nhất thì có cái tin là Mĩ trả 3 lần tiền để nẫng tay trên lượng khẩu trang mà Pháp đặt hàng Trung Quốc. Gần như chắc chắn đây là fake news, nhưng bạn có thể áp dụng 4 điều trên để đánh giá là liệu có cái gì là "phi đạo đức" hay không.
Bonus. Và tôi đã bị blocked ngay sau đó.
Trở lại câu "mạng người là vô giá" - nhưng có vẻ như một số mạng người thì "vô giá" hơn một số mạng người khác, khi mà cũng có một số thành phần ở Việt Nam cảm thấy hả hê khi các nước khác đang vật lộn với dịch bệnh cùng với số người chết lên 4 chữ số. Tôi cũng thấy khá khó hiểu khi bọn họ hả hê và tự hào về thành tích của Việt Nam - thứ mà có lẽ họ chẳng làm được gì mấy dưới góc độ cá nhân. Thôi, ít ra là bọn họ còn ở yên trong nhà.

Kết

Dù rằng dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, tôi có một niềm tin sắt đá rằng thế giới sẽ vượt qua. Và bạn cũng nên tin như thế. Vậy nên hãy cứ bình tĩnh, thư giãn và lướt Spiderum.
Quan trọng nhất: Cẩn thận với fake news.

Nhận đánh hơi các tin tức có mùi và những thứ hay ho khác tại đây: https://www.facebook.com/thequantumpill