Chào mọi người!
Thế là mấy độ xuân qua, dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành dữ dội trên khắp thế giới khiến cho bao người khiếp sợ. Tôi thì không có cảm giác đó, nhưng tôi lo nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, người thân, bạn bè, người dân của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Nhẹ thì sinh hoạt xáo trộn, nặng thì có thể tử vong. Hơi buồn nên viết vài dòng gửi đến mọi người để trấn an, nhắc nhở, chia sẻ … cách sống chung với dịch bệnh chờ đến ngày qua “cơn bĩ cực”.
Mọi người biết không, cuộc sống của tôi vẫn vậy dù có dịch bệnh hay không, bởi từ trước đến nay tôi luôn ý thức “phải sống làm sao để có thể tồn tại trong điều kiện ngặt nghèo”. Tôi chẳng có thói quen tụ tập bạn bè, chẳng lê la hàng quán, mỗi ngày đều tập thể dục thể thao, chăm chỉ tiếp thu kiến thức mới … Trước đây, cách sống này “có phần thiếu sót”, nhưng bây giờ, nó có vẻ “phát huy tác dụng”. Tôi ít bị “sang chấn tâm lí”, “hao binh tổn tướng” … để cuối cùng rơi vào trạng thái “không có lối thoát” khi dịch bệnh xảy ra, mặc dù thu nhập có giảm đôi chút.
Tôi có thói quen tập luyện thể dục thể thao từ thuở nhỏ. Nhờ chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao mà tôi ít bị bệnh, có cơ thể rắn chắc, tự tin trong cuộc sống. Tôi coi việc tập luyện thể dục thể thao giống như “uống thuốc tiên”. Mỗi lần được “uống thuốc tiên” là tôi lại tràn đầy sinh lực. Tôi lao vào làm việc, học tập không biết mệt mỏi. Tràn đầy nhiệt huyết, sáng tạo … Năng lực bản thân được phát huy tối đa vì thế hiệu quả đạt được cũng cao hơn.
Muốn có tâm lí, sức khỏe tốt để vượt qua dịch bệnh, đầu tiên bạn phải nghĩ đến tập luyện thể dục thể thao. Dù già hay trẻ, dù trai hay gái, dù người bình thường hay người khuyết tật, thể dục thể thao đều rất cần thiết trong lúc này. Chính vì vậy, hãy mau nghĩ ra một bài tập phù hợp với mình, hãy mau sắp xếp thời gian biểu phù hợp với mình … rồi lao vào tập luyện từng chút một, kiên trì từ ngày này qua ngày khác. Không tập được ở đó thì tập ở đây, không tập được ở ngoài thì tập trong nhà, thậm chí chỉ cần một khoảng trống nhỏ, nằm một chỗ, cũng có thể tập được. Tập đi rồi bạn sẽ thấy cuộc đời mình đổi khác!
Trẻ thì còn khỏe. Thấy mình còn khỏe liền bỏ qua việc tập luyện thể dục thể thao mà không biết rằng sức khỏe ngày một xuống dốc, cạn kiệt không còn chút hơi sức nào. Lúc đó, dù có muốn, bạn cũng không thể cứu vớt được đời mình.
Trước năm 30 tuổi, nhìn còn ok lắm. Từ năm 30 tuổi đến năm 40 tuổi, sức khỏe sẽ có dấu hiệu suy giảm. Và dấu hiệu này càng rõ nét khi bạn bước qua tuổi 40. Lúc đó mà không tập luyện thể dục thể thao thì sống cao lắm cũng chỉ được vài năm nữa. Muốn sống lâu thì phải có sức khỏe, sức bền, do đó, tập luyện thể dục thể thao là cách tốt nhất để bạn đạt được điều đó.
Trên đời này, hầu hết mọi thứ đều bất công, duy chỉ có sức khỏe, trí tuệ … là không tuân theo qui luật đó. Dù bạn giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, bình thường hay khuyết tật … Những điều đó không quan trọng. Nếu bạn không tập luyện thể dục thể thao, bạn sẽ không có sức khỏe để sống tốt. Vì vậy, đừng ỷ rằng mình có “điều kiện” mà bỏ bê sức khỏe, chơi bời quá độ … Sức khỏe của mỗi người do mỗi người định đoạt! Không có ông Trời nào cho bạn sức khỏe khi bạn không biết “nâng niu” nó đâu!
Bạn không thể trốn tránh nCoV, mà cho dù bạn có cố gắng trốn tránh cũng không thể trốn tránh mãi được. Bạn phải kịp thời hành động vì sự tồn tại và phát triển của mình. Hiện bệnh này chưa có thuốc trị. Vaccine thì hiệu quả chưa cao. Đến khi con người có khả năng “hạ gục” chúng chắc cũng còn lâu lắm. Một trong những việc làm cần kíp bây giờ là bạn phải “kích hoạt hệ thống miễn dịch” của mình bằng cách tăng cường tập luyện, chú ý đến ăn uống, ngủ nghỉ … Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, cơ thể con người ắt hẳn phải có khả năng đánh bại bất cứ bệnh tật nào. Nếu chẳng may dính bệnh thì với cơ thể khỏe mạnh “tổn thất” cũng ít đi. Đừng ngồi đó mà chờ chết!
Tôi có thói quen ăn xài tiết kiệm, nuôi heo đất … từ thuở nhỏ. Cái gì đáng xài thì mới tiêu xài. Khi tiêu xài luôn cố gắng giảm chi, tăng thu để có lợi ích lớn nhất. Những đồng tiền nuôi heo đất tuy nhỏ, nhưng dần dần sẽ lớn lên. Khi nó lớn đến một mức nào đó sẽ được tôi đem ra đầu tư để sinh lợi.
Tôi ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều người xài sang, và không có thói quen tiết kiệm, đến khi gặp dịch bệnh, họ cảm thấy cuộc sống của mình “vô cùng khổ sở”.
Giới trẻ bây giờ phần lớn sinh ra đã được cha mẹ cung phụng. Họ tiêu những đồng tiền không phải do mình làm ra nên không có cảm giác xót tiền …
Dịch bệnh là cơ hội để mỗi người nhìn lại mình. Xem mình đã tiêu xài hợp lí chưa. Và cố tìm cách tiết kiệm những gì mà bản thân được hưởng.
Nếu nấu dư chút cơm, đừng đổ đi vì có thể bảo quản, tận dụng để nấu cháo vào ngày mai. Nếu ăn trái cây, đừng vội vứt vỏ vì có thể tận dụng để làm phân bón. Nếu có tắm rửa, hãy tắm thật nhanh để tiết kiệm nước cho người khác dùng. Nếu có mua đồ, đừng vội vứt cái bịch ni lông vì có thể tận dụng để đựng rác. Thay vì bỏ tiền mua cái này, hãy bỏ tiền mua cái kia có lợi hơn … Rất nhiều cách có thể giúp bạn tiết kiệm, vì chỉ có tiết kiệm bạn mới có thể vượt qua những lúc ngặt nghèo.
Dịch bệnh mới bùng phát, nhiều biện pháp được áp dụng khiến cho đời sống người dân gặp khó khăn. Trước tình hình mới, chúng ta phải tìm cách để tiếp tục sống sót, vươn lên. Và chúng ta chỉ có thể làm được điều này khi nhìn vào sự thật, chấp nhận thực tế và cải tạo tốt chúng …
Dù nhà ở thành phố không có đất để trồng cây, nhưng tôi nghĩ mình phải cố tìm ra cách trồng ít cây hữu ích. Thế là tôi bắt đầu trồng. Đầu tiên, tôi trồng những loại rau gia vị. Kế đó, tôi trồng những loại cây cho trái dùng để nấu canh như bí đỏ, bí xanh, bầu, mướp … Đất thì dễ tìm, quan trọng là ánh sáng và phân bón, vì thiếu hai thứ này cây sẽ không phát triển, thậm chí sẽ chết đi. Thế là tôi đưa cây lên chỗ có ánh sáng và bắt đầu tìm cách chế tạo ra phân bón. Tôi lấy mấy cái hũ nhựa, bỏ đầu cá, vỏ tôm, vỏ trái cây, đồ ăn thừa … vào đó, cho ít nước, đậy lại. Đợi vài ngày rồi dùng nước trong mấy hũ đó tưới cho cây trồng. Giải pháp trồng cây này đã giúp tôi không tốn một đồng mà còn có rau ăn lúc ngặt nghèo. Bên cạnh đó, trồng cây còn giúp tôi giảm căng thẳng khi suốt ngày đọc tin tức về dịch bệnh. Tôi nghĩ “liệu pháp” này có lẽ sẽ có ích với nhiều người.
Tôi có vài người bạn rất thích nhảy việc. Trước đây, tôi có khuyên rằng “Muốn làm gì thì chọn công việc có thể tăng tiến ổn định mà làm!”, nhưng họ không nghe. Bây giờ, khi dịch bệnh xảy ra, kinh tế khủng hoảng … họ mới thấm thía lời khuyên của tôi.
Sở dĩ nhiều người có cuộc sống bấp bênh là do ngay từ đầu họ đã không biết chọn những con đường có thể phát triển trường tồn để theo đuổi. Với lối nghĩ “chụp giật”, họ luôn chọn những công việc mang tính chất “ăn xổi, ở thì”. Cứ tưởng làm vậy sẽ mau giàu, hóa ra cuộc sống lại lận đận hơn.
Trong xã hội, đa số người có tư tưởng như vậy. Trồng cây gì, họ cũng muốn mau thu hoạch, thu hoạch nhiều nên chọn giống chẳng ra gì, rồi ra sức dùng chiêu trò “ma quái” “phù phép” ra kết quả … Đầu tư cái gì, họ cũng muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, “bỏ tiền ít thu lời nhiều” … nên chọn những hướng đi chỉ mang lại lợi ích cho mình, không hề quan tâm đến sự “mất mát” của người khác … Và dịch bệnh giống như là “cơn bão”, “trận lũ” ... Nó sẽ “thanh lọc” những cá thể, tổ chức có tư tưởng, hướng đi, phương pháp … tiến lên không hợp thời cuộc.
Muốn tồn tại và phát triển phải chọn con đường có thể phát triển trường tồn để theo đuổi. Muốn vậy, bạn phải có tầm nhìn, kiến thức … Chuyện này quả là không hề đơn giản với đa số người.
Tôi thường khuyên bạn bè rằng:
+ Muốn lấy ai thì chọn con người có thể gắn bó lâu dài mà lấy!
+ Muốn làm gì thì chọn công việc có thể tăng tiến ổn định mà làm!
+ Muốn làm giàu thì chọn con đường có thể phát triển trường tồn mà khởi nghiệp!
+ Muốn đầu tư thì chọn lĩnh vực có thể phát triển bền vững mà đầu tư!
Nếu ai cũng thấu hiểu triết lí trên, khi thiên tai, dịch bệnh … có lẽ sẽ không xảy ra những chuyện “đau lòng”. Người thì than trời vì lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Người thì than trời vì “trúng mùa mất giá”. Người thì than trời vì “không có lối thoát” …
Nếu chẳng may, bạn chọn phải con đường “bấp bênh” thì bạn phải có những giải pháp “phòng bị”. Nếu không, sẽ có ngày bạn lâm vào một trong những hoàn cảnh như trên.
Dịch bệnh đang hoành hành, nếu ai còn đang “đắm chìm” trong suy nghĩ “bệnh hoạn”, thói quen “độc hại” …, hãy mau mau thức tỉnh, thay đổi suy nghĩ, hành động … để thích nghi với “trạng thái bình thường mới”.
Trước đây, nghe tin ai đó ở gần nhà bị dính nCoV, tôi rất hoảng sợ, muốn trốn chạy, nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy phản ứng đó có phần thái quá. Thái quá là bởi:
+ Nếu biết cách bảo vệ bản thân trước dịch bệnh, khả năng bị nhiễm bệnh là rất thấp. Ngoài những việc như ăn uống đầy đủ, giữ gìn vệ sinh, tập luyện thường xuyên …, theo tôi, có một việc vô cùng quan trọng có thể giúp bạn hạn chế thấp nhất khả năng bị nhiễm bệnh, đó là “tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh”. Do không biết “ai là người bị nhiễm bệnh” nên giải pháp tốt nhất là “hạn chế tiếp xúc với mọi người”, nhưng nếu phải tiếp xúc thì nên có biện pháp phòng vệ.
Từ khi dịch bệnh xảy ra, tôi đã thay đổi một số thói quen để có thể bảo vệ mình và gia đình như: Không ăn ngoài mà mua đồ về nấu, không đến những nơi đông người (đặc biệt là những nơi có khả năng lây nhiễm cao như bệnh viện, sân bay …) …
Tôi cho rằng giải pháp “tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh” là giải pháp căn cơ bảo vệ mọi người không bị nhiễm bệnh, còn những giải pháp khác chỉ giữ vai trò thứ yếu. Cho dù virut có bay đầy ngoài đường thì chúng phải có khả năng nhất định mới có thể xâm nhập vào cơ thể con người. Và khi xâm nhập vào cơ thể con người, chúng phải có khả năng nhất định mới có thể tồn tại trước khả năng phòng vệ của con người. Thực tế chứng minh, không phải ai dính bệnh cũng đều chết.
Bệnh này do virut gây ra. Để khỏi bệnh chỉ có thể trông chờ vào khả năng phòng vệ của người bệnh. Cho đến hiện nay, giải pháp này vẫn là lựa chọn tối ưu. Do đó, trước khi có vaccine hiệu quả giúp bạn “kích hoạt” hệ thống miễn dịch thì bạn nên tự củng cố, “kích hoạt” hệ thống miễn dịch của mình. Trốn chạy dịch bệnh chỉ là giải pháp tạm thời.
Cho đến hiện nay, con đường duy nhất để đẩy lùi dịch bệnh là phải tìm ra vaccine để “kích hoạt hệ thống miễn dịch”. Vaccine có rất nhiều loại. Tiếp cận vaccine đã khó, tiếp cập vaccine hiệu quả càng khó hơn. Nhưng đây là điều chúng ta nên theo đuổi để “loại bỏ virut ra khỏi hành tinh này”. Chúng ta phải thấy được điều đó và hành động chính xác để đánh bại dịch bệnh. Tuy nhiên, làm được điều này quả không dễ dàng, bởi đòi hỏi chúng ta phải có lòng kiên trì, trí thông minh và tình đoàn kết …
+ Trốn chạy dịch bệnh không phải là lựa chọn tốt. Chúng ta không thể trốn chạy được dịch bệnh. Dịch bệnh đến, thay vì hoảng sợ, hoang mang …, chúng ta nên thay đổi suy nghĩ, hành động … của mình để thích nghi với “trạng thái bình thường mới”. Bởi chỉ có tìm ra con đường, phương pháp … phù hợp để tổ chức lại cuộc sống, chúng ta mới có thể “trường kì kháng chiến” đánh đuổi dịch bệnh ra khỏi “bờ cõi”.
Mỗi người nên hiểu đúng về dịch bệnh, về cách đẩy lùi dịch bệnh, từ đó, phát triển tâm lí, suy nghĩ, hành động … đúng đắn để chấn chỉnh lại cuộc sống của mình, của gia đình, cùng người khác đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh. Đừng vì hiểu sai mà “nằm yên chờ chết”, “ngăn sông cấm chợ” … khiến cho cuộc sống đi vào ngõ cụt: Việc làm bị mất, sức khỏe suy giảm, tinh thần sa sút … Cuối cùng, không chết vì dịch bệnh mà lại chết vì sai lầm của mình.
Hôm qua, tôi ra đầu đường mua 2 quả bí xanh về nấu canh. Hai quả bí được bán với giá 35.000 VND. Tôi giật mình vì giá thực phẩm tăng chóng mặt, chợt nghĩ: Mình đã vậy, cuộc sống của những người nghèo khổ sẽ ra sao?
Một nơi thì giá thực phẩm tăng chóng mặt, một nơi thì nông sản chất đống phải bỏ đi … Nghịch cảnh này quả là rất đau lòng!
Dường như có điều gì đó sai sai. Dường như có điều gì đó chưa đúng. Và … “cuộc chiến chống nCoV” vẫn đang diễn ra chưa có hồi kết.
Trời tháng 6 mưa nhiều hơn thường lệ. Những giọt mưa mặn chát, nặng trịch … rơi trên những con đường không một bóng người. Nhiều người co ro trong những căn nhà có vẻ như … rất lạnh. Sắp tới vào giữa mùa mưa cuộc sống của họ sẽ ra sao khi giông bão ngày càng lớn hơn?
Chắc sẽ rất buồn nếu chúng ta không có giải pháp tốt hơn!
Chat Master (Anastar)
---------------------------------------------------------------------------------
💡 Mời các bạn đọc thêm các bài chia sẻ khác của Anastar tại Chuyên trang thông tin khởi nghiệp, học tập và làm việc: http://anastar.vn
Email liên hệ: [email protected] / [email protected]