Robot, trí tuệ nhân tạo hay công nghệ thực tế ảo đã thực sự trở thành trợ thủ đắc lực hỗ trợ con người trong cuộc đương đầu với cơn bão Covid 19. Nhìn từ trong bức tranh khủng hoảng, đây có thể sẽ là những gam màu tươi sáng góp phần “định hình” lại một xã hội mới trong tương lai. 
Robot đã phát huy vai trò trợ thủ đắc lực trong cuộc chiến với Covid 19. (Ảnh: Reuters)
     Khi toàn cầu phải căng sức đương đầu với dịch bệnh, tự động hóa đã được mở rộng “đất diễn”, đi sâu vào những ngành lao động đặc biệt. Để hạn chế hiệu quả nhất sự lây nhiêm, mọi tiếp xúc giữa người với người đều bị giãn cách, tuy nhiên những nhu cầu cuộc sống vẫn phải được đáp ứng và có khi còn tăng cao do tất cả mọi người đều ở nhà. Lúc này, hình ảnh những nhân viên robot giao hàng tận tay, kiểm tra thân nhiệt hay dọn vệ sinh trở thành một điểm nhấn đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh. Khi nhịp sống tưởng như sẽ chậm lại và gặp khủng hoảng vì mọi người đều phải ở trong nhà, không tiếp tục được các hoạt động sản xuất thì tự động hóa chính là giải pháp tối ưu, nối liền “mắt xích” trong cỗ máy vận hành đời sống.
       Khắp nơi trên toàn cầu, các quốc gia đã đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong hoạt động sản xuất, dịch vụ, đời sống như tại Mỹ gã bán lẻ khổng lồ Walmart dùng robot chà rửa sàn nhà, Amazon thì đầu tư đội quân robot đóng gói và vận chuyển hàng hóa hay tại Vũ Hán, Trung Quốc, hình ảnh robot tự lái, cung cấp suất ăn và đo thân nhiệt trong bệnh viện không còn trở nên xa lạ. Ngay cả những công ty lữ hành cũng tìm ra hướng đi thu hút khách hàng với dịch vụ du lịch thực tế ảo nhờ công nghệ VR. Những hạn chế về khoảng cách tiếp xúc hay đi lại của con người trong dịch bệnh trở thành điều kiện “mở rộng đất diễn” cho công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo.
      Trong nguy có cơ, khủng hoảng từ cơn bão Covid 19 sẽ đẩy mạnh hơn năng lực sáng tạo và quá trình tự động hóa trong mọi lĩnh vực. “Robot dịch vụ đã vươn lên từ trong bóng tối và thu hút mọi sự chú ý như là đối tác tin cậy để bảo vệ con người trước khủng hoảng dịch bệnh”, dẫn theo bình luận tạp chí Nikkei Asian Review ngày 26/4. Khi giãn cách xã hội và hạn chế đi lại là những thay đổi mà Covid 19 đem lại cho toàn cầu, tự động hóa sẽ không chỉ là biện pháp nhất thời nữa mà sẽ là đầu tư lâu dài nếu các doanh nghiệp, tổ chức muốn tồn tại. Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Fuji Keizai, Tokyo, Nhật Bản, thị trường của robot sẽ tăng khoảng 2.6 lần, trị giá khoảng 4.500 tỷ yên trong giai đoạn 2018 – 2025.
"Trước khi dịch bệnh xảy ra, vẫn đề tự động hóa quá nhiều khiến con người phải suy nghĩ, tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch, họ sẽ phải nghĩ lại rằng chúng ta cần tự động hóa hơn nữa”, Richard Pak, giáo sư Đại học Clemson với nghiên cứu yếu tố tâm lý xoay quanh tự động hóa nhận định. 
  Sự vươn rộng của công nghệ cao trong bối cảnh dịch bệnh sẽ góp phần “định hình” lại một xã hội mới trong tương lai. Bên cạnh những biến động về đời sống thì dự báo trong thời gian tới, trí tuệ nhân tạo và robot sẽ dần thay thế những công việc từ đơn giản đến phức tạp của con người với vai trò tích cực là giảm tiếp xúc xã hội nếu dịch bệnh còn kéo dài. Bởi vậy đây có thể là xu hướng mà các doanh nghiệp và tổ chức đều muốn hướng đến trong tương lai. Hỗ trợ con người nhưng đồng thời, công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot cũng sẽ tạo thêm 58 triệu việc làm mới cho con người vào năm 2022. Bởi vậy biết đẩy mạnh hơn năng lực sáng tạo và thích ứng của bản thân là những điều con người đặc biệt thế hệ trẻ cần làm không chỉ trong thời gian dịch bệnh mà cả giai đoạn hậu khủng hoảng sau này.