Coronavirus: Một cơ hội để nhìn lại các dịch vụ, nhà hàng, các mối quan hệ, tương tác. Liệu chúng ta có thực sự cần nó đến thế?
Hàng ngày, bạn ở trong một vòng quay hối hả. Cả một thành phố hoạt động đến đêm khuya rồi mờ sáng đã lách cách tiếng các hàng quán...
Hàng ngày, bạn ở trong một vòng quay hối hả. Cả một thành phố hoạt động đến đêm khuya rồi mờ sáng đã lách cách tiếng các hàng quán mở cửa. Sau đó bạn đi làm, ù ù trong tiếng còi xe. Thế rồi bạn rúc vào cái văn phòng, chăm chú làm việc với vài chục con người. Bạn đi ăn trưa, quay lại làm chiều. Tối đến, bạn có thể đi ăn, đi uống với bạn bè. Những món ăn và đồ uống nhiều khi là cũ rích. Rồi bạn mệt mỏi lên giường ngủ và sáng hôm sau lại quay lại vòng quay nói trên. Sau 30 vòng quay như thế, bạn hết một tháng và lao vào một vòng quay khác: vòng quay trả những hóa đơn. Cuộc sống hiện đại hối hả này, hay còn được các bạn gọi mỹ miều là "modern time", không ngừng nghỉ, vù vù như một video timelapse. Bạn phải tham gia guồng quay này để kiếm những khoản tiền, rồi dùng nó để có được các trải nghiệm dịch vụ, nhà hàng với những mối quan hệ xung quanh nhằm tương tác với họ tốt hơn. Hoặc bạn phải dùng chính những khoản tiền mệt mỏi kiếm được đó mà mua dịch vụ, đi ăn uống tự thưởng cho mình, đặng còn lấy lại sức khoẻ, tinh thần để rồi hôm sau lại tiếp tục vòng quay bất tận. Bạn bơ phờ, chóng mặt nhưng đơn giản là khó mà thoát ra được khỏi nó. Bạn nghĩ nó là một sự mặc định: sinh ra nó đã có ở đó rồi, cuộc sống của bạn trước nay vẫn như thế và có lẽ sau này cũng sẽ vẫn như thế.
Thế rồi dịch đến, bạn bỗng có cả một bầu trời thời gian, một không gian tĩnh lặng và những giờ phút nghỉ ngơi để mà suy nghĩ.
Bạn sẽ thấy rằng, vòng quay đó không phải là một thứ gì đó duy nhất, mặc định và bất biến. Bạn có thể nhẩy ra khỏi nó, mà chọn cho mình những vòng quay chậm rãi hơn. Bạn có thể ít sử dụng các dịch vụ, ít ra nhà hàng và ít các mối quan hệ tương tác hơn mà vẫn có thể hạnh phúc. Hạnh phúc kiểu này có khi còn hơn kiểu hạnh phúc trước đây của bạn ở chỗ: bạn đỡ tốn sức hơn so với trước.
Đúng là không có dịch vụ, ta sẽ không được mở mang trải nghiệm, không có nhà hàng, ta sẽ không được thử những món ngon, mới, lạ. Không có các mối quan hệ, sẽ không có xã hội như ngày hôm nay. Nhưng không có nó, cũng không phải quá hoảng sợ. Ta đã từng sợ hãi rằng ta sẽ buồn chán đến nhường nào khi không còn những cái trên, nhưng hoá ra ta lại vẫn tìm được niềm vui khi ở một mình. Khi ở một mình, ta có cơ hội nhìn vào bên trong mình, hiểu mình và biết làm mình vui hơn. Đấy mới là niềm vui bền vững, một niềm vui cho phép ta thích ứng với mọi hoàn cảnh, bất kể mọi thứ xung quanh ta có thế nào. Kỹ năng quan trọng nhất trong thế kỷ này, không phải toán học, văn học hay tin học, mà chính là khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Hoàn cảnh bên ngoài, không tác động được đến chúng ta nhiều như chúng ta tưởng. Ngược lại, chính cái bên trong chúng ta, mới là cái tác động chính, thay đổi mạnh mẽ bản thân chúng ta. Một người luôn chán thì có ở Nhật ở Mỹ cũng chán, một người biết vui thì có bị cách ly ở nhà cũng vẫn có thể vui.
Dịch cũng cho phép ta có thêm thời gian suy nghĩ thêm về cuộc sống xung quanh, những thứ bên ngoài, những mối quan hệ. Ta sẽ biết dịch vụ nào ta thực sự cần, nhà hàng nào thực sự ngon hay mối quan hệ nào là thực lòng với ta. Khi ta suy ngẫm, tư duy ta có thêm hiểu biết. Khi có thêm hiểu biết rồi, ta sẽ thêm tự tin và chẳng còn biết sợ cái cuộc sống còn rất nhiều vô thường sau này của mình nữa.
Cứ đi rồi sẽ đến, đừng quá sợ hãi tương lai. Chúng ta rồi sẽ vượt qua được. Những thứ tưởng chừng như quá tồi tệ, như là việc phải nhốt mình trong phòng cả tháng trời thế này, hóa ra, lại không ghê gớm đến thế. Thế thì bạn còn gì phải sợ nữa?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất