Content Creator
Bạn có đang trở thành một người sáng tạo nội dung? Trước tiên nói về định nghĩa: Content creator là một thuật ngữ marketing ám chỉ...
Bạn có đang trở thành một người sáng tạo nội dung?
Trước tiên nói về định nghĩa: Content creator là một thuật ngữ marketing ám chỉ người sáng tạo ra nội dung hữu ích cung cấp đến độc giả.
Nội dung của những người làm nội dung cũng rất đa dạng như chữ viết, video, hình ảnh, âm nhạc,... Kênh tiếp cận đến độc giả của những người làm nội dung cũng như vậy: Facebook, Youtube, Google, Pinterest, Instagram, Blog, Truyền hình,…
Mỗi nội dung sáng tạo của bạn có cơ hội tiếp cận với độc giả cần là những nội dung chất lượng, được đầu tư hoàn chỉnh và quan trọng nhất là truyền tải thông điệp giá trị với người tiếp nhận nội dung. Khi nội dung đủ chất lượng, khi đó nội dung là video, chữ hay hình ảnh thì đều được cộng đồng đón nhận.
Nhưng cũng không thể phủ nhận xu hướng tiếp nhận nội dung của độc giả đang có dịch chuyển đáng kể trong 5-10 năm trở lại đây, thế hệ Z (Những người sinh ra từ năm 1995) đang dần chuyển sang ưa chuộng nội dung dưới dạng video ngắn (Độ dài dưới 15 phút)
Thống kê từ Youtube cho thấy:
- Hiện tại, có 1,9 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng đăng nhập vào YouTube. Số lượng này chiếm một phần ba lượng người dùng Internet, tạo ra rất nhiều cơ hội cho bất kỳ doanh nghiệp nào khi khai thác nền tảng này.
- Mức độ phổ biến của YouTube trải dài trên 91 quốc gia và 80 ngôn ngữ khác nhau, chiếm khoảng 95% người dùng Internet toàn cầu.
- YouTube tiếp cận nhóm đối tượng từ 18-49 tuổi trên điện thoại di động nhiều hơn bất kỳ mạng truyền hình và các chương trình phát thanh nào.
- Cisco dự đoán rằng video sẽ chiếm 82% lưu lượng truy cập Internet toàn cầu vào năm 2022. Với lượng video phát triển nhanh chóng, YouTube là một trong những động lực chắc chắn xuất hiện để biến nó thành hiện thực.
Vậy nên những nhà sáng tạo nội dung cần có sự chuyển mình để bắt kịp xu hướng của thế hệ người dùng đang ngày càng trở nên lười đọc và ưa chuộng video.
Nhưng trước khi bàn nhiều về vấn đề chuyển mình hay bắt kịp xu hướng tương lai, cần phải hiểu bạn đang mang phong cách nào trong giới Content Creator.
Người ta thường nói, phong cách viết cũng giống như nhóm máu. Mỗi một content creator sẽ có phong cách viết đặc trưng và khác nhau. Việc hiểu rõ phong cách viết của bản thân sẽ giúp bạn lựa chọn được những nội dung phù hợp và hiệu quả nhất, cũng như khắc phục những điểm yếu của mình.
Nhóm content creator thứ 1: Giáo viên
Nhóm giáo viên là những người thích giúp đỡ người khác bằng cách vừa cung cấp kiến thức lại vừa thực hành. Điểm đặc trưng của những content creator dạng này chính là họ rất thích đưa ra những ý tưởng mới, đồng thời lựa chọn những hình ảnh minh họa, từ ngữ, ví dụ… để minh họa cho ý tưởng đó.
Dấu hiệu của content creator thuộc dạng giáo viên bao gồm:
• Ưa chuộng những bài viết dạng how to hoặc step by step
• Không viết một bài riêng lẻ, thường viết một chuỗi bài liên quan đến một vấn đề hoặc xây dựng các tài liệu dạng FAQ ( thắc mắc và trả lời).
• Những bài viết của họ thường có tiêu đề dạng: ” Làm thế nào ?”, ” Làm cách nào ?”, ” Cách để..”
• Thường dùng nhiều hình ảnh minh họa như ảnh chụp màn hình.
Ưu điểm:
Họ thường tạo ra những bài viết hướng dẫn hữu ích, với thông tin chi tiết theo từng bước rõ ràng và ví dụ cụ thể. Những bài viết của họ đặc biệt có ích với những ai đang tìm kiếm cách làm một việc gì đó.
Khuyết điểm:
• Họ sẽ đưa ra những chỉ dẫn hữu ích và nói cho bạn nên làm thế nào, nhưng họ lại không đưa ra được những lý do để bạn làm điều đó. Thông tin mà họ đưa ra chỉ mang tính hướng dẫn, chứ không phải là giải pháp cho những vấn đề của bạn.
• Nội dung kiểu giáo viên sẽ không phù hợp với những ai cần được tác động hay thuyết phục ngay lập tức.
Nhóm content creator thứ 2: Người trong cuộc
Người trong cuộc thường viết những bài viết với thông tin hấp dẫn, mang tính độc quyền và được tiết lộ một cách hờ hững nhằm gây tò mò cho người đọc. Họ nắm giữ những thông tin mới mẻ, chỉ có họ có quyền được biết và tiết lộ. Họ thường đưa những thông tin mới lạ hoặc thông tin đính chính để giải thích cho những gì mà bạn thắc mắc.
Dấu hiệu của content creator thuộc dạng Người trong cuộc:
• Họ thường làm việc trong một ngành công nghiệp mới. Bài viết của họ nhằm mục đích đem những thông tin về ngành công nghiệp đó đến với người đọc, khiến cho người đọc hiểu và thu hút người đọc tham gia.
• Họ thường đưa ra những dữ liệu riêng của mình hoặc chia sẻ những gì doanh nghiệp đang làm để chứng minh cho một luận điểm nào đó.
Ưu điểm:
• Bài viết của content creator dạng này thường rất hấp dẫn và kích thích sự tò mò, với những thông tin hoặc kiến thức mới lạ, độc đáo.
• Thông tin mà họ chia sẻ có sự gắn bó mật thiết với thương hiệu và doanh nghiệp.
• Nội dung bài viết của họ đều xuất phát từ thực tế, với những thông tin theo dạng “chúng tôi đã làm ra nó và nó đã hoạt động”. Vì vậy, những thông tin mà họ cung cấp không chỉ mang tính lý thuyết thông thường mà chính là những bài học, case study hữu ích cho độc giả.
Khuyết điểm:
• Nội dung bài viết mang tính cá nhân cao, với sự tập trung chủ yếu vào những thông tin hay trải nghiệm mà họ biết và từng thử qua. Thực chất, những giải pháp của họ không thể áp dụng với tất cả mọi người.
• Độc giả thường hiểu lầm và xem những thông tin mà họ chia sẻ chính là chân lý, là kiến thức phổ quát, chính xác và không có sai sót.
Nhóm content creator thứ 3: Người ngoài cuộc
Khác với những nhóm người trong cuộc, nhóm người ngoài cuộc không tiết lộ thông tin một cách hời hợt. Dạng content creator này thường thắc mắc và đặt ra nhiều nghi vấn về thông tin mà họ sắp chia sẻ để chắc chắn thông tin ấy là chính xác và khả thi.
Dấu hiệu của content creator thuộc dạng Người ngoài cuộc:
• Luôn đặt câu hỏi khi tiếp nhận bất cứ thông tin mới nào
• Sao chép nhiều dữ liệu từ các nguồn khác nhau và tìm hiểu xem dữ liệu này có thực sự hữu ích hay không
• Nội dung của họ thường trở thành nguồn kiểm chứng của độc giả, khi độc giả muốn biết một luận điểm nào đó có phải là sự thật hay không.
Ưu điểm:
• Họ thường đưa ra nhiều câu hỏi khó, họ sẵn sàng xông pha tìm hiểu và thử nghiệm để kiểm chứng một điều gì đó.
• Thông tin mà họ đưa ra đã được đúc kết thông qua một quá trình thăm dò, lấy mẫu và kiểm tra nên thường có mức độ chính xác tương đối cao.
• Họ thường làm điều đó mà không hề đòi hỏi bất cứ lợi ích nào.
Khuyết điểm:
Trong quá trình kiểm chứng thông tin, họ có thể đưa ra nhiều luận điểm đế chứng minh rằng người đó sai hoặc để những người đó tự cảm thấy mình ngu ngốc.
Nhóm content creator thứ 4: Chuyên gia
Nhóm chuyên gia là những content creator với vốn kiến thức rộng. Họ thường am hiểu nhiều lĩnh vực hoặc có kiến thức sâu sắc về một lĩnh vực riêng biệt. Họ có thể đóng vai trò như một người tư vấn, sàng lọc hoặc chứng thực thông tin thay cho độc giả. Những thông tin mà họ đưa ra thường xuất phát từ kinh nghiệm thực tế hoặc đã được họ thực hành nhiều lần trước khi đưa vào bài viết.
Dấu hiệu của một content creator kiểu Nhóm chuyên gia:
• Họ thường xuất bản những bài viết nhằm đính chính hoặc làm rõ những thông tin sai.
• Họ có khả năng viết những bài viết dài một cách dễ dàng về chủ đề yêu thích của mình.
• Họ không góp nhặt hay tìm hiểu thông tin trước khi viết bài, họ chỉ viết những gì mà họ biết và đưa ra những ví dụ, câu chuyện kinh nghiệm, thông tin tham khảo… trong bài viết để chứng minh cho luận điểm của mình.
• Nội dung của họ được xem như thông tin tham khảo của những nhà tiếp thị hoặc content creator khác.
Ưu điểm:
• Họ thường có trình độ cao, với trải nghiệm và nền tảng kiến thức chuyên sâu. Họ có thể là chuyên gia cao cấp, giáo sư, tiến sĩ…
• Họ biết cách chia sẻ kiến thức một cách cụ thể và trôi chảy, vì vậy người đọc không hề cảm thấy nhàm chán hay nặng nề khi đọc bài viết của họ.
Khuyết điểm:
• Nội dung của họ thường khá chuyên sâu và có thể hơi khó khăn đối với những độc giả không có chung trình độ hoặc mức độ hiểu biết như họ.
• Đôi khi, họ quá say mê chia sẻ kiến thức mà quên đi cách trình bày sao cho độc giả không những có thể hiểu mà còn có thể áp dụng trong thực tế.
Nhóm content creator thứ 5: Thành viên mới
Dạng content creator này có đặc điểm ngược lại với nhóm chuyên gia. Đây là những người chỉ vừa làm quen với nghề sáng tạo content, họ không có nhiều kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm viết như những nhóm khác. Nội dung của họ vẫn chưa được sâu sắc cùng lối hành văn non nớt. Họ tạo ra những nội dung mà khi nhìn lại sau này, có thể họ phải thốt lên rằng: ” Tôi đã làm gì thế này ?”
Dấu hiệu của content creator thuộc nhóm thành viên mới:
• Bạn thường phải tìm kiếm thông tin về những thuật ngữ hay từ viết tắt mà mình không hiểu.
• Bạn tạo ra những nội dung liên quan đến kinh nghiệm của bản thân, những kì vọng, quá trình sáng tạo nội dung và những khám phá mới của mình trong một lĩnh vực nào đó.
• Bạn thường chia sẻ những thông tin hữu ích mà mình tìm được với mọi người và thường chỉ viết khi được giao bài.
Ưu điểm:
• Nhiệt tình, với hứng thú dồi dào cho việc sáng tạo nội dung.
• Tò mò và thường xuyên đặt câu hỏi về thông tin mà mình đang viết.
• Với cùng một chủ đề, họ sẽ có nhiều cái nhìn khác nhau. Họ cũng khá sáng tạo trong cách truyền tải nội dung, vì vậy nội dung của họ không hề gây chán nản cho người đọc.
• Nội dung của họ khá dễ hiểu, với cách trình bày đơn giản và không dùng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành.
Khuyết điểm:
• Họ không quá chủ động trong việc sáng tạo nội dung
• Bài viết của họ đôi khi chưa đủ thông tin hoặc vẫn còn lủng củng, khiến cho người đọc khó chịu
• Họ chưa đủ kinh nghiệm để sáng tạo nội dung nhanh chóng
Nhóm content creator thứ 6: Người quan sát
Dạng content creator này thường có khả năng quan sát rất tốt cùng một tầm nhìn rộng. Họ tiếp cận chủ đề một cách bao quát, không quá đi sâu vào tiểu tiết mà vẫn cung cấp được một nền tảng thông tin tốt. Với những chủ đề khó, họ sẽ đặt chúng trong một bối cảnh để người đọc dễ hiểu hơn. Mục đich của họ không phải là cung cấp toàn bộ thông tin cho người đọc về một chủ đề, họ chỉ gợi ra những câu hỏi, từ đó người đọc có thể suy nghĩ và tự tìm câu trả lời của mình.
Dấu hiệu của content creator thuộc nhóm Người quan sát:
• Là những người đi tiên phong trong việc cung cấp các nội dung về một chủ đề nào đó.
• Khả năng trình bày đa dạng, với phần mở, thân và kết bài được sắp xếp sao cho người đọc có thể hiểu theo những cách khác nhau
• Là người giới thiệu một chủ đề hoặc nội dung mới đến người đọc
• Bài viết thường khá ngắn (dưới 1000 từ) nhưng vẫn đầy đủ những thông tin căn bản.
Ưu điểm:
• Họ gợi mở cho mỗi người đọc những cách nghĩ riêng về cùng một vấn đề
• Họ không tập trung quá nhiều vào một đối tượng mục tiêu, nội dung của họ thường khá bao quát và hướng đến một nhóm độc giả rộng.
• Họ có thể sáng tạo ra một nội dung mới bằng cách chỉ ra những cái sai trong nội dung của người khác, như lệch hướng, lạc đề hoặc sự kết nối rời rạt giữa những phần trong nội dung.
Khuyết điểm:
• Bài viết của họ không đủ sâu sắc, nên không thể đáp ứng mọi nhu cầu về thông tin cho độc giả.
• Họ có thể trở nên chủ quan hoặc thiển cận nếu không có đủ kiến thức và sự hiểu biết thấu đáo về chủ đề đang viết.
• Họ có thể trở thành một kẻ chỉ trích xấu tính, chỉ chăm chăm vào những lỗi sai của người khác.
Nhóm content creator thứ 7: Mật mã viên
Những content creator thuộc nhóm mật mã viên thường có nhiều kiến thức về một lĩnh vực cùng khả năng biến hóa, xào nấu thông tin thượng thừa. Họ nắm giữ rất nhiều thông tin, nhưng họ không tiết lộ chúng một cách miễn phí. Họ thường nói một cách vòng vo, mơ hồ để kích thích sự tò mò của người đọc, từ đó dẫn dắt người đọc đến với những hành động cụ thể theo ý muốn của mình.
Dấu hiệu của content creator thuộc nhóm Mật mã viên:
• Người đọc cần đáp ứng một yêu cầu nào đó để có đầy đủ thông tin từ họ
• Bài viết của họ thường mang tính tiếp thị, với những từ ngữ hứa hẹn.
• Mục tiêu của họ là thay đổi hành động và suy nghĩ của độc giả.
Ưu điểm:
Họ là một người kể chuyện tuyệt vời, thông tin của họ thực sự cung cấp giá trị cho độc giả.
Khuyết điểm:
• Nội dung của họ có thể có vấn đề, trong khi độc giả buộc phải trả tiền hoặc thực hiện yêu cầu chỉ để có được thông tin của họ.
• Đôi khi, độc giả phải cung cấp thông tin cá nhân chỉ để có được một ebook hay gói dịch vụ từ họ.
Nhóm content creator thứ 8: Thuyết phục
Những content creator thuộc nhóm thuyết phục thường có khả năng bán hàng thông qua nội dung rất tốt. Họ sẽ thuyết phục bạn, bằng cách cung cấp các thông tin hoặc luận điểm cho một chủ đề nào đó. Nội dung của họ khá hữu ích và được kiểm tra kỹ lưỡng, vì vậy độc giả không phải lo lắng về tính chính xác của nội dung.
Dấu hiệu của content creator thuộc nhóm Thuyết phục:
• Họ đào sâu nghiên cứu những nguồn đáng tin cậy hoặc khác biệt để tìm ra thông tin.
• Họ thường sử dụng các ví dụ hoặc câu chuyện để minh chứng cho nội dung của mình.
• Họ thường kết thúc bài viết bằng những dòng call to actions
• Tiêu đề thường bắt đầu bằng từ ” Tại sao bạn nên/không nên…”
Ưu điểm:
• Content Creator thuộc nhóm Thuyết phục thường có nhiều ý tưởng mới
• Họ biết cách quan sát và thuyết phục người khác tin vào luận điểm của họ
• Họ đưa ra nhiều bằng chứng để chứng minh cho nội dung
• Họ truyền cảm hứng cho độc giả để tìm hiểu những ý tưởng mới
Khuyết điểm:
Họ có thể rất cố chấp và không chịu thừa nhận là mình sai.
Sự kết hợp giữa các nhóm
Hầu hết chúng ta là sự kết hợp của nhiều nhóm sáng tạo nội dung. Nhận ra điểm yếu và điểm mạnh giúp chúng ta có một sự kết hợp tốt hơn.
Giáo viên + Chuyên gia = Nội dung tạo ra nhiều chuyên gia hơn
Quan sát + Người trong cuộc = Mang đến ngữ cảnh cụ thể với những dữ liệu phức tạp hơn
Thuyết phục + Mật mã viên = Xây dựng danh sách email hoặc các dịch vụ bán hàng rất nhanh chóng
Thành viên mới + Thuyết phục = Thu hút nhiều người quan tâm hơn khi bắt đầu
Người ngoài cuộc + Quan sát = Mang tới sự kiểm chứng và cân bằng trong nội dung của một ngành công nghiệp
Người trong cuộc + Giáo viên = Giúp người học có thể nhân rộng thành công của một business.
Qua một vài thông tin được tổng hợp và hệ thống lại thành bài viết, mong rằng bạn đã có cái nhìn tốt hơn về Content Creator.
Bạn đang nằm trong nhóm nào của Content Creator?
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất