Mình đã tính viết những dòng này độ nửa năm nay rồi mà sự thật là mình quá lười biếng để viết ra. Và cho đến hôm nay khi mà cái gì đó chuyển hóa mạnh mẽ bên trong đầu óc mình, khích lệ mình mà không, thúc đẩy mình viết ra những quan sát của mình.
Quan sát của mình và mình để nó ở mục tâm sư không phải mục tranh luận, mình viết ra chả để cho anh/chị nào hay bạn nào nhảy vào để bình phẩm cái quan sát của tớ. Tớ tự hào vì tớ đã đưa quan sát của tớ từ con mắt, tới cái não và giờ thì tới cái tay để tớ gõ ra những dòng này. Đó là một hành trình và sự gì đó bên trong tớ. Và nếu ai có đọc hết những dòng này, và muốn chia sẻ lại sự quan sát của bạn thì thật sự rất tuyệt.
Dù là dân Xã hội học thật đất, viết gãy tay bao nhiêu bài luận nộp trong hơn ba năm Đại học thì bài này vẫn chỉ là một sự quan sát mà thôi. Được viết một cách tưng tửng, dở hơi nhất tớ từng làm.
---
Nhiều điều đã biến mất ở mỗi vùng quê Việt Nam. Những ao tù hồ chứa đã bị lấp dần, những con đường làng trở nên to hơn, những ngôi nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn, những cái cống mọc lên hai ven đường. Người ta tự hào về Nông Thôn Mới, tự hào về đã sướng hơn ngày xưa rất nhiều rồi.
Những vị khách đến cũng với những đầu tư dồi dào, ruộng biến mất và được thay thế bởi những nhà máy. Người ta khoanh vùng kinh tế, khoanh vùng công nghiệp, thế nên cái chỗ chỉ nhìn thấy một sản phẩm mà thôi. Nông dân – những người giàu có từ tâm hồn cho tới thời gian cho tới sức khỏe và ti tỉ tri thức khác đã trở thành công nhân trên chính mảnh đất ruộng cũ. Họ bắt đầu làm việc như những cái máy. Ở đó họ tạo ra những sản phẩm đại trà (bulk) trong một ngành công nghiệp nào đó, dệt may hoặc điện tử hoặc thực phẩm. Họ được khuyến khích tăng ca, sản xuất nhiều và nhiều hơn nữa để lương tháng thật nhiều và thật nhiều hơn nữa. Họ được khuyến khích không suy nghĩ quá nhiều trong lúc làm việc, tích cực, kĩ năng tốt, ít lỗi trong quá trình sản xuất và hiệu suất phải thật cao. Từ một người nông dân dẻo dai, giàu có họ nghèo nàn đi trong chính họ và tưởng rằng mình giàu có hơn bằng tiền mỗi tháng lương họ có.
Họ khuyến khích con em họ, cháu họ từ bỏ những cánh cửa tri thức mà đối với họ vừa tốn kém vừa không thể nhìn thấy kết quả một sớm một chiều. Họ đổ xô nhau vào nhà máy làm việc vì gần nhà, vì chả nắng mưa, chả một nắng hai sương, chả đau đầu. Họ cũng khốn khổ vì những lý thuyết kinh doanh mới, những quy định về giờ giấc về công việc gò bó họ trong một ngày. Thế là số người đi học sau Trung học phổ thông giảm, người ta lựa chọn đi làm tại các nhà máy hoặc xuất khẩu lao động. Chưa bao giờ, có một gì đó tươi sáng đối với họ như vậy. Và chả có sự lựa chọn nào khác cả. Ruộng đã biến mất rồi, người hàng xóm cũng đã đi rồi. Tỉ lệ kết hôn sớm tăng, tỉ lệ ly hôn tăng, tỉ lệ tệ nạn tăng.
Bệnh tật đến với họ sớm hơn và cái chết kéo nhanh hơn. Người ta sợ hãi trước đủ thông tin thực phẩm, thuốc men và họ hoang mang hơn thế hệ trước của họ. Và xin thưa với các tri thức rởm (bao gồm đứa đang gõ dòng này), lo cái ăn mặc lo con cái, lo tích góp khiến họ chả hơi đâu mà nghĩ những vấn đề khác như biến đổi khí hậu, tệ nạn xã hội hay chiếc ghế chính trị nào đó.
Mọi thứ cứ mất dần mất dần, trước đây người ta đơn giản cho từng thứ xú uế, rác thải của mình ra ngay ao vườn thì giờ đây người ta cho nó ra cống (một thứ trước giờ họ chả bao giờ có), cống ra mương ra sông. Họ đã từng trân trọng từng cục phân, giọt nước tiểu họ thải, con trâu con bò thải. Thứ mà giờ họ thấy dơ dáy tìm cách giấu đi và để rồi nghe người ta nói, họ đổ xô dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Và rồi, ở cái tuổi ngoài 30 người ta lão háo cột sống sớm, gan nhiễm mỡ và ti tỉ cái thứ bệnh chả biết ở đâu ra. Mất hết mất hết.
Thằng nào học về tôn giáo tín ngưỡng cũng biết rồi đó, một trong những thứ tạo nên phong tục của chúng ta, lòng tin trong chúng ta xuất phát từ tự nhiên (địa hình, khí hậu,. . .). Chúng ta từ quan sát tạo nên nhận thức về sự vật, sự việc. Bà nông dân ngày ngày tiếp xúc với cỏ cây mà hiểu rằng nhờ cây nhọ nồi mọc hoang ngoài đồng bà ấy có thể cầm máu nếu chẳng may cắt cỏ vào tay. Ông bà văn thơ là khi ông bà rảnh chuyện đồng áng, ngăm trăng sao, ngẫm đời mà nên thơ. Giờ nhìn lại có cái gì không? Ruộng mất, nhà mất, ao mất, lũy tre mất, cây cỏ, chim chóc chả thấy đâu. Đừng làm thơ rởm, cũng đừng sống ảo mấy ảnh ọt hay câu thơ. Sự nông cạn và hời hợt ấy chả thể hiện gì cả. Vì anh có điều kiện để tiếp xúc và tạo nên sự chân thật, tinh túy ấy đâu.
Chúng ta đã làm cái gì cho con cháu (xa xôi gì 2-3 năm nữa bạn có con rồi), đã làm gì cho chính chúng ta (đến cái bánh trôi ngày rằm cũng phải đi mua)?
Thật thảm họa cho cái gọi là phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững. Và thật màu mè cho việc bạn nghĩ bạn đang bảo vệ môi trường lắm lắm. Khỉ gió, tôi và một lũ màu mè làm công tác bảo vệ môi trường hồi sinh viên. Chúng tôi giờ đang làm cái gì cơ chứ? Đầy đứa vẫn đang hút trà sữa ly nhựa, ni long đi chợ kia kìa, mua sắm quần áo vô tội vạ kia kìa. Hoặc đổ xô bỏ hết mấy món đồ cũ bằng mấy món đồ tre, gỗ (vâng cũng là đồ đại trà, sản xuất công nghiệp hết). Hài hước và tội nghiệp cho chính tôi, cũng đã từng lậm vào thứ ấy.
Có cái nhà máy, họ bảo rằng, chúng tôi đang hướng tới sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã giảm bước chân các bon trong sản phẩm của chúng tôi mỗi năm là x%. Thật tuyệt vời, vâng, các bạn đang đóng góp cho trái đất ghê gớm chưa. Nhưng mà xem, nếu bạn sản xuất 20 cái áo T-shirt mất 400 các bon, một cái khoảng 20 các bon. Giờ bạn giảm được 5 các bon, thì còn 15 các bon cho một cái áo. Ok? Nhưng làm gì có chuyện hài thế, vì chi phí tôi giảm đi, tôi tiết kiệm nhiều hơn tôi sẽ làm 25 cái so với ngày xưa cơ. Chả có cái gì giảm và bền vững ở đây hết. Các sản phẩm bị cắt giảm năng lượng một cách màu mè, tưởng rằng bền vững ư? Kết quả, các sản phẩm đại trà (mass) này, chất lượng bị kém đi rất nhiều và nhanh chóng hỏng hóc và họ lại tiêu thụ cái mới bù đắp vào. Việc bảo vệ môi trường, khẩu hiệu tiết kiệm và tái chế không có gì hơn là giảm chi phí và tăng đối đa lợi nhuận (cái này không học Kinh Tế, nhưng tin chắc là vậy). Vậy nên, càng thêm giàu và càng thêm đẩy mạnh sự khai thác tận cùng.
Từ bao giờ cụm từ “công nghiệp” lại là cái gì đó bình thường tới vậy. Chúng ta, nhờ bàn tay tài hoa đã tạo nên mọi thứ chứ không phải cái máy. Chúng ta đã giàu có và có sự kết nối với môi trường sống xung quanh. Thế mà dạo này, ở đâu người ta kháo nhau bếp công nghiệp, bàn ăn công nghiệp, máy rửa bát công nghiệp, cho tới bát ăn công nghiệp, suất ăn công nghiệp, máy giặt công nghiệp…Công nghiệp đối với đứa viết bài này mà nói, là sự giống nhau, sự lặp lại vô nghĩa, sự chết. Khi chúng ta, mất kết nối với chính chúng ta, đó là sự tồn tại và sự chết.