Đầu tuần tớ vừa có chuyến đi cứu trợ miền Trung.  Thực ra thì cũng không có gì long trọng để thành một bài viết, tớ muốn gom lượm và lưu lại những điều đáng yêu tớ trân quý tớ có được trong chuyến đi. Cũng đặc biệt vì đây là chuyến đi thiện nguyện đầu tiên trong đời tớ.
Thật lòng thì đầu tiên tớ hơi phân vân cách thức từ thiện này. Bởi tớ thấy dân tình bây giờ đi đông quá. Có lòng thì tốt thật nhưng tớ nghĩ nên theo một cách nào đó khoa học và hiệu quả hơn, chứ ai cũng mua đồ ăn thì không cần thiết lại lãng phí. Không chỉ bánh chưng đâu mà nhiều đồ như bánh mì cũng hết hạn nhiều ấy. Nhưng sau đó biết anh chị chủ đoàn có quen biết rộng và lãnh đạo địa phương dẫn đi, họ sẽ dẫn đoàn tớ đến nơi vùng sâu xa mà ít xe cứu trợ đến. Thế là tớ có phần yên tâm.
Điều không yên tâm lắm là tớ không biết bơi. Mà Facebook chia sẻ hình ảnh Thủy Tiên nhiều quá, thành thử tớ cứ tưởng tượng mình cũng sẽ trải nghiệm cảnh sông nước như thế. Trước khi đi hỏi han Dân đủ kiểu các kỹ năng sông nước, rồi hỏi áo phao hơn hay cái phao hơn, rồi áo phao mặc là oke thôi phỏng hay phải ấn gì nữa không... Thế mới lộ ra kỹ năng và kiến thức sống kém cỏi tệ hại mà hay đòi dạy dỗ em út.
Nhưng thực tế thì ngày bọn tớ đến nước đã rút, thành thử mấy đồ chuẩn bị sẵn chẳng cần dùng gì. Bọn tớ chỉ hơi mệt chỗ thu gom đồ từ các nơi ở Hà Nội lên xe tải, rồi lại dỡ xuống để chia đồ sắp xếp thành 600 phần rồi lại chuyển lên xe tải để đi phát. Mệt xíu thôi nhưng vui lắm.
1. 
Đoàn tớ đi thành 1 xe 16 chỗ và 1 xe tải chở hàng. Đều dán băng rôn Hướng về miền Trung hay gì gì đó ý đại loại thế.
Đi trên đường thấy nhiều xe có dán như xe tụi tớ lắm. Nhiều xe in trái tim to đùng, nhìn ấm lòng kinh khủng khiếp. Xuống điểm nghỉ là các xe nhìn nhau và cười, dù là lần đầu mới gặp. Mọi người hỏi han đùa vui rồi chào nhau. Có đoàn Quảng Ninh, Lạng Sơn, có đoàn Hải Phòng, có đoàn miền Nam nữa... Tớ đứng nghe những giọng nói từ các vùng miền khác nhau, với các tông giọng khác nhau nhưng có cùng tâm ý quyện vào nhau mà lòng cảm thấy rộn ràng như bài hát Việt Nam hỡi Việt Nam ơi mà em Tùng mở trên xe vậy.
2. 
Đầu tiên thì chú Huy tài xế chỉ làm vai trò của tài xế là chỉ lái xe thôi nhé. Chú gầy, ít nói và tự nhận mình "tôi là người lười lao động". Đến lúc bọn tớ chia đồ xong và chuyển lại lên xe tải, mọi người đã thấm mệt thì thấy chú cũng chạy vào khuân vác rất nhiệt tình. Tớ nhìn mà vui lắm. Mà tớ thấy chính chú cũng rất vui luôn ấy. Chú cười nói nhiều nhất từ ngày hôm qua đến giờ luôn.
3. 
Từ chỗ bọn tớ nghỉ đến chỗ phát quà là 100 cây. Đi cùng tớ có một bác người địa phương, nói giọng Quảng Bình. Bác gọi điện mấy lần cho lãnh đạo xã rất hứng khởi, giọng sung sướng lắm: Nói bà con tập trung để nhận quà hấy. Xe sắp đến sắp đến. Nghe giọng bác nói chuyện điện thoại mà tớ thấy như một người cha gọi về chăm lo cho gia đình mình vậy đó. Lúc phát đồ quả thật bác y hệt như một người cha luôn vậy, ân cần kêu mọi người Từ từ thôi không đổ xô nhau. Giữ trật tự bà con ơi. Yên tâm ai cũng có phần hết.
4. 
Chúng tớ phát hộ mấy thùng bánh mì ngọt Kinh Đô cho một nhà chùa nữa. Bánh mì này hạn sử dụng có chừng 7 ngày à. Vậy nên có nhiều cái còn hạn có 1,2 ngày. Đầu tiên tớ cầm phát trực tiếp từng cái cho mấy đứa nhỏ với mấy người già. Nhưng rồi chú kia đem mấy thùng ra để đó, thế là mọi người ào ào đổ xô giành nhau. Người thì tận 4,5 cái, người thì không có. Tớ rất bực, chuyện chú ấy để đồ như thế. Tớ thấy việc đó làm người dân xấu tính mà tranh giành nhau. Lúc mọi người đổ xô lên nhau để tranh giành bánh tớ rất sợ. Chẳng hiểu sao tớ sợ cảnh đó như thế, cảnh mọi người vì đồ ăn mà quên hết tất cả để chen lấn giành giật ấy. Nhưng sau đó tớ lắng lại, tớ chỉ buồn. Chỉ vì họ đói khổ quá mà sinh ra vầy. Tham Sân Si trong tâm như máu chảy trong người. Người đầy đủ dư thừa rồi vẫn còn Tham, người đói khổ càng không dễ kiềm chế. Thôi thì tớ chỉ biết cầu mong cho họ được đủ đầybiết mình đang đủ đầy.
5. 
Lúc phát đồ mọi người nhốn nháo, cũng do cán bộ xã chưa có kinh nghiệm tổ chức, lại không có loa đài nên phát đồ hơi cực. Có người vẫn cố lấy thêm phần quà, chúng tớ biết thế cũng hoan hỉ không nói gì, chỉ cười vậy. Có người thì cả ôm quà cả cúi người cảm ơn, giọng cảm ơn chân chất của người vùng quê không khéo ăn nói. Có người còn ôm quà khóc. Thiệt tình nhìn thương hết sức. Nhưng mà cán bộ xã vẫn phải bảo Thôi thôi, rồi đuổi mọi người về nhanh nhanh để còn người khác nhận quà. Nghĩ vừa thương vừa buồn cười.
6. 
Tớ tay trái lấy túi đồ đã đóng sẵn, tay phải lấy bánh chưng rồi đưa cho chú Thành phát. Mà bánh chưng thì ở phía dưới đất nên tớ phải gập người. Làm một hồi thì mệt xíu nhưng nghĩ cũng mừng vì giảm mỡ bụng nè =)) Lúc sau thì có một chị trong xóm đến phụ nhặt bánh chưng đưa lên tay để tớ khỏi cúi người. Chị bảo "Em mà ko đến thì chị gạy lưng hầy?" Hai chị em cười. Chị mang kính, tay đeo nhẫn cưới. Tớ đoán là một giáo viên trẻ. Vui quá trời trời. Tớ lén để dành một túi đồ to to để phát cho chị. Được lúc thì túi đồ đó lại bị lấy phát đi cho nhà khác. Hai chị em hiểu ý lại nhìn nhau cười tủm tỉm. Chị không hề có ý tiếc nuổi vì túi quà bị lấy đi. Nhưng sau đó tớ vẫn để cho chị được một túi to to. Hí hí.
7.
Trong lúc tớ phát đồ thì khá nhốn nháo, nhưng một cu cậu chừng 7 tuổi cứ đến quanh quẩn chỗ tớ. Cu cậu mặc đồ dài tay cũ và bẩn. Đen nhẻm nhưng duyên, còn có lúm đồng tiền bên má trái. Tớ nhìn cu cậu cười, cu cậu cũng cười lại và lúm đồng tiền hiện ra thật rõ nét. Tớ lén móc trong túi ni lông quà (chọn túi nào to to nhiều đồ) ra cái lương khô nhỏ đưa cho cậu. Cậu mừng lắm chạy đi. Một lúc sau lại chạy về, cười cười. Tớ nói đùa Này chị ko cho nữa đâu nhá. Cậu vẫn cười dễ thương thế và không có ý xin thêm. Lúc sau tớ lại đưa cậu cái nữa. Cậu lại sung sướng chạy đi. Chừng 10' sau lại chạy về, bảo Em đem về nhà cất rồi. Tớ hỏi sao không ăn. Cu cậu bảo Em để dành cho mẹ. Tớ ngạc nhiên ghê gớm, mũi cay cay, hỏi Thế mẹ đang ở đâu? Có ra nhận quà chưa? Cu cậu lắc đầu, và vẫn cười với lúm đồng tiền sâu hoắm. Chưa kịp hỏi thêm thì các anh trong ủy ban xã đuổi đám nhỏ đi cho rộng rãi. Cu cậu chạy đi mất tiêu.

Xong xuôi cả, trước khi lên xe tớ đến đập vai chào cu cậu. Cậu đang chơi với đám bạn vui vẻ lắm. Ngoảnh lại thấy tớ lại cười tươi. Các bé khác thì cứ nhìn lạ lạ ngại ngại thôi mà cu cậu này yêu ghê đó. Tớ bảo Chị về đây. Gắng chăm ngoan học giỏi nhé. Cu cậu gật đầu và cười. Tớ hỏi thêm: Có chăm học ko đấy? Cu cậu lại gật đầu nhẹ và cười ngại ngại. Cu cậu luôn cười đáng yêu như thế.

Nhìn tụi nhỏ hồn nhiên vui chơi trong bộ đồ bẩn, trong đôi chân đất và đồ chơi là mấy cái que cây khô, tớ nghĩ không biết sau này lớn lên chúng có nhớ lại một ngày nhỏ xíu ngập lụt, nhớ cái bánh hộp sữa người lạ mang cho mà chưa chắc nếu ngày thường chúng được ăn được uống như thế. Tớ mong đây sẽ là một ký ức đẹp đẽ trong tuổi thơ của chúng. Tuy đó là một sự thật đầy khắc nghiệt trong cuộc đời của người lớn. Đó chắc là một đặc ân của trẻ con, nhỉ?
Chúc em và các bạn có tuổi thơ mạnh khoẻ và an nhiên nhé.
8.
Trên đường đi qua các thôn xã, cũng có rất nhiều người dân đứng tập trung ở nhà văn hóa để nhận quà, từ các xe cứu trợ khác. Thật nhiều gương mặt và cảm xúc. Có nhiều người nhìn vào xe tớ cười, vẫy tay. Tớ hay nhìn mấy đứa nhỏ và cười. Những nụ cười của đám trẻ không hề có bão lũ và giông gió.
9.
Trên đường về Hà Nội đoàn tớ ghé vào một số đền chùa. Ở đó cũng gặp những đứa trẻ đen gầy mặc những bộ đồ cũ bẩn. Đứa nào cũng vui tươi la hét. Tớ nhớ em gái con của chị chủ quán ăn rất gầy, bị vấn đề về não. Chị nói là bé bị tự kỷ, nhưng bà bác nói với bọn tớ là em bị teo não hay sao đó. Lúc đưa cho em mấy viên kẹo alpenliebe, em cười gật gật rồi chạy đi đâu luôn. Lúc xe đi ra khỏi quán một đoạn, tớ nhìn qua cửa kính và thấy em đang ngồi trên xe máy, ở phía trong trong. Em cứ cố ngoảnh lại nhìn bọn tớ và vẫy vẫy chào cho đến khi xe khuất hẳn. Lúc đó tớ đã thầm nghĩ, dù không có trí thông minh hay sự khôn ngoan, chỉ cần có trái tim thôi, những chiếc vẫy tay đã đủ ấm áp. 
10. 
Nhà tớ cũng ở miền Trung nhưng không bị ảnh hưởng gì ngoài mưa nhiều và mất điện dài ngày. Nhưng những ngày này cũng mỏi tay trả lời tin nhắn hỏi han của mọi người. Hehe. Chó Ngọc cũng nhắn hỏi, rồi chó Ngọc nói thêm Miền Trung khổ nhỉ? Sao người ta không di dân đi nhỉ?  Có nhiều lý do mà người ta di dân không được. Nhưng lúc đó tớ  không nói gì, chỉ nhớ lại rõ ràng lần mấy chị em đi chơi Đồng Hới cách đây 3 năm. Hôm đó ngồi trên taxi, chú lái xe chở bọn tớ cứ hết lời nói với tớ: Cháu nhìn coi phong cảnh đẹp chưa? Có nơi mô được như chỗ ni khung cảnh nước non đẹp ri không?
Lúc Ngọc hỏi, tớ nghĩ ngay đến chú và lời nói đó. Rồi tớ mong cho chú và gia đình vẫn mạnh khỏe và vượt qua bão lũ, để năm sau đón khách du lịch chú lại tiếp tục tự hào nói với khách đến như thế. Nếu ai cũng vì những khó khăn mà chối từ mà rời bỏ nơi mình sinh ra, thì...cũng không sao. Chỉ là thế giới trong tớ thật buồn. Còn yêu, đâu ai rời đi.
11. 
Có nhiều điều tủn mủn nhưng đáng yêu nữa.
Ví như trên xe thì cô Minh Hoa nghe tin con gái đẻ. Và thế là cô Hoa và chú Thành đã trở thành Ông bà ngoại. Hai cô chú bình thường thì hơi khô khan dữ dằn một xíu, thế mà từ lúc có hình cháu là tủm tỉm thủ thỉ như một đôi thỏ con vậy. Đáng yêu ghê gớm. À em bé có tên là Hoàng Thái An. Bố bé họ Hoàng, mẹ bé họ Thái, và ông bà muốn bé luôn bình an.
Ví như chú lái xe bảo Tôi hôm đi bảo thằng con trai soạn đồ cho bố. Tôi nói là tôi đi miền Trung mấy ngày, thế là nó soạn cho tôi mấy cái áo len dày. Giời ạ. Nóng bỏ mẹ tôi có mặc được đâu. Đáng yêu nhỉ? Con trai sinh viên năm 3 soạn quần áo cho bố đi xa. Hôm cuối cùng thấy chú mặc áo len, tớ đùa Ồ chú mặc áo con trai soạn rồi nè. Chú cười bảo Tại áo kia mặc 3 ngày hôi quá rồi. Áo này mỏng mỏng mặc cũng được. Nhưng nghe giọng chú ấm áp lắm, nói về chiếc áo như đang nói về con trai vậy. Các ông bố luôn tự hào về con trai, theo các cách khác lạ của riêng mình.
Cả tỉ cả nghìn điều đáng yêu nữa mà tớ mỏi tay kể không hết. 
Một điều quan trọng mà tớ đã rút ra là, thế giới này còn quá quá nhiều điều đáng yêu và tốt đẹp, chúng ta chỉ cần lắng lại một chút, nhìn kỹ một chút, đưa tay ra và mở lòng rộng một chút, chúng ta sẽ thấy.
Thấy gì á hả? 
Với tớ thì là thấy cả một sự nhiệm màu.