"Vấn đề người con trai ba mươi tuổi vẫn ngủ chung với mẹ, bị bó hẹp trong cuộc sống vì người mẹ, anh ta bày tỏ mong muốn mẹ thay đổi tư duy, có người phản bác ý kiến của anh và nói việc mẹ anh làm là chuyện thường và anh không thể thay đổi tư tưởng mẹ được. Chú nghĩ sao về vấn đề này."

Người ta khổ đau không chỉ vì thù ghét mà còn vì yêu thương không đúng cách. Khổ đau thì còn chạy trốn chứ yêu thương thì rất khó bỏ đi. Người ta dùng danh nghĩa yêu thương để ràng buộc, kiểm soát và làm khổ nhau rất nhiều. Những người "bị yêu thương" cũng cho rằng đó là yêu thương nên không thể bỏ. Đó là một vòng lặp khổ đau mà chỉ khi có một người nhận ra và thoát khỏi thì mới chấm dứt.
Hiếu thảo không phải là chiều theo tất cả những yêu cầu của cha mẹ. Ngược lại, khi người con có đủ nhận thức và thấy được những điều không hợp lý trong các yêu cầu, hành xử của cha mẹ thì nên tìm cách góp ý, khuyên can hoặc ít nhất là không tham gia vào sai lầm đó. Điều này trên cơ sở lòng kính trọng và yêu thương.
Tuy vậy, đó là điều kiện lý tưởng khi người con có đủ sức ảnh hưởng với cha mẹ và đủ kiên trì, khéo léo. Muốn một người thay đổi quan điểm của họ là rất khó, huống chi đó là bậc trưởng bối của mình. Và sự thật là người ta chỉ thay đổi khi họ muốn như thế, chứ mình không thể thay đổi ai được hết và cũng không cần thử.
Trường hợp cụ thể mà cháu nói trên thì người con trai này có thể từ chối những việc bất hợp lý như được "cưng và chăm sóc" quá đáng của người mẹ mà không cần phải "mong muốn mẹ thay đổi tư duy". Anh ta có thể ngủ riêng, làm việc mình thích hoặc dọn ra ở riêng cũng được. Anh ta có thể tự mình thay đổi chứ không phải yêu cầu mẹ của anh cho phép anh thay đổi. Việc anh yêu cầu mẹ anh thay đổi tư duy cũng giống như việc mẹ anh muốn anh làm theo bà vậy thôi, chỉ khác là anh nhận định rằng mong muốn của anh là hợp lý.
Mọi sự đều do bản thân mình, và mình cũng chỉ có thể thay đổi chính mình thôi. Nhưng khi mình làm điều đó, những thứ xung quanh mình cũng sẽ thay đổi theo.

Chào anh, năm sau em sẽ bước vào kì thi quan trong của đời mình. Nhưng hiện giờ em lại cảm thấy khá chán nản, luôn muốn có thêm kĩ năng mới nhưng lại khó tập trung vào được và luôn trì hoãn. Anh có lời khuyên gì cho những bạn mắc bệnh "Để mai làm" như em không, em cảm ơn.

Chào em, em muốn có kỹ năng mới nhưng lại khó tập trung và trì hoãn vậy thì em thử luyện kỹ năng tập trung xem sao. Có thể luyện sự tập trung bằng cách ngồi thiền, chơi thể thao hoặc đánh cờ nè.
Em cứ chọn một môn mà em thích rồi làm, khi làm điều mình thích thì rất dễ tập trung, khi tập trung thì để ý rằng mình đang tập trung nhé, như vậy sẽ tăng khả năng tập trung đó.
Trì hoãn là một thói quen xấu. Muốn bỏ một thói quen xấu hiệu quả thì tốt nhất là thay nó bằng một thói quen tốt. Thói quen thường sẽ được hình thành sau 21 ngày liên tục lặp đi lặp lại.Bệnh "để mai tính" chỉ có một cách chữa là "làm liền đi".
Mà em đang chuẩn bị thi thì nên tập trung vào kỳ thi mới tốt nhe, kỹ năng gì khác thì xem có cần thiết không nhé. Vậy đó em, làm gì cũng được, làm liền đi.
Con có người yêu được 4 tháng. Con thắc mắc là sao con luôn là người nhắn tin trước dù cô ấy luôn online, vậy là cô ấy vô tâm hay thế nào ạ?
Chào cháu nha. Nhắn tin trước hay sau không nói lên được điều gì, hay ít nhất cũng chưa đủ thông tin để nhận định gì cả đâu. Cháu nhắn tin trước nhưng bạn cháu có trả lời ngay không? Có thể bạn ấy luôn chờ cháu nhắn trước thì sao, đó cũng là cảm tình mà.
Lại nói, đâu phải ai cũng có một người để nhắn tin trước như vậy nè. Và đâu phải người nào mình cũng muốn nhắn tin đâu. Cháu cứ tiếp tục nhắn trước trong hạnh phúc đi nghen.

Em hiện tại đi tưởng tượng và sửa chữa lại quá khứ trong suy nghĩ. Sao em tệ vậy, lại đi sửa quá khứ. Em rất mong mình giỏi-giàu để làm cho cuộc sống của ba mẹ và chị tốt theo cách em muốn. Em thấy mình thật tệ vì chẳng làm gì được cho họ, dù biết mình tự lo cho mình được là họ vui rồi.

Hiện tại em đã thấy được điều em vừa mô tả rồi, và em cho rằng điều đó thật tệ. Vậy em muốn sửa chữa nó ngay hay để cho nó thành quá khứ rồi mới tưởng tượng mình sẽ sửa?
Hiện tại chính là quá khứ của tương lai, nếu em thích sửa quá khứ thì hãy tưởng tượng nó theo cách đó. Nó là điều duy nhất em có thể thật sự tác động tới.
Nếu không thật sự hành động thì mọi suy tưởng chỉ là để cho vui, hoặc cho buồn.