Nguồn ảnh: The real theory on Instagram
Nguồn ảnh: The real theory on Instagram
Sẽ thế nào, nếu con người hiện tại chính là AI, được lập trình bởi chính con người của hàng nghìn năm sau?
“Simulation theory” (thuyết mô phỏng) (Bostrom, 2003) đưa ra giả định rằng đến một thời điểm tương lai, con người sẽ có thể giả lập thế giới mà ta đang sống.
Nói cách khác, hoàn toàn có khả năng ta đang sống trong một thế giới được lập trình bởi (hy vọng là) con người của tương lai.
Cần thêm bằng chứng?
Nếu bạn để ý kỹ, bạn sẽ thấy thế giới xung quanh ta thực chất đều dựa trên những quy luật cố định, tựa như bị lập trình.
Rất nhiều vật thể trong tự nhiên đều được “lập trình” theo dãy số Fibonacci (tổng một số trong dãy bằng hai số trước - 0,1,1,2,3,5,8,13,...)  và tỉ lệ vàng (1,618) (BBC Bitesize, 2023). Hơn nữa, DNA của con người thực chất cũng là một dạng mã tứ phân (quarternary code), sắp xếp theo bốn phân tử A,T,C,G; tương tự như mã nhị phân (0,1) của dữ liệu máy tính (Hood and Galas, 2003).
Không chỉ dừng lại ở tự nhiên, nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy rằng hành vi của con người cũng tuân theo một số “quy luật lập trình”. Ví dụ, chúng ta luôn bị thu hút bởi những hoạt động giúp chúng ta sinh tồn và duy trì nòi giống, như ăn uống, tì;nh dục; thậm chí lòng tốt với con người, đặc biệt là những người cùng chủng tộc, cũng là một dạng thức để duy trì kết cấu xã hội (Dawkins, 1976), (Buss, 2011).
Bạn có nhận thấy chúng ta đang sống trong thế giới được lập trình?
Nhiều người sẽ thấy thuyết mô phỏng như một lưỡi dao cắt đứt quan niệm của họ về thực tại.
Nhưng đối với mình, điều này mang đến những chân trời hết sức kỳ thú. Nếu con người thực chất chỉ là những mã lập trình, chúng ta hoàn toàn có thể “hack” cơ chế sinh học để xóa bỏ bệnh tật và đạt được siêu trí tuệ.
Tuy nhiên, mình hiểu đây chỉ là một góc nhìn chủ quan từ một đứa lạc quan bẩm sinh. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Một trong những khả năng khác mà Nick Bostrom đưa ra trong thuyết mô phỏng là nhân loại có thể sẽ tự hủy diệt trong quá trình cố gắng mô phỏng chính mình.
Nếu con người tương lai ai cũng có khả năng “hack” và biến chính mình thành “AI”. Chúng ta sẽ có nguy cơ mất đi những “mã lập trình “ đã khiến nhân loại tồn tại ngay từ đầu.
Ví dụ, nếu trở nên bất tử, con người sẽ mất đi động lực  nỗ lực trong cuộc sống; sẽ không còn những người con nỗ lực vì sợ tốc độ mình làm ra tiền chậm hơn tốc độ bố mẹ già đi. Con người hẳn cũng mất đi động lực sinh sản vì sẽ quá tải dân số nếu không có ai ch;ết đi.
Từ đó, xã hội dần trở thành một cỗ máy vận hành không có cảm xúc, sống mà như không. Có lẽ, một trong những lý do mà con người tương lai muốn mô phỏng chúng ta (nếu thuyết mô phỏng có thực), là bởi họ muốn tìm lại quá khứ tươi đẹp, khi con người sống vẫn còn mục đích?
Từ đó, mình lại đi đến một giả định. Đó chính là con người đã được lập trình để trở nên không hoàn hảo. Nỗi sợ, những tưởng là một cảm xúc tiêu cực, nhưng trên thực tế lại là thứ thúc đẩy ta cố gắng mỗi ngày. Chẳng phải vì ta sợ một tương lai vô định, nên ta mới nỗ lực phát triển bản thân sao? Tương tự, nỗi buồn cũng là một nốt trầm để giúp ta soi chiếu bản thân. Thường những lúc ta đạt được sự trưởng thành về nội tâm sẽ là sau khi ta gặp biến cố.
Trên thực tế, mình nghĩ ý nghĩa của hạnh phúc không nằm ở thành tựu, mà nằm ở quá trình thực hiện nó. Nghiên cứu của Brickman, Coates và Janoff-Bulman (1978) đã chỉ ra rằng người trúng xổ số không hạnh phúc hơn người thường là bao, thậm chí còn trở nên bất hạnh hơn. Bởi họ không trải qua gian nan để kiếm tiền, họ không cảm nhận được ý nghĩa của số tiền mình có.
Chính bởi sự không hoàn hảo, chúng ta mới cố gắng để hoàn thiện thế giới mỗi ngày, và chính sự cố gắng đó mới là điều khiến chúng ta là con người, một cách hoàn hảo.
Để chốt lại, mình nghĩ con người đúng là một AI, một thuật toán đã được lập trình trong thế giới này. Nhưng ta được lập trình để trải nghiệm cảm xúc, để ghét, để yêu, và để vươn tay chạm đến trời cao.
Chúng ta, con người, là những dòng mã lập trình hoàn hảo, trong một thế giới không hoàn hảo.
Nguồn tham khảo:
BBC Bitesize. (2023). The beauty of maths: Fibonacci and the Golden Ratio. [online] Available at: https://www.bbc.co.uk/bitesize/articles/zm3rdnb.
Bostrom, N. (2003). Are You Living in a Computer Simulation? The Philosophical Quarterly, [online] 53(211), pp.243–255. doi:https://doi.org/10.1111/1467-9213.00309.
Buss, D.M. (2011). Evolutionary Theories in Psychology. [online] Noba. Available at: https://nobaproject.com/modules/evolutionary-theories-in-psychology.
Dawkins, R. (1976). The Selfish Gene. Oxford: Oxford University Press.
Hood, L. and Galas, D. (2003). The digital code of DNA. Nature, [online] 421(6921), pp.444–448. doi:https://doi.org/10.1038/nature01410.