Dịch từ bài gốc của Beth Lord trên Aeon
---
Trong quyển Thời đại Novacene (2019) - Tân tân kỷ, James Lovelock viết: “Chúng ta phải loại bỏ cái ý nghĩ chất đầy tính chính trị lẫn tính tâm lý rằng thế Nhân sinh là một trọng tội chống lại tự nhiên… Thế Nhân sinh là hệ quả của sự sống trên Trái Đất;... một biểu đạt của tự nhiên mà thôi.”
Nhận định này tương lặp với triết lý thế kỷ 17 của Baruch Spinoza. Lovelock là người đề ra lý thuyết Gaia, cho rằng Trái Đất là một sinh thể sống tự điều tiết và luôn hướng đến việc duy trì sự tồn tại của chính nó. Gaia của Lovelock là một tên gọi khác cho định nghĩa mà Spinoza dùng trong quyển Đạo đức “Thượng Đế, tức tự nhiên”: cá thể đơn nhất tạo thành toàn thể vũ trụ, “các cấu phần của cá thể… biến thiên vô lượng, nhưng không hề làm thay đổi tới Cá thể toàn vẹn.” Lovelock tiếp bước Spinoza, tin rằng con người và động thái của loài người là những biểu hiện của tự nhiên, dù có vẻ như chúng ta đang tàn hủy thiên nhiên. Tác giả cũng lần theo Spinoza với quan điểm rằng chúng ta nên hân hoan trước những gì thế Nhân sinh tạo ra: sự tăng trưởng khổng lồ mức sinh hoạt và tri thức của con người.
Nhưng làm sao chúng ta có thể thấy an vui trước 400 năm chính tay ta hủy diệt môi trường tự nhiên và gây ra biến đổi khí hậu? Làm sao chúng ta có thể vượt qua mặc cảm tội lỗi, nỗi sợ hãi và tuyệt vọng về ảnh hưởng chúng ta lên tự nhiên - và tại sao chúng ta nên như vậy?
bức The Avenue of Middelharnis (1689) của Meindert Hobbema
Nhiều thập kỷ qua, Lovelock vẫn luôn cảnh báo về hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ mãi mãi thay đổi những cách thức sinh hoạt của con người cũng như của các loài khác. Các ấn bản gần đây của ông lại cho thấy một sự công nhận, tương tự với Spinoza, rằng các chuyển biến tự nhiên ấy cực kỳ phi đạo đức. Gaia ra sức tự bảo tồn mình, bảo tồn cuộc sống như vốn có: Gaia, Chúa hay tự nhiên chẳng mấy bận tâm phải duy trì loài này hay loài khác, hay bất kỳ cấu hình cụ thể nào của Trái Đất. Lovelock cũng chia sẻ với Spinoza nhận định rằng các chuyển đổi của con người tạo ra trên Trái Đất vẫn là một phần của tự nhiên, dẫu cho chúng ta có cho rằng một số hành vi hoặc gây hại hoặc tàn phá tự nhiên. Khi tìm kiếm ưu thế của mình và thay đổi môi trường, loài người không hề thay đổi tự nhiên: chúng ta chính là tự nhiên, đang tự thân biên cải. Tác động của các hoạt động ấy, nếu nhìn từ góc độ của tự nhiên, chẳng tốt cũng chẳng xấu.
Theo Spinoza, giá trị đạo đức của hành vi con người thay đổi Trái Đất đến từ giá trị chúng mang lại cho loài người chúng ta. Ông định nghĩa “tốt” là bất cứ điều gì chúng ta “biết chắc sẽ có lợi”, và từ đó ra sức đạt lấy. Theo định nghĩa này, những hành động con người thực hiện trong thế Nhân sinh luôn cực kỳ tốt trong việc giúp loài người trở nên hùng mạnh.
Thế Nhân sinh là giai đoạn địa chất học đặc trưng bởi sức mạnh con người sử dụng năng lượng tích trữ để chuyển đổi thế giới vật chất ở một quy mô vĩ đại. Lovelock truy nguyên giai đoạn này về năm 1712 cùng với phát minh động cơ hơi nước chạy than của Thomas Newcomen. Con người đốt than từ trước, nhưng động cơ hơi nước, thông qua việc rút kiệt mỏ, cho phép khai quật những trữ lượng năng lượng khổng lồ. Đó là một phát minh trao cho con người thêm sức mạnh để tạo ra ánh sáng và nhiệt nhằm kéo dài ngày lao động, để tạo ra và vận chuyển hàng hóa khắp thế giới, để di cư và xây cất, và trở nên giàu có hơn. Cùng với phát minh còn là sức mạnh tiếp thu và học hỏi, sinh tồn và sinh sôi, và - chí ít đối với một số chúng ta - dứt khỏi mọi nguy hiểm và tham vọng. Những sức mạnh có được từ tiền tài, sức khỏe, hạnh phúc và tự do chưa bao giờ được phân bổ đều khắp, nhưng mỗi lần tăng trưởng chúng lại kiến tạo tư duy và hành động mang lại những lợi ích toàn cầu như nước sạch sinh hoạt, hệ thống cống rãnh và giáo dục, tạo ra thêm nhiều cơ hội để gia tăng tri thức và khả năng sống còn của toàn bộ loài người.
Ta không thể phủ nhận thế Nhân sinh chứa trong mình một tiến trình vượt bậc trong việc thành toàn những điều mà Spinoza nghĩ là tốt đẹp nhất cho con người: sức mạnh hành động, năng lực tư duy và thấu hiểu hơn về Chúa, hay chính tự nhiên. Với Spinoza, bất cứ điều gì thúc đẩy hoạt động và tư duy đều hữu ích, và do đó tốt với chúng ta: vì vậy, trích xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch vẫn luôn mang lại lợi ích cho con người trong 400 năm qua. Tác phẩm Đạo đức của Spinoza cho rằng chúng ta nên hân hoan trước sự tăng trưởng to lớn về cả sức mạnh lẫn tri thức của con người. Tương tự, Lovelock, ở tuổi 100, viết rằng từ cuối cùng ông viết trong quyển Thế Nhân sinh là “một tiếng thét hoan ca - một thứ hân hoan trước sự cực giãn của tri thức chúng ta biết về thế giới và vũ trụ mà thời đại này đã sản sinh ra.”
Ấy vậy mà, lẽ đương nhiên, chúng ta không thể nào hân hoan. Chúng ta nào thể làm vậy khi không ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bởi giờ đây chúng ta biết rằng dùng than, dầu, và khí từ lòng Trái Đất góp vào sự nóng lên toàn cầu. Chúng ta biết rằng quá trình nóng lên gây ra những biến đổi khủng khiếp, và tỏa lan đối với hệ thống điều hòa thời tiết, địa lý và sinh thái đang bảo tồn và duy trì cuộc sống con người. Chúng ta không thể hân hoan trước những lần cháy rừng nhiệt đới Amazon hay ô nhiễm đại dương, kể cả khi chúng ta hiểu rằng chúng đều là những tác động từ việc con người ra sức tìm kiếm lợi thế cho mình. Đến những ích lợi hữu hình về mức sống gia tăng tại Ấn Độ và Trung Quốc cũng khiến chúng ta ngập ngừng, bởi chúng dẫn tới các nhu cầu lớn hơn nữa về năng lượng và thực phẩm.
Và chừng đó thứ vừa nói ra vẫn chưa hề đả động gì chuyện chúng ta chẳng thể hân hoan trước sự mất đi hoặc suy yếu của các loài côn trùng, cây cỏ, động vật cũng như các chốn nơi duy trì sự sống và ban cho chúng ta niềm vui. Thế Nhân sinh tạo ra nơi chúng ta cảm giác buồn rầu, ngóng trông, tội lỗi, căm phẫn và hờn oán. Những cảm xúc này càng mãnh liệt hơn khi chúng ta hiểu rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là do chính con người gây ra: chúng ta tin rằng chính ta đã gây ra họa này qua hàng loạt lựa chọn, và rằng chúng ta có lẽ đã có thể chọn lựa khác đi. Như lời Spinoza, ta cảm thấy rõ rệt nhất những cảm giác gây ra bởi giống loài mà chúng ta tin đã được tự do.
Trong phần 3 của quyển Đạo đức, Spinoza đề xuất một ngữ nguyên của cảm xúc, hay “đam mê”, định nghĩa và lý giải các nguyên nhân và hệ quả của từng đam mê. Chúng ta ngỡ sẽ cảm thấy ăn năn trước sự tàn phá môi trường: nỗi buồn đi theo cái tội chính tay ta gieo. Ấy vậy mà ăn năn lại vắng bóng lạ thường trong các trao đổi xoay quanh khủng hoảng khí hậu. Trái lại, chúng ta cảm thấy hối lỗi trước những điều đã gây ra, và vẫn tiếp tục gây ra, nhằm trầm trọng hóa thêm tình hình nóng lên toàn cầu; chúng ta cừu hận tổ tiên đã đưa đẩy mình vào con đường này; chúng ta tức tối trước các chính trị gia hờ hững bình chân như vại; và, hết sức mãnh liệt, chúng ta sợ. Chúng ta sợ các tác động đã được tiên báo của 400 năm tìm kiếm lợi thế từ việc hoán cải Trái Đất, những tác động không chỉ mang tính khí hậu mà còn mang tính xã hội lẫn chính trị. Chúng ta e sợ con cái mình rồi sẽ kế thừa một Trái Đất lụn bại. Chúng ta e rằng mình đã gây ra sự kiệt quệ này và xén bớt sự tăng trưởng của chính con cháu mình. Cảm xúc bao trùm chúng ta chính là khiếp sợ trước sức mạnh bản thân.
Với Spinoza, “sức mạnh” (potentia) dùng để chỉ khả năng có thể trở thành chính mình và hành xử theo đúng bản chất của một sự vật. Mỗi nỗ lực hòng bảo tồn sự tồn vong của mình, để tìm kiếm lợi thế, và để thực hiện những gì tuân theo bản chất của nó nhằm đạt được những cứu cánh kia. Spinoza nối sức mạnh với đức hạnh và giải thích rằng ta càng cố gắng đạt được những gì hữu lợi cho giống loài của mình và hành xử theo nó, ta càng trở nên mạnh mẽ hơn, và do đó đức trọng hơn. Chúng ta ra sức thực hiện những điều này nhằm bảo tồn giống loài và gia tăng sức mạnh thực thi của mình. Khi tiến hành theo những cách thức có ích cho chúng ta nhưng không tốt với tự nhiên, chẳng khó khăn gì khi gặp phải cảm giác đáng e sợ từ sức mạnh ấy. Tìm cách duy trì tồn vong và gia tăng sức mạnh trói buộc chúng ta vào các hệ thống trích xuất năng lượng và sản xuất thức ăn cầu kỳ trực tiếp góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Khiếp sợ trước sức mạnh của chính mình nghĩa là chúng ta khiếp sợ những gì đi ra từ bản chất của chính ta: sợ hãi trước thiên hướng đắc lợi về mình. Chúng ta còn e sợ sức mạnh của chính mình chừng nào chúng ta còn hoài nghi tác động của chúng. Sợ là nỗi buồn nảy sinh từ tưởng tượng của chúng ta về một tương lai bất định. Một khi nỗi nghi hoặc về tương lai bị xóa bỏ, nỗi sợ kia hoặc trở thành tuyệt vọng hoặc sự đoan chắc. Chừng nào còn nghi ngờ về hậu quả khi tìm kiếm lợi thế của bản thân, chúng ta còn sợ sức mạnh của bản thân; khi không còn nghi ngờ những hành động gây ra mang tính hủy diệt, chúng ta thấy vô vọng.
Giờ đây, mỗi khi cảm thấy bất kỳ nỗi ưu sầu nào, theo Spinoza, chúng ta lại tìm cách phá bỏ nguyên nhân gây ra nó. Do đó, khi sợ hãi hoặc tuyệt vọng về sức mạnh của bản thân, chúng ta ra sức tiêu diệt chính nỗ lực của mình, hoặc “tách nó ra khỏi mình, để không còn nhìn thấy nó trong hiện tại”. Kết quả là hành vi tự hủy. Sợ hãi sức mạnh bản thân đưa đẩy chúng ta hành xử theo những cách trái nghịch với lợi thế, kể cả khi suy về bản chất, chúng ta chắc chắn sẽ luôn hành xử để đạt lợi ích về mình. Ta quăng quật giữa tìm kiếm lợi ích và ra sức tách mình ra khỏi sức mạnh và khao khát của bản thân.
ảnh từ The New York Times
Spinoza xem đây là một tình thế bất ổn cho thấy những tầng mức thấp kém của đạo đức và hiểu biết. Để cho các đam mê tiêu cực làm suy giảm năng lực tư duy và hành xử, và để nỗi buồn chuyển hướng chía vào sức mạnh của chúng ta chính là suy giảm khao khát được tồn tại. Nền tảng của đạo đức chính là khao khát bảo tồn sự tồn tại của chúng ta cũng như hiểu biết về thứ tốt cho quá trình tự bảo tồn này. Sợ hãi và tuyệt vọng “thể hiện một khiếm khuyết trong hiểu biết và kém cỏi về sức mạnh của Tâm trí,” và các cảm xúc tự hoại cho thấy sự ngờ nghệch về bản thân và “một yếu kém to lớn của trí lực”. Trong tình huống này, chúng ta kém cỏi hiểu biết về mình và những gì tốt đẹp cho chính mình, và không thể tư duy một cách tỉnh táo.
Nỗi sợ trước sức mạnh và trước tự tri méo mó có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Thử nghĩ về “tin giả” và việc chúng ta đang sống trong một thời đại “hậu sự thật” mà xem. Tin giả chẳng có gì mới mẻ, nhưng thờ ơ lãnh đạm trước sự thật thì có lẽ là mới. Nỗi sợ hãi trước sức mạnh của chính mình bao gồm việc chúng ta sợ sức hiểu biết, và ngờ vực các tri thức có được thông qua các phương pháp suy luận rành rọt. Sợ hãi và hoài nghi về biến đổi khí hậu cùng nhau trỗi lên, cùng với sự hoang mang nên chọn cách giải quyết nào cho đúng. Trong một hoàn cảnh nghi ngờ, phủ định và bất trắc trước “tình hình địa chính trị toàn cục”, theo cách Bruno Latour từng nói trong quyển Down to Earth (2017), việc chọn cho mình sự thờ ơ trước thực tế đang xảy ra trở thành một thứ phản xạ sinh tồn, để mỗi khi chứng kiến hàng loạt những nhận định rời rạc, chúng ta không đồng tình cũng chẳng phủ nhận chúng.
Với Spinoza, mọi thứ đam mê tiêu cực đều được cảm nghiệm như một kiểu giảm suy sức mạnh. Khi sợ hãi sức mạnh của bản thân, ta cảm thấy sức mạnh đó bị suy yếu. Sự suy yếu này trở thành cơ sở để cố gắng, hành xử và tư duy, tạo ra cái mà năm 1887 Friedrich Nietzsche gọi là sự phẫn hận. Spinoza gọi cảm giác này là sự khiêm nhường, vốn không phải là một đam mê tốt lành để biến bản thân trở nên nhường nhịn hơn mà là một thứ đam mê “độc ác và vô dụng” gắn với sự tự tôn và ghen tức. Bởi khi cảm thấy hân hoan trước năng lực tự quyết, chúng ta cũng đang, ngược ngạo thay, ngợi ca sự yếu kém của bản thân. Nỗi sợ và uất ức của chúng ta trở thành cơ sở cho niềm kiêu hãnh và kiêu căng sai lối. Như đã biết, các cảm xúc ấy có thể mang lại ích lợi về chính trị: nỗi sợ về khí hậu luôn lượn lờ phía sau các chiến dịch kêu gọi Brexit, sau Donald Trump và các lãnh đạo dân túy, tân quốc xã, tất thảy bọn họ đều sử dụng chúng một cách có tính toán, và tự hào về sự khiếm khuyết tri thức. Khi ta sợ quyền lực của chính mình và các tác động của nó trên chính lập trường đang đứng, ta sẽ dễ dàng bị lung lay bởi những kẻ hẹn hứa những bình ổn tưởng tượng về đất đai và biên giới trong quá khứ.
Nỗi sợ do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra có những ảnh hưởng xã hội và chính trị rất lớn. Nỗi sợ ấy nhằm vào chính chúng ta, và ta tin rằng chính ta là kẻ tạo nghiệp: bằng những hành động mà sức mạnh của loài người đã và sẽ gây ra với tự nhiên. Spinoza luận rằng mọi đam mê đều gắn liền với “những ý nghĩ thiếu thỏa đáng”: những tư tưởng đến từ trải nghiệm thường nhật vốn hay thuần cảm tính, kém rõ ràng và dễ sai lầm. Sợ hãi sức mạnh của chính chúng ta gắn với hai ý nghĩ kiểu này: rằng con người trong 400 năm qua đã ngang nhiên tạo ra hoặc triển khai sự tồn tại của mình theo một cách khác, và rằng hành động cùng sự tồn tại của chúng ta tương nghịch với tự nhiên.
Spinoza cho rằng có tồn tại những hiểu sai sâu sắc về chỗ đứng của chúng ta trong thế gian. Trước hết, con người không hoàn toàn tự do đưa ra lựa chọn một cách khác đi. Xét là một phần thuộc về “bản chất tuyệt đối của Chúa,” chúng ta không hề có ý chí riêng, và “mọi thứ đều tất định bởi Chúa.” Con người trong 400 năm qua hoàn toàn tất định phải nới rộng sức mạnh lẫn tri thức của mình như trước kia, và chúng ta vẫn tiếp tục như thế. Con người chính là một phần của tự nhiên. Chúng ta không biến đổi tự nhiên; bởi tự nhiên chẳng phải là một vật thể đang đứng ở đằng xa, để đón chịu những thứ chúng ta gây ra. Nói theo lối siêu hình, Chúa, hay tự nhiên, là “thực thể” của những “hình thức” là chính chúng ta; ta cùng hành động ta gây ra tuân theo đúng lõi căn này. Theo Spinoza, căn lõi của một vật không thể chứa đựng cái mà nó phủ định, do vậy hành động của chúng ta hoàn toàn không thể đối nghịch với tự nhiên. Tự nhiên luôn biến thiên vô lượng, và khi gây ra thay đổi với tự nhiên, chúng ta không hề khiến nó suy giảm hay bị hủy hoại; hành động của chúng ta chính là tự nhiên đang thay đổi bản thân nó.
Nhìn theo lối này, cái mà chúng ta gán gọi là khủng hoảng khí hậu chỉ là một dãy trong số vô số biến thiên của tự nhiên. Cái tưởng chừng như là một biến đổi khủng khiếp và dữ dội nhìn từ góc nhìn của chúng ta chỉ là một sự thể hết sức bình thường đối với tự nhiên vô lượng vĩnh hằng. Bởi chúng ta không hoàn toàn tự do biên cải nó, chúng ta cũng không chịu trách nhiệm về mặt đạo đức cho việc làm thay đổi khí hậu, mực nước biển dâng, hay sự tuyệt chủng của các loài khác, và chúng ta nên vượt qua các cảm giác tội lỗi và trách móc. Quả thật, chúng ta nên vượt qua tất cả các đam mê tiêu cực, bởi một khi hiểu ra Chúa chính là khởi nguyên, là tấm nền và nguyên do gây ra tất cả, chúng ta hiểu rằng Chúa cũng gây ra nỗi buồn của mình. Theo công thức vượt qua đam mê của Spinoza, hiểu thấu nguyên nhân gây ra nỗi buồn nghĩa là nỗi buồn ấy “không còn là một đam mê, tức… nó chẳng còn là nỗi buồn. Và vì vậy, chừng nào hiểu rằng Chúa gây ra Nỗi buồn, chúng ta sẽ cảm thấy hân hoan.”
Nhưng rõ ràng lập luận chỉ bấy nhiêu chưa hề đủ. Chưa đủ để tuyên bố chúng ta chẳng làm gì sai chỉ bởi ta là một phần của tự nhiên, chỉ hành xử theo bản chất, và mọi thứ xảy ra đều thuận theo bản chất của Chúa. Bởi, xét cho cùng, con người đích thân gây ra sự tan chảy nhanh chóng của băng hai đầu cực và những đợt cháy rừng già Amazon. Chúng ta gây ra các thay đổi trong việc sử dụng đất đai loại bỏ hệ sinh thái của côn trùng thụ phấn, làm giảm nghiêm trọng số lượng của chúng. Có lẽ, một cách logic, chúng ta không thể hành xử ngược với tự nhiên, ấy vậy mà chúng ta vẫn có thể và vẫn hành xử theo những cách trái ngược với những hình thái và các sinh vật khác.
Spinoza tin rằng chúng ta ứng xứng với quyền giết động vật và sử dụng tài nguyên thiên nhiên để đeo đuổi lợi thế. Quyền của chúng ta mỗi khi làm như vậy tới từ sức mạnh ưu việt hơn. Không quy cách đạo đức nào điều chỉnh mối quan hệ của chúng ta với các loài không phải con người, bởi chúng diễn ra trong “tình trạng tự nhiên”, nơi không có thiện ác, và không luật lệ nào cả ngoài quyền tự nhiên. Với Spinoza cũng như với Thomas Hobbes, vốn tin và khá tuân theo lý thuyết khế ước xã hội, tình trạng tự nhiên không thuận lợi cho sự sinh sôi của loài người. Nhằm giảm thiểu và kiểm soát nỗi sợ của chúng ta đối với nhau, con người phải tạo ra những nhà nước, hạn chế các địa bàn hoạt động của con người bằng nhân luật. Những luật lệ này phản ánh những thứ một cộng đồng người định là tốt cho sự sinh sôi của chính nó. Động vật và cây cỏ không thể trở thành công dân, và sự sinh sôi của chúng không thuộc về mục đích cho nhà nước của Spinoza, trừ khi sự sinh sôi của chúng gây ra ảnh hưởng trực tiếp lên sự sinh sôi của chúng ta. 
Giờ đây chúng ta hiểu ra rằng, theo cách mà Spinoza không hề nhận ra, sự sinh sôi của đỉnh băng, cây cỏ và bươm bướm quả thật tác động trực tiếp lên sự sinh sôi nảy nở của chính chúng ta. Spinoza hiểu rằng mọi thứ đều là những thành phần tương kết của tự nhiên, nhưng ông hiểu thực tế ấy theo các khái niệm đặc thù siêu hình, chẳng theo đặc thù hệ thống sinh thái. Từ góc nhìn của thập niên 1660, Spinoza không hiểu được rằng để bảo tồn cuộc sống của con người, các đỉnh băng và rừng nhiệt đới Amazon nên và cần phải được giữ nguyên vẹn. Hiểu biết về sự tương thuộc sâu sắc của chúng ta với toàn thể tự nhiên, theo nghĩa sinh học, là sản phẩm của thứ tri thức mà chúng ta có được từ cuối thế Nhân sinh; Mùa xuân thầm lặng (1962) của Rachel Carson đã tiên phong trong lĩnh vực này.
Chúng ta nên ra sức ủng hộ sự sinh sôi nảy nở của các loài sinh vật và tạo vật tự nhiên khác, chẳng bởi lòng thương hại hay mặc cảm tội lỗi hay chuộng thích riêng tư, mà bởi sự sinh sôi của chúng thiết yếu cho chính sự sinh sôi nảy nở của chúng ta. Hãy nhớ rằng với Spinoza, chúng ta chắc chắn, “thiện” luôn mang lợi ích tới cho mình: chúng ta chắc chắn biết rõ công dụng của chỏm băng còn nguyên trạng, của rừng Amazon mãi nguyên sơ, và của các loài ong bướm không ngừng sinh trưởng. Theo Spinoza, tri thức hiển nhiên này sẽ là cái quyết định cách chúng ta sẽ đấu tranh để duy trì lấy chúng. Rõ là chúng ta biết rõ về sự sinh sôi của các loài khác trên Trái Đất góp phần cho chính sự sinh sôi của mình, vậy cái gì đã cản ngăn ta ra sức đấu tranh? Spinoza luận rằng ham muốn và các ý tưởng không bao giờ viên mãn có thể làm chệch đi sự công nhận và hành xử theo những gì con người chúng ta xem là tốt đẹp. Trong các trường hợp này, chúng ta cần luật lệ để uốn nắn hành vi: những luật định được một nhà nước ban hành sau khi đã đồng thuận về các mục tiêu chung. Luật định bảo chúng ta cách hành xử khi ta không biết, hay chẳng thể nhớ ra, những gì có lợi và phục vụ cho mình.
ảnh từ The Conversation
Dù không thể gán Spinoza là người đề ra quan điểm vừa nêu, nhưng nó vẫn theo đúng hệ thống tư tưởng của ông, cho rằng chúng ta cần phải luật hóa sự sinh sôi của các loài khác không phải loài người. Chúng ta làm như vậy vì lợi ích của chính mình chứ chẳng vì ai khác. Và đương nhiên, các quốc gia và tập thể quốc gia đều đã ban hành luật pháp bảo vệ và các quyền lợi về môi trường. Thế nhưng các thỏa thuận tầm vóc quốc gia và thậm chí quốc tế chẳng hề đưa ra những luật định đủ sâu sát và bao quát để chống chọi trước biến đổi khí hậu do con người gây ra. Cái thiết yếu hòng đối mặt với cuộc khủng hoảng này chính là ban hành một bộ luật có tầm vóc toàn cầu.
Trong quyển Down to Earth, Latour đề xuất chúng ta nên vượt khỏi khuôn khổ nhà nước dân sự để từ đó hình thành một nhà nước toàn hành tinh, với mục tiêu là sự sinh sôi của mọi cá thể và hệ thống cấu thành nó. Đây là phiên bản mới cho câu chuyện giao ước xã hội cũ. Hình thái cổ điển của nó, được Hobbes và Spinoza sử dụng để tư duy về nền tảng chính trị, diễn ra ở thế Toàn Tân, ngay trước thế Nhân sinh. Nhằm trung hòa nỗi e sợ xảy ra bạo lực (như thường khi), con người từ bỏ tư lợi để hình thành nên nhà nước dân sự. Làm vậy giúp họ hiểu rằng sự sinh sôi của mình phụ thuộc vào sự tập thể hóa quyền lực. Giờ đây về cuối thế Nhân sinh, chúng ta lại trọi trơ giữa trạng thái tự nhiên: trạng thái nơm nớp lo sợ tăng cao bởi chính cái quyền cho ta làm bất cứ thứ gì có thể. Có lẽ chúng ta cần có một giải pháp chính trị theo hình vóc của nhà nước toàn hành tinh của Latour, tập thể hóa quyền lực của mọi sinh vật đang sống và nhắm tới việc bảo tồn và sinh sôi cuộc sống như đang diễn ra. Có lẽ một nước đi như thế sẽ trung hòa được nỗi sợ quyền lực nơi mỗi chúng ta.
Latour tranh luận rằng chúng ta phải thay khái niệm về tự nhiên làm nền móng cho hành vi của con người bằng khái niệm Địa cầu. Trong mô hình mới này, Trái Đất được hiểu như một chính khách, và chính trị trở thành một không gian nơi con người không đóng vai trò trung tâm. Trong hợp đồng xã hội địa cầu, chúng ta từ bỏ quyền tự nhiên đối với các giống loài khác, và đồng ý hợp tác với các phi-nhân tố khác có mối quan hệ tương hỗ với chúng ta. Tầm nhìn chính trị trên Trái Đất này không phải “trở về với tự nhiên”, hay nỗ lực tái thiết tự nhiên như trước khi có sự can thiệp của con người. Vị thế này không kêu gọi bãi bỏ nhà nước dân sự hay đảo ngược tiến trình phát triển của loài người. Như mọi cấu trúc chính trị khác, “nhà nước Địa cầu” là một sản phẩm công hữu nhân tạo, một res publica, phải được chính thành viên của nó lập nên và đưa vào hoạt động dựa trên luật lệ và thể chế.
Một nhà nước như thế vận hành ra sao trên thực tiễn? Liệu động vật và côn trùng có thể trở thành công dân? Liệu sông ngòi và rừng rậm có ghế biểu quyết tại Liên hợp quốc? Liệu thiên nhiên có được công nhận là một đối tượng tập thể có quyền lợi hợp pháp, như từng xảy ra ở Bolivia và Ecuador? Các chiến lược này đều có công dụng riêng. Thế nhưng tiểu tiết triển khai một chính quyền cấp toàn hành tinh như thế lại kém phần quan trọng so với công dụng truyền đạt quan điểm. Không như Hobbes, Spinoza nhấn mạnh rằng câu chuyện khế ước xã hội cũng chỉ có thế: một chuyện kể, thiết kế ra nhằm cột trói mọi người lại với nhau trong vai trò công dân. Sự ra đời của một nhà nước nhân sự từ nhà nước tự nhiên chẳng phải là một thực tại lịch sử, mà chỉ là một hư cấu khiến chúng ta hiểu về sức mạnh và lợi thế khi toàn thể loài người ra sức cùng nhau hướng tới những mục tiêu chung. Khi con người tuân theo câu chuyện này, họ hành xử cốt để thúc đẩy lợi ích chung, kể cả khi không hiểu rõ hết mình nên làm gì. Nhà nước toàn hành tinh là một hư cấu hữu ích chẳng kém, có thể mang chúng ta lại với nhau, không chỉ với vai trò những con người tìm kiếm sự sinh sôi cho chính mình, mà là những sinh vật trái đất tìm kiếm sự sinh sôi của cuộc sống như vốn đang diễn ra.
Chúng ta đã chứng kiến các sinh vật trái đất khác góp tạo một nhà nước, nhưng ấy lại là một nhà nước mà chúng ta cảm thấy lạ lẫm: “tự nhiên” là khách thể thay thế cho bạo lực, thương xót hay khắc khoải đến từ mặc cảm tội lỗi, một cái gì đó hiện diện ở đàng kia mà ta đả động đến. Thứ chúng ta cần có là một câu chuyện chối phăng mọi cảm nhận và cảm xúc kia; thay vào đó, dựng ra một chế độ công dân cho mọi sinh vật sống. Một câu chuyện về “khế ước” theo đó chúng ta từ bỏ tư lợi nhằm thống trị tự nhiên và rồi nhận ra mình cũng là một phần của tự nhiên. Câu chuyện đưa đẩy chúng ta hành động và cảm nhận một cách khác đi, và dấy lên nơi ta một cam kết và công nhận một hệ thống pháp luật toàn cầu đối với một tồn tại bớt đi sợ hãi, bấp bênh và đối chọi trên hành tinh Trái Đất.
Spinoza luận rằng khi thấu hiểu hành động của chúng ta thuộc về tự nhiên, chúng ta sẽ có được sức mạnh vô song. Bởi khi đó ta hiểu rằng mọi thứ xảy ra cũng chỉ là tự nhiên trở mình thay đổi mà thôi. Để trở thành công dân Trái Đất có trách nhiệm đòi hỏi ta ra sức với những gì thật sự mang lại lợi ích, dựa trên sự thấu hiểu trọn vẹn nhất về những gì mang lại ích lợi cho chúng ta. Nếu hành xử theo hiểu biết ấy, ta sẽ khai triển được uy quyền mà không còn cảm thấy sợ hãi.
Khi không còn e sợ sức mạnh của chính mình, ta mới có thể vượt qua được những cảm giác buồn bã của tội lỗi, trách cứ và giận dữ ta cảm thấy về khủng hoảng khí hậu. Cũng chẳng bao giờ còn thấy ăn năn. Bởi hiểu mình là một phần của tự nhiên cũng chính là hiểu rõ vai trò nhân quả của chúng ta trong các đổi thay xảy ra trên Trái Đất. Chúng ta hiểu rằng hành vi quá khứ như khai thác than đá, dầu và khí đốt từng hữu ích trong quá khứ nhưng không còn như trước nữa - chẳng phải vì chúng vô đạo đức, mà bởi chúng làm hại tới sự sinh sôi của giống loài chúng ta. Những cảm giác buồn bã ta từng hướng về bản thân, một khi được thấu cảm, sẽ chẳng còn tác dụng nữa mà chuyển thành hành động của tâm trí. Chúng ta có thể bắt đầu định đoạt sức mạnh của chính mình bởi nó thuộc về sức mạnh của tự nhiên. Và tự nhiên có toàn năng đoạt lấy điều gì có lợi một cách trọn vẹn cho mình.
k.