Đã có rất nhiều bài, sách nói về nữ quyền và lịch sử của nó. Chúng nói về cách để bình đẳng giới, làm sao để phụ nữ chúng ta được nhiều quyền lợi hơn, để không bị coi thường nữa. Hoặc có một số bài tôi đọc được còn quá hơn nữa là anti-men luôn cơ.
Theo như tôi quan sát được trong xã hội hiện nay, phụ nữ đang được coi trọng hơn đàn ông rất nhiều, và quyền lợi cũng đã được nâng cao không kém. Và giờ tôi không ở đây để bàn về nữ quyền nữa, đã có rất nhiều thứ nói về nó rồi.
Nữ quyền – nam quyền. Bình đẳng giới. Tôi đã nghĩ rất nhiều về những từ khóa này và tôi cảm thấy thế giới hiện đại ngày nay, đàn ông ngày càng bị yếu thế. Đã có rất nhiều người phụ nữ lợi dụng từ “nữ quyền” để lộng hành, họ ngày càng đi quá giới hạn. Cho rằng mình là “phái yếu” nên muốn gì cũng được, đòi hỏi bạn trai, bạn đời phải chu cấp cho họ một cách toàn diện. Nói đến nữ quyền ai cũng ủng hộ và ai cũng nghĩ tốt về nó.
Nhưng nếu tôi nói tôi ủng hộ cả nam quyền thì sao:D? Chắc mọi người sẽ nghĩ rằng tôi là một đứa pick me girl, không coi trọng giới tính của mình. Một đứa lẳng lơ, đeo bám đàn ông. Nhưng sự thật là tôi chỉ nghĩ đàn ông bây giờ cũng đã, đang phải chịu quá nhiều áp lực.
Nếu như phụ nữ có thể than vãn với bạn bè về những điều làm họ mệt, về đồng lương ít ỏi, về chồng về con, về những cuộc nhậu nhẹt đến tận đên của bạn trai. Thì đàn ông lại khác, họ chẳng thể nói với ai. Vì thử nghĩ xem, nếu một thằng đàn ông than với bạn về những điều làm cậu ta mệt thì bạn sẽ nghĩ gì? Nếu họ than thở thì họ sẽ bị coi là yếu kém, chưa xét đến điều họ nói là gì.
Đồng lương ít ỏi, nếu là phụ nữa mọi người sẽ nghĩ do cô làm con gái nên không được coi trọng, nếu là đàn ông mọi người sẽ nghĩ do anh ta kém. Những việc mệt mỏi trong cuộc sống, nếu là phụ nữ nói về điều đó, mọi người sẽ thương cô ấy, nếu đàn ông nói về điều đó, mọi người sẽ chê trách anh ta là ẻo lả. Nếu một người phụ nữ không nhà không xe, xã hội sẽ chẳng nói gì, cô ấy cũng có thể hoàn toàn lấy một người có cơ ngơi, sự nghiệp. Còn nếu một người đàn ông không nhà không xe, sự nghiệp chưa đi đến đâu? Xã hội sẽ nghĩ anh ta dốt nát, chính bản thân cậu ta cũng thế, cậu sẽ nghĩ rằng nếu bản thân chưa nhà chưa xe thì chưa được lấy vợ.
Đó đã là những điều rất phổ biến trong xã hội hiện nay mà chúng ta thốt ra trên đầu môi mà chẳng nghĩ ngợi. Đó đã là một common sense rằng đàn ông phải có sự nghiệp mới được lấy vợ, và việc “sóng gió phủ đời trai, tương lai nhờ nhà vợ” là một điều gần như là cấm kị và nếu lộ ra ngoài sẽ bị coi là kẻ không ra gì.
Và việc “nuôi vợ” đã không còn xa lạ gì rồi đúng không? Vậy còn “nuôi chồng”, “chồng ở nhà làm việc nhà” thì sao? Mọi người sẽ nghĩ gì về người đàn ông đấy? Yếu đuối, bám vợ, hèn hạ?
 Bạn trai cũ của tôi điển hình là một người đã bị quá mạnh mẽ. Có những lần hắn khóc nhưng chẳng để cho tôi dỗ, gã còn chẳng dám cho tôi nhìn thấy bản thân lúc yếu đuối. Những lúc như thế tôi chỉ có thể bất lực đứng một bên và thầm trách xã hội này đã nuôi dạy những người đàn ông như thế nào mà để cho gã phải như thế… “Đàn ông thì không được khóc” nghe có quen không chứ? Tại sao chỉ vì là con trai thì không được khóc? Họ cũng là con người mà? Tại sao khi con gái khóc được coi là đáng yêu, mong manh còn khi con trai khóc thì lại bị gọi là yếu đuối? Khi ấy tôi chỉ có thể cố gắng yêu hắn hết mức có thể.
Và về việc “nuôi vợ”, bạn trai cũ tôi cũng thế. Có một lần tôi than thở với gã rằng tôi học mệt, làm mệt. Gã giống như bản năng liền thốt ra câu “Về đây anh nuôi” lúc đó tôi vừa thấy ấm lòng vừa thấy thương. Tại sao đàn ông lại “nuôi vợ” mà phụ nữ lại không thể “nuôi chồng”? Tại sao chồng giỏi hơn vợ lại được mà vợ giỏi hơn chồng, người đàn ông đó lại bị chê trách?
Hoàn cảnh của gã của tôi có thể quá thiếu thốn tình thương nên gã chỉ có thể nuốt nước mắt vào trong, đau cũng không thể cho ai khác biết, buồn cũng không thể nói. Nhưng với những người đàn ông khác, họ có thể được nuôi dạy tử tế, nhưng vẫn giống gã kia, vậy lí do là ở đâu? Các bậc phụ huynh luôn buột miệng thốt ra câu “con trai mà khóc cái gì” khi con trai của họ rơi nước mắt. Tôi tin rằng chính những câu nói như thế là liều thuốc độc làm cho đàn ông khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc. Tôi thực sự rất khó chịu với những câu dạy của bố mẹ tôi nói với em tôi “con trai mà khóc”, “con trai phải học giỏi, có nhà có xe gái nó mới theo”, “đàn ông phải mạnh mẽ lên chứ?”. Bố mẹ tôi thốt ra những câu đó với vẻ mặt cười cợt, không có vẻ gì xem xét lại lời nói của mình có đúng hay không.
Những thằng đàn ông cũng có những áp lực mà? Tại sao khi phụ nữ con gái chúng ta buồn cũng đều giánh hết mọi tội lỗi lên đầu họ? Là do chúng ta đã kì vọng quá nhiều hay là do họ thực sự tệ cơ chứ?
Tôi đã từng gặp rất nhiều bạn nam phải giấu “con người thật” của mình đi để gồng mình lên, thể hiện ra mình giống với những thằng con trai khác. “Con người thật” tôi nói tới ở đây là những cảm xúc đau lòng, buồn bã, tức giận, những cảm xúc được cho là “chỉ dành cho con gái” và không được phép xuất hiện ở nam giới như khóc lóc, tỏ ra buồn tủi,… Tất cả là vì xã hội và chính cha mẹ họ đã dạy họ như thế. Đâu ra cái định lí rằng con trai phải mạnh mẽ vậy? Tại sao họ không được khóc, tại sao họ phải là trụ cột gia đình, tại sao họ không được thể hiện ra mặt yếu đuối của mình chỉ vì họ là nam giới?
Hôm trước, khi tôi với cả nhà đi chơi. Có một cặp đôi đi xe máy phía trước, bạn nữ chở bạn nam. Tôi nhìn cặp đó với một tâm thế vui vẻ, con gái che chở bạn trai của mình, thật dễ thương làm sao! Nhưng nụ cười thầm của tôi dập tắt khi em tôi nói “Con trai mà lại để bạn gái chở? Hừ, có đáng mặt đàn ông không?” Mẹ tôi cười phá lên, bố tôi không quan tâm. Tại sao khi con trai chở bạn gái lại được khen mà khi con gái chở bạn trai lại bị chê trách? Cũng cùng là con người mà, ai chở ai chả được. Con trai thì cũng là con người mà, họ có thể mạnh mẽ nhưng cũng có thể yếu đuối mà. Có phải xã hội từ xưa đến nay đã quá quen với những hình ảnh người đàn ông luôn che chở bạn gái mình, người con gái luôn yếu đuối, làm gì cũng cần bạn trai. Cái này gọi là độc hại rồi không phải là “mạnh mẽ” hay “yếu đuối” nữa, một người mạnh mẽ quá mức, một người yếu quá mức đều không được.
Tôi muốn bạn trai của tôi có thể thoải mái với cảm xúc của bản thân. Khóc không giấu, buồn không che, vui thì chia, mừng thì cùng nhau. Tôi cảm thấy rất xót cho những người đàn ông đã bị xã hội, chính cha mẹ của mình làm cho chai sần cảm xúc, làm cho họ không thoải mái với việc thể hiện chuyện vui – buồn của mình.
Không chỉ vậy, tôi thấy có một số còn quá đến độ không dám đấu tranh cho chính quyền lợi của mình. Một số bạn nam dù rất khó chịu với thái độ của bạn gái nhưng không dám nói ra, trong khi bạn nữ lại tìm đủ mọi lí do để moi móc điểm không tốt của bạn nam. Có thể đó là tình yêu nên bạn nam nhường, nhưng chịu đựng như thế thì mối tình cũng chẳng đi đến đâu được. Có một số lúc các bạn nam rất muốn làm gì đó nhưng lại bị nói là phải “lady first” nên lại nhường nhịn. Có thể đó là ga lăng, nhưng cái gì cũng nhường thì tôi thấy hơi quá, công bằng một chút, nữ nhường nam một chút cũng có chết đâu nhỉ?
“Thằng đàn ông thì không được khóc, chỉ được phép chảy máu trong tim.” Lyrics trong bài Thôi Anh Chẳng Sao Đâu. Nghe có thấy xót không cơ chứ? Tại sao con gái được khóc, con trai thì không?
Cũng vì lẽ này, tôi nghĩ rằng, trong cuộc chia tay nếu cả hai đều yêu thật lòng thì người đau nhiều hơn sẽ là thằng đàn ông. Nếu con gái còn có thể nói xấu, khóc lóc, kể lể với bạn bè. Thì thằng con trai thì sao, muốn khóc thì phải nuốt ngược vào trong, không thể nói xấu vì sẽ bị gọi là kẻ bội bạc, không thể than phiền vì sẽ bị coi là “thằng đàn bà”. Tại sao? Thế giới này điên rồi sao? Kêu gọi bình đẳng giới mà con gái khóc thì được, con trai khóc thì bị chê?
Nam giới cũng có rất nhiều tâm sự, nhưng có ai muốn nghe? Họ luôn phải tỏ ra mạnh mẽ sau những tổn thương. Họ luôn phải gồng mình lên để bảo vệ đứa trẻ đang tổn thương. Họ luôn phải tỏ ra ga lăng, hào phóng ngay cả khi mình sắp cạn tiền. Tôi đặc biệt tôn trọng những bạn nam dám thể hiện cảm xúc của mình với bạn gái, thành thật với suy nghĩ, cảm xúc của mình chứ không giấu diếm.
Làm ơn, hãy cho nam giới quyền được khóc, được thể hiện cảm xúc của mình. Hãy cho họ quyền được yếu đuối, quyền được “không nhường con gái”, cho họ quyền được bình đẳng với phụ nữ. Cho họ quyền được sống thật với con người của mình, cho họ quyền được có những khoảnh khắc yếu lòng, cho nam giới quyền “than thở” khi buồn, khóc khi đau, và trên hết là hãy cho họ quyền được ủng hộ quyền lợi của chính mình.
P/S: Nếu bé có đọc được cái này (chắc chắn là không đâu hehe) thì em muốn nói là em còn yêu bé nhiều lắm. Biết vậy là được, đừng quay lại, sợ=)))) Và em cũng xin lỗi bé nhiều lắm. Làm ơn đừng quá chú ý vào phần bạn trai cũ của tôi, đội quần quá ạ...
@Nathalie