Có những thứ nó đã sờ sờ rồi mà vũ trụ vẫn cần bạn phải chứng minh. Ví dụ như là con gái và chuyện hàng tháng.
Mình gọi "ngày đến tháng" là 3D, viết tắt của Dịu Dàng Days. Mấy ngày này mình rất đỗi dịu dàng. Nói thiệt ra, ngày này mấy ai mà chém giết cho nổi. Sức đâu. Bụng thì đâu âm ỉ đến mạnh mẽ mà đều đặn, thi thoảng réo lên từng cơn. Vùng lưng nơi thắt lưng cứ như đã rơi đi đâu một khúc. Đi lại chậm chạp như một bà già 90. Lưng cong lom khom như một con tôm.
Hồi tuổi teen, đọc báo Hoa học trò và Kênh 14, người ta hay dùng ngày đèn đỏ, ngày dâu rụng. Nghe hay hay "sang sang". Giờ có tuổi rồi, thích quay về cái lối gọi tên từ cái thời đầu tiên biết đến khái niệm này. "Đến tháng". Nghe vừa quen vừa lạ. Quen vì khái niệm, sự việc quen thuộc. Lạ là, nếu nghĩ kỹ, sao lại "Ngày đến tháng" nhỉ? Tháng nào chả đến :)).
Có một tục lệ không mang tính tâm linh mà ủi an niềm tin dễ chịu, đó là nghe Tuyển tập Nam Cao trên Youtube mỗi kỳ "đến tháng". Lần nào cũng thấy ấm cả con người đi, bụng với lưng từ đó đau mỏi một cách mềm dịu hơn. Vậy nên cứ chú tâm được 10 phút là ngủ quên lúc nào không biết. Đó là lý do nghe hoài nghe mãi không được tác phẩm nào mới. 
Nhưng trước lúc ngủ quên đó thì phải pha và nhấm nháp vài ngụm trà nóng cái đã.
Đi cắm một bình nước, bỏ sẵn túi trà lọc thảo dược vô cốc, để sẵn cái nắp bên cạnh, rồi đứng đó chờ nước sôi. Bình thường sẽ loay hoay soạn dọn, lau chùi xếp lại gì đó trong mấy phút chờ này, nhưng lúc này thì cứ chỉ đứng vậy. Đứng thoải mái nhất có thể thôi chứ không thẳng hẳn được. Thở nhẹ và đều. Để ý kỹ hơn cảm giác hơi thở vào và ra cũng hay hay dìu dịu. Dịu thì dịu chứ cái đau vẫn ở đó reo réo.
Thôi thì nghĩ sang cái khác. Cái phích đi vậy. Mình thích cái phích nước. Y như cách mình thích việc cắm một bình nước nóng rồi đổ vào phích. Những ngày đầu chuyển phòng mình cứ đau đáu rằng phòng mới chưa có phích, như thể nhà chưa có chăn để tối ngủ không bằng. Do thói quen của gia đình ảnh hưởng từ nhỏ, mình thích việc tích trữ nước nóng sẵn. Ngày xưa mỗi sáng mẹ mình sẽ đun một nồi nước lớn trên bếp củi, rồi thi thoảng mình phụ mẹ đổ nước ra 3,4 cái phích. Dầu ngày nay có ấm siêu tốc, mất mấy phút thôi là có một bình nước nóng, nhà mình vẫn giữ thói quen nấu nước bỏ phích vào mỗi sáng. Và mình vẫn thích điều đó. Dẫu, nhiều khi dùng, lại phải đổ từ phích ra cắm lại mới tin là nó "nóng thật". Nhưng kệ, có bình trữ nước nóng sẵn đó, như là một nét đẹp, một sự an toàn đầy đủ trong mình.
Ủa mà lan man rồi. Phích nước thì liên quan gì đến ngày đến tháng. Phích nước có làm giảm đau được đâu. Đồ gia dụng có giúp ích được gì mấy chuyện này.
À nhưng máy sấy thì có nhé.
Máy sấy đích thực là anh hùng giải cứu cuộc đời mình, vào mùa đông, và nhất là những ngày đến tháng vào mùa đông.
Mỗi khi đau quá mệt quá chui vào chăn ấm, mình lấy máy sấy hơ vào bụng và lưng. Sự ấm nóng làm dịu cơn đau đi. Và còn làm nóng lên cả cơ thể nữa, nhất là khi sưởi ấm vùng đan điền. Đan điền là ruộng khí của cơ thể mà. Ruộng khí nóng toàn thân sẽ nóng. Nếu có miếng dán nhiệt hay túi sưởi thì tốt, không thì phương pháp thủ công máy sấy vẫn thật hiệu quả bất ngờ. Nhiều khi có miếng dán nhiệt mình vẫn lọ mọ ôm máy sấy. Nó đứng không thôi cũng như một niềm tin sưởi ấm mình mà chưa cần cắm điện. Mà khoan đã, trước khi nằm xuống, hãy tìm một chiếc khăn mềm mỏng, gấp gọn lại rồi để ở phần thắt lưng nha.
Đây không phải là bài viết ở chuyên mục sức khỏe, với mục đích giải thích cơ chế sinh học của việc bạn gái đau bụng đau lưng khi đến kỳ. Khi đọc bài xong, độc giả cũng không được chỉ cách làm sao để đỡ đau đỡ khó chịu ẩm ương hơn. Nhưng bài viết này sẽ nói rằng có rất nhiều người như tụi mình đang đau cùng bạn, có thể chia sẻ cảm thông sâu sắc nỗi thống khổ này.
Ví như chị N. chị họ mình, mỗi lần đến tháng là một lần hành xác. Từ đau bụng đau lưng đến nôn mửa không ăn uống được gì. Sự việc này có vẻ bình thường vì đã diễn ra hàng tháng trong bao năm qua, vậy mà tháng nào cũng phải... đi cấp cứu. Vì lần nào cũng hết sức đáng sợ và tỏ vẻ bất thường. Mỗi lần đến bác sĩ đều hỏi người nhà rằng "Bệnh nhân có bị sốc hay khủng hoảng tâm lý gì không?", người nhà đều thở dài nói rằng nguyên do (chỉ) là ngày đến tháng. Lý do đó có gây sốc không?
Ví như chị O., hồi cấp 2 đi học xa ở trọ cùng dãy nhà với mình. Trong ký ức đứa em ngây thơ này, chị luôn vui vẻ chiều chuộng mình, trừ vài ngày trong một tháng. Những ngày đó, mỗi khi gõ cửa phòng, chị O. tươi vui nhí nhảnh đâu không thấy. Sau cánh cửa hé chầm chậm ra, mình thấy một bà lão tóc xù rũ rượi. Chị sẽ nói trong thều thào "Chị đang đến ngày" và đóng rầm cửa lại. Sáng mai chị sẽ tả lại cho mình rằng việc lăn lóc trên giường không giúp chị đỡ đau hơn. Nhưng việc lăn từ giường xuống nền nhà thì có. Có thể chị sẽ quên cái đau bụng đi một (vài) phút. Có thể chị sẽ chuyển cái đau này sang cái đau khác. Hoặc đau hai thứ cùng một lúc thì sẽ có sự bình đẳng, đau bụng con gái sẽ không được chú trọng mấy nữa. Mình đoán vậy.
Ví như, mình rất thích hỏi câu: "Các chị em con gái có thích việc mình là con gái không?". Và khá ngạc nhiên là nhiều bạn trả lời rằng: Con gái sinh ra đã khổ. Điển hình là việc đến tháng. Nhiều bạn đều đồng ý với câu trả lời là mỗi khi đến tháng, hoặc nghĩ đến việc đó, đều ước chi được làm con trai.
Thật thông cảm cho nỗi thống khổ này. Chắc các bạn phải chịu đựng sự khó chịu kinh hoàng lắm mới phải mong vậy.
Mình vẫn thuộc diện không bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhân tai lũ lụt, nên vẫn đang phơi phới niềm tự hào mình là con gái. Và còn mến thương gọi đó là 3D- Dịu Dàng Days. Từ 3D đó còn sinh ra thú vui nghe Tuyển tập Nam Cao. Và đi bộ buổi chiều.
À mà buổi nào cũng được.
Đi bộ đích thực là sự chữa lành trong mình.
Chúc bạn bớt khó chịu và cau khó ngày đến tháng.
Hãy coi như đây là một dịp để về Chế độ máy bay, quay về trông nom và chăm sóc bên trong mình tốt hơn.
Happy Dịu Dàng Days.
Chúc bạn luôn thấy vui khi mình là con gái. :)