Làng Phì Mao mấy ngày này nhộn nhịp hẳn, đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng người ta cười nói hò nhau ra bờ sông Quao. Một mùa lấy đất nữa lại tới.
Mỗi mùa lấy đất chỉ diễn ra khoảng nửa tháng trong năm, ngay sau khi con sông Quao quanh năm khô cạn đột nhiên hóa dữ tợn khi lũ ập tới, mang theo hàng ngàn lớp phù sa bồi đắp cho vùng đất bị mẹ thiên nhiên ghẻ lạnh này. Ở cái vùng đất nắng, gió là đặc sản thì người dân làng Phì Mao chỉ còn biết sống bám víu vào nghề làm gốm. Cái nghề ấy theo họ từ bao giờ? Ngay từ khi quốc gia Champa này được thành lập chăng? Chính họ cũng không rõ, chỉ biết là đã lâu lắm rồi. Trẻ con trong làng ngay từ khi sinh ra đã nhìn ông bà, cha mẹ của mình tay chân lấm lem đất nặn gốm mỗi ngày. Cái mùi đất sét ẩm nồng bám vào người làng không dứt. Tre già măng mọc, cuộc đời họ cứ thế nối tiếp nhau xoay vần bên gốm.
***
Một buổi trưa hè oi ả, mặt trời hào phóng thả nắng vương vãi khắp nơi. Cái nóng bốc lên hầm hập khiến chẳng ai buồn ra đường. Dưới gốc cây bàng già trong sân của ngôi nhà khuất sau mấy rặng trúc, Sa đang loay hoay trộn đều đất với cát, thỉnh thoảng lại đưa tay quẹt vội giọt mồ hôi trên má khiến mặt cậu nhọ nhem đầy vết đen sì. Giữa không gian oi nồng ngai ngái mùi đất sét ẩm, đôi tay cậu thoăn thoắt trộn, đôi mắt thỉnh thoảng lại len lén nhìn theo người mẹ đang nặn gốm bên cạnh.
Mẹ Sa là người làm gốm khéo nhất làng. Các ngón tay gầy mảnh khéo léo của mẹ miết cục đất thành vòng, xếp chồng lên nhau đặt lên trụ. Một tay áp giữ phía trong, một tay miết phía ngoài, cả thân hình mẹ uyển chuyển kết hợp cùng chân bước giật lùi quanh bệ đỡ. Một vòng, hai vòng, ba vòng, chiếc bình gốm thân tròn lủm dần tượng hình dưới bàn tay mẹ. Nhìn mẹ xoay tròn bên trụ gốm, Sa tưởng như mẹ đang nhảy múa theo một điệu nhạc bí mật nào đó. “Mẹ ơi sao nặn gốm phải đi giật lùi thế này?”. “Không đi giật lùi thì không phải gốm làng mình” – mẹ ân cần giải thích. “Đi giật lùi, con mắt quan sát sẽ tốt hơn, bao quát hơn”. Điệu nhảy ngừng lại, mẹ cúi xuống nhặt lên một cành cây mảnh và bắt đầu tỉ mẩn vẽ. Dần dà, vài sợi dây lá đã vấn vít quanh thân bình, đầu cành còn có cả một bông hoa bung nở.


Rồi mẹ dùng sợi chỉ mảnh, lia dứt khoát xuống đế bình, khéo léo tách nó ra khỏi trụ kê. Sa giúp mẹ mang chiếc bình mới làm sang chái nhà để phơi cho khô. Cậu nhẹ nhàng đặt nó xuống khoảng sân đầy nắng, giữa muôn vàn cái bình mẹ nặn từ trước. Chỉ cần nung nữa là công đoạn làm gốm sẽ hoàn tất.

        - Hai mẹ con đang làm gì đấy? – Một giọng nói khàn đục chợt cất lên.
Mẹ chưa kịp định thần lại thì đã thấy Sa vừa chạy như bay về phía cổng vừa reo ầm lên:
        - A ông Thang, ông Thang về!
Hai bàn tay vẫn còn lấm lem đất của Sa vòng siết quanh cổ, ông Thang bế bổng cậu bé lên, đôi chân tròn nhỏ của cậu quắp ngang bụng ông. Đôi bạn một già một trẻ ôm chặt nhau cho bõ mấy ngày tháng xa cách.
Nhà ông Thang và nhà Sa chỉ cách nhau vỏn vẹn một bờ xương rồng. Trước đây ông cùng vợ có một cuộc sống bình yên như mọi gia đình khác trong làng. Nhưng rồi trong một đợt lũ, sông Quao đã vô tình cướp đi người mà ông yêu thương nhất. Xác vợ ông được người ta tìm thấy trong bụi cây gần lưu vực con sông đổ ra biển. Không chịu nổi điều đó, ông bỏ làng ra đi cùng với các thương lái ngoại quốc và chỉ quay về giỗ vợ vào mùa lấy đất. Có thể nói ông là người đầu tiên đi khỏi làng.

Phía Đông ngôi làng, cách nhà Sa đâu tầm nửa ngày đường được bao bọc bởi một bãi biển rộng lớn. Nhưng người làng chẳng mặn mà gì với biển như sông Quao. Khi mùa lấy đất đã qua đi, khi công việc chỉ còn quẩn quanh nặn gốm, nung gốm, người ta mới bắt đầu tìm đến biển. Thuyền thúng cùng mái chèo sau bao ngày nằm buồn hiu lại được ra khơi. Chuyến hải trình ngắn ngủi trong ngày nên lượng cá bắt được chỉ đủ ăn, thỉnh thoảng đúng mùa cá về có dư dả đôi chút thì họ mang ra chợ để đổi lấy những thực phẩm khác. Biển đáng lẽ sẽ mãi lặng lẽ trong cuộc sống người làng Phì Mao như thế nếu chiếc thuyền lạ ấy không xuất hiện.
Chiếc thuyền ấy chẳng hề giống thuyền thúng của làng chút nào, nó to và dài bằng cả gian nhà, trên thân là hai cột buồm cao sừng sững kéo căng đón gió. Thuyền cập bến, một đoàn khách lạ mặt đổ xuống, gương mặt vương đầy nét mệt mỏi sau chuyến đi dài ngày. Người làng vốn hiền lành thấy đoàn khách lạ chẳng có ý đồ xấu nên niềm nở đón tiếp. Đó là đoàn thương nhân đến từ phương Bắc, trên đường đi lấy hàng tình cờ thấy vùng đất lạ, lương thực và nước sạch gần cạn kiệt nên ghé vào xem. Họ tỏ ra rất hiếu kì với cách làm gốm kì lạ của làng, bảo chẳng có thứ gốm nào lại chắc chắn như vậy. Rồi họ mua vài chiếc bình gốm mang đi. Nghe đâu bán được lắm. Dần dà ngày một nhiều các thuyền buôn cập cảng. Không chỉ là thuyền buôn của người phương Bắc, thuyền buôn của các xứ Ả Rập, Ba Tư cũng ghé ngang đây.
Cảng biển càng tấp nập bởi các tàu thuyền, lượng gốm bán ra càng nhiều. Giá của các thương lái trả tất nhiên cũng cao hơn hẳn giá của người làng bên. Các con thuyền đồng thời cũng xuất hiện cùng những món hàng quý giá khác. Lần đầu tiên người làng chạm tay vào thứ lụa mềm mượt của Trung Hoa, nhìn thấy các viên đá quý lấp lánh đủ màu sắc, và cả loại gốm phủ men bắt mắt. Có thể nói những con thuyền buôn ấy đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của ngôi làng. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, mà nó còn phần nào mở ra cho họ thấy thế giới ngoài kia rộng lớn nhường nào, phong phú và thú vị ra sao.
Những câu chuyện ấy Sa hầu hết nghe kể từ ông Thang. Ông Thang về, những câu chuyện mới sẽ về cùng ông. Sa có thể ngồi trong lòng ông nghe ông rủ rỉ cả ngày mà không chán. Ông sẽ kể cho Sa nghe về những vùng đất có đủ bốn mùa, có mùa lạnh, mùa nóng, mùa mát mẻ, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa phủ tuyết trắng xóa. Sa thấy lạ lẫm lắm, vì ngôi làng này quanh năm chỉ có nắng, đất đai khô cằn làm bạn được với xương rồng. Những nơi mà ông đi qua không hẳn luôn tươi đẹp. Có những vùng đất mà sa mạc trải dài, vách núi dựng đứng cheo leo. Có vùng đất hoang tàn đổ nát vì bệnh dịch hạch hoành hành. Sinh ra từ làng, nên dù có đi xa đến đâu thì cái mùi đất sét nồng ngai ngái vẫn cứ vương vấn theo ông, nhắc nhở ông phải đem gốm làng mình đi thật xa. Thứ gốm tinh túy, chịu thương chịu khó ấy xứng đáng được biết đến nhiều hơn nữa. Nhưng trong mắt cậu bé Sa lúc ấy những chuyến hải trình dài xung quanh chỉ toàn màu xanh của trời và nước mới là thứ hấp dẫn hơn cả.
        - Ông ơi, nếu xung quanh chỉ toàn là nước thì làm sao ông biết phải đi về hướng nào?
Ông Thang lấy từ trong túi ra sợi dây chuyền có mặt là hình một cái hộp nhỏ hình tròn, vừa tròng nó vào cổ Sa ông vừa bảo:
        - Đây là cái la bàn – một phát minh của người Trung Hoa. Cháu thấy cây kim này chứ? Nó luôn chỉ về phương Bắc, chỉ cần giữ nó cháu sẽ chẳng bao giờ bị lạc. Tặng cháu đấy, giữ thật kĩ nhé.
        - Tuyệt quá ông nhỉ! Cháu cảm ơn ông ạ!
        - Ừ! Nhưng trái tim con người cũng là một chiếc la bàn đấy. Nếu có một lúc nào đó cháu lạc lối, hãy đặt tay lên trái tim mình. Lắng nghe thật kĩ và nó sẽ chỉ đường cho cháu.
        - Ừ! Nhưng trái tim con người cũng là một chiếc la bàn đấy. Nếu có một lúc nào đó cháu lạc lối, hãy đặt tay lên trái tim mình. Lắng nghe thật kĩ và nó sẽ chỉ đường cho cháu.
Chuyến về thăm làng ngắn ngủi kết thúc, đoàn thuyền nhổ neo, ông Thang ra đi, cậu bé Sa lại đếm từng ngày đến mùa lấy đất năm sau.
Nhưng một mùa, hai mùa, ba mùa, nhiều mùa lấy đất trôi qua, Sa đợi mãi không thấy ông về, chẳng ai thấy ông Thang về nữa. Một đoàn lái buôn khác lại cập cảng, họ kể thuyền ông đụng độ với cướp biển. Bọn chúng quá dữ tợn, chẳng có thuyền viên nào còn sống sau cuộc chiến. Xác của họ bị ném xuống biển sâu. Ông Thang mãi mãi chẳng quay về được nữa.
***
Một buổi trưa hè oi ả, cái nóng bốc lên hầm hập, quen thuộc như bao buổi trưa khác ở ngôi làng này. Dưới gốc bàng già của ngôi nhà khuất sau mấy rặng trúc, Sa – bây giờ đã ra dáng một chàng thanh niên trưởng thành – đang xếp bình gốm vào mấy chiếc sọt đan, cậu còn cẩn thận dùng rơm lèn lại cho chặt. Xong xuôi hết, Sa vào nhà chào từ biệt mẹ, rồi một bên gánh sọt gốm, một bên là túi quần áo nhỏ, cậu đi về phía biển nơi mấy chiếc thuyền buôn đang đợi sẵn.
Thuyền nhổ neo, bất chợt Sa đặt tay lên ngực trái, nơi trái tim cậu vẫn đang đập từng nhịp.
Thình thịch...Thình thịch...
Sa nhắm mắt lại, mùi đất nồng ngai ngái vẫn quẩn quanh. Nhưng cậu còn nghe đâu đó thứ mùi mặn mòi của biển nữa.


Một chiếc truyện ngắn mình viết từ 2 năm trước, lấy cảm hứng từ làng gốm Bàu Trúc quê mình, như một lời tri ân cái vùng đất chẳng có gì ngoài nắng và gió ấy. Mình hy vọng những người con lớn lên từ nơi này đều sẽ nỗ lực từng này để mang quê hương đi thật xa thật xa, như ông Thăng và cậu bé Sa trong câu chuyện nhỏ này vậy!