Ở một lớp học nọ có hai bạn cùng tên, tôi tạm gọi là A1 và A2. Vào một ngày đẹp trời, cả Việt Nam như được khuấy động bởi sự kiện AAA quy tụ gần 100 idols Hàn Quốc đến Việt Nam. Ai ai cũng mong ngóng đến sự kiện để được gặp idol bằng xương bằng thịt, và A1 cũng không ngoại lệ. Nó sẵn sàng viết giấy xin phép nghỉ học để tham dự vào buổi chiều. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu giáo viên chủ nhiệm không gọi điện cho bố mẹ để xác nhận. Nhưng oái ăm thay, cô lại gọi nhầm cho bố mẹ A2 - một đứa ở lại học và dường như chẳng quan tâm đến sự kiện này. Và thế là, tối hôm đó về, bố mẹ A2 chưa kịp hỏi nó một câu đã bắt nó nằm lên giường, chịu một trận đòn nhừ tử. Tối hôm đó, A2 gọi điện cho cô giáo để hỏi lại sự việc và từ đó, bố mẹ biết mình đã hiểu lầm con. Và câu chuyện cũng sẽ chẳng có gì nếu bố mẹ A2 xin lỗi nó một câu, nhưng đằng này, cả hai ngồi ăn cơm điềm nhiên như chẳng có gì xảy ra. Nó ấm ức, giận dỗi, và nó khóc...
Câu chuyện trên ta có thể bắt gặp ở rất nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình Việt Nam khi tư tưởng về dạy dỗ con cái vẫn còn nhiều lạc hậu và cổ hủ. Ta sẽ thấy rất nhiều câu chuyện bố mẹ sai nhưng không hề xin lỗi con cái. Có thể họ nghĩ rằng mình là cha mẹ, là người lớn hơn, và là người sinh ra chúng nó, nên mình không cần phải xin lỗi. Cũng có thể cha mẹ nghĩ chúng nó là trẻ con, nên không có quyền giận và cũng chẳng biết tổn thương, nên càng không cần phải xin lỗi. Nhưng đã bao giờ cha mẹ đặt vào hoàn cảnh của con  để hiểu cảm xúc của chúng chưa? Hay ta chỉ áp đặt, và để những cảm xúc ích kỉ cá nhân, đặt cái tôi của mình cao hơn lòng tin của những đứa con dành cho mình. 
Ta còn nhớ ta đã dạy con cái như thế nào khi chúng còn nhỏ: “Đã sai thì phải xin lỗi, và được người khác giúp thì phải cảm ơn.” Và ta cũng có nhớ mỗi lần con cái mắc lỗi, ta mắng mỏ, thậm chí là đánh chúng, và cuối cùng bắt chúng nói ra lời xin lỗi dù chúng muốn hay không, dù chân thành hay gượng ép. Vậy mà, hỡi các bậc cha mẹ, hãy nhìn xem ta đã làm gì khi mắc lỗi với con cái? Không xin lỗi, bắt con cái phải hiểu và nghĩ mình là cha mẹ nên không cần xin lỗi, đó là tất cả những gì ta làm ư? Có cái gì đó sai sai ở đây không khi ta dạy con một đằng và mình lại đi thực hiện một nẻo? Và liệu ngoài việc nghĩ rằng mình không xin lỗi để giữ thể diện và giữ quyền uy và cái gọi là “bề trên” trước mặt con thì họ có nghĩ con cái sẽ nghĩ gì về mình không? Chúng ấm ức, và tức giận, vì chính chúng được dạy phải xin lỗi khi sai nhưng người dạy chúng chẳng làm điều đó. Chúng tự ti, mặc cảm vì bố mẹ vẫn coi mình là trẻ con và chúng cảm thấy bất công khi mình không được tôn trọng. Nhưng đó mới chỉ là cảm xúc nhất thời, thời gian có thể xoa dịu đi, nhưng còn về lâu dài thì nó có thể ảnh hưởng đến cả một nhân cách, một con người. Các bậc cha mẹ, liệu ta có nghĩ hành động của ta ngày hôm nay lâu dần sẽ đào tạo ra một đứa trẻ hách dịch, luôn cho mình là bề trên và không biết xin lỗi hay không? Khi nghĩ đến hình ảnh đó, tất cả chúng ta đều cho rằng đó là hình ảnh không tốt, và chẳng có cha mẹ nào muốn con mình như thế cả. Nhưng ta có nghĩ chính những hành động của ta ngày hôm nay là một phần hình thành nên những con người ta cho là xấu xí vậy không? Hay ta lại chỉ nghĩ đứa trẻ này hư quá, không biết phải trái đúng sai và không được bố mẹ dạy dỗ mà đâu biết rằng chính chúng ta - những bậc làm cha làm mẹ đang gieo hạt cho những mầm cây xấu ấy nảy mầm?
Các vị phụ huynh, chúng ta là người lớn, đã nói là phải giữ lời. Ta dạy con trẻ như nào thì phải là tấm gương tiên phong đi đầu để các con nhìn vào đấy mà học tập. Ta sai thì ta xin lỗi, và hãy coi lời xin lỗi đó là một lời xin lỗi nhẹ nhàng chứ không phải to tát, và cũng chẳng phải nghĩ phức tạp rằng ta xin lỗi là ta đang ở bề dưới con cái. Tại sao ta phải nghĩ thế khi con trẻ chỉ cần một lời xin lỗi từ ta và chính chúng cũng chẳng có khái niệm bề trên - bề dưới hay thắng - thua ở đây cả. Cái chúng cần đơn giản là một lời xin lỗi từ cha mẹ khi họ hiểu lầm hoặc làm tổn thương chúng quá đáng, vậy thôi! Và cũng đừng để cái tôi của bản thân, sự sĩ diện hay sự cố chấp, bảo thủ của bản thân là rào cản ngăn ta nói lời xin lỗi với con cái khi ta sai, vì suy cho cùng, mấy cái thứ do ta suy ra kia cũng chẳng có ý nghĩa và cũng chẳng quan trọng bằng tình cảm giữa cha mẹ và con cái và sự tôn trọng, tin tưởng của con cái dành cho cha mẹ. Cái ta cần phải giữ đó là lòng tin, là lòng tin của con cái dành cho ta, chứ không phải là mấy thứ phù phiếm và đầy khệnh khạng kia, vì giữ con cá nhỏ để làm gì khi ta lại đánh mất con cá lớn hơn, phải không?
Xin lỗi chỉ là một câu nói hết sức đơn giản, và nó còn đơn giản hơn nếu xuất phát từ lòng chân thành của mỗi bên và cũng đơn giản hơn nhiều so với việc cứ khư khư giữ mãi những điều kiểu cách kia. Muốn con cái là người thẳng thắn và không ngại xin lỗi nếu chúng sai, thì trước tiên ta phải là tấm gương đầu tiên cái đã, phải không?