Tôi vẫn luôn được coi là út ít trong nhà, một đứa con được sinh ra với đầy sự bất ngờ.
Bố mẹ tôi đã rất nhiều lần kể về chuyện không ai ngờ tôi vẫn có thể được sinh ra vì khi mang thai tôi mẹ tôi chỉ có thể nằm một chỗ gần như không thể đi lại được và bác sĩ bảo có thể cái thai này phải bỏ đi nhưng chứ không thể giữ lại được. Mặc dù vậy cả gia đình vẫn tin vào tôi để giờ tôi được sinh ra. Mỗi lần nghe câu chuyện đấy tôi lại có những cảm xúc khác nhau. Mới đầu thì tôi cảm thấy mình thật là giỏi, có một sức sống mãnh liệt nhưng rồi dần dần tôi lại cảm thấy biết ơn ba mẹ vì đã không từ bỏ tôi, đã đem lại cho tôi cuộc sống này. Tôi đã nghĩ một đứa trẻ từ trong bụng có thể cảm nhận được suy nghĩ của mẹ mình nó giống như một sợi dây liên kết vậy và tôi sơ sinh ngày nào đã biết mẹ tôi tin vào tôi.
Nhưng giờ đây tôi lại cảm thấy ghét sự liên kết đó, nhiều khi tôi đã ước phải chăng ngày đấy tôi cắn đứt dây dốn đi, cắt đứt thứ đã đem cho tôi sự sống đó đi, có lẽ đã tốt hơn. Mỗi lúc đó tôi vẫn luôn nghĩ lại câu chuyện bố mẹ kể, rằng mẹ tôi vẫn sẵn sàng nằm liệt giường chín tháng thay vì bỏ quách tôi đi cho xong, rằng khi bác sĩ bảo nên bỏ tôi đi mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Vậy là tôi không thể làm được.
Để khi dần lớn lên, tôi nhiều khi thực sự rất ghét ba mẹ mình. Bố tôi vẫn luôn trách móc tôi là xa cách, chẳng bao giờ kể chuyện tâm sự gì với cả nhà. Nhưng tại sao bố mẹ tôi không bao giờ tự hỏi tại sao tôi lại như thế. Khi tôi đối diện với thất bại lần đầu tiên trong đời vào năm lớp 6, tôi đã đứng trên sân thượng và nhìn xuống, kì lạ thay đó là khoảng khắc hiếm hoi tôi cảm thấy thanh thản. Mẹ tôi thấy vậy đã kéo tôi xuống tầng và mua cho tôi cây kem. Và bố tôi khi về đến nhà đã hỏi tôi "Đã yêu đời hơn chưa" với một nụ cười. Đúng là một đứa trẻ con, thi trượt có tí thôi mà đã đòi chết, bố mày ra ngoài kia xô đẩy với đời bị quật lên quật xuống còn không sao, cái của mày đã là gì. Đó là điều tôi hiểu được ra qua câu nói đấy. Tôi biết nỗi đau của tôi chẳng là gì so với những điều bố mẹ phải trải qua, chỉ là thất bại của một đứa trẻ con mới lớn chưa trải sự đời. Để khi bố tôi nói mấy chuyện này là bình thường chẳng có cái gì mà phải buồn cả, lúc nào cũng phải vui thì mới vui được, tôi đã chạy lên phòng và khóc rất nhiều. Tôi chỉ dám khóc một mình vì khi nghe những lời đó tôi cảm thấy mình không chỉ là một đứa học dốt mà còn là một đứa yếu đuối, thật là thất bại. Chắc đó là lí do tôi luôn khép mình với, tôi chẳng bao giờ có thể chia sẻ gì với gia đình, bạn bè vì tôi biết họ sẽ thấy tôi thật yếu đuối, họ sẽ so sánh nỗi buồn của tôi và họ để thấy thật là một đứa được nuông chiều, hay than phiền.
Tôi có một lần khi bị mấy đứa con trai ở trên lớp trêu chọc về nhà tôi đã thở dài và nói với mẹ "Con chán đời", thay vì được hỏi có chuyện gì vậy, hay một lời an ủi, tôi lại được hỏi tại sao, tại sao con không vui, tại sao khi bố mẹ chu cấp đủ cho con mọi thứ mà con lại nói thế. Lúc đó, tôi đã rất hối hận, hối hận vì nói những lời đó với mẹ mình, người đã dành cả cuộc đời để nuôi nấng tôi, hối hận vì đã tin rằng người khác có thể hiểu được nỗi buồn của mình. Tôi đã quyết định tạo cho một chiếc mặt nạ, một chiếc mặt nạ với nụ cười luôn được vẽ trên đấy để mọi người có thể thấy rằng họ xứng đáng được hưởng niềm vui vì họ là người duy nhất trải qua đau đớn. Còn tôi thì tôi không chắc nữa, tôi không rõ mình cảm nhận được gì sau lớp mặt nạ đấy...một kẻ yếu đuối không xứng đáng được hạnh phúc.
Tôi và bố mẹ dường như bất đồng trong tất cả mọi thứ, bố tôi luôn thấy những hành động và suy nghĩ của tôi thật khó hiểu. Khi bố tôi viết rằng tôi đang cố gắng viết một cuốn tiểu thuyết, bố tôi đã nói với tôi rằng việc đấy là việc rất khó, mất thời gian chỉ những người giỏi mới có thể làm được. Hay khi thấy tôi có niềm hứng thú với thiên văn, cố gắng tích tiền để mua và cuốn sách về đọc, bố tôi đã hỏi là sao đọc mấy cái trên trời đấy làm gì, sao không đọc sách nấu ăn hoặc nữ công gia chánh đi. Tôi đã mong suốt quãng thời gian đó tôi có thể miễn nhiễm được với những câu nói này nhưng mỗi khi nghĩ lại, tôi đều bật khóc trong vô thức. Bố tôi đã nói những người đồng tính là trái tự nhiên và nên tránh xa không sẽ bị lây khi nghe thấy câu chuyện của một người chị họ tôi có một người bạn là les. Mẹ tôi cấm chị tôi đi chơi với một người vì chị đấy theo phong cách tomboy và yêu con gái. Khiến tôi luôn tự hỏi liệu tôi có bị đuổi ra khỏi nhà không nếu bố mẹ tôi biết tôi cũng như vậy, biết rằng họ đã sinh ra một thứ không bình thường, trái tự nhiên, quái thai. Chắc họ sẽ chẳng chấp nhận sự thật ấy và coi tôi đang nói xạo. Vì tôi luôn có lỗi trong tất cả mọi việc, khi tôi để điều khiển bên cạnh bố tôi để bố có thể điều khiển thay vì để lên bàn như bố nói. Bố tôi chửi mắng tôi thậm tệ, ném vỡ tan cả hai cái điều khiển, nói tôi là đứa không biết nghe lời, nói với mẹ tôi là cái loại con về nhà chỉ biết cãi cha cãi mẹ. Vậy là hôm sau mẹ tôi nói tôi rằng tại sao tôi lúc nào cũng cục như thế, sao không bao giờ có thể cư xử cho phải phép. Để đến khi tôi miễn nhiễm với tất cả lời trách móc đó, nhận lỗi về mình vì mẹ tôi luôn bảo tôi rằng "mày mà không nhịn bố mày, bố mày đi theo con khác thì mày có nước ra đường mà ở" thì lúc đó mẹ tôi lại coi tôi là một đứa trầm cảm, một đứa yếu đuối, nhạy cảm.
Tôi chưa bao giờ ước mơ mình có một sự nghiệp thành công rực rỡ vì đối với tôi mình cảm thấy hạnh phúc là đủ nhưng cũng có thể bố tôi luôn nói với tôi rằng "Không bao giờ được khác người, chỉ được hơn người" nên khi tôi đăng kí một cuộc thi viết truyện ngắn, bố tôi đã nói "Sao con cứ làm những việc chẳng giống ai", "Sao không đi tập bơi đi để cho cao lên còn xét tuyển vào trường cảnh sát" và chắc khoảng khắc hạnh phúc nhất đời tôi khi tôi nghe thấy bố bảo mẹ tôi rằng chị tôi có thể làm công an chứ tôi thì khó lắm. Còn đối với bố tôi khoảng khắc kinh khủng nhất là khi tôi nói rằng tôi muốn làm một nhà báo và tôi sẽ thi ngành báo chí. Bố tôi đã thuyết phục tôi rất nhiều và nói với tôi rằng "Bây giờ con vào Cao đẳng Y dược học có hai năm con ra xin làm điều dưỡng lương tháng chục triệu", bố tôi thực sự đã nói với chị tôi rằng mong tôi trượt đại học để tôi vào trường mà bố tôi sắp đặt trước.
Khi tôi than phiền với mẹ về việc tôi nấu ăn và người chị họ cứ giục rồi hỏi đi hỏi lại "Sao lâu thế", "Đã xong chưa" khiến tôi rất cáu nhưng tôi vẫn cố gắng cười cho qua chuyện thì mẹ tôi lại bảo do tôi khó tính, do tôi trầm cảm nên sinh ra như thế. Để gần đây, khi bố tôi hỏi tôi cứ gặng hỏi tôi nghĩ mình sẽ tầm bao nhiêu điểm thi đại học, tôi chỉ trả lời không biết và bảo bố thôi đừng hỏi nữa, tôi không thích, đợi đến ngày công bố điểm. Bố tôi lại nổi đóa lên mắng tôi làm bài kiểu gì mà không biết, sao thiếu tự tin thế, nói chuyện này có cái gì đâu mà không nói. Tôi như chết lặng và chẳng biết làm gì, cảm xúc của tôi không quan trọng sao. Và bao nhiêu sự dồn nén lúc đấy như vỡ tan, tôi đã nói với bố mẹ tôi rằng là tôi không thích, tôi đã bảo rằng mình không thích tại sao không thể tôn trọng cảm xúc của tôi một chút, bố mẹ thấy bình thường nhưng đâu phải ai cũng thấy bình thường. Đừng bao giờ hỏi tôi tại sao lại chẳng bao giờ tâm sự, trải lòng với bố mẹ vì bố mẹ có bao giờ lắng nghe tôi đâu, bố mẹ chỉ lắng nghe những điều mà bố mẹ muốn. Để điều duy nhất tôi được nghe lại từ mẹ là "Thế mày ra ngoài kia mà tìm người hiểu mày".
Mọi người hay nói tình yêu đôi lứa thật là thứ khó hiểu nhưng tình yêu vẫn luôn là một thứ khó hiểu. Dù cho tôi có ít nói chuyện với bố mẹ, có căm ghét họ thế nào đi chăng nữa nhưng trong những lúc như vậy tôi vô thức nghĩ lại từ khoảng khắc tôi còn ở trong bụng mẹ cả nhà đã tin tưởng vào tôi như nào, cho đến khi lớn dù cho tôi không nghe lời cũng chẳng giỏi giang gì, bố mẹ yêu tôi và tôi cũng vậy, nó không phải tình yêu cũng chẳng phải tình thân mà là một tình yêu vô điều kiện.