Nhân đang làm một campaign khá hay dẫn đến việc phải research nhiều thứ (thật sự, có ngày mình phải ngồi đọc report của Diễn đàn Kinh tế Thế giới?) mới thấy giật mình về cách học của con cái chúng ta và thách thức lẫn áp lực của bố mẹ hiện tại.

Bọn trẻ con lít nhít đang học như nào?
.Sách giáo khoa tiếng Anh chương trình tích hợp tương đương với tầm lớp 7 ngày xưa (thời của mình). Mình lại còn là đứa đã học tiếng Nga cấp 2 nên hồi đầu năm dở sách con ra thấy choáng phết.
.Trong lớp (trường công) đều học bằng bảng điện tử. Các trò tập viết trên vở, bảng đen ở dưới nhưng thường xuyên được mời lên bảng tương tác, viết chữ. Giáo án của cô cũng là giáo án điện tử, tất nhiên.
.Thông báo của nhà trường gửi đến phụ huynh qua app. Cô giáo nhắn tin chiu chíu cho phụ huynh. Thông tin thông báo cứ xin mời update trên group, hỏi gì cũng được trả lời ngay.
.Trường của con của bạn mình nghe đồn là đi học chiều về, tối trước 7 giờ phải nộp bài tập bằng cách apply online.
.Một trường khác  học sinh lớp 2 lớp 3 làm Ppt thuyết trình nhoay nhoáy.
.Trường công thì học tin học từ lớp 1. Nghe đồn thi học kỳ I sẽ là tô màu vẽ tranh.
Đấy là chưa kể đến các thể loại robotics, STEM v.v....
Chuyện tương lai sẽ thế nào?
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2020 là thời điểm 5 triệu công việc trên thế giới được thực hiện bởi robot, A.I, nanotech và những cái tương tự trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu cách đây 3 hay 4 năm gì đó, mình làm một campaign cho SS nói về IoT và thấy choáng choáng về độ phủ của những thứ tự động hoá và được kết nối với nhau và câu hỏi kiểu liệu máy móc có thay thế con người, thì năm nay, câu trả lời là Yes nhé.
Ví dụ năm nay chúng ta đã nhận được rất nhiều cuộc gọi rao bán bất động sản hoặc chào mời dùng dịch vụ gọi ghi âm sẵn và chúng ta nhận ra ngay là đang nghe ghi âm, chúng ta cúp máy. Nhưng sang năm, những cuộc gọi đó sẽ ngày càng tinh vi hơn đến nỗi không thể nhận ra nổi ta đang nói chuyện với một cái máy.
Một ví dụ của ví dụ là mấy con chatbot. Khi bạn vô mấy cái page bán hàng - từ của nhãn lớn đến các chị em bán kem trộn, quần áo, sẽ có một ô cửa sổ chat FB messenger bật mở và chào bạn, hỏi bạn quan tâm vấn đề gì. Rồi dựa vào từ khoá trong câu trả lời của bạn, đoạn hội thoại (đã được xây dựng sẵn) cứ thế tiếp tục cho đến khi bạn đặt hàng, chiếc máy chốt đơn hàng hoặc khi bạn bực bội thoát ra. Nhưng về lâu về dài, con chatbot này ngày càng thông minh, ngôn ngữ thì tinh tế và cách đối xử với khách hàng sẽ càng nuột nà, nên thế nào chúng ta cũng sẽ chốt đơn mà thôi.
Máy còn sẽ thay thế con người trong nhiều nghề nghiệp khác. Ở bệnh viện, robot sẽ thay bác sĩ để tiếp nhận các dữ liệu nhuốm màu bệnh tật từ bệnh nhân, mẫu máu, nước tiểu, tế bào để tổng hợp, phân tích và đưa ra kết luận là người bệnh bị bệnh gì, giai đoạn nào. Ở ngân hàng, đại lý bán bảo hiểm, ok mấy nghề mà ngồi mở account hay kiểm tra xem có đủ điều kiện tham gia bảo hiểm không sẽ do máy làm hết. Kịch bản phim, truyện cũng do máy viết ra được, ở các nhà máy, tất nhiên, máy cũng thay thế công nhân... Tóm lại, máy sẽ giúp đỡ con người giảm thiểu công sức và thời gian và sự can thiệp vào cái này cái kia, nhân đó, đúng đà tiến lên, nó chiếm luôn chỗ con người.
Và thế thì nó ảnh hưởng quái gì đến việc học:
Chà, siêu ảnh hưởng. Con mình đang 6 tuổi, 15 năm nữa, hoặc sớm hơn, nó sẽ phải nhoi vào đám đông cử nhân thất nghiệp trên đường bon chen đi kiếm việc. Và, nếu con mình với con bạn chỉ làm được công việc mà máy có thể làm được, thì tất nhiên, máy sẽ nhận được công việc đó. Tất cả chúng ta đều thích làm việc với những "lực lượng lao động" không bị ốm, không thay đổi mood, không đòi nghỉ thứ 7 CN, không lên Facebook than thở khi phải tăng ca, không nói xấu sếp v.v...
Và cách để chúng nó không thất nghiệp trong cái thời đại đó và giành giật -cứ cho là- 5 triệu công việc còn lại kia - là chúng nó phải có những kỹ năng mà máy móc không có và không thay thế được. (Giờ thì nói thế thôi chứ 15 năm nữa máy nó chả học được vô khối thứ mà con người nghĩ nó không làm được ý). Những kỹ năng đó rằng thì là mà kiểu như: kỹ năng giải quyết vấn đề (phức tạp), kỹ năng team/gang up (thật ra là coordinating with others), sự sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng đàm phán... Tức là những kỹ năng người nhất thì sẽ giúp con người tồn tại trong một cuộc đời bị bủa vây bởi máy móc. Tức là, theo mình nghĩ, những đứa càng độc đáo nhất càng quái chiêu nhất thì càng dễ tồn tại và bươn chải trong cái thời mà, chẹp, vất vả hơn bố mẹ chúng nó nhiều.
Vì thế, một là, cái cách bọn trẻ con học trong vài năm nữa, sẽ thay đổi chóng mặt, do nhà/ xã hội có điều kiện thôi. Bọn nó sẽ không cần đến trường cũng sẽ học ngon ơ, bọn nó sẽ làm dự án, thuyết trình, thương thảo( những việc mà bố mẹ nó đợi lớn mới làm), học trong môi trường đa văn hoá đa sắc tộc... Thầy cô cũng có những chiêu mà mới nghĩ đến cũng khóc thét. Ví dụ ứng dụng biometric vào lớp học. Không cần chấm điểm chuyên cần làm chi cả. Mỗi lớp học sẽ có camera và cảm biến để quét quét quét mặt bọn học sinh. Lúc tôi đang nói câu này mà vị trí tròng đen của cô kia lệch ra khỏi toạ độ cần thiết tức là cô đang ngắm lá rơi ngoài cửa sổ, nhịp tim cô đập chậm nghĩa là cô đang chill không để tâm vào bài học, mời cô học lại bài này lần nữa. Còn lúc thầy kia giảng câu kia mà tim cậu kia đập 180, mồ hôi câu chảy như tắm, thớ thịt dưới mắt phải rung nhẹ thì nghĩa là bài giảng của thầy hay lắm, cần được nhân rộng mô hình này v.v..... Mọi phản ứng của thầy trò, đến cả một con ruồi bay qua là cái hay lưỡng tính cũng sẽ đều được ghi nhận, tổng hợp phân tích real time để đưa ra những kết quả chính xác nhất về tính hiệu quả, độ hiểu bài, trình đô... của học sinh. (Nghĩ mà kinh, chạy đâu cho thoát)
Hai là, nói chung là, thế thì chúng ta, bố mẹ chúng nó ấy, cần nhanh lên, cong đít lên mà cập nhật mọi thứ để bắt kịp chúng nó. Nếu hồi xưa khi chúng ta 22 tuổi 1 ngày đẹp trời bố mẹ chúng ta mới phát hiện ra có cái gọi là khoảng cách thế hệ, thì ngày nay, chỉ cần con bạn 6 tuổi và bắt đầu nói chuyện về Obama và phát âm từ này từ kia phải như này như kia thì bạn rõ ràng mười mươi biết rằng ngày đó, khoảng cách đó đã thực sự xuất hiện.
Chuẩn bị không bao giờ là thừa các bạn già ạ. Nhưng chuẩn bị thôi thì chưa đủ, phải chuẩn bị nhanh lên ý, gấp lên ý.