Mùa mưa bão có năm đến sớm, đến muộn. Nhưng chẳng năm nào các anh bão bỏ quên miền Trung. Cơn to, cơn bé, cứ lũ lượt kéo nhau từ ngoài biển Đông về cái xứ này.
Tôi vẫn nhớ có năm bão to, mưa liên miên, mạn đồng bằng dưới Nam Đàn ngập trắng. Chiều trước khi bão về, lúc đó vẫn còn học cấp hai, tôi rẽ vội ra trường tiểu học đón em Cồi. Sân trường ngập nước, hai chị em tôi tung tăng vì được lướt sóng. Bình thường mẹ biết sẽ mắng ngay.
Thích nhất vẫn là bão vào nhưng chưa thông báo nghỉ học, đi đến cổng trường bác bảo vệ xua về. Lúc đấy cả lũ reo hò ầm ĩ, và tổ chức giải đua xe đạp mở rộng.  Cứ nhè chỗ nào có vũng nước to là lao vào. Nước ngập ngang bánh xe, dồn hết sức lực mới vượt qua được mà cười như nắc nẻ.
Từ khung cửa sổ nhà ông ngoại
Có năm trực thăng chở gạo và mì tôm, bay qua lại liên tục, cứ là là ngay trên đầu. Gió vừa lặng, chúng tôi ùa ra đuổi theo, thi đứa nào chạy nhanh bằng. Năm đấy, ông bà tôi cũng được phát gạo mấy lần.
Hồi còn ở nhà cũ, mái ngói đã lâu, bố bịt lại bằng lớp lớp ni lông quân đội xếp chồng lên nhau nhưng mưa to nhà vẫn dột. Khắp nhà đầy nhưng xô chậu, nước chảy tí tách tí tách cả đêm. Mưa còn tạt qua cửa số ướt cả giường. Nhà mới kiên cố hơn, nên từ lâu chẳng còn cảnh đêm hôm dậy hứng nước nữa. Nhưng mái tôn phía trước hiên nhà, khiến tiếng mưa trở nên ào ào và vang vọng hơn, khác hẳn kiểu mưa rầm rì ngày trước. Rồi mất điện, cả nhà thắp đèn dầu để ăn cơm. Tối ngủ, mẹ đặt đèn dầu ở đầu giường, sáng ra mũi em Cồi đen xì =)).
Chúng tôi lớn lên cùng những cơn bão, cùng gió Lào rát mặt, và những trận mưa to, mưa dầm dề, sấm chớp đùng đoàng có cả. Nhưng kì lạ thay, tôi chưa bao giờ thấy sợ hãi gì. Vì tôi luôn có một mái nhà.
Chỉ có một lần mẹ ốm nằm viện, bố đi chăm mẹ. Cũng là lần duy nhất xuống xe không một ai đón. Tôi phải đón xe Vinh rồi từ đó, bắt xe về nhà để không quá muộn. May mà gặp được anh phụ xe cùng quê, lại được anh trả tiền xe cho. Về nhà thấy em Hậu, em Hân lên ở cùng em Cồi mà tôi rớt nước mắt. Trời mưa gió, ba đứa trẻ con túm tụm lại với nhau. Tủ lạnh chỉ còn mỗi trứng, tôi đạp xe ra chợ tìm mua thêm thịt cá thì cả khu vắng tanh, đành quay về. Đêm hai chị em nằm cạnh nhau khó ngủ, gió rít từng cơn. Lúc ấy chỉ ước được nghe thấy tiếng xe bố về ở cổng. Một mái nhà, không chỉ là bốn bức tường kiên cố, mà còn phải có người thân, như vậy mới tròn vẹn ý nghĩa.
Như có đợt, hai bố con đứng đón xe giữa trời mưa gió sấm chớp đùng đoàng, tôi vẫn cười nói hỉ hỉ hả hả. Hôm trước có người xem tướng, thắc mắc tại sao tôi sinh tuổi đấy giờ đấy mà xem chừng đủng đỉnh. Cũng có người hỏi, tại sao tôi có thể thoải mái sống như mình muốn, có thể yên tâm mà cà lơ phất phơ. Không phải tính cách tôi tốt, tôi cũng tu luyện chưa đủ, mà vì tôi luôn có một mái nhà, một điểm tựa để cho phép bản thân sống vẫn có ít nhiều tùy hứng.
Nhưng dạo này, khi mà cảm nhận được sự già đi rõ rệt của ông ngoại và bố mẹ, tôi đâm ra trăn trở. Ông hầu như không nghe tôi nói gì, chỉ toàn nhìn tôi cười. Bố thì hay đau mỏi hơn trước. Có những đêm mẹ không ngủ được. Tôi thấy bố mẹ đã bắt đầu lo lắng cho tuổi già hơn. Dù biết điều này đều sẽ xảy ra, nhưng bản thân có ít nhiều sự bối rối. Sự bối rối kéo tôi cố tranh thủ về bên mẹ, nán lại nhà ông lâu hơn, hay đơn giản là nằm im hạnh phúc trong chính mái nhà của mình. Tôi hi vọng những năm tháng này, lúc nào ông tôi, hay bố mẹ tôi không bao giờ cảm thấy bị bỏ lại trong chính mái nhà của mình. Như mẹ tôi bảo dựa vào nhau mà sống, tôi mong bản thân đủ thấu hiểu để bố mẹ có thể dựa vào. Muốn được ở bên mẹ trong giai đoạn sắp tới.
Chiếc mươn ăn cơm đã cũ nhà ông.
Bão trời thì có mưa giông gió giật. Bão đời thì có những ngày nằm khóc, những phút bất lực. Giống nhau được cái là không ngừng không nghỉ. Tôi như một chiếc cây non, dần dần lớn lên thành cây lỡ nhỡ. Ông tôi, bố mẹ tôi thì thành cây già. Cây lỡ nhỡ ở với cây già thành một mái nhà.
Hoa giấy bố mẹ trồng,
Và cơn bão đến, nó chẳng làm gì được, mà chỉ có thể nghiêng nhẹ, rồi tan đi...
Đây là phần kết: