Hôm trước tôi mới được tặng một quyển sổ. Phải nói là nếu được tặng 100 cuốn sổ khác nhau thì mỗi lần tôi vẫn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Y như nhau. 
Đây là quyển sổ của tôi. 

Sổ "cơm tấm sườn bì chả"
Quyển sổ này có một bức vẽ xinh xắn với tên món ăn được minh hoạ trên bìa—vừa đủ thu hút đúng không? Nhưng điểm đặc biệt hơn là có một lá thư được đặt bên trong trang nhất của sổ, với chữ ký và tên của Nhà sáng lập. Sổ bán 45k, đắt hơn một chút so với những sản phẩm tương tự trên thị trường, và ai đó sẽ nói rằng việc đặt thêm một bức thư có chữ ký kia là cái cớ để nhà sản xuất tăng giá sản phẩm. Tôi nghĩ không sai, nhưng tôi nghĩ điều này không có gì đáng gọi là "làm màu" cả. Tôi nghĩ đây là một cách thông minh để đưa thông điệp của nhà sản xuất đến với người dùng. 
Nhưng tôi còn nghĩ một bức thư mang ít nhiều màu sắc marketing kia thực sự phải đến từ cái tỉ mỉ và kỹ lưỡng trong suy nghĩ của những người làm ra một sản phẩm, là cuốn sổ. Ít nhất thì họ cũng đã không chỉ bán sổ cho người mua mang về viết để thu tiền. Họ bán một cuốn sổ với hi vọng rằng sản phẩm này có thể đem lại thêm giá trị cho những hoạ sĩ Việt—những người đã sáng tạo ra những tác phẩm không vay mượn—và họ có ý thức muốn nói điều đó tới người dùng sổ một cách lịch sự và nhã nhặn. Dù chưa từng biết tới Mono Sketch trước đây, bức thư nhỏ này đã khiến tôi phải google thương hiệu này đang làm những gì. Tôi nghĩ rằng tôi cảm thấy thích họ. Tôi thật lòng thích cái sự cầu kỳ mất thời gian này (cái ông founder lại còn ký tay từng bức thư nữa!). 
Nói về sự tỉ mỉ, tự nhiên tôi lại nghĩ tới PixarGhibli. Hai studio sản xuất phim hoạt hình này đều là hai hãng tôi vô cùng hâm mộ (tôi từng mơ ước sẽ có ngày được làm việc tại Pixar; và nhất định khi nào tới Nhật phải ghé Ghibli Theme Park—nghe nói sẽ ra mắt vào 2022). Hai studio này sở hữu phong cách lẫn triết lý làm phim cực kỳ đối lập. Pixar dẫn đầu trong những công nghệ làm hoạt hình mới và vào năm 1995 đã cho ra lò bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới hoàn toàn được tạo ra trên máy tính. Trong khi đó, Miyazaki, một trong những đạo diễn có ảnh hưởng nhất tại Ghibli là một người cực kỳ bảo thủ khi trung thành với các hình vẽ tay, và kỹ xảo máy tính sẽ chỉ được phép can thiệp không quá 10% bởi vì chúng là "một sự xúc phạm tới cuộc sống". Pixar hướng tới những thông điệp gần gũi, tập trung xoay quanh câu chuyện tình bạn, gia đình, cái tôi và hành trình thực hiện ước mơ; trong khi Ghibli thường ẩn chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu sắc mà lớp thông điệp sâu nhất nằm ở tinh thần phản chiến, hoặc mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Pixar có một đội ngũ đạo diễn hùng hậu phân bổ khá đều ở những tác phẩm kinh điển như John Lasseter, Andrew Stanton, Lee Unkrich, Pete Docter hay Brad Bird; còn "linh hồn" của Ghibli nếu không kể người đồng sáng lập quá cố Isao Takahata thì gần như chỉ có Hayao Miyazaki. 
Thế nhưng, tôi cho rằng bất chấp những khác biệt bản chất đó, Pixar và Ghibli có một điểm chung rất lớn đã nêu ở trên: Đó là sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng trong mỗi sản phẩm của họ. 
Để lấy một ví dụ cho bạn dễ hình dung, thanh niên quái vật Sully dưới đây trong phim Monsters, Inc. do Pixar sản xuất có tổng cộng... 2,320,413 chiếc lông trên cơ thể khổng lồ. 
2,320,413 chiếc lông, wow
Nhưng điều hẳn sẽ khiến bạn nản lòng hơn một chút đó là các nhà làm phim đã phải ghép hiệu ứng cho từng-chiếc-lông trong số cái đám xanh lè này để khiến cho hình ảnh chân thực nhất mỗi khi Sully cử động. Theo WebPro News thì mỗi khung hình có xuất hiện Sully sẽ ngốn khoảng 11—12 giờ làm việc (và mỗi một tiếng đồng hồ trong bộ phim trung bình sẽ cần khoảng 100,000 khung hình—hoặc hơn). 
Sự nghiêm túc và kỹ lưỡng của Pixar còn thể hiện ở một khía cạnh ít người biết tới, đó là Pixar Braintrust. "Công cụ" đặc biệt này thực chất là một cuộc họp khá thường xuyên của một nhóm những người tài năng bất kể cấp bậc để góp ý cho những tiến triển mới nhất của bộ phim, và tiêu chí được đề cao nhất trong những cuộc thảo luận này là sự thành thật (candor). Ở trong một Braintrust, bạn được phép góp ý, phê bình thẳng thắn tới tận cùng vấn đề, nhưng tất cả phải dựa trên sự chân thật và mong muốn điều tốt nhất cho tác phẩm bất kể bạn có trực tiếp sáng tạo ra nó hay không. Brainstrust tất nhiên không hoàn hảo tuyệt đối, nhưng nó chắc chắn đem lại những hiệu quả đáng kinh ngạc khi được thực hiện đúng cách, thể hiện rõ ràng ở sự ra đời của hàng loạt bộ phim xuất sắc liên tiếp mang màu sắc Pixar không pha trộn. 
Ở nửa bên kia bán cầu, Ghibli khiến cho nhiều fan hâm mộ trên thế giới phải mê đắm cũng vì sự cầu toàn đến ám ảnh. Mọi khung hình trong hầu hết các bộ phim do Hayao Miyazaki đạo diễn đều phải được vẽ bằng tay. Bạn hiểu đúng rồi đấy—có nghĩa là bất cứ một chuyển động nhỏ nào trong mỗi khung hình cũng đồng nghĩa với một bức vẽ mới. Đấy là chưa kể đến việc họ sẽ chia một khung hình theo các lớp (layer): vẽ background riêng và nhân vật riêng rồi mới ghép lại, sau đó nhiều khung hình được ghép lại với nhau để tạo ra những chuyển động mượt mà. Công việc này khỏi phải nói cũng biết là tốn thời gian đến nhường nào.
Phác thảo của các bộ phim Ghibli - Theo Marymounts Common 
Sự gặp gỡ của Pixar và Ghibli, bất kể cách tiếp cận khác biệt, là đến cuối ngày họ đều có được những tác phẩm xuất sắc. Đó là tinh hoạ của rất, rất nhiều giờ miệt mài làm việc, của sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý, sự công phu và nghiêm túc từ những công đoạn nhỏ nhất trong cả một quy trình tổng thể, sự quan sát kỹ lưỡng và suy nghĩ có chiều sâu của những bộ óc tài năng. Khi bạn thấy một nhân vật hoạt hình xuất hiện một cách hài hước hay cảm động, bạn bật cười hoặc rơi lệ. Nhưng đằng sau một khoảnh khắc đơn giản đó là cả một quá trình làm việc nghiêm túc và tận tuỵ tới từng chi tiết mà chúng ta đôi khi lãng quên. 
Để tiếp tục chủ đề về sự cầu kỳ, tôi xin lấy thêm một ví dụ khác nữa. Nếu ngày xưa ai đã học môn Văn ở phổ thông thì hẳn là còn nhớ những đoạn văn này trong tác phẩm Một người Hà Nội của Nguyễn Khải:
Mùa đông ông mặc áo ba-đờ-xuy, đi giày da, bà mặc áo măng-tô cổ lông, đi giày nhung đính hạt cườm. Lại cái ăn nữa cũng không giống với số đông. Bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản và từng người ngồi đúng chỗ đã quy định...
Trong mấy chục năm sống dưới chế độ ta, mỗi tháng cô đều tổ chức một bữa ăn bạn bè, gồm các cựu công dân Hà Nội, những tên tuổi đã thành danh của đất kinh kỳ. Khoảng mươi, mười lăm người gì đó. Cửa hàng đóng từ chiều, các bà lần lượt đến trước, xông ngay vào bếp cùng làm cơm, các ông đến sau, mũ dạ, áo ba-đờ-xuy, bỏ áo khoác ngoài bên trong còn mặc đồ bộ, thắt cà-vạt, nhưng đã sờn bạc cũ kỹ. Tiệc đã bày xong, vẫn chỉ có mấy ông ngồi tán suông chứ chưa thấy các bà. Rồi cửa trong mở, bà chủ xuất hiện trước như diễn viên trên sân khấu, lược giắt trâm cài hoa hột lấp lánh, rồi một loạt bảy tám bà tóc đã bạc hoặc nửa xanh nửa bạc, áo nhung, áo dạ, đeo ngọc đeo dây đi lại uyển chuyển.
Ngày thường các bà mặc áo bông ngắn, quần thâm, đi dép hoặc đi guốc, vuông khăn len tơi tớp buộc quanh cổ hay bịt đầu, là các cô Lọ Lem của mỗi ngày, có phải nói chuyện mình cũng dễ ăn nói buông tuồng, thiếu ý tứ. Tất cả là bình dân, tất cả đều có quyền ăn nói thô tục. Còn lúc này, toàn là những người quí phái mình phải xử sự ra sao nhỉ?
...
Nhiều năm đã trôi qua. Tôi sống ở thành phố Hồ Chí Minh thỉnh thoảng có việc phải ra Hà Nội đều ghé lại thăm cô Hiền... Cô đã yếu nhiều, đã già hẳn, ngoài bẩy mươi rồi còn gì, nhưng cô vẫn là người của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn. Nơi tiếp khách của cô sau tấm bình phong cao hơn đầu người bằng gỗ chạm suốt mấy chục năm không hề thay đổi.
Một bộ sa lông gụ "cái khánh", cái sập gụ chân quì chạm rất đẹp nhưng không khảm, cái tủ chùa một cánh bên trong bày một cái lọ men Thúy Hồng, một cái lư đời Hán, một cái liễn hấp sâm Giang Tây, và mấy thứ bình lọ màu men thì thường nhưng có dáng lạ, chả rõ từ đời nào. Cô đang lau đánh một cái bát thủy tiên men đỏ, hai cái đầu rồng gắn nổi bằng đồng, miệng chân cũng đều bịt đồng, thật đẹp. Bên ngoài trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt, lại nhìn một bà lão (nếu là một thiếu nữ thì phải hơn) lau đánh cái bát bày thủy tiên thấy tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn một cái tết Hà Nội.
Mười năm trước khi còn là một đứa nhóc mười mấy, tôi cũng đọc đoạn văn này và thấy... thường thường; thậm chí còn hơi nhàm chán, vì nghĩ tác giả mô tả dài dòng lòng vòng quá. 
Ảnh: le4fevrier
Nhưng mười năm sau đọc lại, cái cảm giác say mê nhân vật "bà Hiền" và những người Hà Nội trong tác phẩm mới trỗi dậy. Một thứ phong cách cầu kỳ, kỹ lưỡng, rất "chơi", nhưng rất chừng mực. Kiểu cách, nhưng không quá lố. Tỉ mỉ, nhưng không so đo. Khôn ngoan, nhưng không mưu mô toan tính. Bà Hiền của Nguyễn Khải có lẽ là một trong những nhân vật văn chương "Hà Nội" nhất trong những nhân vật có liên quan tới mảnh đất kinh kỳ. 
Một xã hội phát triển, tôi nghĩ rằng là một xã hội tạo điều kiện cho những con người tỉ mỉ và cầu toàn có đất diễn. Họ là những người đưa những tiêu chuẩn bình thường của một công việc hiện hữu lên một đỉnh cao mới, giúp những quy trình đang có trong mọi khía cạnh khác nhau của đời sống trở nên tối ưu hơn.
Sự cầu kỷ, tỉ mỉ, chau chuốt là phẩm chất cần thiết của những người làm sản phẩm hoặc làm sáng tạo. Bởi chỉ có sự chăm chú, tận tuỵ, kỹ lưỡng trong quan sát và cảm nhận thì tất cả những rung cảm đẹp đẽ nhất của cuộc sống mới có thể hiện hữu. 
Nói một cách rộng ra, tất cả những người tỉ mỉ trong bất kể lĩnh vực nào đều là người nghệ sĩ đích thực, chứ chả cứ gì một người làm nghệ thuật. Một lập trình viên "có tâm" (mà nôm na người ta cứ gọi là coder) sẽ có nhiều lúc ngồi ngắm những dòng code khô khan để thấy nó là một tác phẩm vô cùng tinh xảo. Một designer "có tâm" sẽ sửa đi sửa lại một chi tiết nhỏ để cho ra lò một thiết kế ưng mắt. Một dancer "có tâm" ngày đêm luyện tập đôi khi chỉ để thành thục một bước nhảy sao cho "phiêu" nhất. Tôi nghĩ không tự nhiên người ta thích xem những clip làm món ăn, hay DIY. Bởi vì trong thâm tâm con người ai cũng khao khát nhìn thấy những thứ thô sơ được nhào nặn thành tác phẩm đẹp đẽ, được chiêm ngưỡng sản phẩm do sự cầu kỳ và tỉ mỉ tuyệt đỉnh tạo nên. 
Xã hội cần những người tập trung làm tốt những chi tiết nhỏ, nói chính xác hơn, làm những việc nhỏ đạt tới đỉnh cao để có thể tạo nên những bước đột phá. 
Bạn có phải là người tỉ mỉ hay không? Ví dụ như, nếu bạn có cảm giác rằng bát mắm chấm cá nướng nhất định phải cho thêm ít thì là xắt nhỏ, chút gừng giã dập, chút tỏi băm nhuyễn, thêm chút dấm cho lên vị chua, chút ớt cho lên vị cay, chút đường cho đủ vị ngọt thì mới đúng điệu—thì rất có thể bạn cũng là một "thể loại" cầu kỳ. Mà nói chung không ai cầu kỳ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống được, bởi vì... mệt lắm. 
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những người làm sản phẩm và say mê các chi tiết không thể đứng một mình mãi mãi. Họ đôi khi cũng cần F5 suy nghĩ, giải phóng bản thân, hoặc cần ở bên cạnh những người có cái nhìn bao quát, rộng rãi, thoáng đãng hơn. Đó là để tránh việc bị sa đà vào tiểu tiết mà quên mất mục tiêu thực sự trong bất cứ công việc nào mà họ đảm trách. 
Những ngày này tôi cũng đang may mắn được làm một sản phẩm mà phần nào đó sẽ đem lại giá trị và (có thể là) sự công nhận xứng đáng cho những người cùng tạo ra nó. Tôi mong chờ sẽ đến ngày được tiết lộ về sản phẩm đó với tất cả các bạn ở đây, và tôi mong rằng dù nó không thể tránh khỏi những thiếu sót, nó sẽ là một sản phẩm được tạo ra bởi sự tỉ mỉ, và hi vọng rằng nó sẽ là một sản phẩm đáng mong đợi. Tôi cảm thấy mình may mắn vì những người gần gũi nhất xung quanh mình là những người đã tạo ra một "môi trường" phù hợp để tôi có thể cảm thấy thật say sưa trong góc phòng yên tĩnh; suy nghĩ và hiện thực hoá những ý tưởng. 
Làm một người tỉ mỉ đôi khi rất mệt, bởi vì cầu toàn thì sẽ đi kèm với mất thời gian và đôi khi là phiền hà nữa—nhưng phần còn lại sẽ là rất sướng. Nếu lỡ chả may là một người cầu kỳ, bạn hãy tự tin là cái thú "rắc rối" đấy dù không phải lúc nào cũng tốt, nhưng nó là cái thú không phải ai cũng có được. 
Tham khảo:
Sách Creativity, Inc., Edwill Catmull & Amy Wallace.
Tác phẩm Một người Hà Nội, Nguyễn Khải.