Gần đây mình có đọc câu hỏi của một bạn trên Facebook, trong đó bạn có hỏi về sự khác biệt giữa “college" và “university" ở Mỹ. Mình cũng đã thấy không ít những câu hỏi tương tự được đăng trên mạng, nên mình đã viết một bài ngắn để giải thích về hai khái niệm này. 


Bài gốc được mình viết và đăng trên trang MoraNow: https://moranow.com/college-vs-university/

Đầu tiên thì mình muốn chỉ ra một trong những nhầm lẫn thường gặp ở các bạn mới bắt đầu tìm hiểu về việc đi Mỹ, đó là các bạn cho rằng chỉ có các “university” mới là các trường đại học, còn các “college” chỉ tương đương với hệ cao đẳng ở Việt Nam. Điều này là không đúng - thực tế mà nói, khi nói chuyện với người Mỹ về “đại học,” bạn sẽ thấy phần lớn thời gian họ dùng từ “college.” Ví dụ, khi họ nói về “bằng Đại học” ở Mỹ, họ sẽ dùng từ “college degree.” Khi họ nói về sinh viên đại học, họ sẽ dùng từ “college students.” Khi họ hỏi bạn là bạn đi học đại học ở đâu, họ cũng sẽ hỏi “Where’d you go to college?” 
Vậy, sự khác biệt là gì? Phần lớn các “college” đều tập trung vào giáo dục bậc đại học - thông thường họ sẽ chỉ có các chương trình đại học trao bằng Cử nhân mà không có chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ. Trong khi đó, các “university” thường là các trường đại học lớn, có giảng dạy tất cả các bậc học Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, và bao gồm nhiều “college” và “school” trong đó, mỗi college/school tập trung vào một lĩnh vực. Ví dụ, tất cả học sinh học bậc Cử nhân ở Harvard University thực tế là nhập học ở trong Harvard College, nhưng các học sinh học MBA sẽ học ở trong Harvard Business School, các học sinh học Luật sẽ học ở trong Harvard Law School, etc. Tuy nhiên, nếu được hỏi, tất cả đều có thể nói mình đã đi học ở Harvard University. Và nếu có ai đó hỏi bạn “Where’d you go to college?” thì bạn hoàn toàn chỉ cần trả lời “I went to Harvard” và họ sẽ hiểu là bạn có bằng Cử nhân ở Harvard College thuộc Harvard University (oh và nếu bạn đi học ở Harvard, good for you!)
Tuy nhiên, có một trường hợp “college" mà chúng ta có thể tạm hiểu là tương đương với cao đẳng ở Việt Nam: Community College (CC) - “Cao đẳng Cộng đồng.” Phần lớn học sinh sẽ học ở các CC và lấy bằng Associate trong vòng 2 năm, sau đó chuyển tiếp các tín chỉ đã lấy được lên một trường đại học và học nốt 2 năm ở đó để lấy bằng Cử nhân (Bachelor’s). Lộ trình 2+2 này khá phổ biến và là một trong những lựa chọn tốt cho các bạn không có thành tích quá xuất sắc ở cấp 3 và cần được trau dồi thêm, hoặc các bạn không có điều kiện tài chính dư dả. Rất nhiều học sinh giỏi có thể chuyển tiếp sang những trường đại học lớn sau khi học xong 2 năm ở CC.
Như vậy thì dịch “college” là “cao đẳng” là không hoàn toàn đúng - nó chỉ đúng khi chúng ta đang nói đến các Community College như mình đã nói ở trên. Và khi bạn nghiên cứu về các trường ở Mỹ, hãy tạm gác lại những khái niệm như “cao đẳng” hay là “đại học” - cách dễ phân biệt hơn là dựa theo số năm học bạn sẽ cần để lấy bằng: 2-year college là các CC mà bạn sẽ lấy bằng Associate, còn 4-year college là các college và university mà bạn sẽ lấy bằng Bachelor’s.

Hy vọng bài viết này đã phần nào giúp ích cho các bạn. Mình cũng biết là trong các trường đại học thì còn chia ra 2 nhóm chính là National Universities và National Liberal Arts Colleges, nên là hẹn các bạn ở bài viết sau về chủ đề đó nhé :D