Khi nhớ về một thành phố, tôi thường cố gán cho nó một thức quà hoặc một mùi vị riêng. Đà Nẵng là mùi vị mằn mặn của biển, sự thanh sạch của những sớm mai chạy dọc đường Bạch Đằng. Còn Hà Nội, là những buổi trưa, chiều tà lê la mấy quán trà đá vỉa hè, nghe mùi hoa sữa đơm bông và tiếng huyên náo của xe cộ bên đường.
Trà đá là đầu câu chuyện, nơi những drama twist lên twist xuống được bật mí
Trà đá là đầu câu chuyện, nơi những drama twist lên twist xuống được bật mí
Đọc "Món ngon Hà Nội" của Vũ Bằng, tôi ước giá như tác giả thêm vào đó mùi vị của "trà đá" - một thức uống bình thường nhưng gói gọn tất thảy mọi nỗi nhớ về phố phường Hà Nội.
Đi sâu tìm hiểu cội nguồn của thức uống thân quen này, tôi khám phá được nhiều chi tiết thú vị.
Trước năm 1945, việc trồng và phát triển trà bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. Từ những trung tâm nghiên cứu đầu tiên ở Phú Thọ, Lâm Đồng, đến năm 1945, diện tích đất trồng trà được mở rộng, sản lượng trà liên tục tăng lên. Hiện nay, Việt Nam là một trong những địa chỉ sản xuất trà chất lượng trên thế giới.
Dần dà, trà trở thành một thức uống quen thuộc với người dân.
Trà đá vốn được sinh ra giữa lòng Sài Gòn, mang theo cảm giác mát lạnh sảng khoái những trưa nắng trời. Ấm trà nấu xong được đổ vào các thùng lớn, pha loãng với nước đá, còn chút màu vàng hổ phách và hương thơm nhè nhẹ của nhài. Những ngày nắng dài, dừng chân ở một quán cơm, gọi dĩa sườn bì chả kèm theo cốc trà đá, thấy lòng reo vui một cảm giác bình dị đơn sơ.
Ở miền Bắc, thói quen hãm một ấm trà nóng dường như đã hiện hình trong mỗi gian nhà từ lâu. Những năm tháng ấu thơ, mỗi lần ghé nhà ông bà nội, tôi lại thấy bà lụi cụi vò chè, pha nước, và ông tôi ngồi trên chiếc ghế tre bên hiên nhà, nhấm nháp ly trà xanh nóng hổi. Lá chè xanh hái trực tiếp ngoài vườn nhà, rửa sạch, vò sơ qua, rồi chế với nước nóng trong một ấm sứ, ủ trong giỏ rơm cho giữ nhiệt. Khói bốc lên cùng với mùi tươi mát thanh ngọt nơi cuống họng của ấm trà được hãm khéo tay trở thành thứ đồ uống ông bà tôi mê mẩn.
Bây giờ, bố tôi vẫn giữ thói quen pha và uống trà đặc mỗi sáng. Không sẵn trà tươi, bố tôi hay pha một ấm chè Thái Nguyên đặc chát, rít thuốc lào và tầm phào những chuyện vụn vặt với mấy bác hàng xóm. Ấm chè nóng gắn với nếp sống, bao chuyện buồn vui nơi thôn quê.
Từ trước những năm 1975, trà đá hầu như là một thức uống xa lạ với người miền Bắc. Lý do cốt lõi là do lúc bấy giờ, những đồ làm lạnh như tủ đông, tủ lạnh vẫn còn chưa được du nhập và phổ biến như ở Sài Gòn. Dần dà, sau những chuyến công tác của cán bộ miền Bắc vào Nam, thứ thức uống của người Sài Gòn mới bắt đầu xuất hiện tại thủ đô.
Thủa ấy, cuộc sống tem phiếu mỗi bữa hãy còn khó khăn, tủ lạnh không được dùng để bảo quản thực phẩm như ngày nay mà chủ yếu được các hộ kinh doanh nhập về làm đá. Đó là những chiếc tủ "hàng si" có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Cứ thế, trà đá bắt đầu được giới trẻ Hà thành ưa chuộng bởi nó rẻ tiền, dễ uống và xuất hiện ở mọi nơi.
Ngày ra Hà Nội, tôi ngạc nhiên với tần suất xuất hiện dày đặc của những hàng trà đá, chúng nằm đó, hiên ngang nơi những con phố nhộn nhịp đầy quán cà phê, trà sữa, hay nép mình nơi ngõ nhỏ, trong lòng sinh hoạt của người Hà Nội. Cũng chẳng có gì nhiều nhặn, quán "trà đá" đó là chiếc bàn gỗ con con bày biện ấm trà, khay kẹo lạc, hũ hướng dương, mấy bao thuốc lá, vài thanh kẹo cao su.
Giờ nghỉ trưa, tan ca, bất kể đông hay hè, chúng tôi thường kéo nhau sà xuống quán trà đá đầu ngõ, mỗi đứa gọi một ly nhân trần hoặc một ly trà lạnh, húp một hơi, rồi luyên thuyên và rôm rả đủ thứ chuyện. Trà đá không có gì quá đặc sắc, nhưng lại là thứ khiến người ta nhớ và thèm da diết mỗi độ quán nghỉ vì trời mưa, hay thành phố đóng cửa vì dịch bệnh.
Dù ngành F&B có phát triển, du nhập bao nhiêu thức uống mới lạ vào Việt Nam, nhưng cốc trà đá, vốn không cần làm marketing, không cần cửa hiệu khang trang, vẫn có một sức sống bền bỉ và mãnh liệt. Cốc trà đá là đầu câu chuyện. Ngồi quanh chiếc ghế nhựa nhỏ, dăm ba cái đầu san sát bên nhau, người ta thấy mình gần gũi và thân quen hơn. Người ta không cần cầu kỳ kiểu cách, không phải nhỏ tiếng, giữ kẽ như khi đi vào những nơi chốn sang trọng. Từ những ngày vui cho đến những ngày bí bách vì văn phòng chật chội, người ta có thể sà ngay vào một góc trà đá, nhấp một ngụm trà thanh mát, và thấy lòng mình nhẹ đi bao nhiêu. Quán trà đá cứ ở đó, cùng với năm tháng, lắng nghe và thu vào nó tất thảy cái buồn vui, trở thành nơi chốn để người ta đi về, tụ tập, hàn huyên.
Sau tất cả, chính cái nét bình dị đó lại là lý do làm cho trà đá sống và thở đều đặn trong nhịp phát triển mơn mởn của cuộc sống hiện đại.
Nếu đến Hà Nội mà chưa ghé qua một quán trà đá ven đường, bạn chắc hẳn đã bỏ quên một phần quan trọng của thủ đô rồi đấy
Sunwrite