Món ngon miền Nam thì có nhiều, và trong số nhiều đó, có một món sợi dài với nước lèo và cách phục vụ mà khi ăn không thể lẫn với bất cứ sợi nào, loại nước lèo nào, ở nơi khác, thời gian khác. Đó là hủ tiếu gõ. Trong quá khứ, món này đã từng len lỏi khắp đường lớn, ngõ nhỏ bất kể ngày sáng hay chiều tà, nhưng thường thấy nhất là vào buổi chiều và đêm, khi các bác công nhân kết thúc một ngày làm việc, khi các chú thợ hồ xong một ngày công, khi các gia đình nghỉ ngơi và thỉnh thoảng muốn thay đổi không khí cho bữa ăn chiều hay muốn thỏa mãn cái dạ dày với thêm một bữa đêm. 
Cách bán hủ tiếu gõ thật đặc trưng. Người bán sẽ đi thu lấy tô đặt trước cửa hay dưới bàn, sạp bán hàng của các khách đã ăn hủ tiếu vào hôm qua, nếu có chạm mặt gặp lại thì hỏi ăn tiếp hay không để vòng lại bưng tô mới. Trong suốt quãng đường này hễ cứ rảnh tay là họ lại gõ hai thanh gỗ ngắn cầm trên tay với nhau, tạo thành một tiết tấu “cốc-cốc lốc cốc-cốc cốc lốc” vui tai vang vọng khắp hai ba con đường gần đó. Nghe nói mỗi xe hủ tiếu sẽ có từng tiếng gõ, nhịp điệu gõ đặc trưng. Có đôi khi người bán cứ đi lững thững cả con đường mà gõ, hễ tiếng gõ dừng lại là biết có ai đó kêu “hủ tiếu!” rồi ngoắc vào gọi mấy tô rồi. Người bán cứ nhớ bao nhiêu tô đó rồi tiếp tục gõ và đi đến cuối đường, xong mới quay lại bắt tay vào làm. Một hình thức Delivery Now thô sơ nhưng hiệu quả và tiết kiệm.
Xe hủ tiếu thường nằm trên một vỉa hè trống, và mọi thứ sẽ nằm trong chiếc xe đấy, từ thùng nước lèo, nước trụng, tô, đũa, muỗng và những gia vị làm ra tô hủ tiếu, hoặc treo lỉnh khỉnh kèm đâu đó như bàn ghế, thau, xô, nước. Xe này thực tế còn bán những món khác như hoành thánh và mì sợi.
Hủ tiếu gõ là món bình dân, nên hủ tiếu dùng để nấu cũng không có gì cao sang. Chỉ là hủ tiếu trắng, sợi mịn, nhỏ như sợi mì, trụng qua nước sôi. Theo lời nhiều người, bí quyết để nấu hủ tiếu gõ là nước lèo. Độ ngọt của nước lèo được tạo ra chủ yếu từ xương ống nấu kỹ, xương gà, mực khô, củ cải trắng nấu sôi cho ra hết nước cốt. Vị ngọt của nước lèo là từ các nguyên liệu này, hoàn toàn không cần đến đường, bột ngọt. Và như mọi món canh xương thịt miền Nam, để nồi nước lèo trong, người nấu phải canh hớt bọt liên tục. Nấu càng lâu thì nước lèo càng ngon, ngọt. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, người chủ quán cho hủ tiếu trụng kỹ vào tô. Tiếp tục cho thịt thăn thái siêu mỏng, tép mỡ, hành lá, hẹ, tiêu, giá, hành khô, tùy mỗi xe hủ tiếu. Sau đó múc nước lèo, kèm theo một hai khoanh củ cải trắng chan vào hủ tiếu. Sau đó tùy vào khẩu vị từng người khách quen mà kèm thêm miếng chanh hay xịt thêm chút nước mắm.
Mỗi tô hủ tiếu gõ khi xưa không nhiều, mỗi thứ một ít, có đôi khi thiếu một vài miếng thịt hay cọng giá. Nhưng điều đó không làm giảm bớt cái hay, cái riêng của món ngon này. Hủ tiếu quán ngày nay nhiều hơn, lắm nguyên liệu hơn, vệ sinh hơn và có vẻ ngon hơn thật, nhưng vẫn thiếu vị gì đó của những ngày cũ. Chẳng ngon lành theo cái kiểu của hủ tiếu, mì, hoành thánh gõ cốc lốc cốc, làm vào chiều đêm, nóng hổi, nghi ngút, và bưng đến tận tay bởi những người bán lành nghề để thỏa mãn cái bụng đói hay cơn thèm ăn chút gì lót dạ cho ấm bụng, dễ ngủ hay để lũ nhỏ trong nhà còn có sức mà chơi đùa với nhau tiếp tục đến khuya.