Khi mình tìm hiểu về lập kế hoạch trong cờ vua, trong cuốn "Foundations of chess strategy" của Lars Bo Hansen có đề cập đến cách tiếp cận để tạo nên kế hoạch trong cờ vua khá thú vị.
Trước hết, thế nào là một kế hoạch tốt? Một kế hoạch tốt được đánh giá dựa trên các yếu tố: 
1. Khả năng thực hiện.
2. Các mục tiêu trong kế hoạch không bị trùng lặp.
3. Kết quả của kế hoạch phải tạo ra lợi thế cạnh tranh.
4. Khả năng của người chơi tận dụng lợi thế và cơ hội có được.
Cách tạo kế hoạch đầu tiên là từ ngoài vào trong (Outside-in). Nghĩa là bạn cân nhắc thế cờ trước rồi quyết định nước đi nào phù hợp nhất cho thế cờ này, khả năng của người chơi chỉ là yếu tố phụ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn được đưa bất kì thế cờ nào mà bạn cầm bên đang có lợi thế, điều hiển nhiên được suy ra là kiểu gì bạn cũng thắng!!!.
Cách tiếp cận này hiện khá phổ biến trong cờ vua. 
"Mình chọn khai cuộc này vì kiện tướng tôi hâm mộ chơi khai cuộc này".
"Mình chọn khai cuộc kia vì máy tính đánh giá bên mình chọn có lợi thế hơn".
Thế nhưng, nếu khai cuộc bạn chọn đưa đến thế cờ bạn có lợi thế nhưng bạn không có khả năng tận dụng thì sao?
Hay đối thủ của bạn cũng đọc quyển sách giống bạn, phân tích trên máy tính giống bạn và có cách đánh giá thế cờ giống bạn vì đọc cùng loại sách và dùng cùng loại phần mềm phân tích thì bạn thắng như thế nào?. Có lẽ, bạn chẳng cần chơi nữa vì khi đó là lúc giống như 2 máy tính chơi với nhau và luôn đưa ra nước đi tối ưu nhất nên kết quả chắc chắn hòa.
Ngược lại, ta có cách tiếp cận tạo kế hoạch từ trong ra ngoài (Inside-out), nghĩa là bạn cân nhắc và lựa chọn những thế cờ phù hợp với thế mạnh mà bạn có thể tận dụng tối đa lợi thế để dành chiến thắng, từ đó, bạn chọn khai cuộc phù hợp để đưa đối phương vào một trong những thế cờ đó để có cơ hội cao nhất dành chiến thắng.
Cách tiếp cận Inside-out này được dựa trên 2 yếu tố
- Tài nguyên tích lũy: Kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, điều kiện luyện tập,....
- Tài nguyên nội tại: Tính cách, thói quen, động lực, sở thích, cảm nhận, tài năng.
Ý tưởng là bạn xây dựng khả năng cạnh tranh của bản thân dựa trên tài nguyên nội tại và mài sắc chúng dựa trên tài nguyên tích lũy.
Ví dụ: Bạn đưa một thế cờ cho mình và Lê Quang Liêm chơi, không nghi ngờ gì cả, Lê Quang Liêm sẽ thắng ở bất kì thế nào nào với kiến thức và kinh nghiệm thi đấu vượt trội. Nhưng mình có thể cố gắng học các ván đấu của Lê Quang Liêm để tìm hiểu, học hỏi điểm mạnh, điểm yếu của anh, thi đấu nhiều để có thêm kinh nghiệm nhằm để cố gắng kiếm ít nhất một trận hòa. Nhưng, tài năng cờ vua, phong cách của Lê Quang Liêm là thứ mình không thể học hỏi, cũng không thể bắt chước và khai thác được. Dù bạn có học hỏi thế nào, bạn cũng không thể chơi cờ y hệt Lê Quang Liêm.
Mình sẽ lấy ví dụ ngoài cờ vua để các bạn dễ hiểu. Ví dụ như bạn muốn trở thành nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn, bạn có thể đăng ký học các khóa học online để học hỏi cách viết, bố cục, cách xây dựng nhân vật,... Bạn có thể viết rồi up lên mạng để được nhận feedback để viết tốt hơn, và trong trường hợp ngẫu nhiên nào đó, bạn cũng trải nghiệm tương tự như Nguyễn Nhật Ánh về tuổi học trò như trong Kính vạn hoa, hay mối tình buồn như trong Mắt biếc chăng hạn. Nhưng bạn không bao giờ có thể trở thành Nguyễn Nhật Ánh thứ hai vì tính cách, sở thích, cảm nhận của bạn khác Nguyễn Nhật Ánh chưa kể tài năng của bạn không biết có bằng hoặc hơn Nguyễn Nhật Ánh hay không???. Tương tự với ví dụ về Lê Quang Liêm, dù bạn có chăm chỉ luyện tập, học hỏi thế nào, bạn cũng không thể viết như Nguyễn Nhật Ánh.
Thế nên điều quan trọng ở cách tiếp cận này là nhìn nhận, đánh giá đúng các khả năng của bản thân để tạo ra năng lực cạnh tranh phù hợp dựa trên tài nguyên nội tại mà bạn có. 
Nếu như bạn dùng 2 cách tiếp cận này áp vào thực tế so sánh và suy nghĩ, bạn sẽ thấy đa phần mọi người theo cách tiếp cận Outside-In dựa trên các yếu tố ngoại cảnh để quyết định sẽ làm gì thay vì nhìn vào khả năng nội lực.
Chúng ta thấy mấy năm trước, học sinh giỏi đu nhau theo xu hướng học ngành kinh tế và ngân hàng, và bây giờ xu hướng là công an, quân đội và ngành liên quan đến công nghệ.
Chúng ta thấy các công ty các start-up, các công ty làm mô hình marketing 4P,  hay 4Ps rất hoành tráng, chạy quảng cáo rất oanh liệt,... Mình không biết các start-up, công ty phân tích thị trường, phát triển sản phẩm và marketing kiểu gì, nhưng kết quả là chúng ta có những sản phẩm hao hao nhau và các quảng cáo hao hao nhau. 
Thiết thực hơn nữa, chúng ta thấy mọi người kháo nhau sách này hay lắm, sách nọ best seller, sách kia đạt giải danh tiếng nên ai ai cũng mua về đọc, chứ ít ai quan tâm đến tài nguyên nội tại của bản thân có phù hợp với cuốn sách hay thể loại sách đó hay không.
Hoặc ngay trên Spiderum, chúng ta cũng gặp rất nhiều người viết theo cách Outside-in tức là thấy chủ đề gì hot, mục nào nhiều upvote, nhiều comment thì sẽ viết bài theo chủ đề và mục đó. Ví dụ là nhiều người sản xuất bài "viết cho em" tương tự như anh Nhất Bảo, hay viết về những chủ đề hot, trend đưa lên phần quan điểm, tranh luận.
Bên cạnh đó, số ít người tiếp cận theo cách Inside-out, phát triển theo tính cách, sở thích,... của bản thân có thể có khả năng thất bại cao hơn, nhưng nếu đủ kiên trì và đủ độ lỳ thì họ sẽ tạo nên điều gì đó hay ho và không lẫn vào ai được.
Mình không lấy ví dụ đâu xa, chỉ ngay trên Spiderum thôi, bạn sẽ thấy sẽ khác biệt rõ ràng giữa người tiếp cận viết bài theo Inside-out so với những người viết bài theo Outside-in. Họ chất riêng không lẫn với ai và tự tạo cho mình một thương hiệu riêng! Muốn biết họ là ai?
Để thực hiện được theo cách tiếp cận Inside-out, bạn cần 2 yếu tố:
1. Khả năng đánh giá đúng năng lực nội tại của bản thân: Sở thích, tính cách, cảm nhận, động lực,... 
2. Sự dũng cảm để đi theo con đường riêng, tạo ra các khả năng cạnh tranh riêng dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về tài nguyên nội tại.