"Không thể thuyết phục sâu bọ một năm có bốn mùa, khi chúng chỉ sống được ba mùa" - Khổng Tử

So với độ dài của thời gian, độ rộng của không gian, tôi cũng chẳng qua chỉ là con thiêu thân bay khắp nơi tìm kiếm ánh sáng. Nơi tôi chưa đến rất nhiều. Điều tôi chưa thấy còn nhiều hơn nữa. Kiến thức mà tôi chưa tường, chưa hiểu, chưa biết như đại dương cuộn sóng làm con ốc nhỏ phải e ngại thu mình.
Nhưng rồi, tôi nhận ra, đại dương không chỉ có một con ốc. Những con ốc chết đi, không phải bị sóng biển hòa tan. Kho tàng cả đời của loài ốc, qua hàng triệu năm, hàng triệu thế hệ, kiến tạo nên kỳ quan Karst khắp nơi trên thế giới.

Tôi là một con ốc, bình thường như bao con ốc khác đang đắm mình trong nước biển. Tôi không có lớp vỏ to dày, cũng chẳng có những hoa văn nào đặc biệt,... Tôi là con ốc bình thường, chờ đợi một ngày con sóng đem xác vỏ lên bãi cát.
Quay trở lại với thực tế. Không thể nào tôi lại là một con ốc, ít nhất là ở việc thở dưới nước. Tôi chỉ là một người hay tưởng tượng, và thích đem một phần con người của mình nhào nặn trong hình ảnh tưởng tượng đó. Cuộc sống có những giới hạn của nó, vì thế tôi sẽ chẳng bao giờ biết những con ốc nghĩ gì. Nhưng lũ ốc cũng sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy bờ biển như tôi.

Tôi đã quên tên bờ biển này. Lý do, có lẽ thật đơn giản: tôi chưa bao giờ có chút kí ức nào về nó. Đây là một bức ảnh tôi nhận được về một người bạn - người nuôi cái thú "xê dịch" chẳng ngại ngần một mình đi tìm những hương vị mặn mòi nhưng hấp dẫn ở một chân trời xa xôi.

Tôi không sinh ra với động lực đủ lớn để đi tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên, của những miền xứ sở trên dáng hình tổ quốc. Nhưng, tôi biết yêu những cảnh sắc tươi đẹp đó.
Bạn của tôi không phải nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. "Dụng cụ tác nghiệp" của cậu ấy cũng chẳng hề đắt đỏ hay hiện đại. Kĩ thuật chụp, tôi chẳng có chuyên môn gì để đánh giá về điều này, nhưng bạn của tôi vẫn luôn mong chờ chụp được một bầu trời đầy sao.

Tuy nhiên, với tôi, với những đứa trẻ vùng xa xôi phía Bắc bạn tôi từng ghé ngang, những bức ảnh này chẳng khác gì một viên ngọc trai giữa chốn rừng già.  Chúng giống như cánh hoa đào, nhưng mà là những cánh hoa đào trên những đỉnh núi cao, giấu trong màn sương trắng ngàn năm những câu chuyện thần thoại, lạc theo dòng nước xuống khu làng xa.
Một bức ảnh, một bức tranh, một lời kể, một cái tên,... tất cả chỉ như mảnh hoa đào gợi nhắc liên tưởng về một vườn đào hồng đang trổ bông thơm sắc. 


"Chị ơi, bông hoa này là hoa gì mà đẹp thế?"
"Đây là hoa cẩm tú cầu đó em!"
"Hoa cẩm tú cầu...  Hoa cẩm tú cầu... Nao lớn lên em nhất định sẽ phải trồng một vườn hoa cẩm tú cầu mới được"

Đó là cảm xúc của tôi khi lần đầu tiên biết đến loài hoa cẩm tú cầu. Dù cho tôi không lớn lên với giấc mơ cũ nữa, nhưng những ấn tượng từ ngày thơ bé vẫn còn in đậm trong tư duy của tôi.
Vậy, tôi tự hỏi, với những đứa trẻ thiếu thốn ở những nơi xa xôi, chúng sẽ cảm thấy như thế nào khi thấy bông hoa này lần đầu tiên? Tôi không biết câu trả lời nữa.
Có rất nhiều điều, tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Có rất nhiều nơi, tôi chẳng biết chúng tồn tại trên trái đất. Có rất nhiều loài hoa, thậm chí tôi chẳng bao giờ được biết tên... Đó phải chăng sẽ là một điều vô cùng tiếc nuối nếu chỉ có một lần sống trên đời?
Sự hữu hạn luôn đi kèm sự nuối tiếc. Nhưng, nếu không có nuối tiếc, chúng ta sẽ biết quý trọng điều gì?
Chúng ta có thể nằm đó, tự nhủ: "Để ngày mai rồi làm!" Chúng ta có thể ngồi xuống, tự nhủ: "Ngồi nghỉ tý rồi đi". Chúng ta nhìn thấy những bức ảnh lạ, và vì đã tường qua vô số mảnh đất chúng ta lại tự nhủ: "Ở ngoài đời đẹp hơn trong ảnh nhiều!"
Có lẽ tưởng tượng vu vơ của tôi cũng chẳng thế đúng được. So với hàng nghìn năm lịch sử, tôi cũng chỉ là loài sâu bọ ba mùa mà Khổng Tử nhắc tới. Mọi người trên trái đất này vẫn ngày ngày, giờ giờ tìm kiếm những điều mới, đặt vô số bước chân thành những lối mòn dẫn vào khu rừng xa xôi nhất, dù nhân loại đã bắt đầu những bước chân khám phá đầu tiên từ rất lâu rồi..

Mỗi bước chân tôi đặt xuống, tôi nghĩ, chẳng khác gì một dấu chân trên cát.


Mà, ít nhất tôi đã được đi trên bãi cát thật. Từ ngày lên Hà Nội, tôi mới biết có khá nhiều người hơn hai mươi tuổi chưa một lần nhìn thấy biển. 
Thống kê chỉ ra rằng hơn 90% dân số thế giới sống cách bờ biển không quá 70 km. Với một đất nước hẹp ngang và đường bờ biển dài như Việt Nam, đi biển thực sự không phải một việc làm có thể gọi là xa xỉ.
Nhưng tôi không thích đi tìm lý do của việc này. Tôi sẽ hỏi ngược lại bản thân mình. Khoảng cách từ tôi đến vùng rừng núi cũng chẳng dài, vậy tại sao tôi rất hiếm khi đặt chân đến nơi cao hơn mặt biển quá một cây số?
Thứ tôi có chưa chắc người khác đã có. Thứ người khác có chưa chắc tôi đã có...."

Cuối cùng thì, cũng chẳng ai có tất cả. Khi so với người khác, chúng ta luôn có điều hơn và điều kém. Khi gặp một người mới, chúng ta đều có một câu chuyện để kể. Khi lúc ngồi lại với bạn bè, chúng ta đều có một bức ảnh để khoe.
Những câu chuyện bâng quơ đó không phải chỉ đơn giản là gia vị của những cuộc trò chuyện.  

"Tao thấy tuyết rồi đó bọn mày. Không đẹp như trong phim đâu. Vừa bẩn vừa rét."
"Thế vẫn nhất mày rồi! Trong cả lớp mỗi mày được đi nước ngoài mà thấy tuyết. Bọn tao cứ ở Việt Nam mãi thế này có mà chỉ thấy tuyết trong tủ lạnh thôi."
Có những nơi tôi chẳng bao giờ thấy được, có những điều với tôi mãi chỉ là lời kể. Nhưng nếu tổng lại tất cả, mỗi lần nhấc máy lên, ghép lại những bức ảnh thành một album lớn, tôi và các bạn của mình có gì?
"Ê sao mày hay viết mấy cái vớ vẩn vào nhật ký thế?"
"Cái gì là vớ vẩn hả mày"
"Cái này này. Hôm nay một ngày đẹp trời nên tôi quyết định ăn cơm với trứng luộc... Cả tháng trời bữa nào mày chả ăn trứng, viết một lần thôi. Mày viết mỗi chuyện đó mà sao viết lắm thế?"
"Mày nhầm to rồi. Để 50-100 năm nữa xem, người ta lại thấy thích thú khi làm sao con người thời nay lại thích ăn trứng đến thế cho mà xem. Mày biết không, quán cơm quê cơm hương gì đó cũng chỉ bán mấy món từ đời ông nội, ông cố mình thôi mà đầy đại gia bỏ tiền vào ăn đó."

Tôi không cần phải chờ mấy chục năm nữa để làm mấy đứa cháu nhỏ của mình bất ngờ khi chuyện "ngày xưa". Ngay tại thời điểm này, những bức ảnh của bạn tôi đã đủ làm tôi thấy bất ngờ.


Những trải nghiệm của chúng ta, có thể dễ dàng khiến một người xa lạ bất ngờ. Những điều đơn giản như bạn tôi làm, chép lại những công việc quá bình thường mỗi ngày, biết đâu lại thành một tư liệu quý giá cho tương lai. Nếu bây giờ tôi đặt một hạt giống nhỏ trong vườn, biết đâu sau này sẽ có người cảm ơn bóng mát cây xanh....
Những câu chuyện của chúng ta có thể trở nên thật đặc biệt khi chúng ta chia sẻ nó. Và chúng ta - những con ốc nhỏ bé bên bờ biển, khi ghép lại những mảnh ghép nhỏ bé của mình, có lẽ, chúng ta sẽ có một bãi cát đẹp chăng?
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian để đọc bài viết của mình. Chúc các bạn một ngày tốt lành.