Hôm nay Wefit tuyên bố phá sản, xin lỗi nhà đầu tư và khách hàng đã tin tưởng vào họ và sản phẩm của họ. Với Việt Nam Wefit từng là một Start Up đầy triển vọng với nguồn vốn rủng rỉnh, số lượng phòng tập đối tác liên kết lớn (lên tới khoảng 1000 phòng tập khắp Nam ra Bắc).
Luyện chưởng nào
Có nhiều ý kiến cho rằng việc Wefit phá sản lý do chính là vì ảnh hưởng của dịch Covid 19 lên hoạt động kinh doanh (Cầu thể dục công cộng giảm đột ngột). Mình không phải chuyên gia kinh tế nên không dám lạm bàn về mô hình kinh doanh - lý do thành bại của StartUp này. Cái mà mình muốn nói đến ở đây là liệu các phát biểu như đinh đóng cột của CEO Wefit về khởi nghiệp, lợi nhuận, lời khuyên cho giới trẻ từ trước đến nay có hữu ích như những gì anh nói? Hay đó chỉ đơn thuần là một phương cách Marketing như bao phương cách Marketing tập trung vào xây dựng hình ảnh cá nhân của bao người lãnh đạo công ty khác.

Năm 2017, người đại diện Nguyễn Khôi - CEO WeFit giành giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 do Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen

Năm 2018, CEO Nguyễn Khôi vinh dự trở thành 1 trong 30 người trẻ dưới 30 tuổi tiêu biểu của Forbes Vietnam  

Nhìn những thành tích đáng nể này, chắc hẳn các bạn trẻ ai cũng ngưỡng mộ và coi anh Khôi Nguyễn như một tấm gương sáng để noi theo. Để rồi nuốt trọn từng lời vàng ngọc của anh ấy phổ độ cho giới trẻ. Và những câu kiểu như vậy thì chắc chắn bạn sẽ thấy bóng dáng đâu đó trong các cuốn sách Self Help xưa nay.
Nhưng tiền đâu thì anh lại không nói đến
Những câu phát biểu của anh ấy liệu có đúng hay không? Và tại sao không phải cứ có tiền thì nói gì cũng đúng?

1, Hiệu ứng hào quang 

Trước đó, Shark Thái Vân Linh từng gây sóng gió trên Spiderum với một phát biểu “Khuyên người trẻ làm việc không nên về trước 7 giờ tối”
Các bạn cứ đọc bài viết rồi đọc bình luận sẽ thấy khá nhiều bạn trẻ ủng hộ kiểu làm việc quên sức khỏe, quên đời, quên mọi thứ; một trong những lý do mà các bạn ấy đưa ra chính là sự thành công/ giàu có của Shark Linh cho nên chị nói gì cũng đúng.
Đó chính là một ví dụ tiêu biểu cho hiệu ứng hào quang. Hiệu ứng này phát biểu rằng khi người ta giỏi một điều không có nghĩa là người ta giỏi mọi điều. Chúng ta bị hào quang của họ vây quanh tạo lên những nhìn nhận sai lầm, những định kiến sai về khả năng thực sự của người ấy.
Một case gần đây nhất gắn với hiệu ứng này chính là vụ phóng viên hỏi HLV bóng đá về tình hình dịch bệnh Covid 19 chỉ vì ông nổi tiếng.

Một phóng viên đã hỏi HLV Juergen Klopp có lo lắng về dịch Covid-19 hay không?


Ông đáp: “Điều tôi không thích ở cuộc sống này, là mấy người coi trọng ý kiến của một HLV bóng đá về một vấn đề rất nghiêm trọng của y tế. Tôi không hiểu điều đó, thực sự. Việc người nổi tiếng nói ra ý kiến chẳng quan trọng gì cả. Chúng ta phải nói những vấn đề thuộc phạm trù mình biết, chứ không phải lấy một người không biết gì như tôi ra phỏng vấn. Tôi chỉ là một gã đội mũ bóng chày và râu ria lởm chởm. Tôi cũng lo như bao người thôi. Tôi sống trên hành tinh này và mong muốn nó được an toàn và khoẻ mạnh, tôi chúc mọi người những điều tốt đẹp nhất. Nhưng ý kiến của tôi là vô giá trị”.
Chị Linh làm sếp giỏi, chắc gì chị làm nhân viên đã giỏi? Nếu chị làm nhân viên giỏi thì cũng không có cách nào để biết được vì chị về Việt Nam là làm sếp luôn. Lời khuyên làm đến 7 giờ tối có lẽ là có lợi nhất cho những người sếp như chị chứ hoàn toàn không có lợi cho những nhân viên (về sức khỏe, gia đình,…)
Vậy nên đừng dễ bị dính hiệu ứng hào quang: Giỏi một lĩnh vực không có nghĩa là lĩnh vực nào họ cũng giỏi. Không phải lời khuyên nào của họ cũng có giá trị. Mà tóm lại đừng tin ai quá nhiều, cái gì cũng phải chiêm nghiệm, kiểm tra, kiểm chứng.

2, Người giàu giấu nhẹm cách làm giàu “mờ ám”

Cộng đồng Khởi Nghiệp Việt Nam chắc chắn ai cũng biết đến chương trình Shark Tank Việt Nam. Nhưng có những điều đã được giấu sau khi phát sóng chương trình. Đó là những pha hụt làm Shark của Khải SilkPhạm Văn Tam Asanzo. Hai vị này thì google là sẽ thấy ngay cách làm giàu của họ hoàn toàn ngược lại với những điều họ từng nói trên truyền thông. (Mà nói thẳng ra là nhập hàng Trung dán mác Việt)
Phát biểu nổi tiếng của bác Khải Silk
Lấy dân làm gốc.
Hay như một vị cá mập nào đó với khoảng đầu tư đáng đặt dấu hỏi ( Bỏ ra 20% vốn, ngân hàng cho vay đến 80%) với bất kỳ ai biết suy nghĩ về đầu tư thì đó chính là không làm mà vẫn có ăn, không chịu rủi ro lớn nhưng vẫn có “nước sạch” mà bán. Thêm nữa là ngay sau khoản đầu tư đó thì nước của công ty đối thủ trùng hợp thay lại có xe dầu thải bị đổ làm cả Hà Nội có một phen xôn xao khiếp sợ, kinh hãi. Quả là ngẫu nhiên mà!
Cách làm giàu của người giàu không phải lúc nào cũng quang minh chính đại. Có cả rổ những kiểu làm giàu mờ ám được biết đến như: Thừa kế, Lấy vợ giàu, Tham nhũng, Buôn lậu, Rửa tiền, Buôn ma túy, Đầu cơ, Mở sòng bạc, Hoạt động Mại dâm, Bảo kê,… và giàu bằng những cách này thì có mà điên họ mới dám khoe ra.
Trong tác phẩm Những bố già Châu Á” của Joe Studwell, ông chỉ ra rằng những người Giàu có ở Châu Á mà cụ thể ở đây là ở Hồng Kong và Đông Nam Á có những cách làm giàu rất “mờ ám”.
Bí ẩn, khôn ngoan, thậm chí tàn nhẫn, những ông trùm được đề cập trong cuốn sách đại diện cho 8 trên tổng số 25 người giàu nhất hành tinh những năm 1990.
Các đại gia tại Châu Á thường thần thoại hóa nguồn gốc xuất thân khiêm tốn và cuộc đấu tranh để thoát khỏi nanh vuốt của đói nghèo của mình.
Một ví dụ cổ điển là doanh nhân giàu nhất Thái Lan, và là Thủ tướng trong thời gian gần đây, ông Thaksin Shinawatra. Ông tuyên bố trong một bài phát biểu tại Manila năm 2003: “Do xuất thân từ một gia đình khiêm tốn... Tôi đã hiểu được những khó khăn của sự đói nghèo ở các vùng nông thôn. Tôi biết được tầm quan trọng của việc đạt được phần thưởng bằng cách làm việc chăm chỉ."
Trong thực tế, gia đình Thaksin là một triều đại đã tồn tại lâu đời đến từ Chiềng Mai, đã được trao các nông trại có đóng thuế trước năm 1932, và chuyển sang kinh doanh tơ lụa cũng như tài chính, xây dựng, và sau đó là bất động sản.
Thaksin tự mình đã học qua các trường học địa phương tốt nhất, sau đó là học viện quân sự, rồi kết hôn với con gái một vị tướng. Sự thăng tiến của ông qua các cấp bậc trong lực lượng cảnh sát Thái và sự tiếp cận đến nhượng bộ kinh doanh của nhà nước đã được rất nhiều người trong cuộc kể lại.
Tại Hồng Kông, đại gia giàu nhất châu Á Lý Gia Thành, rất say sưa với danh tiếng mình là con trai của một giáo viên đến Hồng Kông năm 1940 chẳng một xu dính túi.
Trang web chính thức của ông tại Cheung Kong Holdings tuyên bố: “Đặt lên vai trách nhiệm chăm lo sinh kế của cả gia đình, ông Lý buộc phải nghỉ học khi 15 tuổi và tìm được công việc trong một công ty kinh doanh nhựa, nơi ông phải lao động 16 giờ một ngày. Đến năm 1950, vì tinh thần làm việc hết mình, sự thận trọng và quyết tâm theo đuổi thành công ông xây dựng nên công ty riêng của mình, đó là công ty Cheung Kong Industries.”
Trong thực tế, Lý đã được đi học một vài năm và sau đó bắt đầu làm việc cho một người chú giàu có (gia đình đã từng sở hữu công ty Chung Nam Watch Co. ở Hồng Kông, là một nhà sản xuất lớn và quan tâm đến bán lẻ với 6.000 nhân viên).
Sau đó ông trở thành một trong những đại gia hàng đầu nhờ kết hôn với con gái ông chủ. Người vợ đã quá cố của Lý, Amy Chong Yuet-ming, là em họ ông - con gái của người chú giàu có. Doanh nghiệp mà Lý làm việc trong thực tế thuộc về bố vợ ông; và những gì Lý làm được là tổ chức các hoạt động. Theo một bạn tình trong thời gian dài của Lý, mẹ vợ của ông cũng giúp thêm cho ông về mặt tài chính.
Kết hôn với con gái của ông chủ là điều khá phổ biến trong quá trình phát triển của các bố già.

3, Người giàu không chịu trách nhiệm về lời khuyên của họ

Tôi luôn đặt ra câu hỏi rằng những người thành công liệu có bao giờ phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn của họ trước cơ quan ngôn luận, cơ quan truyền thông hay không? Câu trả lời là không.
Những phát ngôn của họ hướng đến những đối tượng đọc giả nhẹ dạ, tin người, không có khả năng kiểm chứng sự thật trong những phát ngôn đó. Làm thế nào một sinh viên mới ra trường tay trắng có đủ vốn để Khởi Nghiệp để mà táo bạo, sốc nổi lao vào thương trường như một người thành công khuyên? Nếu điều đó không thành công thì ai sẽ chịu trách nhiệm.  
Cứ sai lầm đi, rồi cạp đất ăn

4, Người giàu có xuất phát điểm khác chúng ta

Bằng cách nào một sinh viên được đào tạo ở nền giáo dục Việt Nam từ nhỏ đến lớn lại có thể thực hiện theo một lời khuyên của một người được đào tạo bài bản ở những nền giáo dục tiên tiến hơn, có điều kiện, nền tảng gia đình vững trãi hơn? Không phải ai cũng đủ tiền để du học bên Mỹ, Châu Âu hay Úc, Hàn Nhật Trung. Không phải ai trong chúng ta cũng có một cục tiền lớn trao tay, một khối lượng quan hệ rộng rãi từ cha mẹ để lại. Nơi chúng ta đứng hiện tại về cơ bản là khác nhau. Góc nhìn cũng vì thế mà khác nhau.
Xin đừng nghe lời khuyên của những kẻ khi sinh ra ở vạch đích nếu bạn không sinh ra ở đó.
Bill xuất phát sau vạch đích
Ít người biết rằng Bill Gates xuất thân trong một gia đình vô cùng danh giá ở Seattle. Cụ cố nội ông là người sáng lập Ngân hàng Quốc gia thành phố Seattle, từng là bạn thân của chính khách huyền thoại William Jenning Bryan và John Pershing – Vị tướng lừng danh của quân đội Mỹ thời Thế chiến thứ nhất. Mẹ ông - Bà Mary Gates được báo chí địa phương gọi là "nhân vật vai vế". Bà là Chủ tịch Ủy ban điều hành United Way toàn quốc, quản trị viên một trường đại học, giám đốc Ngân hàng West Coast. Bố Gates, ông William H. Gates được gọi là "nhân vật trụ cột của công chúng" với vai trò chủ tịch một hãng luật nổi tiếng.
Năm Bill Gates 13 tuổi, cái thời mà máy tính còn chưa phổ cập rộng rãi thì nhờ mối quan hệ của mẹ, ông đã có riêng một bộ máy để nghiên cứu, học tập.
Sở dĩ có sự hợp tác đầu tiên của Microsoft với IBM là bởi mẹ của Bill Gates – chủ tịch Ủy ban điều hành United Way toàn quốc đã trực tiếp giới thiệu con trai với giám đốc IBM.
Hay như nhà đầu tư tay to nhất thế giới Warren Buffet cũng xuất phát ở vạch đích.
Warren cũng ở vạch đích khi sinh ra
Ngay từ nhỏ, Warren Buffet đã tập tành đầu tư kinh doanh, khi mới 11 tuổi, Buffet đã bắt đầu đầu tư chứng khoán.
Tại sao một đứa trẻ 11 tuổi lại có thể mua cổ phiếu ở sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ? Đó là bởi bố của Warren, ông Howard Buffet là một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.
Còn với lời khuyên của ông thì ai cũng biết: “Hay tham lam khi người khác sợ hãi”, nhưng bạn tôi ơi ông ấy tay to nhất thế giới cơ mà. Bạn tay có to đâu mà cố làm theo người ta cơ chứ.
Sau này khi đọc một lời khuyên thành công nào đó, cứ bảo họ mạng giấy khai sinh ra đây rồi chúng ta thảo luận trước. Còn không thì họ phải chứng minh cái điều mình phát biểu. Chứ chuyện họ chịu trách nhiệm về một “lời khuyên” vô thưởng vô phạt là hoàn toàn không thể rồi (mục 3).

5, Không có gì là mãi mãi

Những người khăng khăng người giàu nói gì cũng đúng chắc hẳn sẽ phải nghĩ lại khi người đó… không còn giàu có/ thành công nữa.
Nhìn lại dòng thời gian của các cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới, chúng ta nhìn lại được nhiều cái tên lớn đã ngã xuống. Những cái tên đứng đầu trong một ngành. Những cái tên bảo chứng cho sự giàu có của thời đại. Gần đây nhất là ngân hàng 160 năm tuổi Lehman Brothers vỡ nợ với cuộc khủng hoảng kinh tế 2008- cuộc khủng hoảng mà 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo.
Nokia đứng đầu thị phần điện thoại rồi cũng phải bán mình vì thay đổi không kịp.
Các khởi nghiệp Kỳ Lân ở Mỹ thay nhau ngã ngựa tiêu biểu như We Work ( Giá trị 47 tỷ đô mà sụt giảm 70% trong 33 ngày).
Cũng là We nhưng là Wework chứ không phải Wefit. Tất nhiên cũng sập...
Và dù là Wework hay Wefit đi chăng nữa thì cũng đều từng gọi được nguồn vốn rất lớn, nhưng kết quả sau cũng vẫn là trái đắng, không giống như những gì những CEO hứa hẹn, không phải là bức tranh tươi đẹp như họ từng vẽ ra cho nhà đầu tư và khách hàng của mình. Cuộc khủng hoảng kinh tế 2020 mới chỉ sắp bắt đầu, phía trước còn rất nhiều cái tên sắp ngã ngựa chúng ta không thể ngờ đến được,  Wefit mới chỉ là một trong số đó, hãy cũng chờ xem.
Còn bạn thì sao, mình mong chờ những ý kiến phản biện về quan điểm của mình.