Con người không thể quan sát được bản chất thật của vũ trụ nếu không thông qua những màng lọc thông tin. Não bộ và các giác quan chỉ có thể xử lý một phần nhỏ của thế giới xung quanh. Vì vậy, chúng ta cần có những khái niệm và công cụ nhất định để tìm hiểu sự thật về thực tại. Những bước tiến về khoa học không chỉ giúp chúng ta mở rộng hiểu biết về vũ trụ bên ngoài, mà còn đưa chúng ta đến với hàng loạt những khả năng bất định.
Trong tương lai, rất có thể con người sẽ đạt được mức độ tiên tiến, giúp họ giả lập nguyên một cái vũ trụ, hay thậm chí, nhiều cái cùng một lúc. Nhưng nếu ta có thể làm vậy, lỡ có ai đó làm rồi thì sao? Có khi nào, chúng ta không phải tạo hóa, mà là tạo vật trong một vũ trụ giả lập? Chúng ta thậm chí không thật sự tồn tại, và không biết điều đó?
Với những hiểu biết hiện tại về vật lý, chúng ta biết rằng việc giả lập toàn bộ vũ trụ cùng với hàng đống thứ bên trong nó là điều khả thi. Nhưng về cơ bản, chúng ta hoàn toàn không cần làm tới mức đó. Chỉ cần giả lập đủ những thông tin cần thiết để trêu đùa với những “tạo vật” bên trong nó, khiến chúng nghĩ vũ trụ mình đang sống là có thật.
Hàng tỷ thiên hà để làm gì, chúng thích phóng tầm mắt vào vũ trụ, những gì ta cần là tín hiệu làm cho có vẻ nó đến từ hàng triệu năm ánh sáng là được. Chúng muốn thám hiểm Sao Hỏa? Cứ cho chúng làm ra những con tàu và những chiếc xe tự hành, cho phóng đi, rồi gửi trả về những thông tin cho khớp thời gian là OK ngay. Hay khi chúng muốn nhìn vào các tế bào hay vi khuẩn, cứ đơn giản là đặt vào não những hình ảnh tinh vi là được.
Thông tin thì được lắp đầy, còn vũ trụ thì hoàn toàn trống rỗng cũng không sao. Những vật thể có thể chỉ đơn giản là hình ảnh và tính chất quan sát được, các quy luật chuyển động thì làm như những con hamster 60 kí luôn biết. Khi chúng cố phá vỡ những vật thể, ta lại giả lập nó như một vật thể mới, với lớp ngoài ứng với “cách” chúng bị phá vỡ, lập đi lập lại. Những gì chúng “cảm nhận” là những thứ duy nhất chúng ta cần đưa vào. Yêu cầu tối thiểu để giả lập này trở nên thật, chính là “ý thức” của các tạo vật bên trong đó. Chỉ cần chúng tin là được...
Vậy, có phải con người đang bị giả lập? Cơ bản thì, chúng ta còn chưa chắc được nếu chưa thể chứng minh được một số điều. Một cách đương nhiên, chúng tôi (Cục-sạc) không có chuyên môn sâu cũng như thẩm quyền gì trong chuyện này, nên nghe xong đừng có đem đi cãi với bọn ***, chúng nó đấm cho. Dựa trên phiên bản có chỉnh sửa của Nick Bostrom, chúng ta có 5 giả thiết cần được xem xét. Nếu đúng thì...

Giả lập trí não là khả thi

Để còn có chuyện mà bàn tiếp, chúng ta sẽ giả sử rằng có thể tạo ra ý thức bằng cách giả lập bộ não. Não là một cơ quan tương đối phức tạp. Nếu ta coi mỗi tương tác giữa các xi náp là một phép tính, não của chúng ta chạy với tốc độ tương đương mười mũ mười bảy phép tính trong một giây. Ngồi đó viết vào thêm ba số không nữa cho một cái máy tính, như vậy chúng ta đã có đủ sức mạnh để giả lập 1 giây của ý thức rồi.
Nhưng đó chỉ mới là 1 bộ não, có 1 cái thì chơi bời gì tầm này. Thứ chúng ta cần là giả lập toàn bộ con người trong chiều dài lịch sử tại một thời điểm. Chúng ta lại ngồi xuống và nhân tuổi thọ trung bình của mọi con người từng tồn tại, nhân với số con người từng tồn tại, nhân với số giây trong một năm, nhân với số “phép tính” não thực hiện trong một giây, chúng ta có một con số không tưởng mà thôi bạn tự tính đi, tôi chịu, hình như nhiều hơn số sao con người ước tính có trong vũ trụ này á. Rồi, làm ra được cái máy tính nào mạnh cỡ này đi rồi tính tiếp...

Khoa học không ngừng phát triển

Nếu khoa học tiếp tục phát triển với tốc độ được dự đoán, tại một thời điểm nào đó, nền văn minh Trái đất có thể thống trị Con đường đầy sữa và tạo ra một máy tính với sức mạnh không giới hạn, như cái trên kia chúng ta nói. Lúc này, con người sẽ không khác gì thần thánh. Cái máy tính cực mạnh có thể là vấn đề nan giải, nhưng về mặt ý tưởng, chúng ta có khả năng tạo được một cái như vậy.
Bộ não Matrioshka, một siêu cấu trúc còn nằm trên giấy, được tạo ra bởi hàng tỉ bộ phận, xoay xung quanh và lấy năng lượng từ một ngôi sao. Chiếc máy tính này có thể đủ sức mô phỏng hàng ngàn đến hàng triệu “con người” tại cùng một thời điểm. Những công nghệ khác, như máy tính lượng tử đẳng cấp cao có thể giúp giảm kích thước cỗ máy xuống đáng kể, nhưng chỉ khi con người còn tồn tại để xây dựng những công trình như vậy...

Nền văn minh còn tồn tại ở mức độ phát triển khoa học vượt trội

Nếu có một điểm nào đó mà các nền văn minh tự tiêu diệt chính nó, chúng ta có thể đứng dậy và đi về rồi. Con người luôn mong mỏi tìm kiếm được những đế chế thiên hà hùng mạnh, những công trình “nhân tạo” đồ sộ, hay những người ngoài hành tinh tiên tiến đi thám hiểm và đặt chân đến Hệ Mặt trời, nhưng không, suốt bao năm qua chúng ta chả thấy gì cả. Hoặc Mỹ làm quá tốt trong việc gom hết mọi bằng chứng khỏi con mắt của thế giới, giấu chúng vào khu vực năm mươi mấy tôi quên rồi.
Bộ lọc Vĩ đại có thể là lời giải cho điều này. Bộ lọc này là những rào cản mà con người cùng với nền văn minh cần phải vượt qua để có thể tiến lên, như chiến tranh nút bấm, đá trời, lỗ đen nhà làm,... Nếu không ai có thể bước tới mức độ tiên tiến đề cập ở những giả thiết trước, queo, chúng ta sẽ không phải là sản phẩm số đâu. Về nghịch lý Fermi và Bộ lọc Vĩ đại, Cục-sạc có mấy video riêng rồi á.

Con người của nền văn minh muốn thực hiện giả lập vũ trụ

Khi nói về các nền văn minh hậu nhân loại, chúng ta không biết mình phải đối mặt với thứ gì. Việc biết được ý muốn của những sinh vật thần thánh này là biểu hiện của ảo tưởng sức mạnh. Hãy tưởng tượng con kiến thông minh nhất thế giới sống cạnh một công viên giải trí. Nó tò mò về những gì con người đang làm, và thế là bạn ngồi đó giải thích cho nó nghe, trong khi cả hai đang nhấm nháp miếng kẹo sicula cuối cùng. Cơ mà, con kiến chả hiểu mịa gì hết. Những thứ như xếp hàng mua vé đi tàu lượn cao tốc trong một ngày nghỉ để có được những phút giây vui chơi giải trí, tất cả đều vô cùng mơ hồ với một con kiến sống cuộc đời của loài kiến với việc vác thức ăn đi vào tổ trong một ngày hè nóng nực để có cái mà ăn.
Ừ, chúng ta cũng như con kiến đối với những sinh vật với nền văn minh siêu tiên tiến. Nếu họ không có hứng thú với việc chạy giả lập những con người nhỏ bé cho vui hay vì lý do khoa học nào đó, thì không, họ không làm vậy đâu. Nhưng như đã nói, chúng ta khó có thể nắm bắt được hết những mục đích của các sinh vật đó, nên cơ hội không phải bằng 0.

Ơ dịch kiểu nào đây?

Đại loại là nếu những giả thiết trên kia đúng, rất có thể có rất nhiều giả lập vũ trụ, và rất có thể, chúng ta đang sống trong một trong số những giả lập như vậy. Về mặt cơ bản, chúng ta cho rằng nền văn minh siêu tiên tiến có thể tiếp cận với máy tính mạnh mẽ tới mức không giới hạn. Nếu chạy được, họ chắc chắn sẽ cố chạy càng nhiều càng tốt, để tiết kiệm thời gian và tận dụng nguồn lực dồi dào. Nếu con số ý thức cần chạy ứng với số con người từng tồn tại trên Trái đất, vậy sẽ có hàng chục số 0 đằng sau một con số nào đó khác 0 những ý thức được giả lập. Việc giả lập toàn bộ một vũ trụ như cái mà chúng ta đang “chứng kiến” là hoàn toàn khả thi, nếu không nói là điều quá hiển nhiên. Nghe rợn cả người...

Nhưng nếu vậy thì đã sao?

Nhưng, những gì chúng ta nói vẫn chỉ đơn giản là những lập luận xây dựng từ những giả thiết mà chúng ta chưa thể kiểm chứng ngay lúc này (2017), do đó, hàng tá những nhà khoa học và anh hùng bàn phím đang chửi những người ủng hộ là rảnh không làm chơi. Nếu bạn muốn giúp, bạn có thể lấy xăng đốt nhà coi nó có bị giật lag gì không.
Nếu bạn “bị” giả lập, cũng chẳng có gì khác biệt cho lắm. Bạn có thể đang sống trên một hành tinh trôi dạt giữa không gian không biết sẽ đi về đâu, hoặc bạn có thể đang làm trò đùa cho tạo hóa, nếu “tạo hóa” ở đây là những kỹ sư máy tính và cư dân của một nền văn minh siêu cấp tiến nào đó. Bạn vẫn sẽ thắc mắc mãi về điều đó, và thêm nhiều điều nữa trong cuộc đời. Thôi thì dù gì cũng chẳng thể thoát ra, ráng chơi cho vui đi rồi một ngày bạn sẽ quên là mình từng có lúc nghi ngờ sự hiện hữu của bản thân. Và hy vọng, đúng rồi, hy vọng không ai làm đổ whiskey lên bảng điều khiển, hoặc vô tình vấp phải dây điện của cái siêu máy tính đó.
[Hỗ trợ truyền thông cho Vsauce 3]
"Bài viết" gốc: Is reality real? The simulation argument - Kuzrgesagt - In a Nutshell, 21-09-2017.