Có phải việc nhà là của đàn bà, không phải của đàn ông?
Chiều cuối năm. Ở một căn nhà nọ, có một đôi vợ chồng mới cưới đang tất bật chuẩn bị bữa cơm cúng, dọn dẹp nhà cửa trước khi về quê....
Chiều cuối năm. Ở một căn nhà nọ, có một đôi vợ chồng mới cưới đang tất bật chuẩn bị bữa cơm cúng, dọn dẹp nhà cửa trước khi về quê. Người vợ phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị, nào thổi xôi, luộc gà, làm canh, rồi lại vội vàng đi quét nhà, lau chùi đồ đạc. Người chồng thì ngủ một mạch đến hơn 9h sáng mới dậy, đang không biết phải làm gì thì có ông bạn đến chơi. Thế là hai ông ngồi nói chuyện với nhau, cũng chẳng cần biết vợ phải làm không khác gì một người giúp việc.
Đó là câu chuyện không chỉ riêng của đôi vợ chồng kia, mà ta có thể bắt gặp nó ở rất nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình Á Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Ở cái xã hội tưởng chừng là hiện đại, ở cái thế kỉ, thập kỉ tưởng chừng là văn minh, tân tiến, nhưng cái tư tưởng “việc nhà là của đàn bà, không phải việc của đàn ông” vẫn hiện hữu ở đâu đó trong mỗi gia đình.
Dù cho xã hội có hiện đại đến đâu, cái tư tưởng ấy nó vẫn truyền từ đời này sang đời khác. Mẹ khuyên con gái, mẹ chồng lại khuyên con dâu, rồi các ông chồng thì lại khuyên vợ: “Anh có biết làm gì đâu, nên tốt nhất là em làm cho nhanh.”, nên nó tạo thành một vòng luẩn quẩn không đâu thoát ra được.
Phụ nữ, đã được tạo hoá ban cho đôi bàn tay khéo léo và mềm mại hơn đàn ông, nên họ luôn được mặc định sẽ giỏi việc bếp núc hơn cánh mày râu. Nhưng việc mặc định giỏi hơn không đồng nghĩa với việc toàn bộ công việc nhà đổ hết lên đầu họ. Một buổi chiều cuối năm sẽ thực sự ấm áp và đúng với ý nghĩa sum vầy hơn nhiều nếu cả hai vợ chồng cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau nấu một bữa cơm. Có thể chồng không phải là người nấu chính, nhưng các anh có thể phụ các chị em nhặt rau, rửa thịt,..., và điều đó chắc chắn sẽ khiến các chị em thực sự hạnh phúc. Dăm ba câu chuyện với người bạn kia có thể khiến các anh kéo dài mối quan hệ với anh bạn đó, nhưng liệu có đáng không khi tình cảm vợ chồng ngày càng sứt mẻ nếu vẫn còn duy trì thái độ đó? Tại sao các anh có thể khiến cho anh bạn kia vui vẻ bởi những câu chuyện phiếm, nhưng tại sao lại để vợ mình không thể vui vẻ và phải cảm thấy ấm ức? Bạn đến rồi có thể bạn sẽ đi, còn vợ thì sống với mình cả đời. Trong lúc các anh hoạn nạn thì liệu những anh bạn kia có ở bên cạnh động viên, chăm sóc như cô vợ hay không? Vậy tại sao các anh sẵn sàng vui vẻ với người mà anh chẳng biết sau này có đồng hành với mình lâu dài, mà lại để người vợ đầu ấp tay gối lại phải cô đơn, vất vả trong gác bếp? Nếu như trong kinh doanh thì nó giống như việc các anh lao đầu vào món đầu tư đa cấp, món đầu tư không rõ lời lãi mà lại bỏ bê công việc của riêng mình. Còn nếu trong văn học, nó giống như việc các anh bất chấp đuổi theo những tác phẩm vô thưởng vô phạt mà quên đi giá trị cốt lõi và đạo đức làm nghề.
Phụ nữ, sinh ra họ đã mang trên vai bao nhiêu trách nhiệm. Giữa cuộc sống hiện đại, phụ nữ không khác gì ba đầu sáu tay, khi được mặc định phải giỏi cả việc nhà lẫn việc cơ quan, như “đảm việc nhà, giỏi việc nước.” Phụ nữ, họ sinh ra đã có quá nhiều định kiến vây quanh, tuy xã hội có hiện đại nhưng những định kiến ấy vẫn đâu đó tồn tại ở một số gia đình nào đó. Vậy nên các anh người yêu, các ông chồng, đừng cằn nhằn khi phải giúp vợ làm nội trợ, và cũng đừng để các chị phải chịu một mình. Đừng ngại hy sinh dăm ba câu chuyện phiếm của mấy thằng bạn mà hãy giúp đỡ vợ nhiều hơn chút nữa, vì đó không còn là sự hy sinh, mà là sự tình nguyện hoàn toàn xứng đáng. Vợ mình không thương lại đi thương thằng khác, các anh có thấy nực cười hay không?
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất