Có phải không đọc sách cũng sẽ thành công như hoa hậu Kỳ Duyên?
Chiến thắng của Hoa hậu Kỳ Duyên đã làm dấy lên câu hỏi: Có phải không đọc sách cũng thành công như hoa hậu?
Báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực cho phần thi ứng xử về việc đọc sách của Hoa hậu Hoa hậu Kỳ Duyên, và khi cô có phần thi ứng xử gần đây xứng đáng được “up crown” (đội vương miện) ngay lập tức, điều này làm dấy lên câu hỏi: “Liệu đọc sách có còn là con đường duy nhất dẫn đến thành công?”
Trí thông minh đường phố hay trí thông minh học thức?
Nguyên văn câu trả lời gây tranh cãi ấy như sau: “Có một sự thật là cho đến tận bây giờ tôi chưa đọc hết một cuốn sách nào. Bởi vì tôi là một người thực tế. Tôi thích trau dồi kiến thức của mình thông qua hình ảnh và âm thanh.”
Chỉ hai tuần sau đó, cái tên “Nguyễn Cao Kỳ Duyên” đã được xướng lên để nhận danh hiệu Miss Universe Vietnam 2024 sau câu trả lời: “Vẻ đẹp của cô gái không thể hoàn toàn đại diện cho cả một đất nước nhưng câu chuyện của cô ấy có thể truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Mười năm trước em vừa đăng quang cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, và đến bây giờ, mười năm sau, em đã dùng toàn bộ sự can đảm và dũng cảm của mình, để mong muốn thực hiện lý tưởng của mình, hô vang hai tiếng “Việt Nam” trên đấu trường quốc tế. Và em nghĩ rằng, với lý tưởng này của em sẽ khiến tất cả các bạn trẻ có thể sống hết mình , bởi vì điều này là tiền đề, là cơ sở để nước Việt Nam của chúng ta càng ngày càng vững mạnh hơn. Em xin cảm ơn ạ!”
Được biết, Hoa hậu Kỳ Duyên xuất thân từ Đại học Ngoại Thương nhưng chưa tốt nghiệp ngôi trường này. Tuy vậy, những khán giả đã vỗ tay cho cô vào phần thi ứng xử mới nhất, ai cũng phải công nhận khí chất hùng hồn, sự thuyết phục như nói trúng tiếng lòng của đông đảo khán giả. Cô đã lội ngược dòng dư luận trong sự ngỡ ngàng của “giang cư mận”, có thể nói rằng, vụ lùm xùm về việc chưa đọc hết một cuốn sách, dẫu là chiêu trò của Ban tổ chức hay không, đã biến thành một nguồn động lực vô cùng lớn để tạo nên sức bật của Kỳ Duyên vào đêm chung kết ngày 14/9/2024. Câu chuyện của cô đã truyền cảm hứng cho những khán giả cũng thích trau dồi kiến thức thông qua âm thanh (podcast) và hình ảnh (video clip).
Như vậy, ưu và nhược của ba phương pháp tiếp thu kiến thức phổ biến nhất là gì?
Ba phương pháp tiếp thu kiến thức phổ biến nhất hiện nay
Điểm mạnh lớn nhất của sách đến từ sự đầu tư kỹ lưỡng của tác giả trong nhiều tháng, nhiều năm (trung bình từ 6 tháng đến 2 năm, theo tác giả sách Anh Tuấn Lê), từ viết lách đến nghiên cứu và biên tập, đảm bảo thông điệp trường tồn và thực tế. Nếu thiếu đi sự đầu tư này, sách, một khoản đầu tư từ 80.000 đến 200.000 VND/cuốn, khó có thể thành công trên thị trường.
Bên cạnh sách, khi thời đại số lên ngôi đã nảy sinh cơ hội lớn cho những content creator chia sẻ kiến thức, tiêu biểu là YouTuber Ali Abdaal với 5,79 triệu người theo dõi. Những clip YouTube của cựu sinh viên y khoa trường Cambridge đã truyền cảm hứng về hành trình làm nghề, cách làm việc hiệu năng và sống một cuộc đời đáng sống.
Ngoài ra, khán thính giả cũng không thể bỏ qua Podcast, với đại diện tiêu biểu chính là series Have A Sip với host Thùy Minh đến từ Vietcetera. Điểm nổi bật của Have A Sip chính là lượng kiến thức cực lớn vì tiêu chí ban đầu của show chính là phỏng vấn những người nhiều chữ. Bên cạnh đó, cách dẫn dắt của chị Thùy Minh, người đọc rất nhiều sách, luôn tìm tòi đọc hết những cuốn sách do khách mời của mình viết, giúp dòng chảy của podcast có một chiều sâu khó tìm được so với những kênh podcast khác.
Nhược điểm của podcast và YouTube cũng như những phương thức học của thời đại số chính là nếu người nghe không chủ động ghi lại kiến thức, lượng thông tin sẽ không đọng lại quá nhiều trong khán thính giả. Nhưng đây cũng là một vấn đề chung, vì với cả sách giấy, nếu bạn không ghi chú lại thì sẽ không tận dụng hết được lượng kiến thức mà mình lĩnh hội.
Các influencer (người có tầm ảnh hưởng) nói gì về việc ghi chép và đọc sách?
Nhà văn Đức Nhân, một nhà sáng tạo nội dung với hơn 29K người theo dõi trên Facebook, bày tỏ một quan điểm vô cùng thuyết phục: “
Đầu tư vào sách đem tới lợi ích lớn hơn 90% những dạng đầu tư khác là lý do tôi luôn trích 5-10% tiền mỗi tháng để mua bởi:
- Sách đem tới thông tin.
- Sách giúp ta củng cố thói quen tốt.
- Sách giúp bạn tập trung và kỷ luật
Và sách giúp bạn kiếm được tiền từ con số 0.
Việc ghi chép giống như cái mỏ neo lưu lại những lời đắt giá nhất trong mỗi cuốn sách, khi nào đọc lại sẽ giúp tôi nhớ lại nội dung của cuốn sách đó. Vì số lượng sách tôi đọc trong 7 năm qua tự ước lượng trên dưới 2000 cuốn cả sách giấy lẫn Ebook.
Mọi người hay hỏi rằng tôi đọc sách nhiều như thế, rồi còn ghi chép ra nữa thì có kiếm được tiền không?
Có và không tuỳ vào chính mình.
Tôi đã nhiều lần nhận được nhuận bút khi viết bài và truyện ngắn gửi báo chí. Dựa vào những ghi chép về cuốn Think and grow rich của Napoleon Hill, tôi đã viết 1 bài trong vài tiếng và 2 tuần sau nhận được 600 nghìn nhuận bút. 8 năm trước đó là một số tiền không tồi.
Trong năm 2013, nhờ những ghi chép tôi đạt giải nhất Tuần và chung cuộc một cuộc thi do FPT tổ chức với đề tài liên quan đến lập trình khi dựa vào các thông tin công nghệ tôi chép lại. Bài viết đó mất khoảng 2 tiếng để viết và tôi đút túi 3,3 triệu.
Tôi cũng đã nhận được nhiều việc bên ngoài hơn 20 triệu đến 2,3 triệu từ việc viết, cho tới một công việc làm content fulltime nhưng qua mạng thông qua những bài viết đăng lên internet. Và quan trọng hơn, chỉ riêng việc viết lách qua các ghi chép đã giúp tôi tích được hơn 100 triệu để đầu tư làm startup riêng.
Sự thật đọc sách rồi viết bài, viết truyện ra tiền, nhưng bản chất của việc đọc và ghi chép là đem lại sự tiến bộ của bản thân thông qua tri thức. Khi bạn tiến bộ thì mới có thể có ích cho cộng đồng.”
Tác giả bài viết rất đồng tình, vì quan trọng là ghi chép có thể thực hiện được, bất kể tiếp thu thông tin bằng mắt hay bằng tai, chỉ cần app ghi chú trên điện thoại hoặc giấy và bút một cách truyền thống.
Ở mặt bên kia của đồng xu, anh Nguyễn Cảnh Luân, nhà sáng lập trung tâm Anh ngữ Language For Life, đồng thời là tác giả tập thơ song ngữ mới ra mắt “Ai đó sẽ yêu tôi thật nhiều” chia sẻ rằng: “Sách là kiến thức, trau dồi và cải thiện kiến thức là điều cực kỳ quan trọng. Cho dù bạn bao nhiêu tuổi, làm nghề gì thì cũng cần bổ sung kiến thức. Nó giúp các bạn sống tốt hơn, hạnh phúc và thành công hơn. Hiện nay để bổ sung kiến thức, ngoài video, podcast ra thì còn báo chí và những bài nói. Chỉ cần chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc học, thì dù là từ bất kỳ nguồn nào nó cũng đáng quý.”
Tốt nghiệp hai trường đại học RMIT và Đại học Ngoại Thương, đồng thời là một hot TikToker với 397,9k followers, anh Luân thấu hiểu hơn ai hết influencer là người có khả năng định hướng, tác động, và truyền cảm hứng cho giới trẻ; vậy nên chính bản thân họ cũng cần trau dồi thêm kiến thức để có thể truyền lại những điều tích cực nhất cho những follower. Học có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau, và tất nhiên, sách là một nguồn đáng tin cậy, chính thống và chứa đựng nhiều thông tin bổ ích rộng và sâu.
Chỉ có một Hoa hậu Kỳ Duyên làm nên kỳ tích
Phải nói một sự thật rằng, chỉ có một Hoa hậu Kỳ Duyên và dẫu việc đọc sách không đảm bảo 100% sự thành công, rất nhiều người thành công đọc nhiều sách.
Trong tập 1 của podcast “Nhật Ký Ban Công”, người mẫu Minh Tú từng chia sẻ về trải nghiệm chấm thi Miss Grand Vietnam 2022 và thấy ấn tượng về hành trình của Đoàn Thiên Ân, nhất là việc cô không bao giờ ngừng học hỏi và trau dồi tri thức. Khi cô gái 21 tuổi trả lời phần thi ứng xử, ban giám khảo nhận xét hẳn cô gái này phải đọc sách nhiều lắm vì vốn từ của Thiên Ân lúc bấy giờ đã rất tốt.
Người mẫu Minh Tú cũng chia sẻ thêm: “Ngoài yếu tố chuẩn mực để trở thành hoa hậu, ứng cử viên cho ngôi vị cao nhất của các cuộc thi sắc đẹp phải mang được những năng lượng mới, những tiếng nói mới đại diện cho một thế hệ phụ nữ trẻ, để truyền tải những thông điệp tích cực và truyền cảm hứng đến mọi người.”
Chúng ta nên xem Kỳ Duyên là một ngôi sao sáng trong thiểu số không quá sành sỏi việc đọc sách, tuy nhiên, chỉ số EQ cao của cô, cùng nhiều bài học về trường đời đã góp phần không nhỏ dẫn tới việc cô đạt được danh hiệu Miss Universe Vietnam 2024.
Màn trình diễn của Kỳ Duyên đã mở ra một cuộc thảo luận về việc trau dồi kiến thức bằng phương tiện nào là tốt nhất, về trường học cũng như trường đời. Hy vọng người đọc bài viết này, dẫu bận rộn, đừng quên trau dồi kiến thức, có thể là bằng nghe - nhìn hoặc đọc, tùy theo cách tiếp thu thông tin của mình.
NARCY NGUYỄN
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất