Có phải ghét của nào trời trao của đó ?
bất kể điều gì đó là đúng hay sai, đừng bám chặt một cách mù quáng vào đó. Chỉ việc nhận biết nó và rồi buông bỏ nó Soi sáng thực...
bất kể điều gì đó là đúng hay sai, đừng bám chặt một cách mù quáng vào đó. Chỉ việc nhận biết nó và rồi buông bỏ nó
Soi sáng thực tại
Trà đạo ngày 30.8.2016
Trà đạo ngày 30.8.2016
Ai thấy được sự hoàn hảo trong bất toàn là người giác ngộ
Hỏi: “Ghét của nào trời trao của đó” có đúng không thưa Thầy?
- Ngoài luật nhân quả còn có luật duyên báo, 2 luật này có chỗ khác nhau, thường nhiều người chỉ để ý đến nhân quả chứ không để ý duyên báo. Duyên là hoàn cảnh của mỗi người như sinh ra ở đất nước nào, xã hội nào, gia đình nào, có mối quan hệ với ai, tốt hay xấu... Có người than phiền tại sao tôi gặp người chồng/người vợ khó khăn thế này thế nọ. Thật ra, vì người đó có ảo tưởng về một người chồng/vợ lý tưởng, nên gặp duyên người chồng/vợ bất như ý, có như thế mới thấy ra sự thật đồng thời giúp phát huy được đức tính nhẫn nại, cảm thông, dung thứ. Ai thiếu điều gì thì Pháp đến bổ túc điều đó, ai dư cái gì Pháp đến lấy đi cái đó. Nói như Lão Tử thì Pháp thường “bổ bất túc, tổn hữu dư” để giúp mọi người phát huy trí tuệ và đạo đức của mình, nhưng mới trông có vẻ như “ghét của nào trời trao của ấy” vậy.
Trong thiên nhiên cọp tìm cách bắt nai nên nó ngày càng mưu mẹo hơn, nai tìm cách chạy thoát nên cũng nhanh nhẹn và cảnh giác hơn. Điều này có vẻ như đã được lập trình sẵn để chúng sinh phát huy được chính mình. Ban đầu do chiến đấu nên phát huy cái ác, sau biết đau khổ mới cảm thông với nỗi khổ của kẻ khác mà phát huy điều thiện, vì thế nếu dẹp hết cái ác thì cũng không có điều thiện. Trong cái ác bỗng phát sinh điều thiện, như con cọp nọ ăn con nai mẹ, thấy con nai con yếu ớt nó bỗng phát sinh tình thương yêu bảo vệ và nuôi nấng chú nai con. Trong thiên nhiên thật kỳ lạ, nhìn có vẻ bất toàn nhưng thật ra vốn rất hoàn hảo. Cho nên, ai thấy được sự hoàn hảo trong bất toàn chính là người giác ngộ.
Thầy Viên Minh
Mối quan hệ đúng tốt
Hỏi: Thưa Thầy làm sao để có mối quan hệ mà không bị chi phối bởi sự đối đãi ạ. Để xây dựng một tình bạn mà không đem lại khổ đau cho nhau thì phải đối với nhau như thế nào?
- Trong cuộc sống đương nhiên phải có mối quan hệ. Thiên nhiên thường có sự tương giao tự nhiên, nhưng sống trong xã hội thì cần có mối quan hệ. Nói cách khác, trong Chân Đế mới có sự tương giao, còn trong Tục Đế khó tránh được mối quan hệ. Nguyên lý Đức Phật dạy là đã có quan hệ thì trong mối quan hệ cần phải đúng tốt mới không gây phiền lụy cho nhau. Trong thuyết chính danh của Khổng Tử cũng có nói lên mối quan hệ đúng tốt (như cha ra cha, con ra con, vua ra vua, thần ra thần, ai cũng làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người đó).
Khi sống đúng tốt thì tự nhiên có mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh, Đức Phật dạy trong gia đình nếu người vợ hoặc người chồng sống đúng tốt, mỗi người làm tròn nhiệm vụ của mình thì tự nhiên gia đình hòa hợp. Khi mỗi người sống đúng tốt thì tự nhiên có sự tương giao hài hòa hơn là cố tạo mối quan hệ ràng buộc. Nhưng khi đòi hỏi mối quan hệ quá cao, sống với nhau anh phải thế này, tôi phải thế kia như một hợp đồng có điều kiện thì liền sinh ra nhiều tình trạng bất đồng, nên trong mối quan hệ cần phải biết mình biết người. Mối quan hệ phải đặt trên nhận thức đúng và hành vi tốt mới đưa đến mối quan hệ tốt đẹp.
Xã hội sở dĩ loạn là do cá nhân xen tư ý vào nhiều quá. Người này đảm nhiệm chức vụ này đem tư ý vào, người kia đảm nhiệm chức vụ kia cũng đem cá tính vào trong đó nhiều quá, tạo nên mối quan hệ càng mâu thuẫn, càng hỗn loạn. Nếu như mọi người làm tròn bổn phận của mình, làm đúng chức năng của mình đối với mọi người, thì mọi sự đều tốt đẹp. Nguyên lý là vậy, nhưng ứng xử làm sao trong tình huống cụ thể thì mỗi người phải nhận ra chính mình. Thí dụ vợ chồng cần biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau, cần đặt mối quan hệ trên cơ bản thiện tâm, thiện ý thì mới tốt đẹp được.
Trong mối quan hệ thường người này muốn người khác phải tốt với mình, phải thế này thế kia theo ý mình, do đó, tạo nên mối quan hệ quá chủ quan, không thấu hiểu hay cảm thông với người khác. Dù mối quan hệ giữa hai người hay giữa cộng đồng nhiều người thì nhận thức và hành vi đúng tốt vẫn là tất yếu. Nhiều khi trong một chung cư không ai biết ai, nhưng nếu nhà nào cũng sống đúng tốt, thì dù không tạo mối quan hệ với ai nhưng vẫn trật tự, ổn định. Chính yếu vẫn tùy thuộc vào nhận thức và hành vi, hay nói cách khác, tuỳ thuộc vào trí tuệ và đạo đức của mỗi người trong mối quan hệ.
Thầy Viên Minh
Người tu theo các phương pháp hay pháp môn phương tiện thường đặt nặng kỹ thuật sử dụng tâm rập theo khuôn mẫu chế định sẵn do đó chỉ làm cho tâm mất đi sự bén nhạy tự nhiên của nó, thật ra tâm vốn tự biết tuỳ dụng một cách chính xác nếu không bị khái niệm chủ quan xen vào. Khi muốn sử dụng tâm theo cách này hay cách khác thì rất dễ rơi vào ý đồ của bản ngã. Tâm vốn biết pháp một cách tự nhiên, còn khi cố ý muốn biết thì cái biết đã rơi vào khái niệm tục đế rồi.
Khi rơi vào tục đế tâm liền phân ra hai hướng: Một là thiện, hai là bất thiện. Trong tục đế dụng tâm sao cho đúng tốt là thiện, dụng tâm sai xấu là bất thiện. Trong Chân Đế tâm sẽ tự ứng ra thấy biết thực tánh một cách tự nhiên, không thể cố khởi tâm muốn biết thực tánh như thế nào được, khởi tâm liền rơi vào khái niệm tục đế làm sao thấy được chân đế! Vì vậy Đức Phật không dạy sử dụng tâm theo tư kiến tư dục, chỉ dạy trở về trọn vẹn tỉnh thức (chánh niệm tỉnh giác) để thấy biết thân tâm một cách trung thực mà thôi.
Niệm Tâm
Hỏi: Thưa thầy, con có nghe một trường phái niệm Tâm dạy rằng, khi Tâm mình khởi một ý niệm, một cảm xúc hay bất cứ một điều gì thì cần tìm hiểu động cơ của việc phát xuất đó. Nhưng con không biết tác dụng của việc tìm hiểu mỗi ý niệm như vậy thì có rơi vào lập trình tư tưởng không thưa thầy?
Thật ra, niệm tâm tức là tâm như thế nào chỉ cần trọn vẹn tỉnh thức biết tâm như vậy. Từ sự thấy biết đó mọi vi tế như sự sinh diệt, nguyên nhân, hậu quả, vị ngọt, sự nguy hại sẽ tự trình hiện, không cần dụng ý tìm kiếm theo lập trình của khái niệm. Cứ quan sát một cách tự nhiên, vô tâm (không có ý đồ của bản ngã) thì sẽ thấy ra mọi sự một cách vi tế mà không cần nỗ lực tìm kiếm. Khởi tâm tìm kiếm là đã có thái độ chủ quan sai lạc, tìm kiếm đối tượng đã được khái niệm hóa lại càng sai hơn, làm sao thấy được sự thật như nó đang là.
Khi tâm trong sáng tự nhiên thấy ra sự thật chứ không phải cố tìm, tức do chánh niệm tỉnh giác trong sáng vừa đủ bỗng nhiên bật ra soi rõ mọi sự, nên mới gọi là hoát nhiên, bất chợt. Như Tỳ kheo ni Paṭācārā thấy nước rửa chân chảy xuống liền giác ngộ, Ngài Ānanda buông mọi nỗ lực, nằm xuống nghỉ thì bỗng chứng quả A-la-hán.
Thấy biết tự nhiên là tri kiến, còn muốn biết chỉ tạo sở tri, có những pháp tu cứ muốn biết, muốn được nên càng tu càng tham lam thêm mà thôi. Giới Định Tuệ chính là bình tâm mà thấy, bình tâm chính là không có ý đồ gì cả, trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe... thì còn tìm kiếm này nọ làm gì! Tìm kiếm chỉ làm cho tâm mệt mỏi căng thẳng và sự mệt mỏi căng thẳng đó làm mất sự bén nhạy, nhu nhuyến, uyển chuyển vốn có của tâm để rồi trở nên khô cứng.
Tâm là bén nhạy nhất, không có cái gì nhanh hơn tâm, môi trường tâm vô cùng rộng lớn, có thể bao trùm cả vũ trụ. Vì chấp vào cái thấy, cái nghe, khái niệm, quan niệm này kia mới mất đi tính vô hạn đó. Khi buông ra mọi kiến thức giới hạn của kinh nghiệm căn trần thì tâm liền nhanh như chớp, vì nó không còn bị giới hạn bởi thời gian không gian nữa, có thể đồng thời chu biến khắp mọi nơi, nên tâm Đức Phật có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới.
Ý đồ tích cực, miên mật, tìm kiếm, theo dõi, ghi nhận để chứng ngộ chân đế là cực kỳ sai lầm. Nỗ lực thực hiện những ý đồ tích cực đó chỉ đúng trong tục đế mà thôi, như tập thể dục, học lái xe, khám chữa bệnh v.v... thì được. Còn trong chân đế không có tích cực miên mật gì cả chỉ ngay đó mà thấy, cứ để bình thường sẽ thấy, nếu cố tích cực miên mật liền mất. Cho nên để thấy Sự Thật thì không cần tích cực, miên mật, tìm kiếm, theo dõi, ghi nhận gì cả mà chỉ cần nghiêm túc, nhiệt tâm thì mới có thể trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại được.
Thầy Viên Minh
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất