Phần khai thông tin tôn giáo của đa số người Việt Nam trong căn cước công dân đều ghi là không, nhưng chắc chắn, cả bạn và tôi, chúng ta đều tự nhận bản thân mình theo đạo Phật, quốc đạo của nước ta kể từ thời Lý – Trần.
Có thể nói đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ khá sớm, người Việt bản địa đầu tiên biết đến và tu theo Phật pháp có lẽ là Chử Đạo Tổ (Chử Đồng Tử – một trong Tứ Bất Tử của thần thoại Việt Nam). Theo truyện Nhất Dạ Trạch trong Lĩnh Nam Trích Quái, ngài theo học một vị đại sư tên là Phật Quang (người Ấn Độ???), sau khi thành đạo thì ngài về hướng đạo cho cả Tiên Dung công chúa. Như vậy, từ sử liệu và thần thoại thì đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam từ thời các vua Hùng (khoảng thế kỷ thứ 03 – 02 TCN).
Đến thời kỳ Bắc thuộc 1.000 năm, thiền sư Khương Tăng Hội qua Đông Ngô (thời Tam Quốc) truyền đạo và sau đó đến Giao Chỉ. Sau ngài còn có thiền sư Mâu Tử. Vào cuối thế kỷ thứ 6 SCN (khoảng năm 580), một thiền sư người Ấn Độ, từng học đạo từ Tam tổ Tăng Xán bên Trung Quốc đã đến Việt Nam và khai mở dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi. Vào năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông vốn là đồ đệ sư Bách Trượng Hoài Hải mang theo tư tưởng “đốn ngộ” của Nam tông do ngài Huệ Năng sáng lập vào nơi này. Ông cùng với thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi và thiền sư Thảo Đường sau này được Thiền Uyển Tập Anh, một cổ thư xưa nhất của Thiền tông Việt Nam, xem là tổ sư của ba Thiền phái lớn tại xứ này.
Đến thời nhà Trần, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã gồm thâu cả 03 Thiền phái lớn nhất thời bấy giờ và tổng hợp lại thành thiền phái Trúc Lâm, Phật giáo Việt Nam đã lên đến thời kỳ cực thịnh. Đáng tiếc, vì Phật giáo đã trở thành quốc giáo và gắn liền với Trần triều, sau khi nhà Trần mất đi, các vương triều sau này không muốn trọng dụng Phật giáo nữa vì lo sợ ảnh hưởng tàn dư sẽ kích động những suy nghĩ phù Trần trong nhân dân. Nho giáo với tư tưởng “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” lại trở thành lựa chọn phù hợp hơn để các bậc đế vương sau thời Trần xây dựng bộ máy quyền lực và thu nạp nhân tâm mới.
Phải mãi đến khi đất nước chia thành Đàng Trong – Đàng Ngoài, Phật giáo mới có cơ hội nhen nhóm trở lại những đốm lửa đức tin trong dân chúng với 2 dòng thiền Lâm Tế và Tào Động.
Tất nhiên, về sau Giải Phóng, Việt Nam không chỉ hưng thịnh mỗi Thiền tông mà ở thời kỳ hiện đại, Mật tông Kim Cương Thừa, Tịnh Độ Tông, Phật giáo Nam Tông (Phật giáo Nguyên Thuỷ) như trăm hoa đua nở đều được quần chúng nhân dân đón nhận rất chân thành, ngay cả Chính phủ cũng ủng hộ Phật giáo hơn nhiều so với các tôn giáo khác.
Quay lại với câu hỏi ở đề mục, không như nhiều người luôn kiên trì tìm tòi để thấy hiểu nền tảng đức tin của mình, đa phần người dân Việt Nam (đặc biệt là ở miền Bắc) tin mình theo Phật giáo, là Phật tử, có khi đã quy y nhưng không định niệm được tông phái Phật giáo mình đang hướng về là gì. Tất nhiên để giải thích cũng không khó, Phật giáo luôn được nhân dân gán cho gắn liền với sự dễ dãi: “Thứ nhất (tu) tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba mới tại chùa”. Họ mặc định rằng vì Phật rất bao dung, rất nhân từ, không ước thúc nên tôi niệm 3 lần câu “A Di Đà Phật” tức là tôi đã là Phật tử rồi. Bản thân tôi cũng từng tranh luận rất gay gắt với vợ tôi rằng, nền tảng đức tin Phật giáo của cô ấy là gì, em bảo em quy y thì em theo thầy nào, pháp môn gì… Tôi không có câu trả lời từ cô ấy, đương nhiên rồi, chưa bị dỗi là may. Nhưng tôi tin ngoài kia, có không ít người như cô ấy, vẫn quy y, vẫn niệm Phật nhưng không biết mình theo tông phái nào, chỉ chung chung hiểu là mình theo Phật giáo.
Tìm tòi sâu thêm, tôi tìm thấy một câu trả lời khả dĩ có thể giải thích được cho đức tin của người dân Việt Nam. Khởi nguồn từ câu niệm Phật quen thuộc mà ai cũng biết, cũng làu làu 3 lần từ ban thờ gia tiên cho đến công đồng Tứ Phủ – A Di Đà Phật. Đây là tên của giáo chủ Tây Phương Cực Lạc Thế giới, người đã thề nguyện sẽ cứu độ tất cả chúng sinh biết tên ngài, niệm tên ngài và quán tưởng đến ngài. Việc chúng ta niệm danh tự đức A Di Đà, tưởng tượng được ơn trên cứu giải tiêu tai, chính là mượn “tha lực” của Phật để ảnh hưởng đến “tự lực” của bản thân. Tất cả những người đang mỗi ngày vô thức hành trì theo phương pháp này, ai chẳng hy vọng thoát khỏi biển khổ (cõi Sa Bà hiện tại của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật) để thác sinh vào Cực Lạc tịnh thổ của đức A Di Đà Phật. Và điều kiện để trở thành môn đồ của Tịnh Độ Tông cũng chỉ cần có thế mà thôi.
Như vậy, để thoả mãn câu hỏi của bản thân, tôi phải mạn phép tự cho rằng người dân Việt Nam đang tu Tịnh Độ trong vô thức. Có lẽ tôi vẫn không bỏ được cái sự chấp nhất của bản thân rằng: ” Tuyệt đối không nên cho rằng Phật giáo là dễ dãi, để mà ta niệm Phật trên môi nhưng nhất quyết không chịu tìm hiểu, nghiên cứu cho đàng hoàng cái đức tin của mình, để mà làm mai một dần cái tinh hoa đạo Phật”.
Nhưng mà có thật sự cần phải ép buộc bản thân mình phải theo 1 tông phái nào đó? chỉ để khẳng định cái đức tin của mình có cơ sở hơn người khác hay không?
Minh Hiếu
24/04/2020.