Có những người rời đi để ta học cách tự đứng vững trên đôi chân của mình
Khi người thân đang rời xa tôi ngày một nhiều
Năm nay có lẽ là một năm khiến tôi phải nhìn nhận lại nhiều điều. Tôi phải chấp nhận một sự thật rằng, tôi đã không còn là 1 đứa trẻ nữa.
Đầu tháng 9, tôi nhận được tin bà ngoại tôi mất. Trước đây, lần nào về nhà, bà cũng hỏi han tôi, nắn tay nắn chân tôi, dặn dò tôi đủ kiểu. Nhưng đợt 2/9 này về, bà ít nói hơn hẳn. Chắc bà sợ làm phiền tôi. Vì lần nào bà dặn tôi cũng bảo vâng con biết rồi, xong ra vẻ sao bà cứ nhắc đi nhắc lại nhiều thế. Nghỉ lễ xong, trước khi tôi đi, bà chỉ hỏi tôi đúng 1 câu "Con đi con có nhớ bà không?" Với nết vô tâm vô tính của tôi, tôi thản nhiên trả lời "Con chẳng nhớ bà gì cả". Rồi tôi chào bà, xách vali lên và đi. Tôi chẳng bao giờ ngờ, đó là lần cuối bà hỏi tôi. 1 tuần sau, tôi nghe mẹ gọi điện "Bà yếu lắm rồi. Con chuẩn bị tinh thần nhé". Sáng hôm sau, tôi về thì đã thấy bà nằm đó, tay chân lạnh lạnh. Vậy là kể từ giờ, sẽ chẳng còn ai "làm phiền" tôi mỗi khi tôi về thăm nhà nữa. Tôi thật sự chưa bao giờ nghĩ đến giờ phút bà rời tôi mà đi. Lúc nào tôi cũng đinh ninh, chỉ cần về đến nhà, là tôi sẽ gặp bà. Chỉ cần bước chân vào nhà, là bà sẽ lại nắn tay nắn chân tôi. Vì tôi cho rằng đó là lẽ đương nhiên, nên tôi chẳng bao giờ nghĩ đến, cũng chẳng dành những lời ngọt ngào với bà. Chỉ khi bà đi, tôi mới nhận ra, gia đình tôi, rồi cũng sẽ dần dần rời tôi mà đi, và bà là người sẽ rời tôi đi đầu tiên. Tôi đã chẳng còn nhỏ, và bà cũng không còn thời gian để đi cùng tôi thêm bất kỳ chặng đường nào nữa. Sau bà, có thể là mẹ, có thể là chị,.. hay một người thân nào đó của tôi. Thời gian của ai cũng là hữu hạn. Tôi không nhận ra điều đó, cho đến khi tôi thấy bà tôi rời đi.
1 tuần sau khi bà mất, tôi nghe tin em gái của bà dưới quê, cũng cứ thế đi theo. Chẳng biết bao lâu rồi tôi không về quê, chẳng biết bao lâu rồi tôi không về thăm bà. Tôi thật sự còn chẳng nhớ rõ bà trông như thế nào nữa. Tôi chỉ nhớ kí ức khoảng 10, 15 năm về trước, về quê bà, mặc dù bà chẳng có gì nhiều, điều kiện cũng không phải tốt, nhưng cháu về là kiểu gì bà cũng phải mua đồ ăn ngon về nấu cho cháu. Về kiểu gì là bà cũng lại lúi húi lục lại gối, tìm tiền cho cháu. Rồi bà có cái quần cái áo nào mới, là sẽ bảo chị em tôi mang về cho bà ngoại. Bất kể là gì, nếu bà cho mà chúng tôi không nhận, là bà lại mếu máo khóc vì tủi thân. Bà chẳng có nhiều mà chúng mày chẳng nhận cho bà. Bà có chiếc điện thoại bấm con con, thỉnh thoảng về quê bà lại nhờ xem cho bà cái danh bạ. Check lại xem đã có số của các cháu chưa, rồi bà nhờ chỉ cho bà cách sử dụng điện thoại. Nhớ có lần tôi về quê khám răng, ở nhà bà. Vì lạ chỗ nên muỗi đốt ghê lắm, đợt đó mùa hè còn nắng nóng nữa, bà cứ ngồi thế quạt cho tôi đến khi ngủ thì thôi. Đó là những gì tôi nhớ về bà. Cứ tưởng gần lắm, cho đến khi xem lại thì cũng đã 10, 15 năm rồi chứ chẳng ít. Bà đi, tôi nhận ra, nếu tôi không tranh thủ về thăm gia đình, về ngó ngàng nội ngoại, thì sẽ đến lúc, thứ tôi có chỉ còn là kỉ niệm. Và tôi sẽ lại 1 lần nữa hối hận vì đã không dành thời gian cho gia đình mình nhiều hơn
Sáng hôm nay, bác cả nhà tôi mất. Mặc dù tôi không bất ngờ, cũng không quá xúc động, nhưng vào nhìn bác nằm trên giường, tôi bật khóc mà không kìm lại được. 29 Tết tôi về nhà, biết tin bác ốm, tôi xuống thăm bác, tiện thể coi như chúc Tết sớm. Tôi không ngờ chỉ trong 1 khoảng thời gian rất ngắn, bác tôi từ 1 người da dẻ hồng hào, khuôn mặt đầy đặn phúc hậu với nụ cười hiền từ, nhẹ nhàng, giờ đã gầy hẳn đi. Bác bị tai biến, chữa trị hơn chục năm nay, 1 tay của bác bị liệt, chân cũng yếu, nhưng bác vẫn rất tràn đầy năng lượng. Bác có chiếc xe điện 3 bánh riêng, bác hay lái xuống nhà tôi nhờ em gái là mẹ tôi sửa giúp anh cái quần, cái áo. Bác hay đi ship đồ ăn hộ con dâu, bác còn đi đón các cháu mỗi buổi chiều. Tết năm nào bác cũng xông nhà giúp nhà tôi. Bác là bác cả, mẹ tôi là con út, bác thương mẹ tôi lắm. Trước bác khỏe, mẹ tôi không có nhà, hễ có việc gì là bác cũng sẽ giúp, bác không giúp thì bác cử con bác xuống giúp. Với tôi, bác là đại diện cho mọi sự hiền từ và nhân hậu. Hôm vừa rồi về, thấy bác không thể tự ngồi dậy, không thể nuốt, không thể nhai, không thể nói thành tiếng. Hai chiếc răng cửa dưới đã rụng. Mặt bác gầy hẳn đi. Đầu bác không thể dựng thẳng. Tình trạng của bác tệ hơn hẳn so với những gì tôi suy nghĩ. Mặc dù biết bác tuổi đã cao, cũng không phải khỏe mạnh gì, nhưng mọi thứ chuyển biến nhanh quá. Tôi đưa bác bao lì xì, chúc bác phải cố gắng hồi phục, mạnh khỏe trở lại, tay bác không cầm được. Miệng bác nói cũng không nghe rõ, nhưng tôi nghe được loáng thoáng, ý bác là bác không muốn nhận lì xì của cháu. Cháu bác đi làm cả năm vất vả, không việc gì phải lì xì cho bác. Nhưng rồi tôi nói nói 1 hồi, cuối cùng bác cũng cười 1 cái. Nay xuống bác, tôi không dám nhìn. Tôi biết nhìn là kiểu gì tôi cũng khóc, nhưng rồi lúc chuẩn bị ra về, tôi chào bác gái, thấy bác cứ ngồi mãi bên giường bác trai, tôi lại không kìm được mà bật khóc. Vậy là cũng đã đến lúc, phải có 1 người rời đi trước. Không biết người ở lại bây giờ, đang cảm thấy ra sao nhỉ? Còn tôi, chỉ cần nhìn thấy bác là mọi ký ức lại ùa về. Vì những ký ức ấy, tôi chẳng thể nào không rơi nước mắt
Thời gian trôi qua nhanh thật. Vậy là đã đến lúc, tôi không còn là đứa con nít nữa. "Người lớn" trong mắt tôi cũng chẳng còn nhiều thời gian. Tôi dần sẽ mất đi những chỗ dựa vững chắc nhất của mình. Sẽ không còn ai xử lý vấn đề hộ tôi nữa, không còn ai gồng gánh hộ tôi nữa. Tôi phải học cách làm người lớn, phải tự bước đi, tự quyết định, tự chăm lo cho bản thân, và phải nhanh chóng chăm lo cho cả cuộc sống của những người tôi yêu thương. Tôi cũng muốn họ nhìn thấy tôi thành công, tôi cũng muốn họ nhìn thấy tôi trưởng thành. Tôi không muốn sau khi họ rời đi, tôi mới trưởng thành.
Nhanh lên thôi, vì thời gian cũng không còn nhiều nữa...
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất