Chắc mọi người vẫn còn nhớ câu nói rất hot: "Động cơ của anh là gì?", tuy nhiên chúng ta vẫn chỉ coi nó như một trò hài, một chuyện cười là chính, chứ chưa nghĩ về việc ấn nút share của 'cộng đồng mạng' một cách nghiêm túc. Bây giờ thử rũ sạch mọi thứ mang tính lối mòn đi nhé, chúng ta dò lại từ đầu. Vì sao một người lại click Chia sẻ (Share) trên mạng xã hội? Mục đích của họ là gì?


1. Đơn giản là muốn thông tin đó được nhiều người biết hơn!


Cái này là rõ ràng nhất, và cũng là... ngây thơ nhất. Nếu bạn chỉ trả lời thế này, nghĩa là bạn đã bỏ qua hoàn toàn các yếu tố về cá nhân con người bạn, từ nghề nghiệp, tính cách, sở thích đến quan điểm, gu thẩm mỹ, các quan hệ xã hội thậm chí là niềm tin của bạn. Mọi yếu tố này đều tác động đến hành động nhấn Share.



2. Share để thể hiện con người mình (một cách gián tiếp + khách quan)


Đấy mới là nguyên nhân cũng như mục đích của phần lớn người dùng mạng xã hội (mà nhiều khi họ không nhận ra). Hừm thử ngẫm nhé, sẽ rất là nhảm nhí nếu bạn tự đăng status khen bản thân theo kiểu: "Tôi là người chung thủy, tháo vát, và yêu gia đình" (oigioioi quá nhảm nhí ấy!). Nhưng chỉ cần thế này thôi là khác hẳn, một page nào đó đăng bài: "Những người sinh dưới chòm sao X, trong khoảng từ ngày Y đến ngày Z, là những người chung thủy, tháo vát, và yêu gia đình"; thì khi đó bạn chỉ cần share bài đó về wall mình thôi là đã có thể có một miêu tả về bản thân "vô cùng khách quan" rồi.


Cái mình nêu ví dụ ở trên là thuộc dạng rất phổ biến và tuy hơi xàm le, nó cũng chẳng hại tới ai cả :)).


Ví dụ tiếp nhé: Con gái rất thích những câu chuyện tình cảm và những câu chuyện gia đình, đúng không? Thử nhẩm xem đã bao nhiêu lần bạn thấy các bạn nữ trong friends list của mình share bài viết với những nội dung trên và kèm theo caption giảng-đạo-lý rồi? Việc share bài viết nói về những trục trặc tình cảm (mà 90% đều do anh con trai vô tâm mà ra) gần như chắc chắn sẽ có thêm đôi ba dòng caption thể hiện sự đồng tình và bổ sung minh họa... thể hiện khá nhiều điều:

  • thể hiện nữ quyền
  • thể hiện chính nghĩa
  • thể hiện sự lãng mạn/yếu đuối/đanh đá/sâu sắc... của bản thân (tùy vào giọng điệu bài viết gốc và caption của bài chia sẻ)
  • thể hiện mình lo ngại những điều trong bài viết + ám chỉ mình đang gặp vấn đề tương tự
  • tìm kiếm sự đồng cảm + quan tâm
  • dằn mặt người yêu/chồng (nếu đã có)

Một cái nhấn share mà có rất nhiều nguyên nhân + mục đích nhé, không đơn giản chút nào, trong khi ví dụ này vẫn là một ví dụ đơn giản ấy.


3. Share để làm việc, hoặc để công kích/bảo vệ


Cái này, tính mục đích trở nên rất rõ ràng. Share để làm việc mình không nói nhiều, ai học truyền thông hay marketing là quá rõ rồi, mà không cần học thì cũng quá rõ.


Bàn về share để công kích nhé. Bạn không mấy khi thừa nhận mình đang công kích một ai đó, nhưng việc nhấn nút share của bạn lại là sự thừa nhận không cần lời.


VD: Bạn ghét Trung Quốc. Có tin tức nào buộc tội, tố cáo Trung Quốc là bạn share.

Bạn ghét cảnh sát giao thông. Bạn sẽ share những clip người dân vặn vẹo CSGT và những bài viết thể hiện sự phản đối với CSGT.


Có nhiều ví dụ lắm, và một số cái thì phức tạp nói nhiều tốn chữ, nên tớ chỉ nêu lên hai cái điển hình.


Tiếp, share để bảo vệ, cũng có đầy, ví dụ như nếu một thầy giáo nào đó gặp scandal, rất nhiều học sinh yêu quý thầy giáo ấy có thể share bài viết bênh vực và nói rằng: "Thầy ấy không phải kiểu người như vậy, mình đã học thầy suốt X năm và trong quãng thời gian đó thầy luôn abcdef...."


____________


Còn nhiều, rất nhiều nguyên nhân và mục đích sau việc click share. Và đi cùng với nó là những người có thể lợi dụng nút share để trục lợi. Rất nhiều khi bạn nhấn share để bảo vệ một chính nghĩa nào đó, hoặc để công kích một người bạn cho là sản phẩm lỗi của thời đại. Có nghĩa là mục đích của cá nhân bạn có thể tốt. Nhưng có khả năng, nút share của bạn lại giúp một số người triệt hạ đối thủ của họ, lại giúp một số người kiếm bộn tiền, hay phá vỡ danh dự và công sức lao động của những người lương thiện...