Trước hết mình muốn xác nhận đây là quan điểm cá nhân và mình không đại diện cho bất kì ai, nhóm người hoặc trường đại học nào để bàn luận về vấn đề này. Hơn hết mình chỉ muốn thông qua bài viết đầu tiên trên trang cá nhân, có thể chia sẻ đôi điều về những gì mình đã trải qua, đã thấy và đã đánh giá dựa trên tư duy biện chứng và khả năng phân tích của bản thân, mong rằng có thể giúp mọi người hình dung được rõ nét hơn một bức tranh tổng quan mới lạ về những vấn đề tâm lí ít được đề cập của học sinh "giỏi toàn diện" đang và đã phải trải qua, cũng như những lợi ích về tri thức tổng quát mà nó mang lại. Thông qua bài viết này, ngoài những điều mình đã nói ở trên, mình cũng muốn góp phần phá vỡ đi định kiến về những chàng trai kĩ thuật "khô khan", không tâm lí, chỉ biết máy móc và mù thông tin về các kiến thức xã hội, cũng như những định kiến về thế hệ GenZ 10X chỉ biết sống tận hưởng, ăn rồi chơi rồi học, không quan tâm đến tình hình thế giới và các vấn đề về xã hội.
Sơ nét về bản thân
Mình hiện đang là một cậu sinh viên năm ba của một trường kĩ thuật giấu tên trong khối Đại học Quốc gia TPHCM, là đứa con của miền quê sông nước, mặc dù sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ nhưng thực tế nhà lại cách rất xa trung tâm thành phố, do vậy mà điều kiện sống không quá khác biệt với các khu vực vùng sâu vùng xa khác của các tỉnh lân cận, cũng bởi vậy mà điều kiện học tập của bản thân mình từ bé cũng không được quá tốt.
Tại sao mình "chọn" trở thành một học sinh giỏi toàn diện?
Trước khi trả lời câu hỏi ấy, mình muốn kể sơ về tuổi thơ của mình, vì có lẽ nó thật sự rất khác biệt với nhiều bạn khác. Thật sự mà nói, bản thân mình là một người từ bé đã yêu thích sự học, mình rất say mê trong việc tìm kiếm và khám phá những tri thức mới, nhất là ở mảng khoa học và khoa học sự sống. Ba mình có vẻ là người ảnh hưởng đến mình nhiều nhất và hướng mình đến với khoa học đầu tiên, mình thì từ nhỏ đã không đi học mẫu giáo vì hoàn cảnh gia đình, do đó mà phần lớn thời gian là ở nhà với ba và xem những thước phim trên đĩa về lịch sử, khảo cổ, khí tượng và thế giới động vật, mình xem đúng là không thể hiểu hết được, nhưng thấy rất cuốn và đã thực sự nhen nhóm tình yêu với khoa học từ đó.
Có thể bạn không tin nhưng quyển sách đầu tiên mình xin ba mẹ mua cho bằng được từ hồi tiểu học không phải là một quyển học chữ, luyện viết, hay truyện tranh, mà lại là cuốn "Bách Khoa Tri Thức Phổ Thông" trong Fahasa, đến nay nó cũng đã được hơn 10 năm tuổi. Vì vấn đề tài chính mà mình chỉ mua được 1 quyển, suốt khoảng thời gian tiểu học ấy, cứ rảnh là mình vào nhà sách để đọc thêm rất nhiều quyển khác, chủ yếu là những quyển tương tự như trên, trong đó có bộ "10 vạn câu hỏi vì sao" và nhiều bộ khác nữa (mình không nhớ tên).
Hình 1. Quyển <i>"Bách Khoa Tri Thức Phổ Thông"</i> xuất bản năm 2012 hiện vẫn còn trong tủ của mình
Hình 1. Quyển "Bách Khoa Tri Thức Phổ Thông" xuất bản năm 2012 hiện vẫn còn trong tủ của mình
Qua đó có thể thấy, mình chịu sự thu hút mãnh liệt lạ kì từ những kiến thức khoa học từ khi còn rất bé, và chính sự tìm hiểu từ nhỏ nên dần hình thành một cái nền tảng tri thức rải rác lúc nào mình không hay, và đây cũng chính là tiền đề phát triển bản thân mình sau này, đến khi lớn lên và được tiếp xúc từng môn học cụ thể, mình lại càng yêu thích chúng hơn và ra sức học để lĩnh hội những tri thức ấy, từ một người yêu thích mảng tự nhiên, nay lại càng trở nên yêu thích hơn những kiến thức về đời sống, xã hội. Đó cũng là lí do mà chữ "chọn" ở tiêu mục mình để trong ngoặc kép, bởi vì mình thật sự không lựa chọn bản thân để trở thành một học sinh giỏi toàn diện, mà đó chính là kết quả tất yếu xảy ra của cả một quá trình dài nhiều năm của sự ham học hỏi, tìm tòi của bản thân mình, cũng chính vì vậy mà những kiến thức này thường được mình ghi nhớ khá kĩ, chứ không phải là một sản phẩm của việc cố gắng nhồi nhét học hành hay học vẹt mà ra.
Chốt lại theo quan điểm cá nhân của mình, để giỏi toàn diện thật sự là cả một quá trình dài, nhưng cũng không đồng nghĩa với việc những bạn không giống mình sẽ không thể giỏi toàn diện. Thực tế môi trường xung quanh đã chứng minh rõ điều đó, chỉ cần chúng ta cố gắng nghiêm túc học hành từng môn với sự mong cầu tri thức, không xem trọng môn này, bỏ bớt môn kia thì việc trở thành một học sinh giỏi toàn diện là điều chắc chắn.
Một học sinh giỏi toàn diện phải đối mặt những gì?
Như các bạn cũng biết, cái gì cũng có cái lợi và cái hại riêng. Đầu tiên chúng ta đi đến những khuyết điểm đầu tiên của một người giỏi toàn diện hay gặp
Bị áp lực nặng về vấn đề chọn ngành, chọn trường phù hợp
Một phần của vấn đề này là do bạn chưa xác định được thật sự mình thích gì, mình đam mê với cái gì nhất, nếu chỉ đam mê đến sự học hỏi, khám phá cái mới thì nó khá là chung chung và khó để chọn được cái ngành cụ thể cho bản thân mình. Đây có vẻ là lí do chung nhất và thường gặp nhất các các bạn thuộc type học sinh này.
Ngoài ra, sự tự ti về bản thân cũng ảnh hưởng không kém, một cách cụ thể thì những bạn giỏi toàn diện thường không quá giỏi hay giỏi một cách xuất sắc ở một môn nào nhất định, nhưng kì thi THPTQG lại đánh giá điểm xét tuyển ở bài thi tổ hợp theo từng khối. Điều này vô hình trung tạo nên những áp lực không đáng có, các bạn sẽ có xu hướng chọn ở những ngành điểm tầm khá từ 24-26 khi xét điểm Đại học vì sợ mình sẽ không thể thi nổi với một điểm số quá cao do mình từ trước giờ chưa chú tâm 100% vào môn nào. Và đây hoàn toàn là một suy nghĩ sai lệch, chính sự tự ti phát sinh ấy làm cho khá nhiều bạn bị nhục chí và tự đánh giá thấp bản thân mình. Nói một cách đơn giản, không gì là không thể, chỉ cần chúng ta cố gắng học tập thì ranh giới giữa một học sinh giỏi toàn diện, và một học sinh giỏi từng môn, chỉ là một ranh giới vô hình, không có sự khác biệt.
"Peer Pressure" trên môi trường đại học
Không ai khác, chính mình đã trải qua cảm giác này ngay những ngày đầu bước vào giảng đường Đại học, khi xung quanh toàn những bạn học trường chuyên, thành tích ít ít thì cũng giải cấp thành phố, cấp tỉnh, còn thành tích khủng thì hẳn 4-5 bạn đạt giải cấp quốc gia trong cùng lớp với mình về các lĩnh vực liên quan đến ngành mình đăng kí học, trong khi bản thân mình chả có giải gì cả.
Khi ấy mình bắt đầu hoài nghi về bản thân, liệu mình có học nổi trong cái môi trường này hay không? Liệu mình có theo kịp các bạn ấy không? Mình như một tay mơ chính hiệu trong cái lớp ấy, mình còn chả biết cái kiến thức mình sắp học nó khó ra sao thì những bạn này đã được học từ lâu hồi cấp ba trong các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi.
Hình 2. Peer Pressure - áp lực đồng trang lứa. Nguồn: Yanvn
Hình 2. Peer Pressure - áp lực đồng trang lứa. Nguồn: Yanvn
Trạng thái áp lực này đi theo suốt với mình hết khoảng thời gian năm một, tuy nhiên cũng nhờ chính áp lực ấy mà mình đã cố gắng học tập nhiều hơn, rồi dần mình cũng yêu thích hơn rất nhiều ngành của mình. Đến cuối năm một khi mà đã có những con điểm tổng kết đầu tiên, mình mới bắt đầu nhẹ nhõm hẳn, ít nhất bản thân mình không phải là người thấp nhất lớp, thậm chí tiệm cận điểm với vài bạn đã có nền sẵn ở lĩnh vực này, qua đó nó cũng cho ta thấy được rằng việc cố gắng hết mình cho một cái gì đó không phải lúc nào cũng thất bại, chỉ cần chúng ta biến áp lực ấy thành động lực thì không gì là không thể.
Lợi ích của việc trở thành một học sinh giỏi toàn diện
Có lợi thế trong kì thi Đánh giá năng lực của ĐHQG-TPHCM
Sơ nét về kì thi ĐGNL (Đánh giá năng lực), là một kì thi được tổ chức thường niên của Đại học Quốc gia TPHCM, mục đích để tìm kiếm những bạn không chỉ giỏi một vài môn nhất định, mà còn có kiến thức xã hội, thực tiễn và tư duy phân tích. Đề thi có cấu trúc gồm 120 câu hỏi với nhiều môn khác nhau, do đó những bạn giỏi toàn diện mà có kiến thức thực tiễn cùng với tư duy tốt sẽ rất có lợi thế trong kì thi này. Đây cũng là kì thi quan trọng của Đại học Quốc gia TPHCM dùng điểm để xét tuyển vào các trường Đại học, cơ hội vào trường Đại học có thể xem ngang với điểm thi THPTQG, thậm chí là hơn đối với một số trường như ĐH Bách Khoa TPHCM khi trọng số điểm ĐGNL chiếm đến 70%.
Có kiến thức rộng về thực tiễn, xã hội
Hơn hết, những bạn giỏi toàn diện có lợi thế nhất định sau này khi đi làm vì có kiến thức tổng quát khá ổn về hầu hết các vấn đề của xã hội, có khả năng thích ứng nhanh và giải quyết vấn đề tốt nhờ vận dụng được kiến thức rộng của mình. Thực tế thì khi mình tham gia các buổi Webinar hay Workshop, thường được nghe các nhà tuyển dụng nhấn mạnh ngoài khả năng chuyên môn thì những kiến thức khác về xã hội là điều rất cần thiết để giúp bản thân phát triển tốt hơn trong công việc sau này, một trong số đó không thể không kể đến là những môn về ngoại ngữ (nhất là Tiếng Anh), ngoài ra một số công ty cũng yêu cầu thêm bạn phải giỏi ở một số mảng liên quan nhất định như Địa lí chẳng hạn, Địa lí nhân văn thường được ứng dụng trong các nhóm ngành kinh tế, quản trị khá nhiều, còn đối với Địa lí tự nhiên thì các nhóm ngành khoa học và cả kĩ thuật cũng có mối quan hệ rất gần gũi.
Bên cạnh đó, việc có kiến thức đa dạng về nhiều lĩnh vực ấy còn có thể giúp chúng ta kết nối tốt hơn với nhiều người xung quanh, nhất là với những người có chung quan điểm, sở thích với mình, nó giúp ta có thêm rất nhiều mối quan hệ tốt sau này, giúp đỡ nhau trong công việc cũng trở nên dễ dàng hơn.
Có nên trở thành một học sinh giỏi toàn diện?
Tựu trung lại, vấn đề trở thành một học sinh giỏi toàn diện hay không thật sự không còn quan trọng vì cả hai đều có những ưu nhược điểm riêng của mình. Không còn có "nên" hay "không nên" nữa, điều quan trọng nhất ở bản thân bạn là phải biết mình cần làm gì, cần đạt gì và cần những gì để phát triển thêm cái mục tiêu của mình hướng tới, đó mới chính là cái thật sự bạn "nên" làm và "nên" đạt được. Vì chỉ cần bạn cố gắng hết mình, thì dù bạn có là một người giỏi toàn diện, hay giỏi chuyên môn, thì cái đích đến cuối cùng của bạn chắc chắn phải là một người vừa giỏi chuyên môn mà vừa toàn diện, mình tin chắc đây chính là mục tiêu lí tưởng nhất mà chúng ta nên đặt ra và cố gắng đạt được.
Đây hoàn toàn là bài viết cá nhân của mình, dựa trên quan điểm cá nhân nên khó tránh có ý kiến trái chiều và những sai sót nhất định, đồng thời cũng không có những số liệu dẫn chứng cụ thể cho các luận điểm, hoàn toàn từ trải nghiệm của bản thân nên nội dung bài chỉ có tính chất tham khảo, không có tính học thuật cao. Mình có trích dẫn 2 nguồn cũng là 2 link trong bài viết. Vì cũng là bài viết đầu nên mong mọi người đón nhận một cách tích cực và để lại nhận xét để mình có thể phát triển tốt hơn ở những bài sau.