Là một sinh viên năm cuối, chắc hẳn nhiều bạn giống như mình ngày trước đang đứng trước giữa ngã rẽ quan trọng của cuộc đời: TỐT NGHIỆP. Hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng mình cần một công việc để nuôi sống bản thân. Điều đó đôi khi sẽ khiến chúng rơi vào tình huống phải cân nhắc việc chấp nhận một công việc không thực sự vừa ý - một công việc không đúng đam mê, không hoàn hảo như những gì mong đợi.
Ngày trước, mình không thực sự hứng thú với những công việc liên quan đến truyền thông, sự kiện. Nó cũng không phải là chuyên ngành của mình ở trường đại học. Nhưng một công ty truyền thông lại chấp nhận CV của mình và thực sự đưa mình đến với lĩnh vực này. 
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chúng ta có nên gật đầu nhận lời những công việc mình chưa hứng thú hay bỏ qua để chờ đợi cơ hội khác tốt hơn?

Hãy sống thực tế hơn

Là sinh viên vừa mới ra trường, bạn sẽ ôm trong mình vô vàn những nỗi sợ. Bạn sợ bị người khác đánh giá, sợ mất mặt với bạn bè, sợ lương không cao,….Và điều bạn hối tiếc nhất có lẽ là những nỗ lực miệt mài bạn đã bỏ ra, những tháng ngày “mài quần” trên giảng đường đại học, để rồi đổi lấy một công việc không như ý. Như mình ngày trước, cầm tấm bằng đại học ra trường vẫn ôm mộng đầu quân cho một công ty xuất nhập khẩu có tiếng để bõ công bốn năm đại học.
Nhưng đây không phải là lúc bạn dùng cảm xúc của mình để nhìn nhận mọi việc.
Bạn phải chắc rằng bạn hiểu và định vị đúng bản thân. Luôn tự đặt ra những câu hỏi cho mình:
Bạn là ai? Bạn đang có gì? Điều gì bạn thực sự cần nhất?
Đôi khi, bạn sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài nắm bắt mọi cơ hội và dần biến chúng thành của mình. Trừ khi thật sự không thể chấp nhận được hay không thể làm được công việc đó, còn không, bạn hãy thử khiến công việc phù hợp với mình xem sao. Chẳng có gì mới bắt đầu mà đã tốt đẹp cả. Tình yêu nào cũng là một quá trình xây đắp âm thầm, bền bỉ và đòi hỏi sự gắn bó theo năm tháng. Nếu bất cứ việc gì bạn cũng làm với 100% sức lực mà mình có, tình yêu của bạn với công việc sẽ đến từ lúc nào không hay.

Nghĩ tích cực hơn

Dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, có một số việc dù ta không thật sự yêu thích nhưng lại tốt ta về sau. Những việc ta làm ngày hôm nay, có vẻ như chẳng giá trị gì,  nhưng sau này ngẫm lại ta mới thấy được hết ý nghĩa của chúng. Bản thân mình, thời gian làm ở công ty này chưa thực sự dài nhưng mình cảm thấy khá hài lòng. Và đến bây giờ, mình thấy một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời là chấp nhận công việc ấy và sẵn sàng thử sức với nó.
 Sự thật là, ngay cả khi bạn được làm công việc yêu thích thì cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Vì vậy, thay vì cứ mãi đắn đo, để mình cứ mãi thất nghiệp, tại sao bạn không nhìn lại những điểm tốt trong công việc và suy nghĩ mọi thứ tích cực hơn. Đó có thể không phải là công việc đúng chuyên môn, không thuộc sở trường của bạn nhưng bù lại bạn sẽ có đồng nghiệp tốt để học hỏi, cấp trên tốt để noi theo.
Bạn cũng thấy đấy, Steve Jobs cũng đã trải qua một lớp học thư pháp khi còn ở Reed College để rồi sau này áp dụng và thiết kế ra siêu phẩm Apple làm nên tên tuổi của ông trên thế giới.
Cuộc đời vốn là một hành trình dài mà bạn chỉ có thể nhìn thấu được ý nghĩa khi đi đến hết. Hãy cứ bước thôi !

Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn

Bất kỳ ai cũng mong muốn tìm được cho mình một môi trường làm việc tốt, được làm những gì mình đam mê. Nhưng đối với đa số chúng ta, việc đó chưa bao giờ là dễ dàng cả. Để tìm được công việc phù hợp, bạn sẽ phải trải qua nhiều công việc khác nhau, trong đó sẽ có những công việc mà bạn không thực sự yêu thích. Ai bảo làm truyền thông thì sẽ giống như các biên tập viên nổi tiếng suốt ngày ở trên sóng truyền hình? Ai bảo dân sự kiện thì luôn "vớ" được những event "ngon nghẻ" ngay từ lần đầu?
Lời khuyên cho bạn là hãy chấp nhận và xem chúng như bước đệm trên hành trình khám phá bản thân. Một công việc mang lại giá trị là khi nó khiến bạn trưởng thành và giúp bạn hoàn thiện mình hơn bạn của ngày trước. Bởi vậy, dù là khi làm công việc mình không yêu, hãy cứ cố gắng mở lòng mình ra để đón nhận tất cả những gì bạn có thể, kiên nhẫn chờ đợi và tìm kiếm cơ hội tỏa sáng.
Giống như khi muốn đi phượt, bạn phải có xe. Muốn theo đuổi đam mê, bạn phải có tiền, có bạn bè, có sức lực để phấn đấu. Và khi ấy một công việc tạm thời không mấy yêu thích có thể sẽ là sự hỗ trợ tốt cho bạn trên con đường sự nghiệp của mình. Mình tin rằng không có trải nghiệm mới nào không mang lại một điều gì đó thú vị cho riêng bạn.
Xem thêm các bài viết chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên và người đi làm tại https://hocgilamgi.com/