Sau bao lần trì hoãn, hôm nay mình sẽ ở đây để trả lời một câu hỏi luôn nằm trong danh sách chờ để lên bài của mình, đó chính là: Ta có nên lôi quá khứ để đánh giá một người ở hiện tại?

Quá khứ có liên kết như thế nào đến hiện tại?

Đã là con người, ai mà chẳng có quá khứ. Trong dòng chảy thời gian, ai cũng phải trải qua những thời khắc khác nhau để tạo nên bản thân của ngày hôm nay, dù nó tốt hay xấu.
Trước khi đi sâu hơn về quá khứ, mình nghĩ ta nên phân chia rạch ròi giữa quá khứ chủ động quá khứ bị động (nếu bạn thấy hai khái niệm trên hơi lạ thì đúng rồi đấy, mình mới bịa ra mà). Vậy ý mình quá khứ chủ động và bị động ở đây là gì?

Quá khứ chủ động

Quá khứ chủ động ở đây theo mình tự định nghĩa đó là khi những việc diễn ra trong quá khứ được thực hiện bởi chính bạn mà không bị tác động bởi ai hết. Ví dụ: Trong quá khứ, bạn thích chửi bậy, đó là quá khứ chủ động, vì không ai ép buộc bạn chửi bậy hết, bạn làm nó vì nó khiến bạn thấy ngầu hoặc khiến bạn thấy mình đầu gấu hơn (tác giả khá nhột khi viết tới đây).

Quá khứ bị động

Trái ngược với điều trên, quá khứ bị động theo mình định nghĩa đó là những sự việc mà bản thân bạn không thể kiểm soát trong khoảng thời gian đã qua. Ví dụ: Bạn bị trùm trường bắt nạt và phải làm đầy tớ cho đến khi tốt nghiệp. Hành động trên không phải do bạn tự nguyện, mà bị dùng vũ lực hoặc ngôn từ đe dọa, nên mình mới gọi nó là quá khứ bị động.

Vì sao phải phân chia giữa quá khứ chủ động và quá khứ bị động?

Sau khi đọc xong khái niệm chắc bạn cũng đã có câu trả lời cho riêng mình. Vốn quá khứ bị động bạn không thể kiểm soát, nên dù nó có tồi tệ và đáng xấu hổ cỡ nào, nó cũng không nên bị lôi ra để phán xét. Đa phần quá khứ bị động sẽ gắn liền với tiêu cực nhiều hơn là tích cực, vì vốn bạn không thể vui vẻ hay hạnh phúc nếu không chủ động đón nhận nó. Do đó, phần tiếp theo của bài viết ta sẽ đi sâu hơn vào quá khứ chủ động, thứ thực sự ảnh hưởng tới cuộc đời của một người.

Mức độ

Dù là chuyện gì, ta cũng đều có những mức độ nhất định. Theo nhận định của mỗi người, nó có thể đi từ tốt đến xấu, chấp nhận được hoặc không chấp nhận được. Dưới đây sẽ là bảng xếp hạng của mình.

1. Tốt

Đây sẽ là mức độ tới thượng, và tuyệt vời nhất bạn có thể đạt được trong quá khứ. Những việc tốt và có giá trị bạn từng làm sẽ giúp bạn có thêm nhiều cơ hội cũng như sự tôn trọng ở hiện tại lẫn tương lai. Đây cũng sẽ là động lực để giúp bạn sống tốt hơn mỗi ngày, vì những giá trị bạn đã tạo ra sẽ còn mãi với thời gian lẫn trong tâm trí bạn.

2. Chấp nhận được

Như tên gọi, đây là một quá khứ mà bạn lẫn xã hội có thể chấp nhận được. Nó có thể đan xen giữa những điều tốt lẫn sai lầm. Tuy vậy, khái niệm "chấp nhận được" của một người là khác nhau. Lấy một ví dụ điển hình nhất là bắt nạt nói chung cũng như bắt nạt học đường nói riêng. Nếu việc bắt nạt không ảnh hưởng và để lại sự tổn thương về thể chất hoặc tâm lý cho nạn nhân, quá khứ chỉ khép lại như thế, lúc đó, cả hai bên có thể hòa giải theo nhiều cách, rồi nhìn tới tương lai và sống tiếp.
Nhưng nếu nó ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến nạn nhân, xa hơn là mạng sống của họ. Lúc này, mức độ nghiêm trọng đã tăng lên, sự trả giá cũng sẽ phải cao hơn. Tuy vậy, nếu chỉ tính riêng bắt nạt học đường, đa số hung thủ sẽ khó bị kết tội nặng vì sự việc diễn ra trong khoảng thời gian mà người phạm tội chưa đủ tuổi vị thành niên. Kèm theo đó, sẽ rất ít bằng chứng để khẳng định nguyên nhân tự tử của nạn nhân đến từ việc bị bắt nạt nếu nạn nhân không để lại thư tuyệt mệnh hay thứ gì đó tương tự. Sự chấp nhận được ở đây sẽ đến phần nhiều từ hung thủ cũng như gia đình nạn nhân. Nếu hung thủ tỏ ra hối lỗi, không để xảy ra sự việc tương tự trong tương lai, bồi thường hay xa hơn là hy sinh một đời để sửa chữa lỗi lầm, thì gia đình nạn nhân có quyền tha thứ, và hung thủ cũng có thêm một cơ hội nữa để sống và hoàn lương.
Hoàn cảnh trên có vẻ hơi tiêu cực quá, nên mình sẽ lấy ví dụ gần gũi hơn đó là những thứ bạn đã thực hiện và công khai trên các trang mạng xã hội. Ví dụ: bạn đã từng dùng n-word trên mạng xã hội, nhưng khi lớn lên, bạn biết lỗi sai của mình ở đâu, và bạn không dùng nó nữa, cũng như tôn trọng cộng đồng người da đen, đây là điều có thể chấp nhận được.

3. Không thể chấp nhận được

Đây là mức độ giá trị tồi tệ nhất mà bạn có thể tạo ra trong quá khứ. Để liệt kê thì ta có những việc như giết người và tấn công tình dục. Hai ví dụ trên cũng có những mức độ của riêng nó, nhưng đều có điểm chung là ảnh hưởng trực tiếp tới người khác một cách trầm trọng. Nó vi phạm tới đạo đức của một con người, nên đa phần hung thủ sẽ phải trả giá rất đắt, vì họ xứng đáng.

Vậy ta có nên lôi quá khứ của một người để đánh giá họ ở hiện tại?

Ngồi nghĩ nát óc thì câu trả lời mà mình thấy hợp lý nhất vẫn là tùy bạn. Đừng vội nghĩ đây là một câu trả lời huề vốn và đương nhiên, vì quá khứ của ai đó có trực tiếp ảnh hưởng đến bạn hay không quyết định phần nhiều cách bạn đánh giá họ.
Như ở đầu bài, quá khứ tạo ra ta của hiện tại, đồng nghĩa với việc ta học từ nó. Đánh giá vốn là bản năng của con người (dù vậy, nếu kiềm chế được thì vẫn nên kiềm chế nhé), cộng thêm những câu dạy của các cụ như: "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời" càng khiến việc bạn bị chỉ trích vì những chuyện cũ chẳng có gì lạ. Tuy vậy, nếu là mình, mình sẽ chọn cách nhìn vào người khác ở hiện tại, và đánh giá họ. Vì sao ư, vì chẳng ai có thể thay đổi quá khứ. Dù có bao nhiêu sai lầm, nhưng nếu họ vẫn đang đứng trước mặt bạn, chứng tỏ họ vẫn đang sống. Chính cách sống của họ ở thời điểm bây giờ mới nói lên họ là ai, và nếu như họ không làm hại bạn hay điều gì đó tương tự, họ có quyền được sống một cách đúng nghĩa.

KẾT:

Mình và bạn đều không biết ngày mai sẽ ra sao, cũng như chúng ta không có cỗ máy thời gian để quay về quá khứ rồi thay đổi nó, nên việc duy nhất có thể làm đó là sống tốt nhất ở hiện tại, vì hiện tại chính là một quà mà. Bài viết này rồi cũng sẽ chìm vào quá khứ, nó có thể còn nhiều khuyết điểm, nhưng nó đã ở đây, và chứng minh cho việc mình đang sống, cũng như đang cố gắng tạo ra giá trị. Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!
Nếu sai lầm trong quá khứ là một cục nợ, cách duy nhất trả nợ là tha thứ