Hôm nay, tôi buồn.
Một ngày nắng đẹp, trời trong xanh, nắng hiền hòa, cất bước chân dạo con phố cùng tôi khôn lớn. Vậy mà tôi buồn.
Vì rằng, có một người nói với tôi, là tại sao tôi có thể tồn tại được trên cõi đời này từng đấy năm.
Con phố thân quen, quá sức tuyệt vời. Đây, là một tiệm tạp hóa chuyên giới thiệu sản phẩm, đối diện ngõ tôi, là cửa hàng may đo, bên cạnh, là cửa hàng vàng. Xa xa, lại là hàng đóng giày. Đi xa hơn vài bước chân, là một chuỗi hàng ăn đủ món, và một chợ truyền thống...
Tôi không hiểu được giá trị của thương hiệu
Hồi bé, tôi đã từng bị đuổi khỏi nhà, vì dám lột sạch tem trên con xe wave của bố. Đối với tôi, những cái tem đấy thật xấu xí, nó chứng minh rằng cái xe thuộc về một người khác, không phải của tôi, những cái tên, logo trên đó cho thấy rằng cái xe đấy thuộc về một ai đấy, không phải là tôi, và rằng bất kỳ ai, cũng có một chiếc xe y hệt như thế. 
Thương hiệu là để nhận diện. Đúng. Nhưng với tôi, thương hiệu thật là xấu xí, nó giống như thể tôi đang là một tấm biển quảng cáo di động cho một thứ mà tôi đã phải trả tiền cho nó? Kỳ quặc đến mức không thể chấp nhận.
Tôi không thể chịu được, khi trên một tấm áo, một cái giày có nhãn mác. Việc sở hữu một đôi giày có họa tiết, ví dụ như ba que, chiếc lá, dấu check, khiến tôi cảm thấy bản thân mình bị bẩn.
Có thể nói tôi là thằng lập dị, khi thích những thứ dành cho riêng mình chăng?
Khi lớn lên rồi, mua nhà, tôi lại thấy những ngôi nhà biệt thự hàng chục tỉ, xây một cách y hệt nhau, còn tệ hơn trò lego của trẻ. Đi trong đó, như là đi trong mê cung lặp lại của bộ phim kinh dị Vivarium. Tôi không hiểu, tại sao có người sẵn sàng ở trong đó? Khi ngôi nhà là thứ dễ dàng tùy biến nhất, đặc biệt là khi người ta có tiền?
Nhiều khi, các dịch vụ xưa bị hiểu sai đi nhiều. 
Nhiều khi, mọi người nghĩ rằng hàng may đo sẽ đắt hơn hàng công nghiệp, vì nó thiết kế cho cá nhân. Vì suy nghĩ này, nên nhiều người đã lợi dụng, dẩy giá lên tận trời xanh, khiến cho số đông cảm thấy, may đo là một thứ xa xỉ, và không  hợp với bản thân mình.
Anh sinh viên mới ra trường, chọn một cái áo sơ mi, giá 500k để đi phỏng vấn, người anh hơi dị, áo không vừa lắm. Nhưng mà chịu vậy, biết làm sao? May đo thì làm gì có tiền? Đối với anh, may đo chưa bao giờ là một sự lựa chọn.
Anh sinh viên ra trường, lên làm sếp, cần một bộ vest, thôi thì đi may đo vậy. 8 triệu bộ vest hai mảnh. Thôi cũng được thôi, suit mà, đành vậy. Tiện đo luôn cái áo sơ mi, 1200k. Cũng ổn thôi, hàng may đo mà. "Có lẽ vậy, hàng may đo là dành cho những người có tiền như mình, chứ hồi xưa thì ..."
Kỳ thực, giá bạn may đo một chiếc áo, lại rẻ hơn việc bạn ra ngoài cửa hàng để mua. Cùng một mức giá, chất lượng may đo sẽ cao hơn một chút.
Kỳ thực, giá của đôi giày mà tôi tự hào là được làm chỉ cho riêng mình tôi lại rẻ hơn rất nhiều so với một đôi giày các bạn mua ở tiệm, dù là hàng nào, và đặc biệt, là chất lượng lại cao hơn. Nhưng, các bạn lại cảm thấy đốc tơ mác tưn tốt hơn thật là nhiều ...
Có lẽ, là do người ta ngại đợi 3 ngày, hẳn 3 ngày, để lấy đồ cho mình. Nhưng 3 ngày đấy đổi lấy sự vừa vặn, thoải mái, tùy chọn và yêu cầu của riêng ta. Chẳng lẽ không đáng?
Tại sao, không biết đến đồ Abibas, Neik hay hàng loạt các thương hiệu khác, lại không sống ổn?
Trong khi, cuộc sống của tôi, vốn dĩ không cần thương hiệu?
Hay là do tôi đang bị kẹt lại ở tư duy của những người 20 năm trước?
Thật buồn.