Cô này thì xả tóc
Chẳng là người thơ cho thấy được những vần thơ, chẳng cần là người nhạc để nghe được những giai điệu du dương, những giai điệu ngọt ngào, những giai điệu tấp nập và tươi vui của cái mùa hè nơi xóm nhỏ. Hàng hàng cây lúa vừa gặt thẳng tắp chưa kịp để cho người ta mang đi, tiếng xe công nông, máy giặt, xe tải, tiếng gọi nhau ý ới của con người ta, tiếng trâu bò - thời này người ta thi thoảng vẫn dùng trâu bò để chở lúa...
Rồi tiếp đến là cái hương thơm ngào ngạt của lúa vừa cắt. Không biết là hương của hạt lúa, hay cây lúa, hay hương của đất, của trời, hay hương của tất cả những thứ trên hòa nhau lại. Không ai biết mà cũng chẳng kẻ nào để ý. Vì cái hương quá đỗi quen thuộc rồi. Những ai đã sống ngót ba mươi năm, thì cũng đã hơn chín mươi lần ngửi qua cái làn hương đó. Ấy tôi nói những kẻ sống ở làng này, những kẻ sinh ra rồi chết đi trên những mảnh đất vuông vức này, những kẻ chả thiết đi đâu hết, quen với con đường dài thăm thẳm hai bên là ruộng lúa bạt ngàn, những gò, đồi nho nhỏ với hai, ba cây bạch đàn và lộng gió vào mỗi buổi trưa hè này. Trong cái chốn chỉ quanh đi quẩn lại trong tầm mắt, người ta đi đâu cũng thấy cái bóng dáng của mình: nơi này tôi năm tuổi thường bắn bi, kia là mình năm mười ba trốn mẹ đi chơi với đám nhóc, gốc cây này này, ngọn đồi đằng xa kia, cái miễu nho nhỏ ấy,... Bất cứ nơi nào cũng từng in dấu chân ta, khiến ta cứ tưởng chừng chúng nó là của ta và được hai vòng tay ta ôm trọn. Tất cả những điều ấy lại càng làm cho con người thêm yêu quê mình da diết - vì con người yêu những gì thuộc về mình, một cách chân thành nhất.
Còn cái hương lúa, tôi nghĩ người ta yêu nó hay chăng cũng bởi vì đó là cái quà tặng của quê hương mình. Chứ cái mùi đó hăng hăng, ran rát, lẫn nào những bụi, những cát, những cái gì đó nhỏ li ti mà khi dính vào da, vào mặt thì rát bỏng. Người ta yêu hương lúa như người mẹ yêu đứa con của mình, dù nó có bất toàn, dù nó ngỗ nghịch, thì con mình vẫn là con mình đấy thôi...
Gió, gió lộng, gió thôi tan tác những đống rơm, gió lùa qua những cánh đồng, gió bay vun vút trên ngọn tre xanh rì cuối cùng còn xót lại. Gió vun vút băng qua con đường trải bê tông trắng xám...
Cái thú thưởng hương quê thôi thấy đã ngán ngần, thì ta cùng mình lại cùng nhau đi chơi gió. Hè là gì khi vắng đi tiếng gió, gió sẽ đến đâu nếu chẳng có ngày hè. Ngược gió, bác ve chai khổ sở nhích từng chút, từng chút cái xe thồ đã cũ, trông bác mệt lả; ngược gió, cái xe tải lướt qua vun vút, bỏ mặc bác ve chai lại xa tít đằng sau; ngược gió, tà áo mấy cô em khẽ bay, lộ ra chiếc eo thon nom rất thích, mấy cô em cột tóc đuôi gà, cái đuôi cứ đung đưa, như muốn trêu ghẹo anh chàng nào đó...

Cô kia cột tóc đuôi gà

Nắm đuôi cô lại, hỏi nhà cô đâu,

Nhà tôi ở dưới đám dâu

Bên cạnh đám mía, đầu cầu ngó qua.


Nhưng mà thời nay ít có cô bé nào cột tóc đuôi gà nhỉ ?
Còn gì tuyệt vời bằng gió mát đung đưa chiếc võng ngô đồng, chiếc võng mắc toòng ten giữa hai cái cây nhỏ nhỏ, phía dưới là nước còn phía trên là cành lá xanh xì. Nằm ở một nơi như thế khác nào lạc đến cảnh tiên, những ngày rong chơi, tôi cứ tưởng mình là thượng đế.  
Nếu thêm chút gì đó để kể về ngày hè, tôi sẽ ngợi ca các bà, các mẹ, các chị, trai tráng trong làng, đàn ông và đàn bà nữa...
Mùa gặt sẽ thật nên thơ nếu trời không trở chứng. Trời mùa hè như tâm trạng con gái mới lớn, mới nắng ấy, đã mưa này, mà không phải kiểu nắng mưa thất thường thôi đâu nhớ, mà là kiểu như trời vừa nắng chang chang vậy đấy, bỗng mâu đen sấm chớp nổi lên đùng đùng, rồi lại nắng, rồi lại nhỏ vài giọt mưa lâm râm, tiếp theo đó thì tràng gian đại hải bao nhiêu là nước trên trời đổ xuống. Khổ thế đấy, mà mỗi ngày lại dăm ba bận, khiến cho người ta đua nhau mà chạy,  có hẳn một cái danh từ mỹ miều cho công cuộc này: "chạy lúa".
Mùa gặt là mùa cộng đồng, là mùa mà các ông bà hàng xóm chả còn thời gian để đá xoáy nhau, thay vào đó là nói xấu ông trời, và... chạy lúa. Bà Năm, ông Bảy, cô Mậu, bác Thìn, anh Chí, thím Dậu, bác Hạc chia nhau mà khiên, vác, hốt, đẩy, che, quét lúa. Nhờ thế mà tình làng nghĩa xóm tăng lên bội phần vậy. 
Đấy, cái khung cảnh làng quê là thế đấy, không ở đâu xưa lắc xưa lơ, ngay tận bây giờ, trong hơi thở của ai đó vẫn còn đượm mùi phèn, mùi lúa, trên mái đầu của ai đó vẫn còn phấp phới ngọn gió đồng, văng vẳng bên tai của ai kia vẫn là tiếng nước chảy, tiếng bò kêu, tiếng chó sủa vang vang, tiếng lưỡi cày in trên đất...
Và bài viết này chẳng liên quan gì đến cô gái nào có mái tóc đuôi gà nào cả.

29/03/2018
Chào em mùa hạ nắng xanh trời,


Photo by Noémi Macavei-Katócz on Unspash