Có hợp lí nếu bạn bỏ về khi một ông sếp lớn bắt bạn đợi 20’ cho một cuộc họp 30’ mà không một lí do?
Bạn mình, Ethan, hôm nay vừa làm một việc mà mình đã rất muốn làm cho bản thân từ rất lâu, đó là bỏ về khi gặp phải một ông sếp trễ...
Bạn mình, Ethan, hôm nay vừa làm một việc mà mình đã rất muốn làm cho bản thân từ rất lâu, đó là bỏ về khi gặp phải một ông sếp trễ hẹn. Ethan là một chuyên gia tư vấn chiến lược quản trị, hôm qua Ethan có hẹn với một CEO của một tập đoàn thực phẩm ở Đan Mạch, Cuộc hẹn 2h chiều của Ethan đã được xác nhận từ 2 ngày trước đó.
13:50 – Ethan đến nơi và báo với tiếp tân để ông CEO biết rằng Ethan sẽ vui vẻ đợi tới 14h.
14:10 – Ethan vẫn vui vẻ
14:15 – “Lão này có biết mình đang đợi không ta?” Ethan tự hỏi và được xác nhận “ông í có biết” từ cô tiếp tân- “Có” đến 2 lần!
14:20 – Ethan quyết định không lăn tăn với ông CEO nữa mà tạm biệt luôn em tiếp tân!
Bữa tối hôm đó, cả bọn mình đều thống nhất Ethan đã làm đúng và không có gì phải xấu hổ cả. Và cả vị CEO có vẻ cũng đồng tình vì ngay tối đó Ethan đã nhận được mail xin lỗi và hẹn một buổi họp khác, lần này sẽ là 1 tiếng. Nhưng bọn mình cũng nhấn mạnh là “Đúng giờ” là điều hiếm thấy trong thế giới kinh doanh hỗn loạn hiện nay. Các vấn đề phát sinh xảy ra quá thường xuyên khiến cho việc giữ đúng kế hoạch gần như bất khả thi, kể cả với những môi trường tuân thủ giờ giấc như Đức và Bắc Âu. Khi mình nghĩ nhiều hơn về điều này: Tiêu chuẩn nào để mình quyết định nên cắn răng đợi hay kiêu hãnh bỏ về? Mình lại có một ý khác: việc bỏ về hay không, đầu tiên, nó phụ thuộc vào việc bạn sắp gặp ai.
Thủ tướng Đức Merkel và thủ tướng Nhật Abe là hai trong số rất nhiều tên tuổi bị Tổng thống Nga Putin cho…leo cây nhiều nhất, Merkel từng đợi Putin 4 tiếng đồng hồ và con số này với Abe là 3 tiếng! Nếu bạn từng có một ông sếp người Đức, bạn sẽ hiểu trễ 1 phút có thể thay đổi sự nghiệp bạn ra sao. Mình thậm chí không dám tưởng tượng hậu quả nếu mình để Merkel và Abe phải đợi mình! Mình tin Merkel và Abe cũng biết vị trí của họ là gì, nhưng ở trường hợp của họ với Putin – họ có rất ít lựa chọn và bỏ về chắc chắn là lựa chọn tồi nhất. Nếu sếp cũ của mình ở FrieslandCampina có đọc được bài này, ảnh chắc chắn biết ảnh luôn có thể bắt mình đợi hơn 20’ bất cứ khi nào, miễn lúc đó mình vẫn chưa muốn nghỉ việc. Đối với mình mọi chuyện sẽ khác nếu đó là một cuộc họp 1-1, chẳng hạn như phỏng vấn. Tuy nhiên, việc bị bắt đợi quá lâu mà không được báo trước với mình cũng là dấu hiệu thiếu tôn trọng và là một nơi mình nên tránh xa.
Suy nghĩ này dẫn mình tới yếu tố thứ hai, và tối thượng cho quyết định có bỏ về đó là: cảm giác thỏa mãn khi lòng tự trọng của mình được bảo vệ, nói cách khác, cảm giác này nó có đủ lớn để lấn át thiệt hại từ việc bỏ về của mình hay không. Mình nhận ra điều này trong một lần cùng sếp đi chốt hợp đồng.
Số là sếp của mình nhận được một lời mời tới dạy cho một trường đào tạo quản lí. Sau khi mọi vấn đề về lương thưởng đã thảo luận xong, sếp rủ mình theo tới buổi họp để thống nhất giờ giấc. Sếp và mình được cho ngồi chờ trong một phòng kính và có thể thấy ông hiệu trưởng ở phòng đối diện. Đã hơn 20’ quá giờ hẹn vẫn chưa thấy ông hiệu trưởng có dấu hiệu gì là muốn gặp sếp mình, thêm 5’ nữa thì một em sinh viên thực tập với 1-tuần kinh nghiệm làm việc bước vào và nói rằng em ấy sẽ thay mặt hiệu trưởng duyệt các câu hỏi cho sếp mình. Mình có thể thấy mặt sếp mình đỏ bừng và tông giọng cao hẳn: “Em có hiểu rằng 30’ làm việc của anh có thể tốn công ty em bao nhiêu tiền không?” – mình nghĩ giọng sếp mình lúc đó đủ lớn để ông hiệu trưởng ngồi cách 2 lớp kính bên kia phòng vẫn có thể nghe được. Sau này mình có hỏi lại sếp mình có tiếc khi lỡ một cơ hội tốt vậy không, “Tất nhiên, anh đã có thể làm khác, nhưng nghĩ lại cảm giác được dằn mặt vẫn tuyệt vời hơn so với khi so với mất cái hợp đồng!”
Còn với mình vào thời điểm 10 năm trước, khi vẫn đang cặm cụi góp nhặt 8tr tiền lương mỗi tháng? - Mình nghĩ mình có thể đợi thêm cả tiếng nữa cũng được.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất