Thời đại hiện nay, thời đại của phản vật chất, hạ nguyên tử, lỗ đen, lỗ trắng ... và muôn vàn những kiến thức tân kỳ mới lạ, ai ai cũng thích tống cựu nghênh tân, thì những kẻ hay nhìn về quá khứ thường bị đánh giá là lập dị, thủ cựu, không hợp thời.
Cả thế gian đang điên cuồng lao về tương lai với một động lực càng ngày càng lớn, mấy ai có thời gian để quay lưng nhìn con đường mà các cổ nhân đi trước đã hao tâm tốn lực đạp bằng cho hậu thế dễ đi.
Chữ "Đạo"
Phong hoá suy đồi chẳng phải chỉ trong một sớm tối, tình đời nguội lạnh cũng chẳng  vì mỗi một bữa không gặp nhau... 
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá với tốc độ tên lửa, đủ để xói mòn mọi giá trị cổ xưa, những giá trị nhân văn là nền tảng nhận thức của nhiều thế hệ người Việt trong quá khứ, trong đó có không ít những cá nhân mà phẩm chất đã đạt đến "Sinh vi tướng, tử vi thần".
Những người tâm huyết với vận mệnh văn hóa của cộng đồng hẳn không khỏi nóng lòng sốt ruột muốn làm một chuyện gì đó nhằm níu giữ những tinh hoa vốn cũ đã từng góp phần làm nên hồn cốt của dân tộc suốt cả nghìn năm. Cổ học tinh hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890 - 1942) và Tử An Trần Lê Nhân (1887 - 1975) là một cố gắng đầy hy vọng như thế.
Tam giáo: Phật - Lão - Nho (Mặc dù Phật giáo không được đề cập trong cuốn sách này, tôi vẫn chọn ảnh này vì tôi thích sự cân bằng).
Hai tôn giáo lớn vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc của Trung Quốc là Nho giáoLão giáo là nền tảng tư tưởng chính cho cả cuốn sách. Đừng vội bài xích vì văn hoá Trung Quốc sau hơn 5000 năm phát triển, đã trở thành 1 con rồng thực sự. Với 1 quốc gia láng giếng như Việt Nam, chịu sự ảnh hưởng của nhiều năm giao thương, học hỏi, đồng hoá lẫn nhau, con rồng của phương Đông này là sự kết hợp cân bằng của duy vật và duy tâm, rất dễ tiếp cận, dễ hấp thụ hơn nhiều thứ triết lý nặng tính logic và bản thể luận của phương Tây (về phần hình ảnh, tôi thấy con rồng phương Tây nhìn như 1 con thằn lằn bụng phệ có cánh!!!)
Nay ta thấy Lão Tử như con rồng!
Khổng Tử
Điều tạo nên sự hấp dẫn ở cuốn sách chính là tính hệ thống của các câu chuyện, lối hành văn mang đậm dấu ấn của văn chương quốc ngữ đầu thế kỉ XX, sơ khai mộc mạc mà vẫn giữ trong đó sự nhịp nhàng, uyển chuyển của văn học nhà nho, do chính những “người trong cuộc” viết ra và chia sẻ.
Câu chuyện tôi thích nhất trong cuốn sách là "Mặc Tử làm việc nghĩa"
Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không? 
- Mặc Tử nói: "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!" 
Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình còn đứng vững được thì càng nên cho là quý và phát huy lập trường của bản thân, cớ sao phải chịu nghiêng theo những điều không phải.
Đứng giữa hiện tại, nhìn về tương lai, ắt sẽ còn thấy nhân loại có nhiều sự sáng tạo, khám phá và phát minh đến mức thần kỳ, nhưng hãy luôn lưu giữ trong tâm hồn một mảnh vườn nhỏ của những giá trị cũ, của "Cổ học Tinh hoa" để những lúc quá mỏi mệt vì chạy đua cùng mọi người, quay về nghỉ chân, làm mát lại tâm hồn, ươm mầm thêm cho những chính kiến, để bản thân vững vàng hơn trong con đường tìm Đạo...
Hiếu Minh
27/09/2019.