(Bài dịch nguyên văn, có thể hiện sự ủng hộ của người dịch với quan điểm trong bài. Mấy bạn BBC và VOA nên học theo lối này và bỏ cái thói không "không phản ánh quan điểm của tòa soạn" đi cho lành).
Khi dịch cúm lợn H1N1 xuất hiện tại Mỹ năm 2009, nó đã nhanh chóng trở thành một vấn đề cần ứng phó khẩn cấp quốc tế và được tuyên bố là một dịch bệnh toàn cầu, đã lây nhiễm bệnh tới 60 triệu người và ngay trong năm đầu tiên làm 18.449 chết. Nhưng theo báo cáo năm 2012 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), con số tử vong cuối cùng của dịch H1N1 trên toàn cầu thì còn tệ hại hơn nhiều – vào khoảng 300.000 người.
Đó là lý do khiến tôi gãi đầu gãi tai trước cách thức đưa tin có mùi tấn công Trung Quốc và người dân Trung Quốc khi họ đang nỗ lực hết sức để giải quyết đợt bùng phát virus Corona tại Vũ Hán. Do đó, tôi đã tự đặt và trả lời một số câu hỏi.
Trong đợt bùng phát H1N1 năm 2009, liệu bạn có thấy những vụ tấn công truyền thông bài ngoại, chống Mỹ nào trên toàn cầu? Trên thực tế, liệu bạn có nhớ chính quyền Mỹ mất tới 6 tháng để tuyên bố ứng phó khẩn cấp trên toàn quốc? Liệu trong giai đoạn tháng 4/2019 – 4/2010 (thời điểm tuyên bố dịch bệnh toàn cầu) có chính phủ nước nào ra cảnh báo cho công dân của mình là họ nên rời nước Mỹ? Đóng cửa biên giới với khách du lịch Mỹ? Chắc chắn là không có.
Như tôi đã nói, có gì đó rất sai ở đây các bạn ạ. Tôi đang đọc rất nhiều bài báo tấn công chính quyền Trung Quốc do cho rằng bọn họ đã âm mưu đánh giá thấp con số lây nhiễm ban đầu – vấn đề nằm ở chỗ việc đó đã và đang là những gì xảy ra với các đợt bùng phát dịch cúm, bất kể quốc gia nào; và các báo cáo của CDC cũng phản ánh lối làm việc đó một cách rõ ràng. Con số lây nhiễm cúm lợn H1N1 tại Mỹ đã bị đánh giá thấp và phải 3 năm sau mới được cập nhật, vì thưa các bạn, dịch bệnh bùng phát đâu có quan tâm tới khái niệm quốc gia. Sẽ chẳng bao giờ có đủ nhân lực, bộ test kit hay thuốc men, vật tư y tế. Ít nhất thì người Trung Quốc không giấu diếm những khó khăn và đưa tin hàng ngày trên báo của họ. Luôn có hàng ngàn người chết mà chúng ta không hề biết họ chết vì một loại virus cụ thể nào đó. Đó là sự thực, không phải là vấn đề đặc trưng của hệ thống y tế hay chính quyền Trung Quốc.
Và đó không phải là âm mưu, mà là bi kịch.
Theo báo cáo của CDC ngày 27/6/2012 về dịch cúm lợn H1N1 – 3 năm sau khi bùng phát, bạn sẽ cảm thấy khó chịu hơn khi biết tới con số ước tính tổng số người chết trên toàn cầu của CDC. Tại báo cáo của Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu bệnh lây nhiễm, con số 18.449 người chết của CDC trong năm 2009 “được coi là thấp hơn nhiều với tổng số thực tế, chủ yếu vì nhiều người chết vì các nguyên nhân liên quan tới cúm lại không được khám bệnh”. Vậy trong đợt bùng phát năm 2009, có ai cáo buộc hệ thống y tế và chính quyền Mỹ che giấu các con số? Liệu người Mỹ có đem giấu camera vào người rồi đi vào Bệnh viện Mayo để phát lên mạng nhằm CHỨNG MINH có bao nhiêu người chết thực sự?
Có gì đó rất là không ổn các bạn ạ. Đáng ra thế giới nên khen ngợi những biện pháp ứng phó chưa từng có tiền lệ, sâu và rộng, rất kiên quyết của người Trung Quốc (thực ra thì các quan chức WHO và một số quan chức y tế của một số nước cũng đã khen). Hiện giờ tôi đang ở Trung Quốc, đang đọc về những biện pháp phong tỏa và kiểm dịch rất mạnh tay, khổng lồ và hiệu quả theo bất cứ cách tính nào. Dĩ nhiên tôi không cần nhắc tới sự hy sinh về kinh tế của Trung Quốc.
Thay vì nhìn vào ý chí của cả một hệ thống chính quyền đang hành động nhanh hơn bất cứ chính quyền nào khác trên thế giới (đa phần các nước khác cũng không có đủ năng lực), sau một tháng chúng ta vẫn bận chửi bới một đám quan chức địa phương ở Vũ Hán đáng ra phải công bố dịch sớm hơn một vài tuần. Rõ ràng là mấy lão quan chức đó đã sai lè. Và do đó, mấy lão đã tạm biệt sự nghiệp chính trị của mình. Giống như mấy quan chức Puerto Rico phải trả giá khi chúng ta phát hiện mấy lão không hề phân phát nhu yếu phẩm tiếp tế mà chúng ta đã gửi sang cho người dân Puerto Rico sau cơn bão năm ngoái. Thật đáng xấu hổ. Mỗi cá nhân đều có thể gây ra những việc như vậy, và chúng ta hy vọng là họ phải chịu trừng phạt sau đó, nhưng quy kết cả một hệ thống chính trị thì chắc không ổn. Thứ hai, hiện chính quyền các tỉnh ở Trung Quốc đã gửi thông báo cho các quan chức, cảnh báo nếu họ sai phạm thì sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Giờ thì hãy xem có bao nhiêu chính trị gia ở phương Tây có thể lặn êm, hoặc thậm chí vẫn tại vị sau khi sai phạm của họ bị phanh phui – sai lầm của con người, sự ngu dốt và lòng tham đâu phải là tính cách đặc trưng của màu da, chủng tộc hay quốc gia nào. Phản ứng kiểu “Thế còn…” hay “Đáng ra…” thực tế không giúp ích lắm ở đây.
Và đây là thứ khiến bạn kinh ngạc: “Các chuyên gia CDC ước tính virus H1N1 trong đại dịch 2009 đã khiến 201.200 người chết do suy hô hấp và khoảng 83.300 người khác chết vì các bệnh tim mạch có liên quan tới nhiễm H1N1”. Tổng: 284.000 người chết. Sốc chưa?
Đã có lệnh cấm nhập cảnh hay xuất cảnh khỏi Mỹ chưa?
Trung Quốc, Đức, Nhật và các nước khác có cấm du khách Mỹ nhập cảnh không?
Hiện tôi đã thấy Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu công dân rời khỏi Trung Quốc, Sứ quán Anh cũng ra thông cáo tương tự cho các thần dân của Vương quốc.
Vào năm 2009, liệu các thần dân Vương quốc Anh ở Mỹ có nhận được thông báo rời khỏi Mỹ? Rõ ràng là không có.
Liệu thế giới có khuyến nghị chúng ta cô lập Mỹ? Đóng cửa biên giới Mỹ? Không có nha.
Liệu người Mỹ có bị tấn công sặc mùi bài ngoại, liệu tinh thần chống Mỹ có bùng phát như những gì người Trung Quốc đang phải đối mặt hay không? Uhm, cũng không nốt.
Khá là kì dị để mà nói ra điều này. Nếu bạn là người nước ngoài hiện đang ở Trung Quốc, trừ khi bạn ở Vũ Hán, thì thực tế là bạn sẽ được an toàn hơn, ổn định và yên bình hơn tại Trung Quốc hơn là rời Trung Quốc về nước. Ở đây mọi người đều trốn trong nhà để tự cô lập bản thân mình theo hướng dẫn, và ai cũng nhận thức rõ về dịch bệnh này. Chưa kể tới nỗ lực bảo đảm an ninh trật tự xã hội của Trung Quốc vào thời điểm này – dù cái giá phải trả về kinh tế sẽ lên tới hàng trăm tỷ đô.
Tôi có một người bạn tại Mesa, bang Arizona, Mỹ. Anh này bảo tôi bằng nhà hàng buffet nổi tiếng nhất ở phố Tàu – trước đây vốn đông đúc, nay không một bóng khách hàng. Bạn nghe có thấy vô lý không?
Hãy cũng thử kiểm tra năng lực tư duy của chúng ta nhé:
Nếu bạn đang ở Miami và bạn nghe nói có một đại dịch virus bùng phát ở Milan là một thành phố ở miền Trung Italia, liệu bạn có dừng đặt chỗ tại quán ăn đồ Ý tại South Beach không? Rõ là không rồi. Liệu bạn có mua pizza ở Joey’s Pizzeria ở Delray Beach vào tuần sau không?
Nếu bạn đang ở Singapore và nghe nói có đại dịch virus bùng phát ở Dallas, Texas – miền trung nước Mỹ, liệu bạn có ngừng tới quán BBQ Texas ở Singapore có chủ quán từ thành phố Houston không?
Liệu bạn có tránh mấy người tóc sẫm kiểu Ý ở trên đường phố Chicago không? Liệu bạn có né mấy lão da trắng đội quả mũ cao bồi to bự ở Singapore không, vì rõ ràng họ có thể đến từ Texas và vừa mới xuống máy bay? Rõ ràng đang có nhiều người thích bắt nạt một cách cực đoan trong xã hội hiện nay, và bạn nên cố hết sức để tránh trở thành một phần trong số đó. Một nhóm nhỏ các nhà hoạt động cực đoan, nếu không được sự ủng hộ của số đông những người bình thường sẽ sớm hụt hơi vì những hành vi kì dị và ngớ ngẩn của họ.
Cuối cùng, chúng ta nên mô tả lại một cách chính xác về virus Corona bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Chúng ta không gọi nó là virus Trung Quốc, cũng giống như H1N1 không được gọi là virus Mỹ. Có thể trong một vài tuần hay một vài tháng nữa, loại virus này sẽ biến mất giống như các loại cúm mùa. Tuy nhiên chúng ta không được mất cảnh giác, bản thân chính quyền và người dân Trung Quốc cũng phải cắn răng áp dụng các biện pháp mạnh tay vì virus corona nguy hiểm hơn hẳn các loại cúm mùa đơn thuần. Tới nay thì chúng ta có thể đưa ra mấy nhận định sau:
1- Thứ virus Corona này rất dễ lây nhiễm. Nó bám vào mô phổi, do đó gây ra viêm phổi. Thứ này nguy hiểm hơm các bệnh truyền nhiễm gây khó thở thông thường vốn chỉ nhắm tới cái họng hoặc phế quản của bạn.
2- Hiện tỷ lệ tử vong khi nhiễm Corona là 2%. Con số này cao hơn khoảng 20 lần so với cúm mùa thông thường, vốn ở mức 0,1%. Tuy nhiên, 2% là con số thấp hơn nhiều so với virus SARS ở mức 9% hoặc thậm chí MERS ở mức 37%.
3- Virus Corona gây ra các triệu chứng nghiêm trọng đối với khoảng 10 – 15% số người nhiễm. 80 – 90% số người chết do virus này là người già, đa phần đã có các bệnh khác. Điều này ngược lại với các loại cúm mùa hay H1N1 tại Mỹ năm 2009 khi lượng trẻ em chết nhiều hơn là người trên 60 tuổi.
4- TQ đã xác định và chia sẻ bộ mã gen virus Corona từ sớm với các tổ chức y tế, dịch bệnh quốc tế. Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các loại thuốc chống virus hiện hành có thể sử dụng để chống lại virus Corona.
5- Không thể không ghi nhận biện pháp ứng phó quyết liệt của Trung Quốc, bao gồm hạn chế di chuyển, hạn chế giao thông vận tải, các hoạt động kinh doanh – và nhận được sự hợp tác của 1,3 tỷ công dân là những người đã ở nhà một cách trật tự trong suốt những tuần qua để chờ virus qua đi. Mô hình ứng phó này đã được một số quốc gia ghi nhận là chưa có tiền lệ, đặt ra tiêu chuẩn mới trong ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Cần nói rõ là những biện pháp này không hề dễ chịu và rất tốn kém.
Như đã nói, rõ ràng là có gì đó không ổn cho lắm về cách mà nhiều người phản ứng với những gì đang xảy ra ở đây. Tôi chưa đào sâu hơn vì nó rất phức tạp, và thế giới vốn lộn ngược ở một số khía cạnh và có lẽ trong cả đời mình thì tôi cũng chưa chắc đã hiểu hoặc giải thích được hết nếu không viết ra vài cuốn sách dày cộp.
Nhưng tôi biết rõ một điều: những việc này cần phải dừng lại. Các cuộc tấn công sặc mùi phân biệt chủng tộc, bài ngoại, có ý đồ chính trị và bôi nhọ các nỗ lực của Trung Quốc cần phải dừng lại. Chúng chẳng giúp được gì nhiều những người đang thì thụi trong các hành lang ở Washington D.C, cũng như chả giúp được gì những người trên đường phố mà mối quan tâm lớn nhất là chăm sóc gia đình mình.
Gia đình tôi vốn từ vùng Basilicata của Italia, là một thị trấn vùng núi. Ông bà tôi đã rời nước Ý để tới Mỹ, và tôi được sinh ra ở Yonkers, New York. Nước Mỹ đã trở thành nhà của ông bà tôi, và cũng là của tôi – cho tới khi tôi lại rời đi. Hơn 20 năm trước, tôi đã rời Mỹ - nơi tôi sinh ra, nơi tôi ngưỡng mộ nhiều điều và thấy còn nhiều thứ khác cần cải thiện. Nhưng khi tôi đến Trung Quốc thì đây đã thành ngôi nhà mới của tôi. Nếu 30 năm trước bạn bảo tôi rằng đó có thể là số phận của tôi trên trái đất này, tôi sẽ bảo rằng bạn đúng là dở hơi, hoặc là một thầy bói tệ hại. Nhưng cuối cùng đó lại là cuộc đời của tôi với người vợ Trung Quốc và một gia đình ở Thẩm Dương – phía đông bắc Trung Quốc. Bạn đã hiểu tại sao tôi lại nói những điều này chưa? Tôi là một người trưởng thành, giống những người khác và có năng lực quan sát nhất định. Chúng ta có thể nói chuyện về Trung Quốc, Mỹ hay quốc gia khác, xã hội, chính quyền, điểm hay và điểm dở của từng loại.
Thói bài ngoại cần phải dừng lại. Trong một vài tuần hoặc một vài tháng tới, virus Corona sẽ suy giảm và mùa Xuân sẽ lại tới. Từ giờ tới lúc đó, nếu bạn chẳng có gì hay mà làm, hay bất cứ thứ gì có tính xây dựng để nói về Trung Quốc hoặc người Trung Quốc, sao bạn không nghĩ tới việc ngậm tạm miệng lại nhỉ.
Lưu ý của người dịch: số ca lây nhiễm cúm H1N1 trên toàn cầu là gần 800 triệu người, tỷ lệ tử vong 0,02%. Tuy nhiên, tôi không phản đối việc tác giả sử dụng H1N1 làm tham chiếu so sánh với Corana trong thời điểm hiện tại. 
Mario Cavolo, Thẩm Dương.
(Kênh Youtube của Mario: https://www.youtube.com/c/TheDragonRoarsOn