Trước giờ cô luôn cố gắng đi nhiều nơi, gặp nhiều người, hỏi nhiều thứ, trải nghiệm nhiều điều, đọc nhiều sách để chứng tỏ rằng mình đã sống một cuộc đời giàu có. Và rằng đó là những chất liệu quý giá cho việc viết. Và rằng đó là nguồn cảm hứng tuyệt vời để chữ nghĩa tuôn ra dưới ngòi bút hay dưới đôi tay gõ bàn phím của mình. Nhưng rồi cô nhận ra thực chất mình vẫn rất nghèo.
Hôm rồi cô có tham gia một Workshop nói chuyện về sách của một tác giả người Việt. Workshop như một buổi trò chuyện, khán giả hỏi diễn giả rất nhiều về cuốn sách mà họ đã viết, về việc viết và trải nghiệm viết của họ. Trước giờ cô vẫn nuôi mộng làm nhà văn, và cô vẫn thầm khâm phục những tác giả - mà khi cô đọc những cuốn sách của họ, cô cảm thấy nó đồ sộ. Đồ sộ về số trang chữ, cho đến những tư liệu, tình tiết. Cô tự hỏi sao người ta có thể viết ra một câu chuyện dài như cả một đời người. Tại sao người ta có thể sưu tầm được những chất liệu đề bồi đắp cho những cuộc đời của nhân vật trong cuốn sách ấy sống động, chân thực đến vậy. Cô nghĩ họ chắc đã trải nghiệm rất nhiều, họ đã phải sống rất nhiều mới có thể có được sự tưởng tượng, có thể có được vốn chữ để viết nên những cuộc đời trên trang giấy. Càng nghĩ thế, cô lại càng cố gắng sống thật nhiều để những mong có thể viết được như họ. Cũng như vậy khi cô thắc mắc về việc điều gì khiến họ bắt đầu viết một cuốn sách? Có giống như cô khi bắt gặp một cuộc đời, một vùng đất, một quan điểm? Nhưng rồi cô nhận ra những gì mình suy nghĩ là hời hợt, là nông cạn biết bao!

Khi nhà văn quyết định viết một cuốn sách - là một ấp ủ hay một khoảnh khắc?

Buổi Workshop vừa rồi đã khiến cô tỉnh ngộ. Cô hỏi tác giả cuốn sách một câu hỏi mà bấy lâu cô vẫn thắc mắc. Việc một nhà văn quyết định viết một cuốn sách, là một ấp ủ, hay được quyết định bởi một khoảnh khắc?
Bấy lâu cô vẫn cho rằng, khoảnh khắc có thể quyết định tất cả. Việc một cuốn sách ra đời, một câu chuyện được viết lên bởi một khoảnh khắc nào đó là tất lẽ dĩ ngẫu. Nó như một điểm chạm khiến tâm hồn của một người viết cảm thấy bị tác động sâu sắc, thôi thúc họ phải viết, phải viết thôi và rồi cuộc đời nhân vật hiện ra trên trang giấy. Nhưng rồi câu trả lời cô nhận được khiến cô suy nghĩ.
Nguồn: Pin
Việc một nhà văn viết một cuốn sách là một ấp ủ, ấp ủ đó có thể là 1, 2 năm hay 5,6 năm. Thậm chí là hàng chục năm. Trong những năm tháng cuốn sách được thai nghén ấy, họ không ngừng thu thập những chất liệu để đến thời khắc quyết định, họ hiểu rằng đã đến lúc trình bày những ấp ủ, những thông tin và tư liệu ấy trên trang giấy - một cách mạch lạc và logic -theo-cách-của-họ.
Một cuốn sách được viết nên và thành hình không chỉ bằng cảm hứng. Mà đó là sự miệt mài lao động hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Người ta vẫn hỏi các tác giả sách rằng: Ông/bà đã viết cuốn sách này trong bao lâu? Hiếm có ai đặt câu hỏi: Mất bao lâu để chị có thể bắt đầu viết cuốn sách này. Việc viết một cuốn sách không bắt đầu kể từ lúc họ đặt bút cho những trang đầu tiên của bản thảo. Mà kể từ khi họ ấp ủ kế hoạch viết một cuốn sách, họ đã quyết định sẽ làm những gì, thu thập những gì, lưu lại những gì để khi bắt đầu cho những trang đầu tiên, họ có thể liền mạch viết tiếp những trang sau. Bởi vậy, viết một cuốn sách là một quá trình lao động dài hơi đòi hỏi sự kiên trì, kiên định, tỷ mỷ và chú tâm.

Cố gắng sống nhiều để viết hay là một sai lầm!!!

Trước giờ cô vẫn cố gắng sống nhiều hơn người khác. Khi tới một vùng đất mới để khám phá và du lịch. Trong khi mọi người chỉ tập trung vào cảnh sắc, đồ ăn hay văn hóa. Cô thường hay lân la tiếp cận những người dân địa phương và trò chuyện với họ. Cô cố gắng tìm hiểu về gia đình, cuộc sống của họ. Cô cố gắng hỏi họ thật nhiều chuyện và thực sự cô đã có được rất nhiều những thông tin thú vị sau những câu chuyện về cuộc đời của họ và những gì họ kể về cuộc sống của họ ở nơi đó. Tới một ngôi nhà cô thấy đẹp, cô không chỉ trầm trồ và tận hưởng nó mà còn hỏi chủ ngôi nhà xem ngôi nhà này đã được xây như thế nào, nó đã bao nhiêu tuổi...
Cô những tưởng rằng cách trải nghiệm ấy đã khiến mình giàu có hơn biết bao người. Cô những tưởng rằng nó sẽ khiến tâm hồn cô chất đầy những thông tin quý giá và chất liệu tuyệt vời cho việc viết. Nhưng điều thực sự sau đó cô làm lại là cất gọn những trải nghiệm quý giá ấy vào một góc và tự thưởng thức một mình hoặc chia sẻ nó bằng những câu chuyện vô thưởng vô phạt.
Workshop vừa rồi khiến cô tỉnh ngộ. Trả lời cho câu hỏi "Nguồn cảm hứng để viết một cuốn sách có phải đến từ trải nghiệm?", cô đã nhận được một câu trả lời quý giá. Diễn giả trong Workshop đã trả lời rằng, cảm hứng để viết một cuốn sách không phải đến từ trải nghiệm, mà thực chất nó đến từ việc viết. Người ta có thể viết về cái chết rất hay, rất thật nhưng không có nghĩa người ta đã trải qua sự chết.
Cô bỗng thấy giật mình với suy nghĩ và cách làm trước giờ của bản thân. Khi cố gắng sống nhiều để trở nên giàu có, khi cố gắng đọc nhiều để giúp mình viết tốt hơn, cô lại chưa hề nghĩ đến chuyện viết nhiều. Như cái cách cô xếp gọn những gì cô trải qua vào một góc ký ức, như cái cách cô lần lữa đưa những suy nghĩ về con người, về một cuốn sách, về một địa điểm thành câu chữ rõ ràng. Như cái cách cô tiếp nhận thông tin - chất liệu quý giá cho việc viết một cách rất nông và hời hợt. Cô nhận ra rằng mình chỉ là kẻ cưỡi ngựa xem hoa. Cô chỉ hơn những người khác cùng đi trên đường với cô, ấy là cô chú ý đến cả những bụi cỏ dại, thay vì như họ - chỉ chú ý đến cả rừng hoa lung linh sắc màu. Nhưng cô lại không chịu tìm hiểu cuộc đời đằng sau những bụi cỏ dại tươi tốt kiêu hãnh vươn mình trước nắng. Cô không chịu kể câu chuyện của cỏ dại và khiến những người đến sau mình phải chú ý đến vẻ đẹp kiên cường của chúng. Cô chỉ tự cho rằng mình khác những kẻ chỉ chú ý đến vẻ đẹp lộng lẫy của hoa thơm cỏ lạ. Để rồi cuối cùng, cô sẽ quên những cuộc đời của những bụi cỏ dại mình đã gặp trên đường. Bởi cô không kể về chúng cho ai biết. Như cái cách mà người ta vẫn nói về sự học - cách học tốt nhất là truyền lại những gì mình đã học được cho người khác.
Vậy thì cách trải nghiệm tuyệt vời nhất - là kể những trải nghiệm mà mình đã trải qua cho mọi người nghe.
Vậy nếu cảm hứng cho việc viết một cuốn sách - hay viết bất cứ điều gì đến từ việc viết, vậy thì trải nghiệm đóng vai trò gì? Cô nghĩ ra rằng, việc viết - đó là chiêm nghiệm lại những gì mình đã trải nghiệm - và nó là một cách trải nghiệm khác những gì mình đã trải qua. Khi cô viết lại những sự vật, con người mình đã gặp, cô như được gặp gỡ họ và trải qua sự việc ấy thêm một lần nữa. Với một tâm thế hoàn toàn khác, cô sẽ có thêm những chiêm nghiệm để khiến cho trải nghiệm ấy thêm phong phú, sống động và sâu sắc.

Vậy trải nghiệm có cần cho sự viết không?

Hoàn toàn có, nhưng chưa đủ? Trải nghiệm là chất liệu quý giá cho sự viết. Nhưng việc ngồi xuống và viết thật nhiều về trải nghiệm ấy mới là cảm hứng để người viết viết hay. Có thể đã có nhiều người như cô - khi thấy rằng trải nghiệm ấy chưa đủ hay hoặc thú vị cho việc viết nên một câu chuyện thu hút - cô và họ sẽ không viết. Cô và nhiều người sẽ nghĩ rằng cần có đủ tư liệu, cần có đủ trải nghiệm, cần có đủ cảm hứng, cần có thêm những chất liệu để có thể viết thành một bài viết hay. Đó có thể là một sai lầm. Một bài viết hay, một cuốn sách hay không phải được xây dựng từ việc tích góp những trải nghiệm sâu sắc hay những thông tin quý giá hay những chất liệu đã tròn đầy. Một bài viết xuất sắc không phải đến từ kỹ năng hay đến từ trải nghiệm mà người viết đã trải qua. Nó đến từ sự rèn dũa qua rất nhiều lần viết và viết và viết.
Chị diễn giả trong workshop đã nói có những ngày chị dành 18 tiếng cho việc viết. Nhìn lại bản thân - mỗi ngày chắc cô dành không quá một giờ cho nó. Và quan trọng là nó không hề có sự cố định hay sự lặp lại. Cô chỉ viết sau khi cô cảm thấy mình đã trải nghiệm đủ hay và đủ sâu. Trong khi, thực chất của sự viết lại là hãy viết ngay khi có thể và chính việc viết nhiều sẽ rèn dũa cho cô và mọi người biết cách làm sao để đưa những chất liệu mà cô đã có được sau những trải nghiệm trở thành câu chuyện, trở nên thú vị và trở nên đặc sắc.
Tóm lại, việc sống nhiều không giúp bạn hay ho hơn đâu, hãy viết - hoặc chụp, hoặc ghi lại nó và chia sẻ lại mới là cách khiến bạn giàu có. Và hỡi những kẻ yêu chữ trên thế giới này, hãy rèn dũa kỹ năng viết của mình - thông qua viết thay vì thông qua việc lựa chọn những gì hay nhất để viết.