Ngày hôm qua, có một cô bé hỏi tôi: "Chị ơi, nếu chưa đạt được cái gì đó, phải chăng do mình cố gắng chưa đủ nhiều? Em đã rất cố gắng và kì vọng vào nó nhưng lần một kết quả không được như ý, lần thứ hai em vẫn cố gắng nhưng không kì vọng nhiều nữa, vẫn thất bại. Em đang phân vân mình nên cố gắng tiếp hay chọn một lựa chọn khác dễ dàng hơn."
Ngày bé tôi đi thi, mẹ hay hỏi tôi có sợ thi trượt không? Tôi luôn cười hồn nhiên nói: " Thất bại là mẹ thành công mà mẹ, thua keo này ta bày keo khác." Sau mỗi lần thất bại, con người thường rất dễ nản lòng. Họ lại bắt đầu tự trách bản thân, cảm thấy mình thật vô dụng. Những lúc này có lẽ họ cần một chút dũng cảm, một chút không biết sợ của một đứa trẻ để bắt đầu làm lại.
Sau đó nếu tin rằng mình đã thực sự dùng đến 200% sức lực mà kết quả vẫn không như ý, vậy nên xem lại cách mình cố gắng như thế nào. Phương pháp sai thì có cắm đầu cắm cổ vào cày như trâu thì kết quả vẫn thất bại. Cô bé nói mình là một người hiếu động, không thể ngồi yên tập trung để làm một thứ gì đó mà vẫn bắt buộc mình ngồi luyện đề, nhồi nhét kiến thức vô đầu. Do thời gian quá gấp gáp, cô bé không có thời gian dài để thử một phương pháp khác luyện kĩ năng. Tôi đã nói với cô bé như thế này:
- Dục tốc bất đạt.Chị biết, mẹ em cho rằng em chậm hơn người khác một năm rồi nên hi vọng em đi học luôn nhưng đôi khi dừng lại, cho mình thời gian chuẩn bị kĩ càng hơn là để tiến xa hơn nữa. Trong trường hợp của em, nếu nhân viên tư vấn nói hệ cao đẳng và đại học rất khác nhau. Em học cao đẳng mất 2 năm, vẫn được liên thông lên, nhưng vô hình chung em vẫn chậm hơn người học hệ đại học mất 2 năm, cách biệt có thể lớn. Trong khi đó, em cho mình thời gian chuẩn bị kĩ hơn trong nửa năm hoặc 1 năm , em cũng chỉ chậm lại một chút thôi. Vậy nên hãy cân nhắc so sánh chi phí cơ hội của những lựa chọn, em được gì và mất gì để biết nên cố gắng tiếp hay dừng lại. Còn phương pháp học chỉ có sách vở không thích hợp với em, vậy đổi một cách học khác. Em có thể thử cách luyện kĩ năng bằng cách biến nó thành thói quen hàng ngày, yếu ở đâu thì luyện ở đó. Em nghe không tốt thì hoàn toàn có thể bỏ những đề luyện nghe cứng nhắc đi, thay vào đó hãy nghe những gì em thích, một câu chuyện nhỏ, một bài hát,.....
Cuối cùng, ở đời vẫn có những thứ em có cố gắng mọi cách cũng không có được. Thứ đó không dành cho em, không thích hợp với em ở thời điểm hiện tại hoặc chi phí cơ hội để có nó quá lớn thì em nên học cách từ bỏ. Thích hợp với mình mới là tốt nhất, đôi khi trên đường cố gắng giành được mục tiêu của mình, những điều tốt đẹp nhất đã bị em bỏ quên ở xó xỉnh nào đó đấy!