Cô gái trong sương mù - ai cũng có một quá khứ không muốn kể
Một lần nữa, tâm trí tôi lại bị ông đem ra tung hứng. Từ khi đọc cuốn sách đầu tay của ông, tôi đã luôn mong chờ những tác phẩm tiếp...
Một lần nữa, tâm trí tôi lại bị ông đem ra tung hứng. Từ khi đọc cuốn sách đầu tay của ông, tôi đã luôn mong chờ những tác phẩm tiếp theo. Lần lượt Người ru ngủ và bây giờ là Cô gái trong sương mù đã không làm tôi thất vọng. Tôi dám khẳng định rằng, Donato Carisi là một trong những nhà văn trinh thám đỉnh nhất mọi thời đại. Và cũng giống như những lần trước thôi, đã mở sách ra, bạn không thể dừng lại.
Như mọi khi, Donato bắt chúng ta phải lên chuyến xe cảm xúc do chính ông cầm lái và thử thách chúng ta tìm ra sự thật để rồi cuối cùng ông cho tất cả ăn cú lừa. “Cô gái trong sương mù” kể về hành trình tìm lại cô bé bị bắt cóc tại một vùng quê hẻo lánh, bên cạnh đó bức màn về kẻ đã gây ra tội ác từ từ được hé lộ. Nội dung, cốt truyện không có gì mới mẻ nhưng Donato rất biết cách khiến người đọc phải dán chặt vào từng con chữ, từng chi tiết. Điều đầu tiên phải nói rằng cách ông kể cực kì cực kì cuốn hút và khơi gợi trí tò mò của con người. Sách được viết không theo trình tự thời gian, quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau. Cho dễ hình dung từng chương của câu chuyện là từng thời điểm khác nhau của hành trình phá án. Giống như bạn xem một video tua xuôi tua ngược vậy. Và dòng thời gian được Donato sắp xếp vô cùng logic và khi đọc hết một chương bạn càng nóng lòng muốn chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khi đọc những chương đầu tôi liên tưởng ngay tới bộ phim Memento của đạo diễn Christopher Nolan, cả hai đều kể những câu chuyện rất đơn giản, cũng là những dòng thời gian quá khứ đan xen hiện tại vô cùng tinh tế khiến người xem không thể đoán được đâu mới là sự thật để rồi cuối cùng bật ngửa biết đã bị ăn một cú lừa. Cô gái trong sương mù cũng vậy, khi lật tới trang cuối cùng, bạn nhận ra, ngay từ đầu tâm trí, suy nghĩ của bạn đã bị Donato chơi đùa như đang tung hứng một trái bóng.
Không chỉ sở hữu cách kể chuyện xuất sắc, “Cô gái trong sương mù” đã thể hiện rất tốt thế mạnh của Donato – khắc họa chiều sâu và nội tâm nhân vật. Tuy được kể theo ngôi thứ 3 nhưng người đọc được theo dõi câu chuyện theo góc nhìn của các nhân vật khiến ta có sự đồng nhất và thấu cảm với họ. Chúng ta lần lượt được giới thiệu những con người tưởng chừng rất đỗi bình thường, bình thường như vùng quê nơi vụ án xảy ra. Thế nhưng, như một câu nói của Holmes trong tác phẩm Biệt thự cây sồi, ở những vùng quê tưởng chừng bình yên lại là nơi những tội ác kinh khủng nhất xảy ra. Đằng sau những con người bình thường ấy ẩn giấu những bí mật vô cùng đen tối. Chúng ta có một tay thanh tra có tiếng với phương pháp điều tra sử dụng khéo léo truyền thông và những thủ đoạn đê hèn để tìm ra hung thủ nhằm mục đích đưa bản thân trở lại đỉnh cao sau một vết nhơ trong quá khứ. Một anh cảnh sát trẻ còn non kinh nghiệm theo chân sếp với sự nhiệt huyết với nghề bên cạnh nỗi nhớ người vợ sắp sinh ở nhà. Bố mẹ nạn nhân với nỗi đau mất con đang bám lấy từng hy vọng dù nhỏ nhất, thế nhưng đằng sau một người mẹ sùng đạo và ông bố trầm tính, họ đang che giấu điều gì đó tác động không nhỏ đến việc cô con gái yêu dấu biến mất. Một người thầy giáo hiền lành, mẫu mực với vợ đẹp con xinh, cuộc sống nhẹ nhàng với đồng lương không dư dả nhưng cũng đủ sống, đủ để bắt đầu cuộc sống và bỏ lại quá khứ đau buồn và tủi hổ. Và còn rất nhiều nhân vật thú vị khác như cô bạn thân xinh đẹp thích nổi tiếng, cậu bạn quái dị khép kín của nạn nhân, nữ phát thanh viên sắc sảo luôn được gã thanh tra ưu tiên cho biết thông tin, người luật sư tốt bụng, nữ công tố viên cứng rắn và vị bác sĩ tâm lý đáng kính. Tất cả đều được khắc họa tính cách và chiều sâu vô cùng tuyệt vời. Mới đầu có thể ta yêu ta ghét nhân vật nào đó, thế nhưng càng đọc ta càng thấy đồng cảm khi biết được câu chuyện họ đã trải qua và tự hỏi bản thân nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh như vậy, liệu ta có làm khác không?
Một điều tôi rất thích ở Donato, ông rất biết cách đả kích và lên án những vấn đề trong xã hội bằng câu chữ của mình. Với cách chọn từ ngữ rất khéo léo và tinh tế, ông đã cho tất cả thấy được sự dối trá và bản chất giả tạo của con người và những kẻ làm truyền thông. Báo chí, những người làm truyền thông như những con kền kền háu đói luôn chờ chực để săn tin tức nóng hổi không cần quan tâm có đáng tin cậy hay đã được xác thực. Chỉ cần vài dòng tít giật gân, đoạn phỏng vấn được sắp xếp chuẩn bị, cắt ghép hoàn chỉnh và những bằng chứng thừa biết là giả tạo, truyền thông hoàn toàn có thể đảo lộn hoặc thậm chí phá hủy cuộc sống của một người vì lợi nhuận họ có thể kiếm được. Làm sao họ có thể làm được? Dư luận, đúng là dư luận, là đám đông, là những người không biết rõ đầu đuôi, không cần biết thực hư như thế nào. Chỉ cần một mồi lửa, đám đông sẵn sàng đốt cháy cả khu rừng. Trong “Cô gái trong sương mù”, chúng ta thấy được bản chất giả tạo của con người đáng ghê tởm như thế nào. Họ đồng cảm với gia đình nạn nhân, cùng cầu nguyện, cùng chia nhau ra tìm kiếm nhưng dần dần sự tốt bụng ấy trở thành một thứ phong trào. Đám đông khiến một vùng bình yên bỗng nhộn nhịp vì sự hiếu kì và tò mò về vụ án rồi ra đi nhanh như cách họ đến. Khi vụ án tới hồi cao trào, họ không quan tâm đến số phận của cô bé tội nghiệp, cái họ muốn là kẻ nào đã gây ra tội ác, họ muốn nhìn thấy gương mặt của hắn khi hắn bước vào nhà tù. Họ vội vàng chỉ trích, miệt thị và chà đạp một con người khi người đó mới chỉ nằm trong vòng tình nghi với những bằng chứng chưa rõ ràng. Để rồi khi người đó được minh oan, họ quay sang chúc mừng và thân thiết như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Dần dần cô bé xấu số rơi vào quên lãng… Giống như một câu nói của nhân vật thầy giáo: Kẻ ác làm nên sự hấp dẫn cho câu chuyện, không phải nạn nhân hay người hùng. Thừa nhận đi, chúng ta thích Joker hơn Batman trong The Dark Knight.
Phải dành một lời khen lớn cho dịch giả Hoàng Anh. Từng câu chữ, từng từ ngữ được dịch một cách vô cùng hay và sắc sảo khiến người đọc không ngừng tò mò, hồi hộp và khi plot twist cuối cùng được hé mở, tất cả sẽ phải bật ngửa vì nó quá sức tưởng tượng.
Nói về mặt hạn chế, tôi nghĩ rằng “Cô gái trong sương mù” khá ngắn. So với 2 tác phẩm trước tôi từng đọc của Donato lần này cuốn sách mỏng hơn hẳn, tôi muốn được trên chuyến xe của Donato Carisi lâu hơn nữa. Ngoài ra plot twist của truyện và chiều sâu của nhân vật tuy rất xuất sắc nhưng vẫn chưa bằng cuốn Người ru ngủ và Kẻ nhắc tuồng. Đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh khi nghĩ về 2 tác phẩm ấy. Nhưng tóm lại “Cô gái trong sương mù” vẫn là một cuốn trinh thám xuất sắc.
Nếu bạn tìm kiếm cảm giác kích thích sự tò mò và muốn thưởng thức nghệ thuật khắc họa chiều sâu nhân vật. Hãy tìm đọc Cô gái trong sương mù và các tác phẩm khác của Donato Carisi. Cuộc sống không phải hai màu đen trắng, nó là bức tranh đa sắc màu. Đừng vội đánh giá, đừng vội phán xét. Hãy nhìn một sự việc, một con người theo nhiều góc nhìn để cảm thông, để tự hỏi rằng bản thân chúng ta liệu có tốt đẹp hay xấu xa như bao lâu ta vẫn nghĩ. Và một điều cuối cùng, nguồn cơn của tội ác đôi khi bắt nguồn từ lý do hết sức đơn giản: tiền.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất