Biết đến tên tuổi Musso từ lâu, nhưng mãi đến bây giờ, mình mới đọc xong được cuốn sách đầu tiên của bác. Và với những kỳ vọng đối với một tác giả được mệnh danh là “đáng đọc nhất nước Pháp hiện tại”, thì yeah, Cô gái Brooklyn đã không khiến mình thất vọng.
Ngay từ những trang mở đầu, tác giả đã khiến mình choáng váng. Bởi vì những câu hỏi về xuất thân, tiểu sử, về danh tính của Anna, người tình nhân vật chính – anh nhà văn nổi tiếng Raphael, cứ liên tục xuất hiện trong đầu, khiến mình không tài nào bỏ sách xuống được. Biệt tài kể chuyện làm khơi gợi trí tò mò của Musso có lẽ là một trong những điểm đắt giá nhất của cuốn sách này.
Từ đó, những diễn biến dồn dập cứ thế đập vào mắt người đọc, khiến mình như không có thời gian để thở. Theo chân quá trình điều tra của Raphael và người bạn Marc – một tên cớm đã về hưu, từng tuyến nhân vật mới lại xuất hiện, kéo theo đó là những manh mối, những mắt xích mới, chúng đan cài, quyện vào nhau tạo nên một bữa tiệc trinh thám cho độc giả. Nhấm nháp từng món ăn trong bữa tiệc đó, mình dần nhận ra rằng, vị giác của mình đã được Musso kéo vào một chuỗi du hành của cảm xúc, bao gồm cảm giác sững sờ, đau đớn, hào hứng, hạnh phúc. Thế nhưng, bất ngờ đến bàng hoàng, kết thúc bữa tiệc, tác giả lại mang ra một món tráng miệng với hương vị day dứt và đắng ngắt ở hậu vị…
Nguồn: Google
Nguồn: Google
Nói chi tiết hơn về nội dung, thì Cô gái Brooklyn kể về cuộc điều tra vô cùng khẩn trương của Raphael và Marc về sự mất tích của Anna. Trong quá trình đó, những manh mối về thân phận, lịch sử của cô và cả những nhân vật liên quan khác, dần được làm sáng tỏ. Từ đó, một chuỗi những tội ác dần được phơi bày, đưa ta đến với những số phận éo le mà bấy lâu nay bị vùi lấp bởi lòng hận thù và những toan tính của kẻ có quyền trong giới chính trị Mỹ.
Cách kể chuyện tài tình
Đó là lối kể chuyện song hành, đan xen giữa các tuyến nhân vật. Ngoài việc theo chân nhân vật chính, thì sau khi những khúc quanh, những sự kiện được tiết lộ khiến người đọc không thể tin vào mắt mình, thì nhà văn lại di chuyển sự tập trung của mình vào các nhân vật liên quan khác. Điều này, những tưởng khiến cho mạch chuyện bị đứt đoạn, gây cảm giác “hững”, thì trái lại, đã khiến cho câu chuyện trở nên chặt chẽ, liên quan và móc nối với nhau. Nó như một thủ thuật giúp Musso đưa độc giả đến gần với nhân vật của mình, “sống” cùng họ, và có cơ hội cảm nhận một cách sống động những suy nghĩ, nội tâm của họ hơn. Đặc biệt là với những diễn biến tâm lý của Carlyle (tức Anna) khi cô chạy trốn khỏi địa ngục trần gian của tên sát nhân Kieffer (thú thật, đọc đến đoạn này, mình hồi hộp và người mình nóng ran, dù ngoài trời đang rất lạnh).
Bên cạnh đó còn là biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật của tác giả. Những chuyển biến trong cảm xúc, dù không được đặc tả quá dày đặc, nhưng chừng đó vẫn đã đủ để Musso vẽ nên một cánh cửa giúp mình mở ra và đi vào sâu trong nội tâm của mỗi nhân vật, từ đó có dịp hiểu rõ những suy nghĩ, nỗi niềm, sự hạnh phúc và nỗi đau mà họ đã trải qua.
Trinh thám hay lãng mạn?
Dù được Nhã Nam gắn mác lãng mạn, nhưng trinh thám mới là yếu tố chủ đạo trong tác phẩm. Chất trinh thám đó đã làm tốt vai trò của mình, khi khiến độc giả như bước vào một chuyến tàu lượn siêu tốc, với những đường ray lên cao rồi đột ngột tăng tốc xuống dốc ngay từ những đoạn đầu. Để rồi sau đó, khi hành khách đã đủ choáng váng, và có lẽ đang chuẩn bị tâm lý xuống tàu với những mường tượng về một khúc đường bằng để kết thúc chuyến hành trình, thì ở ngay trước đểm dừng, Musso đã làm một cú “chốt hạ” không thể bất ngờ hơn, kéo cảm xúc người đọc lên đến đỉnh điểm. 
Có thể thấy, yếu tố trinh thám trong Cô gái Brooklyn mang nét gì đó rất cổ điển và đặc trưng của trinh thám phương Tây: những tình tiết dồn dập, các manh mối dần móc xích vào nhau. Tất cả như tạo ra một không gian mà ở đó, người đọc như không có thời gian để thở, tim như đập nhanh hơn, giống như đang chơi những môn thể thao mạo hiểm vậy.
Nguồn: Google
Nguồn: Google
Về các nhân vật
Thú thực, điều làm mình ấn tượng nhất trong cách xây dựng nhân vật của Musso, chính là những gì họ đã trải qua trong quá khứ, từ đó hình thành nên con người họ ở hiện tại, chứ không đơn thuần chỉ là những phẩm chất họ có. 
Ông cớm già Marc với quá khứ đau buồn, đã luôn hồi tưởng về quá khứ, về thời ông còn hẹn hò với người vợ của mình trong quá trình điều tra. Điều mình nhận thấy ở nhân vật này khi đọc, đó là ông luôn mang theo mình một nỗi buồn gì đó, sâu đậm, nghiệt ngã nhưng lại có vẻ rất thâm trầm, lặng lẽ (tất nhiên là mình không biết được nỗi buồn đó là gì cho tới khi đọc những trang cuối). Chúng đã gặm nhấm con người ông từ rất lâu rồi, nhưng ông lại cố vờ đi trong mắt người khác. Nó như tạo thành một lớp phòng thủ của Marc với thế giới bên ngoài, và với cả người đọc, khiến cho nhân vật này hiện lên với những ngờ vực nhưng lại không biết những ngờ vực đó bắt nguồn từ đâu. Từ đó, những câu hỏi của mình về nhân vật này cũng chập chờn xuất hiện, nhưng như chiếc bóng đèn cũ, nó chỉ le lói rồi nhanh chóng vụt tắt, vì một phần mình có cảm giác ngờ ngợ, không chắc chắn rằng liệu chúng có đang bị thái quá không, khi mà hiện lên trong truyện, nhân vật này là một người mà Raphael hết mực tin tưởng; và phần còn lại, tất nhiên là vì thân phận bí ẩn của nàng Claire đã chiếm trọn spotlight rồi.
Raphael, chàng nhà văn, một ông bố, từng là một người chồng, và bây giờ đang đem lòng yêu Anna. Với mình, nhân vật này có một cái gì đó rất cố điển, nhưng cũng rất hiện đại. Cổ điển ở sự si tình và lãng mạn đặc trưng của một chàng trai Pháp có học thức. Hiện đại ở sự dấn thân bất chấp nguy hiểm (điều mà có vẻ không quá đặc trưng của một nhà văn) điều tra đến cùng thân phận của người con gái anh yêu, hay có thể nói một cách khác, là điều tra một chuỗi các vụ án để sự thật được phơi bày. Ở anh còn có một điểm nữa khiến mình cũng rất ngưỡng mộ, đó là chấp nhận hoàn cảnh “gà trống nuôi con”, khi vợ cũ của mình đã chọn sự nghiệp thay vì gia đình. Và qua lời kể của Musso, Raphael còn là một ông bố hết mực yêu thương con, đặc biệt là qua suy nghĩ của anh về con cái và công việc: “Sách không phải con cái… Không có gì có thể so sánh với một đứa con”.
Và cuối cùng là Claire (hay Anna). Những gì người đọc biết về cô, thú vị là không chỉ đến từ sự miêu tả trực diện nhân vật này từ phía tác giả, mà còn thông qua lời kể (nói đúng hơn là quá trình điều tra) của các nhân vật khác. Bao trùm lên suy nghĩ của mình lúc đầu về nhân vật này là sự bí ẩn đến… đáng sợ. Nhưng càng đọc, thân thế cô gái này dần dần hiện ra, từ sự “rõ ràng hơn” đến “mồn một, rõ nét”, và tất cả khiến mình khâm phục Claire. Trải qua những ký ức kinh hoàng, rợn người, đã có lúc cái chết tưởng như đã rất gần trong ngôi nhà của Kieffer, nhưng cô vẫn cho thấy được bản năng sinh tồn và sự ham sống mãnh liệt rực cháy bên trong. Có thể nhận ra rằng, sau khi thoát khỏi chốn địa ngục đó, cô gái này không chỉ khát khao sự sống, mà còn muốn sống một cuộc sống ý nghĩa, xứng đáng. Cô dám mưu cầu hạnh phúc, và sống vì người khác. Đoạn cuối truyện, khi được Marc hỏi tại sao lại muốn làm một y tá, thay vì luật sư như trước kia, Claire đã trả lời rằng: “Chính là vì con gái ông đấy. Là vì Louise. Cô ấy vẫn luôn muốn trở thành bác sĩ, không phải sao?” Câu trả lời này khiến mình vô cùng xúc động.
Những ý nghĩa mình thấy được qua tác phẩm
Tình cảm gia đình
Nó được Musso dành không gian để thể hiện khá nhiều trong truyện. Đó là tình yêu của Raphael dành cho con trai anh – Théo, là của Marc dành cho vợ và con gái, của mẹ con Carlyle… Dù Musso không nói cụ thể rằng tình cảm đó giúp các nhân vật vượt qua hay đạt được những gì, nhưng mình có thể cảm nhận được rằng, nhờ nó mà các nhân vật có lẽ sống rõ ràng hơn, có định hướng chắc chắn và biết mình cần phải làm gì hơn. Ví dụ như Joyce đã dành trọn tình yêu thương cho con gái Claire của mình qua hành động yêu cầu Copeland tiến hành điều tra sâu hơn vụ mất tích của cô.
Nguồn: Google
Nguồn: Google
Sự nhẫn tâm của truyền thông
Có thể thấy rằng, khắc họa rất rõ nét trong truyện là sự có mặt của cánh báo chí vào những vụ án. Nhưng có vẻ như, sự tham gia đó lại không nhằm mục đích giúp người đọc tiếp cận được những thông tin nhanh chóng và chính xác nhất, mà trái lại, họ chỉ cần cho độc giả những tin tức nóng hổi và giật gân nhất, bất kể thông tin đó có xác thực hay không.
Có vẻ với đám “kền kền” đó, chỉ cần bài viết có được nhiều người đọc là họ đã “mãn nguyện”, nhưng sẽ ra sao với những người trong cuộc – những nạn nhân trực tiếp trải qua những đau đớn, dằn vặt, xấu hổ bởi những gì họ phải trải qua, giờ đây lại phải hứng chịu thêm những “ném đá”, những sự gièm pha từ dư luận dựa trên những nguồn tin thất thiệt? Có thể thấy rõ vấn đề này qua người chị hàng xóm đã tự vẫn của Claire lúc nhỏ, hay sự lo lắng và bất lực của cô khi nghĩ về viễn cảnh bị các cánh phóng viên vây quanh để liên tục hỏi về những gì mình đã trải qua sau khi thoát khỏi ngôi nhà đó, và sau đó là hàng loạt những bài báo lá cải giật gân được thêm thắt “phá nát” cuộc đời cô.
Một chút bàn luận về cái kết
Thú thực, đây là một trong những cái kết gây ám ảnh nhất trong số những cuốn sách mình từng đọc. Chỉ cần tưởng tượng ra những năm tháng dài dằng dặc của Louise dưới ngôi nhà của tên sát nhân, những suy nghĩ hiện lên trong đầu cô cũng đã khiến mình đau xót và phẫn uất. Và đỉnh điểm, có lẽ là niềm tin của cô vào người bố cảnh sát, rằng sẽ có ngày bố sẽ giải thoát cho cô khỏi chốn địa ngục này. Bởi vì sự lạc quan và niềm tin mãnh liệt, nhưng cuối cùng vẫn là một kết cục bi thảm dành cho cô, nên mình càng cảm thấy ám ảnh. Tác giả đã biết cách khơi dậy những cảm xúc nguyên sơ và bản năng nhất của người đọc, khi những nạn nhân trong vụ án đó không phải là những người xa lạ, mà lại chính là người thân của nhân vật mà mình quen thuộc và yêu quý.
Và cũng thật khó để hình dung được những đau đớn, dằn vặt của Marc nghẹn đắng và bất lực đến nhường nào. Một ông bố là một cảnh sát lại không thể làm được gì với đứa con gái bị mất tích, rồi cuối cùng đứa con bị thiêu sống trong căn nhà của gã đồ tể. Đề rồi, từ đó, cuộc sống của ông chìm vào màn đêm tăm tối, với những suy nghĩ day dứt không thể nào kiềm chế được. Đáng lẽ con gái ông phải được hưởng những hạnh phúc như bao đứa trẻ khác, được bao bọc bởi sự che chở của bố mẹ, được đi học, được gặp bạn bè và chơi những trò chơi như những người đồng trang lứa… Đáng lẽ ông phải được chứng kiến con gái mình lớn lên… Đáng lẽ ông và nó phải được cùng nhau sống…
Cô gái Brooklyn là một trong số ít những cuốn sách khiến mình thấy khó thở, chóng mặt, tim đập liên tục khi đọc bởi những cảm xúc choáng váng, sững sờ, nhất là ở những trang cuối khi những mắt xích bắt đầu móc nối với nhau, và sự thật dần được hé lộ. Và chắc chắn, mình sẽ tiếp tục tìm đọc thêm những cuốn sách nữa của bác Musso!
Chấm: 4.5/5