Tự do, đó là sự cố gắng tranh đấu của con người trước vạn vật. Ở kỷ nguyên cổ đại, những câu chuyện thần thoại Hy Lạp về những dũng sĩ chiến đấu chống lại các vị thần cho thấy khát vọng thoát khỏi bàn tay của các vị thần. Đến thời hiện đại, ở cuốn tiểu thuyết Liên Xô Thép đã tôi thế đấy nhân vật Pavel đã từng nói “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người....”, sự giải phóng loài người là như thế nào, liệu những quan điểm thoát khỏi bệnh tật, đói nghèo, ngu dốt như Wikipedia nói đã là đủ?  Ở Việt Nam, khi đất nước này vẫn còn gọi là xứ Đông Dương và ở Hàn Quốc năm 2000, đã có hai nhà văn cũng đã đi tìm về cái tự do của con người đó là Thế Lữ với bài thơ Nhớ rừng và Hwang-sun Mi với cuốn tiểu thuyết Cô gà mái xổng chuồng.
          Đầu tiên phải nói về hoàn cảnh tự do của hai nhân vật có sự khác nhau. Với chú hổ vườn bách thú là lời than thở về sự tự do bị tước đoạt.
“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.”
          Còn với cô gà mái công nghiệp, đó là mơ ước được vượt khỏi chiếc lồng sắt để được thấy thế giới bên ngoài và sống như cách mình mong muốn.
          “Mỗi lần trông các cô bạn gà mái ngoài vườn, Mầm Lá lại thấy chán ghét cái lưới sắt, đến độ bức bối. Cô cũng muốn được bới phân cùng Gà Trống, được sánh bước bên anh ta. Và dĩ nhiên, được ấp trứng như cô gà mái trong vườn.”
          Tuy có sự khác nhau, nhưng hai nhà văn bằng hai nhân vật của mình đã dẫn dắt người đọc đi tìm về tự do cá nhân của con người.
          Có lẽ hành trình đi tìm tự do chưa bao giờ là một chuyến đi vui vẻ mà còn có phần cô độc, đặc biệt là chặng đường đi tìm tự do của chính mình. Chúng ta có thể sống trong một tập thể, một xã hội nhưng liệu có ai thật lòng hòa hợp với cái tập thể mình đang sống mà không phải gò mình, cắt xén sao cho vừa cái khung chung, cho nên một tự do cá nhân chỉ mình mình hài lòng là hành trình cô độc chỉ bản thân mới trải qua được. Chú hổ vườn bách thú đã không còn tự do nữa giờ chỉ biết nhìn ra ngoài song sắt mà tiếc nuối, sự tiếc nuối này có con vật nào trong thảo cầm viên kia hiểu chăng?
“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.”
          Cô gà mái Mầm Lá khát khao vượt khỏi chiếc lồng, được tự mình ấp trứng đã phải đánh đổi gần như là mạng sống nhưng mọi con vật trong khu vườn có ai cảm thông, không ai cả, hành trình của Mầm Lá chỉ những kẻ cô độc như cô là Vịt Trời là còn có sự xót thương. 
    “Mình chỉ có một ước mơ: Được ấp trứng và nhìn thấy bé gà con chào đời. Nếu mình sinh ra là gà mái thì đó là giấc mộng đương nhiên có thể thực hiện được, vậy mà đến cuối cùng cũng chẳng thành hiện thực, lại chết như thế này đây.”
          Vậy có phải tự do là đi đôi với cô độc, một cá nhân tự do mãi mãi phải chịu lưu đày trong cảnh cô đơn. Hoàn toàn không, tự do đi đôi với lòng dũng cảm. Hành trình của chú hổ và cô gà mái có phần khác nhau nếu không phải nói là ngược nhau, một bên chiêm nghiệm về một cuộc sống đã mất, một bên đi tìm lẽ sống chính là được sống như mình muốn. Bi kịch của cả hai nhân vật có lẽ cũng là bi kịch chung của con người là luôn cô đơn trong xã hội, có thể sự cô đơn này không phải lúc nào cũng thường trực trong đời sống của con người nhưng cảm giác đó sẽ luôn xuất hiện khiến bản thân nhận ra chẳng ai hiểu mình cả và tất nhiên mình chẳng thể hiểu ai. Can đảm là dám thừa nhận bản thân trước giờ luôn một mình, vượt khỏi vùng an toàn để tìm một chốn phù hợp, nơi tâm hồn ta có thể sống trong an yên như nó vốn đã phải thế.
          Bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ nếu bỏ qua hoàn cảnh lịch sử của đất nước, nếu đó không phải lời than thở của một dân tộc bị đô hộ như lời những thầy cô giáo cần mẫn vẫn hay giảng thì ta còn lại gì ngoài một cá nhân tiếc nuối tự do hay ở Cô gà mái xổng chuồng về một nỗ lực giải phóng khỏi cái khung chung, cả hai trường hợp trên có lẽ sẽ hợp lý nếu xem sự chiêm nghiệm và đi tìm cũng chỉ là những giai đoạn trong đời sống con người. Chẳng phải khi chúng ta gia nhập một môi trường lạ như lớp học, công việc mới, ta phải đi theo khuôn khổ chung mà tiếc nuối quá khứ ta đã được dễ thở thế nào thì lúc này bản thân mỗi người không khác con hổ của Thế Lữ. Khi đã dần quen với công việc, khi ta đã trở thành một phần của guồng máy thì ta có khác gì những con gà công nghiệp của Hwang Sun-mi chỉ ăn rồi lại đẻ trứng, mỗi ngày như một nếu ta không vô tình có một suy nghĩ “ngớ ngẩn” rằng “Tại sao mình không thử làm gì khác?”
“Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.”
          “Mầm Lá là một cô gà mái thuộc giống gà công nghiệp. Tức là một cô gà mái được nuôi để lấy trứng. Từ khi được đưa vào trại gà, sống ở đây hơn một năm, Mầm Lá chỉ có một việc duy nhất là đẻ trứng. Cô chẳng được đi lại, chẳng được vỗ cánh, không thể thoát khỏi rào sắt, và cũng chẳng được ấp trứng. Tuy vậy Mầm Lá vẫn thầm mang trong mình một ước mơ mà không ai hay biết. Ước mơ đó nhen nhóm từ sau lần Mầm Lá trông thấy một cô gà mái ấp nở ra chú gà con rất đáng yêu, và dẫn chú bé đáng yêu ấy đi loanh quanh trong vườn.”
          Có lẽ trong xã hội, những người hướng đến tự do cá nhân cũng lạ lẫm vì họ như chẳng thể nào chịu được hai chữ yên phận, hiện tại không bao giờ là đủ, dường như nó vẫn còn kìm kẹp quá. Một nghịch lý nực cười là những người khao khát tự do trong đời sống cũng chính là những người mất tự do nhất, những sợi xích vô hình của đám đông đã “giúp” họ không đi chệch khỏi guồng máy được định sẵn. Vậy nên những kẻ đi tìm tự do mới trở nên nực cười trong mắt đám đông vì dám chối bỏ những lợi ích khi ở chung với cộng đồng mà lại đánh đổi chúng để có được một cuộc sống mà họ cho là đầy nguy hiểm khi họ không hiểu được cá nhân đó đã nhìn cuộc sống thế nào.
          Nhưng như vậy liệu có phải bứt khỏi đám đông, tự do tự tại là đủ? Có lẽ đó cũng là một kiểu tự do, một thứ tự do vô nghĩa. Mọi hành động, ước mơ của con người đều có thể xem là vô nghĩa nếu ta không ta đặt cho nó một ý nghĩa nào đó. Với chú hổ, tự do gắn với núi rừng và quyền lực thuở vàng kim còn với cô gà mái là một mái ấm hạnh phúc gia đình khi tự mình có thể ấp trứng và nuôi con và chúng ta có khác gì không? Chúng ta thức dậy mỗi ngày, làm việc nếu không tự cho mình một ý nghĩa, một lý do thì chẳng phải những gì là vô nghĩa sao? Hành trình của tự do không phải chỉ cần mỗi sự bước đi mà còn cả sự sáng suốt, tự bản thân phải tự hướng tự do cho mình. Nếu xét theo nghĩa nào đó, tự do cũng chỉ là một ảo vọng, trong bài hát Rối người của nhóm Da LAB có phần của ca sĩ Mpakk khiến tôi suy ngẫm.
“Vì tao nhỏ bé còn trần nhà mênh mông
Mười năm một câu hỏi rằng “thật ra mày là ai””
Vẫn chưa thể trả lời, đâu là đúng đâu là sai
Và tao vẫn thấy lạc lõng cô đơn giữa đám đông
Hay vẫn thấy sợ hãi khi một mình gặp cơn giông
Thoát ra, trong cái lồng lớn hơn
Chân lý ngày hôm trước, hôm nay chỉ bỡn cợt”
          Tự do suy cho cùng cũng chỉ là thoát khỏi một cái lồng để đến với một cái lồng khác to lớn hơn, phù hợp thì ta ở, không hợp ta lại đi, một vòng lặp Sisyphus cứ thế lặp đi lặp lại. Nhưng tôi nghĩ quan trọng của quá trình tìm kiếm tự do không phải là đích đến mà là chặng đường đi đến nó, vì trong quá trình tìm kiếm, ta đã tìm được ý nghĩa tự do cho chính mình.
          Và ở chặng cuối cùng của hành trình dù đã đến được đích hay chưa ta cũng phải đối mặt với cái chết.
“Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”
          “Mầm Lá vừa nhìn vào đôi mắt hõm sâu của mụ Chồn vừa hình dung đến đám trẻ con mềm oặt. Những cục thịt đỏ mềm yếu. Không hiểu sao Mầm Lá cảm thấy chúng giống như quả trứng cuối cùng mà Mầm Lá đẻ ra. Chẳng có vỏ cứng nên bị vứt ra sân vườn. Thật đáng thương. Mỗi khi nghĩ lại, ký ức đau lòng ấy như cào cấu ruột gan Mầm Lá. Toàn thân Mầm Lá muốn đông cứng lại.
          Giờ đây cô không thể chạy trốn được nữa. Cô không có lý do mà cũng chẳng còn chút sức lực nào để chạy trốn.
          “Nào, hãy ăn thịt ta đi. Và cho lũ con của ngươi cũng no bụng.”
          Mầm Lá nhắm mắt. Trong giây lát cổ cô như bị thắt chặt lại. Cứ tưởng là sẽ đau đớn lắm nhưng ngược lại, các đốt xương lại có cảm giác dễ chịu vô cùng.”
          Đích đến của con người dù ta có gắng gượng ra sao cũng chỉ là cái chết, vậy tự do cuối cùng cũng phải chịu khuất phục trước cái chết ư? Cũng chẳng phải nốt. Chú hổ vườn bách thú dứt lời tâm sự không ai biết nó sẽ ra sao, vẫn phải ở đó hay được thả về rừng không ai hay nhưng ta biết nó đã chấp nhận sự giam cầm về thân xác nhưng linh hồn vẫn sẽ tồn tại cùng rừng thẳm. Cô gà mái Mầm Lá đối diện với mụ Chồn đã chẳng hề chạy trốn mà còn chấp nhận hiến thân mình không một sợ hãi, đó không phải là sự thất bại trước cái chết mà còn có phần chiến thắng khi xem cái chết là điều tất nhiên. Khi đã tìm được ý nghĩa của tự do thì cái chết cũng chỉ là một bến dừng trong một chuyến đi đã quá dài để ta nghỉ ngơi.
           Và ở cuối bài viết, người viết vẫn chỉ là một kẻ đi trên con đường tìm đến tự do của chính mình  và cũng chẳng có gì để dạy cho bất kỳ ai về tự do của họ. Tôi chỉ chúc bạn, người đọc bài viết này có thể tìm được ý nghĩa sống của đời mình.